Máu trẻ - Kéo thời gian quay trở lại?

Thứ Năm, 10/09/2015, 09:56
Có khả năng một hoặc nhiều protein có trong máu của những người ít tuổi có thể trẻ hóa một loạt các cơ quan bao gồm cả não của người già. Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng máu của các cá thể trẻ có thể được truyền cho các các thể lớn tuổi và quá trình này ảnh hưởng tích cực lên hoạt động của não như cải thiện việc học tập và ghi nhớ cũng như sản sinh ra các tế bào não mới. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng trong máu có một số yếu tố đóng vai “sứ giả”, chẳng hạn như các hormone hoặc yếu tố kích thích tăng trưởng.

Thần dược của tương lai

Từ năm 1950, Tiến sĩ Clive M. McCay và đồng nghiệp của ông tại Đại học Cornell đã thử nghiệm việc truyền máu của những con chuột trẻ sang những con già hơn. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phẫu thuật, khiến đôi chuột một già một trẻ, dính chặt với nhau trong 5 tuần. Họ đã nối các mạch máu của hai con chuột thí nghiệm để máu của con chuột trẻ tham gia vào hệ tuần hoàn của con chuột già. 

Máu của chuột trẻ kích hoạt tế bào gốc của chuột già, kích thích tái tạo cơ tổn thương. Tuy nhiên, cũng xuất hiện tác dụng phụ. Thương tổn của con chuột trẻ tồi tệ hơn, do tiếp xúc với máu con già. Phẫu thuật sau đó cho thấy các mô sụn của những con chuột già có sự thay đổi. Cơ bắp và xương của con chuột dùng máu của chuột trẻ hồi phục nhanh hơn và có sự gia tăng số lượng tế bào não mới ở phần não liên quan đến chức năng ghi nhớ.

Để xác định những hợp chất này, Giáo sư Amy J. Wargers, Đại học Harvard đã đối chiếu máu của các con chuột thí nghiệm. Họ tìm thấy một loại protein gọi là GDF11 rất dồi dào ở chuột trẻ, khi được tiêm GDF11, tim của những con chuột già đều có dấu hiệu trẻ hóa. GDF11 có khả năng hồi sinh tế bào gốc trong cơ già nua và làm cho con chuột già mạnh mẽ hơn, tăng sức chịu đựng của nó.

Những thay đổi có thể nhận thấy bằng nhiều cách, ADN của tế bào gốc cơ bắp cũ đã được sửa chữa; sợi cơ và cấu trúc tế bào được gọi là mitochondria trở nên khỏe mạnh; sức mạnh nắm được cải thiện; và những con chuột đã có thể chạy trên máy chạy bộ. Cũng qua các thử nghiệm, một loại protein mang tên CCL11 tìm thấy nhiều hơn ở chuột già khi được truyền vào chuột non đã làm suy yếu việc sản sinh các tế bào não và làm suy giảm trí nhớ.

Năm 2011, Saul Villeda và các đồng nghiệp của ông nghiên cứu về tác động của máu chuột trẻ với não bộ của những con chuột già. Villeda cắt nhỏ não chuột thành những lát mỏng dày 1/25 mm bằng cách sử dụng dao cắt vi phẫu. Sau đó ông gom nhiều lát não của 40 con chuột, nhuộm và làm hiện ra các tế bào thần kinh tân sinh. Dưới kính hiển vi, tế bào não tân sinh trông như những cái cây màu nâu nhỏ xíu. Họ đã phát hiện một sự phát triển của các tế bào thần kinh mới trong vùng não bộ được coi là quan trọng trong việc hình thành ký ức.

Trong một báo cáo, nhóm nghiên cứu cho thấy sự phát triển của các mạch máu trong não sau khi được cung cấp máu mới và đem lại khả năng nhận biết mùi tốt hơn cho những con chuột già. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng các “hợp chất truyền tin” như các hocmon và các yếu tố tăng trưởng trong máu có thể tác động làm trẻ hóa trong các nghiên cứu trên chuột. Việc điều trị một cơ quan bị già hóa bằng máu chuột trẻ có thể tạo ra một sự thúc đẩy các chất truyền tin trẻ và điều đó có tác dụng nạp lại bộ não bị già hóa và có thể là cả các cơ quan khác.

Các nghiên cứu ở động vật đã chỉ ra rằng máu của con vật còn trẻ có thể triệt tiêu một số tác động của lão hóa trong não bộ của con vật già hơn như khả năng học và nhớ, hoặc việc tạo ra các tế bào não mới. 

Giáo sư Tony Wyss-Coray.

Trong công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí JAMA Neurology, Giáo sư thần kinh học Tony Wyss-Coray Đại học Stanford đã phát hiện ra rằng, sau khi bị chấn thương, con chuột già cho thấy có những cải thiện tốt hơn ở cơ và xương nếu được truyền máu từ con chuột còn trẻ. Các thử nghiệm tiếp theo chỉ ra rằng chuột già được truyền máu non cho thấy có sự gia tăng về số các tế bào não mới ở phần não liên quan đến trí nhớ. Trong thử nghiệm, chuột già được truyền máu chuột non cho thấy đã có thể tìm ra được cái bục giấu trong một mê cung nước dễ dàng hơn so với những con chuột được nhận máu từ chuột già.

Hy vọng vẫn còn quá sớm

Giờ đây, những nghiên cứu về máu trẻ và sự lão hóa đã có những chuyển biến đáng kể. Một vài giả thiết được đưa ra, rằng máu của người trẻ chứa một loại thuốc giải chống lại sự tàn phá của tuổi già. 

