Phiêu mị hồn tháp Chàm

Thứ Hai, 24/09/2007, 08:18
Nếu xếp những ngôi đền tháp mà UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa thế giới: khu di tích Mỹ Sơn - Việt Nam, cố đô Lào Luang Prabang, Ăngkor Vat (Campuchia), Budobudur (Indonesia) và những ngôi đền đồ sộ, bí ẩn Ấn Độ giáo bên cạnh nhau, ta sẽ được từ trường của cái đẹp.

Quần thể tháp Chàm nơi di tích Mỹ Sơn, không kì vĩ như Ăngkor, không lộn xộn và ẩn giấu một vẻ đẹp tinh xảo đến phức tạp như Budobudur, không hiền hòa và nhân hậu như Luang Prabang, nhưng nó mang sức hút của vẻ đẹp nhiều năng lượng trong từ trường ấy. Vẻ đẹp và năng lượng, chuyển hóa và biến ảo trong nhau, không tự mình ấn định vào bất kỳ dạng thức nào. Vẻ đẹp và năng lượng, đồng điệu tương bích.

Nếu đền tháp Ăngkor Vat với nụ cười Bayon vô cùng ấn tượng thì tháp Chàm Mỹ Sơn là đôi mắt đầy phiêu miên. Nếu Luang Prabang là nét môi khiêm cung và từ hòa thì tháp Chàm Mỹ Sơn là ánh mắt sung tràn tuệ nhãn. Nếu Budobudur là gương mặt trầm thâm thì tháp Chàm Mỹ Sơn là uy phiêu cái nhìn. Tháp Chàm hay đó là hình ảnh sự bảo toàn và chuyển hoá năng lượng của vẻ đẹp chứa trong mình cái hồn phiêu mị...

Cái đẹp và năng lượng tháp Chàm

Tôi vẫn thường tự hỏi rằng năng lượng sinh ra cái đẹp hay cái đẹp sinh ra năng lượng. Cái đẹp vốn mong manh, năng lượng thì ẩn tàng. Những mong manh trong một trật tự, theo thể thống nhất thì chất chứa nhiều xung lực. Như Mỹ Sơn, rừng rậm đã từng nuốt chửng những ngôi tháp đầy sinh lực, sự lãng quên đã từng phủ màu hoài niệm lên đỉnh tháp, chiến tranh làm đổ nát bao cổ tháp, nhưng những tháp Chàm vẫn tụ linh thật nhiều năng lượng.

Những tượng Chàm cụt đầu như vẫn chưa hề thôi vũ điệu thắp lửa trời Phan Rang, như vẫn nồng nàn say men rượu Đồ Bàn. Những phế tích gạch đá vẫn gợi lên bao điều bí huyền. Mê cung những mảng tường, cửa giả, nền móng, cột ốp, ô khám, đường gờ, bệ đỡ, diềm mái... được lột tả đến từng chi tiết trong sự lo sợ khoảng trống với hoa văn kì ảo và thuần Chăm vẫn không nguôi dòng thi ca.

Nhạn tháp, ngọn hải đăng bên cửa sông Đà Rằng, như con mắt trên trán thần Parasvara, vẫn phiêu hút những Chàm lực. Dẫu bí mật những huyền thoại xưa hàng trăm năm vùi mình trong đống gạch vỡ phế tích thành đô có thể được hé mở nhưng những linh hồn tháp Chàm khó mà tái tạo lại.

Bởi tháp Chàm xưa đã tích tụ và dồn nén cả ngàn năm trong từng phiến gạch Chàm, trong từng thớ đá Chàm, trong từng ngọn dương xỉ Chàm. Bởi tháp Chàm xưa đã hút vào trong lòng mình cả tiếng kèn biyên, nhịp trống ginang âm vang mùa lễ hội Rija Nưga, cả sự đối nghịch của thiên nhiên miền cát nắng, cả giọng thở than của lửa, tiếng cười mê sảng của thiêu ma...

Quyện hòa vào nhau, chúng níu giữ thời gian ở lại trong mỗi lòng tháp và trong cả không gian thánh địa. Thời gian quấn thít thân tháp, xiết từ từ những vòng tháp. Từng phiến Chămpa tan rụng, từng mảng sa thạch vụn vỡ, từng giọt Chàm ứa ra trong đục. Hồn tháp nương trú vào yoni và linga...

