Nghiện Internet hại hơn rượu

Thứ Bảy, 25/02/2012, 16:16
Các nhà khoa học đã tìm thấy những biến thái trong não của các “tín đồ mạng”. Những người này cũng có biểu hiện tương tự về thần kinh như những “đệ tử Lưu Linh”.

Nghiện gì cũng hại

Theo báo Nga Komsomolskaya Pravda, các “tín đồ mạng” cũng có những biểu hiện rối loạn tâm lý như những “đệ tử Lưu Linh” hay thậm chí những con nghiện ma túy.

Đó là kết luận của một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của TS Hao Lei, thuộc Trung tâm Nghiên cứu cộng hưởng từ của chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại thành phố Vũ Hán.

Các nhà nghiên cứu đã  sử dụng máy chụp cắt lớp để chụp não của 17 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 tới 21, có biểu hiện là “tín đồ mạng”. Đó là những người đã trả lời là có trước câu hỏi về việc có phải họ đã cố gắng không chỉ một lần hạn chế niềm đam mê vào mạng Internet của mình nhưng đều không thành công hay không. Các nhà khoa học gọi những người như thế là “thổ dân vương quốc số” vì những kinh nghiệm chất chồng của họ trong thế giới ảo với thời gian lên tới trên cả chục giờ mỗi ngày ngồi lỳ bên máy tính. Và những người này đã đốt đời mình với các cuộc lang thang bất tận trong  thế giới ảo và đủ mọi trò giải trí cả có ích lẫn vô bổ.

Các bức điện não đồ chụp não những “thổ dân vương quốc số” đã được sử dụng để so sánh với các bức điện não đồ của 16 người không bao giờ lạm dụng mạng Internet. Và các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hóa ra là, chất trắng trong của các “thổ dân vương quốc số”, các blogger và games thủ bị tổn thương ở những khu vực chịu trách nhiệm về tiếp nhận cảm xúc, kiểm soát hành vi và tốc độ đưa ra các quyết định.

Chất trắng của não được coi như một loại hồ đặc biệt, đa số là các sợi giúp cho các mối liên kết giữa các tế bào thần kinh được diễn ra nhanh chóng. Những sợi thần kinh này được tách ly bằng chất myelin do tế bào Oligodendroglia tạo nên. Màu trắng đặc trưng trong chất trắng của não do màu trắng của chất myelin mà ra. Khi mối liên kết đó bị trục trặc hoặc hoàn toàn đứt đoạn thì “địa chỉ bạn cần gọi nằm ngoài vùng phủ sóng”. Thí dụ, các games thủ trong cơn say chơi trên mạng có thể quên cả ăn cả uống. Những khiếm khuyết  như thế cũng đã từng được tìm thấy trong não của những tay nát rượu. Và của các con nghiện ma túy.

Thói quen xấu? Thích lắm!

Một tổn thương não khác, không kém phần nghiêm trọng, tuy nhiên, chỉ ở các games thủ đã được các nhà khoa học thuộc Đại học Gent (UGent) ở Bỉ tìm thấy. Hóa ra là, tất cả những ai mê chơi video games đều bị mắc chứng phồng bộ phận trong não có tên gọi là vùng vân bụng (ventral striatum). Đây chính là một dạng trung tâm khen thưởng và khoái cảm.

Theo lý giải của nữ Trưởng Khoa Tâm thần, thuộc Viện Tâm lý ở bang New York, TS Nina Urban, vùng vân bụng phóng thích dopamine. Chúng ta cần biết rằng, đấy là loại hormon, một neurotransmitter ở não bộ có nhiều chức năng. Ngoài việc tạo cảm giác sung sướng khi ăn no chẳng hạn, sự xáo trộn của dopamine có thể gây ra bệnh tâm thần phân liệt (Schizophrenia) và bệnh Parkinson. Tùy ở những vùng não mà chất dopamine bị xáo trộn, nó gây ra nhiều bệnh hoàn toàn khác nhau. Ăn uống và sex là hai hành vi chính kích thích nhóm tế bào tiết ra dopamine. Vai trò của dopamine là khuyến khích những động tác và hành vi đem đến khoái lạc và thúc giục ta có thêm những hành vi đó nữa. Các games thủ trong cơn say mê trên mạng của mình đã làm cho vùng vân bụng phình to ra bởi phải phóng thích quá nhiều dopamine. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra như thế ở những người uống nhiều rượu. Chính nó trở thành nguyên nhân dẫn tới căn bệnh nghiện vào mạng.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã mời một nhóm 154 thiếu niên ở độ tuổi 14. Chúng được phân thành hai nhóm games thủ. Nhóm thứ nhất trong nửa năm liền được chơi mỗi tuần 4 giờ trên mạng, nhóm thứ hai - 21 giờ mỗi tuần.  Khi những thiếu niên tham gia nghiên cứu này được chụp cắt lớp não, thì các nhà khoa học đã thấy rằng, chỉ ở nhóm thứ hai mới có hiện tượng phồng vùng vân bụng. Và các nhà khoa học cũng thấy rõ rằng, “trung tâm sung sướng” phồng lên mạnh nhất chính ở thời điểm games bị thua, tức là quá trình chơi hóa ra quan trọng hơn phần thưởng được nhận.