Tháng 10/2014, Tony Wyss-Coray bắt đầu thử nghiệm trên người. Tại Đại học Y Stanford, huyết tương trong máu của người trẻ được truyền vào người cao tuổi mắc bệnh Alzheimer (một dạng suy thoái trí nhớ). Công bố trên tạp chí JAMA Neurology, Giáo sư Tony Wyss-Coray cho rằng: “Có khả năng một hoặc nhiều protein có trong máu của những người trẻ tuổi có thể trẻ hóa một loạt các cơ quan bao gồm cả não của người già. Đây là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chương trình nghiên cứu của chúng tôi”.

Giáo sư Tony Wyss-Coray không phải là người đầu tiên đi tìm đáp án cho câu hỏi lão hóa nằm trong máu người. Một trong những thầy thuốc đầu tiên đề xuất truyền máu cho người cao tuổi là Andreas Libavius - bác sĩ kiêm nhà giả kim người Đức. 

Năm 1615, ông đề xuất nối mạch máu một ông già vào một thanh niên. “Nhiệt huyết trong người một thanh niên sẽ truyền sang một ông già như suối nguồn tươi trẻ, xua tan mọi sự ốm yếu,” Sally Rudmann trích lại lời ông trong Giáo khoa về Ngân hàng Máu và Truyền máu Y khoa. Không ai rõ kết quả thế nào, không có ghi chép về quá trình truyền máu.

Robert Boyle, một trong những hội viên sáng lập Hiệp hội Hoàng gia thành lập ở London năm 1660 với giả thuyết có thể kéo dài sự sống bằng cách thay máu cũ bằng máu mới. Thời đó, các nhà khoa học chưa có khái niệm nhóm máu, hay yếu tố đông máu. Do đó, các thí nghiệm truyền máu đều gây chết người. Chẳng bao lâu, Pháp, Anh và nhiều nước khác ban lệnh cấm thử nghiệm. 

Hai con chuột thí nghiệm được phẫu thuật dính liền nhau, cùng chung một hệ tuần hoàn.

Giáo hoàng tuyên bố lệnh cấm năm 1679, nghiên cứu truyền máu bị gián đoạn trong một thế kỷ. Đã 400 năm kể từ lúc Libavius đề xuất truyền máu người trẻ sang người già. Lúc đó, ý tưởng của ông quá cấp tiến và nguy hiểm. Mặc dù khoa học hiện đại đã thành công trong việc tiếp máu an toàn, nhưng máu người luôn là chất lỏng bí ẩn. Có tới hơn 700 protein và những chất khác chạy suốt cơ thể người. Nhiều chất được nhận dạng, nhưng cơ chế làm việc của chúng vẫn rất mơ hồ.

Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về các tác dụng của máu non và vẫn còn chưa rõ ràng rằng quá trình trị liệu này có tác dụng ở người hay không. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay khi mà không có cách điều trị nào đối với các căn bệnh suy nhược như bệnh Alzheimer, và trước độ tương đối an toàn của các sản phẩm huyết tương, thì cách tiếp cận hấp dẫn có thể chính là việc cung cấp cho người bệnh cao tuổi huyết tương của người trẻ tuổi để sửa chữa sự tổn hại do bệnh già gây ra. 

Tại khu thí nghiệm của Alkahest ở đại học Y Stanford, chuyên gia thần kinh học hành vi Sharon Sha phụ trách thử nghiệm lâm sàng trên quy mô nhỏ. 18 người từ 50-90 tuổi, mắc chứng Alzheimer thể nhẹ đến trung bình tham gia nghiên cứu. Mỗi người được truyền một đơn vị huyết tương trẻ hoặc nước muối mỗi tuần một lần, trong vòng 4 tuần. 

Trong suốt quá trình thử nghiệm, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng cải thiện nhận thức của bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong thử nghiệm này như: Huyết tương được hiến từ người dưới 30 tuổi, có lẽ không đủ mạnh để trẻ hóa. Hoặc bệnh mắc bệnh quá nặng, không thể chữa trị. Nếu tình trạng bệnh thực sự được cải thiện, hẳn sẽ đây sẽ là tin tốt lành cho những bệnh nhân mắc chứng bệnh này.

“Chúng tôi có thể quay ngược thời gian, thay vì làm chậm quá trình lão hóa” - Tiến sĩ Toren Finkel, Giám đốc Trung tâm Y học phân tử tại National Heart nói. Những nhà nghiên cứu hy vọng các thí nghiệm trên chuột sẽ dẫn đến các nghiên cứu trên người để xem liệu các phiên bản GDF11, hoặc phân tử khác trong máu người trẻ có tác dụng như thế nào. Có thể trong tương lai thay vì dùng nhiều loại thuốc để trẻ hóa cơ thể, con người chỉ cần duy nhất một loại hợp chất mà thôi. 

Nhưng điều này cũng có thể mang lại những hệ lụy nhất định. Các tế bào gốc được trẻ hóa có thể dẫn đến sự mất kiểm soát nhân của chúng, điều này sẽ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Vẫn còn quá sớm để tiến hành truyền máu trẻ để giúp trẻ hóa người cao tuổi. Trong tương lai, nếu điều này trở thành sự thật thì ngành y học và cả nhân loại sẽ tiến thêm được một bước rất dài.

Đình Nguyễn
.
.