Thứ thời gian đã thanh lọc qua từng rãnh gạch Chàm, qua mỗi vệt điêu khắc đá Chàm, thế nên bình minh rất muộn. Và hoàng hôn mặc nhiên cũng rất lâu. Chỉ khi đỉnh trưa, tháp Chàm giao tuyến với trời xanh thu về mình những tia nắng của ngày. Ánh sáng lạc vào đây sẽ không sao thoát được sự trùng điệp của những tầng tháp và nét mặt nghiêm nghị của các môn thần.

Rồi còn ngọn lửa và âm nhạc Chăm, vũ hội và thi ca Chăm nữa. Ánh nắng lọt vào thánh địa này sẽ uốn cong, không gian sẽ trở nên cô đặc mị huyền. Và ban mai trầm màu hơn thế...

Nắng từ thế kỉ dựng tháp Pôrômê hành hương về xứ Chàm trên ngọn gió Chiên Đàn những mong tìm lại dấu xưa vệt ký ức. Chững lại trước vòm cong một ngôi tháp, trước những linh vật thờ bằng đá và đồ tùy táng, nắng đọc những nét chữ Chăm cổ mòn vẹt trên bia kí, đọc ra lời than thở lở lói của tượng Chàm, đọc nên câu sấm truyền bí hiểm với mai sau.

Theo đường vung chiếc roi mây của ông thầy chủ lễ, nắng chui vào giọt Chàm đắm mình trong niềm hứng khởi với vẻ đẹp mê hồn những ngôi tháp để nghe kể về giấc mộng phiêu tình của các vị thần linh.

Phiêu mị một tình yêu

Khi lễ cầu mưa YôrYang đi vào thời khắc linh nghiệm, dòng thiên thủy ập xối những bụi phàm, giọt Chàm bỗng cựa mình lớn dậy thành một ngôi tháp hun hút đẹp, vươn lên mạnh mẽ sức sống và đỏ sực thế dương, như ước mơ vươn tới trời xanh đầy gió để tích chứa ngàn năm niềm phấn khích, đắm cuồng trong không gian lạ trầm và màu nắng huyền mê. Ngôi tháp đang vươn lên ấy phải chăng là hình ảnh sự bảo toàn và chuyển hóa năng lượng của cái đẹp mị miên...

Trong giấc mơ phiêu tình, thần linh đã ước mong ở lại vùng đất linh quyến giữa những nghiệt khắc của nắng, gió và cát này. Ở đó, thử thách của lòng tin được tột bậc đẩy về hai phía, tận cùng âm và dương. Ở đó, cung bậc của tình yêu được rung động đến bất tận thời gian. Ở đó, trải nghiệm của linh thức được mở rộng tới biên độ của hạnh phúc và khổ đau.

Có phải vì thế mà khi rời xa nơi đây, thần linh đã để lại những giọt Chàm đẹp mê đắm với một niềm hưng phấn ngàn năm. Có phải vì thế mà thần linh đã mã hóa giấc chiêm bao mình trong những nét hoa văn mặc ẩn của tháp Chàm.

Đó là cái nhìn hiện thực của con người trong cõi nhân gian về ước mơ của thần linh hay chỉ là sự tự huyền hoặc của tháp Chàm về vẻ đẹp của chính mình.--PageBreak--

Tại sao những vị thần bất tử kia lại muốn rời bỏ sự bất tử của mình để xuống cõi phàm sống đời trần thế nhiều bất trắc và khổ đau? Tại sao những vị thần không còn tử sinh kia lại muốn trút bỏ đôi cánh của thần thánh để rơi vào vòng quay của hủy diệt tái sinh, của thăng trầm dâu bể?

Những câu hỏi cứ tự nhiên xuất hiện khi ta đứng trước vẻ đẹp tụ linh của khu di tích Mỹ Sơn. Đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó, tôi rơi vào một không gian lạ huyền.

Trở về thời gian xưa xa, ta thấy các vị thần Ấn Độ giáo có một trò chơi linh thánh: tình dục. Chuyện kể rằng, thế giới này là một trò chơi vĩnh cửu của thần thánh, vũ trụ này được sinh ra trong niềm hân hoan của thần thánh. Thế nên có những hình thức văn hóa được thể hiện bằng cách pha trộn giữa tính dục và tôn giáo.