“Nát” mạng

Các “thổ dân vương quốc số” cũng có thể bị vật vã kinh hoàng khi chúng bị cấm đụng vào máy tính trong một thời gian nào đó. Đây là kết luận của một nhóm sinh viên thuộc Trường Đại học Tổng hợp thành phố Anh Bournermuth. Nhóm sinh viên này trong vòng một ngày tự nguyện chối bỏ hoàn toàn, không đụng vào mạng Internet, không sử dụng điện thoại di động, không xem truyền hình, không nghe nhạc và sau đó viết lại những cảm giác mà họ cảm thấy trong thời gian “chay tịnh” đó vào một blog đặc biệt. Đây là một trong những ghi chép đó: “Tối đến tôi quyết định thay vì lang thang trên mạng thì đi đọc một cuốn sách, nhưng việc thiếu Yoủube, Skype và Facebook cứ gặm nhấm não tôi. Và tới nửa đêm, không đừng được nữa, tôi đã phải bật máy tính lên và chưa bao giờ Internet lại tạo cho tôi niềm hứng khởi lớn như thế…”.

- Mỗi một thông báo điện tử mà người sử dụng mạng Internet nhận được  khi bật máy lên đã cho họ một khẩu phần dopamine kích thích cảm giác sung sướng và thỏa mãn, -  GS tâm lý học John Rayti ở Đại học Harvard nhận định - Nhưng đó chỉ là một khẩu phần nhỏ. Nhưng con người thì lại chỉ muốn thêm nữa những kích thích như thế nên cứ vào đi vào lại hộp thư của mình. Hiện tượng này cũng đâu có khác như nghiện ma túy.

GS Rayti cho rằng, quá trình phóng thích dopamine trở nên mạnh mẽ hơn những khi ta đang chờ đợi một cái gì đó hay ho nhưng lại không rõ ở mức độ như thế nào. Tình trạng không xác định đó càng làm gia tăng  cường độ phóng thích dopamine và càng làm cho ta thêm phần ham muốn. Khi nhìn thấy thông báo có tin nhắn mới, ta vẫn còn chưa biết nội dung của nó ra sao, tức  là ta còn chưa biết nó có thể làm ta thích thú đến đâu. Nhưng ta đã hy vọng sẽ nhận được khẩu phần dopamine của mình, nếu nó làm cho ta thỏa mãn. Nói một cách hình ảnh, phần thưởng được đưa ra trước mắt trong một tiết tấu nhất định và chỉ cần ta bỏ ra chút ít công sức để thử nhận lấy phần của mình. Và thế là dần dà ta trở thành “nát” mạng, giống như nát rượu.

Các nhà khoa học dự đoán rằng, tình trạng tương tự như trên sẽ trở nên tệ hại hơn khi kỹ nghệ điện tử có thể được cài vào cơ thể con người và não nhân tạo hòa đồng được với não tự nhiên…

“Hormon vòng ôm ấm áp”

TS triết học Michael Chorost, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Trí tuệ toàn thế giới từng được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng đồng tình với ý kiến trên và nhận xét:

- Ở những người nghiện mạng sẽ không có được một chất quan trọng khác, đó là oxytocin.

Chất này từng được phát hiện từ năm 1952. Cho đến quá nửa thập niên 80 thế kỷ trước, người ta chỉ biết oxytocin là một hormon của thùy sau tuyến yên, có chức năng hỗ trợ tiết sữa, làm co bóp cơ tử cung (dùng gây chuyển dạ, thúc đẻ); ép các mạch máu cơ tử cung (dùng cầm máu trong sản phụ khoa). Tuy nhiên, vào cuối thập niên thứ tám của thế kỷ XX, đặc biệt là vào thập niên đầu thế kỷ XXI, các nhà khoa học phát hiện ra nhiều điều lý thú về hormon này như chức năng kích thích tình dục, điều chỉnh hành vi...

TS Chorost gọi oxytocin là “hormon vòng ôm ấm áp”. Theo ông, chất này tác động hoàn toàn không giống như dopamine. Sự có mặt của nó sẽ tạo ra cảm giác thư giãn và tin cậy. Nhưng nó chỉ được phóng thích trong những giao tiếp thật.

Oxytocin được phóng thích một cách từ từ, chậm rãi, tác động đến những khu vực rộng lớn trong não bộ và biến mất một cách vô cùng mau lẹ. Bằng cách này con người đang có giao tiếp thật sẽ duy trì được khá lâu cảm giác yên tâm và mãn nguyện.  Hơn thế nữa, như những thí nghiệm từng được tiến hành với loài chuột cho thấy, oxytocin làm giảm cơn thèm ma túy. Và có thể làm giảm cả nhu cầu thường xuyên gia tăng khẩu phần để thỏa mãn cơn nghiện.

TS Chorost cũng nhấn mạnh:

- Tất nhiên, tôi không kêu gọi tất cả hãy rời bỏ mạng Internet ngay. Nhưng cần cân bằng cuộc sống cả bằng những giao tiếp thật nữa và phải hiểu rằng, giao tiếp thật cũng quý giá không kém gì những giao tiếp trên mạng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay có khoảng từ 5% tới 10% những người thường xuyên vào mạng đã bị “nát” mạng và không còn khả năng kiểm soát được liều lượng thời gian ngồi lỳ bên máy tính. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, các  tác giả của những công trình nghiên cứu trên vẫn chưa thể khẳng định được rằng, những biến thái trong cơ thể các “tín đồ mạng” là nguyên nhân hay hậu quả của thói “nát” mạng. Cũng có thể, có một số người do bị biến thái bẩm sinh như thế nên mặc nhiên từ nhỏ đã mang trong mình sự mê muội với thế giới ảo?

Khánh Hưng
.
.