Ở xứ sở sông Hằng, người dân đã có cả một ngôi đền về giới tính mang tên Khajuraho với ngàn vạn bức phù điêu và một cuốn sách nổi tiếng Kamasutra để bày tỏ và phô diễn trò chơi linh thánh ấy trong những kiểu cách và tư thế đầy hân hoan.

Và không có hình ảnh nào diễn tả được chính xác trạng thái giải thoát moksha, đạt tới cảnh giới nirvana bằng cảnh giao hoan. Sự giao hợp thần thánh, sự tiếp xúc xác thịt giữa linga và yoni gây ra niềm khoái lạc vô biên, sáng tạo thế giới sinh sôi và phát triển (nếu chúng ta tham gia vào niềm hân hoan này thì chúng ta cũng đang sáng tạo), nhưng đồng thời nó cũng là nhân tố dẫn đến sự hủy diệt chết chóc, như một biện chứng.

Cái chết là bóng tối đè nặng lên nỗi ám ảnh con người. Ở mỗi khoảnh khắc, cái chết đều đến với chúng ta, dẫn ta đến bên bờ cõi tử, ngay cả khi chúng ta vừa cất tiếng khóc chào đời. Trong niềm vui của tình yêu, của hy vọng, nỗi ham muốn khát khao và nỗi buồn của cái chết cùng những thất bại trong cuộc sống luôn song hành. Nhưng từ cái chết lại nảy sinh niềm ham muốn tồn tại nên cái chết không phải điểm kết thúc, nó là điểm xuất phát mới.

Và cứ thế, cuộc sống vẫn mãi tiếp tục dòng chảy đều đặn và bi thiết của mình. Trong trò chơi linh thánh ấy, sự giải thoát con người khỏi chuỗi mắt xích luân hồi sinh tử chính là sự vượt qua ranh giới của thời gian, không gian, là sự hợp nhất của cái tôi nhỏ bé hạn hẹp atman vào linh hồn vũ trụ bất diệt brahman.

Còn với tháp Chàm, có lẽ đã vượt thoát khỏi trò chơi linh thánh mà trở nên một tình yêu phiêu mị. Ra khỏi cõi bất tử, cùng chiêm nữ xuống sông đội nước rồi dắt nhau đi về phía nước mắt và tình yêu bằng những bước chân huyền du và nồng say theo tiếng gọi của trái tim, thần linh có hiểu được cái đẹp vừa hỗn mang hồng hoang vừa gấp gáp đương đại nơi trần thế?

Chỉ biết rằng những tháp Chàm vẫn tụ nhiều năng lượng: trong ánh mắt Chăm cong vút, trong vũ điệu ápsara. Một thứ năng lượng phiêu huyền không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chuyển hóa từ đôi bàn tay cong cong năm ngón ngũ hành sang cái uyển chuyển của đôi chân, từ điệu kèn uyên thanh sang tiếng trống baranưng, năng lượng từ tầng cao ngôi tháp sang sự chuyển động vòng quanh của ánh sáng...

Nếu tượng Chàm bị cụt đầu thì năng lượng biến hóa vào sự trầm rêu của thân thể, năng lượng tích tụ vào tâm đá rồi năng lượng khai phóng ra điệu vũ. Nếu tượng Chàm đứng im thì năng lượng âm ỉ trong lòng tháp để khi trăng lên lại bắt đầu khúc luân vũ ngàn năm. Nếu đổ nát tháp Chàm thì năng lượng tiềm sinh nơi linga và yoni để cân bằng lại âm dương. Nếu điêu linh cổ tháp thì vẫn bền chặt những viên gạch Chàm, vẫn bền bỉ từng phiến Chămpa...

Những năng lượng vẫn tuần hoàn và không tuần hoàn biến đổi và bảo toàn trong từ trường của cái đẹp, trong khu di tích Mỹ Sơn, trong từng ngôi tháp. Tháp Chàm như vậy đó, với biết bao biến cố trong vận mệnh mình: hạnh phúc và khổ đau, tự do và ràng buộc, linh thánh và trần tục, nhục cảm và thanh khiết, khoảnh khắc và vĩnh cửu, vẫn đắm đuối một tình yêu phiêu mị...

Lê Bảo Âu Long
.
.