Thế giơicó chung một ngày thơ quốc tế 21/3:

Lễ hội xích lại gần nhau

Thứ Năm, 17/04/2014, 13:56
Hầu như chẳng có hoạt động gì ở nước ta liên quan tới Ngày Thơ quốc tế 21/3. Có lẽ không phải những người yêu thơ đã cảm thấy quá đủ với một Ngày thơ quốc nội mới xuất hiện trong mấy năm qua vào dịp Tết Nguyên tiêu.

Thời nào cũng vậy, những câu vần vèo bao giờ cũng nhiều, còn những lời thơ đích thực lúc nào cũng là ít. Nhưng trong tâm hồn người Việt, tinh thần thi ca không bao giờ bị lép vế. Biết bao người ở xứ ta và cả ở những xứ xa xôi khác, dù không hay biết về sự tồn tại của Ngày Thơ quốc tế cũng như Ngày thơ quốc nội vẫn coi thơ như bạn đồng hành không bao giờ chia biệt.

Nhà phê bình văn học xuất sắc người Nga Belinsky từng đưa ra nhận định: “Thi ca là thể loại cao nhất của nghệ thuật”. Thế nhưng, đại thi hào Nga Puskin lại từng quả quyết rằng nước Nga không có một nền thi ca đích thực. Đại thi hào Đức Johann Wolfgang Goethe cũng từng kêu ca rằng những thi nhân cận đại “pha quá nhiều nước là vào mực”. Đại thi hào Nguyễn Du lúc nào cũng đau đáu nỗi lo: “Văn chương vô mệnh, lụy phần dư” (Mệnh ghét ghen hoài nghiệp bút thơ)... Gần với chúng ta hơn, nhà phê bình Hoài Thanh, một trong những tâm hồn đắm đuối với thơ Việt nhất trong thế kỷ XX, ở bất cứ giai đoạn nào cũng đau đáu nỗi lo lạm phát thơ dở và thiếu hụt thơ hay... Sự thực là thời đại nào cũng có những đỉnh cao thi ca của mình nhưng không phải lúc nào người đương thời cũng nhận ra được chân giá trị của những tài năng đang sống cận kề.

Và có lẽ vì thế chúng ta cũng không nên quá “lấy đó làm điều” nếu hiện nay ai đó luôn kêu ca về sự đuối sức nào đó của thơ trong nền văn học hiện đại. Cũng chẳng có gì là lạ nếu ai đó có cảm giác rằng các tập thơ dở xuất hiện quá nhiều, còn thơ thực sự thì đốt đuốc giữa ban ngày tìm cũng không dễ thấy. Là một trong những thể loại nghệ thuật tinh tế nhất của con người, thi ca bao giờ cũng phải vật vã nhất trên con đường đi tới công chúng đích thực của mình. Những tìm tòi trong thơ luôn luôn nhọc nhằn và bất cập. Người ta luôn tranh luận kịch liệt về sứ mệnh, về cấu trúc, thậm chí cả về những đặc tính căn bản của thơ... Câu hỏi lớn vẫn còn treo lơ lửng mà chưa bao giờ có được câu trả lời làm vừa lòng tất cả: Thơ là gì?

Vô số những lý thuyết thi ca có vẻ tân kỳ đã được tung ra và vẫn đang tiếp tục xuất hiện ở khắp thế giới. Nhưng muốn nhìn nhận thơ từ góc độ nào cũng không thể xoá nhòa được bản chất của thi ca mà có lần Ngô Thì Nhậm đã nhận xét: “Chỉ có thuần hậu, giản dị, thẳng thắn không giả dối, không xảo trá, không buồn bã mà rốt cuộc chú trọng đến sự ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là đặc sắc chính của thơ”. Càng phải cư trú trong những điều kiện phức tạp của thời hiện đại, khi bị bủa vây bởi vô số những thành tựu của nền văn minh công nghệ, con người càng cần đến thơ.

Đúng như một nhà phê bình người Pháp đã viết, cái hay của thi ca là ở chỗ, nó giúp cho con người sống trong tiếng mẹ đẻ, hấp thụ lịch sử của nó một cách vô thức gần như bản năng, gìn giữ những cái hay cái đẹp của các ngôn ngữ đích thực trước sự tấn công của “ngụy ngôn ngữ”, thứ “ngôn ngữ đồ hộp” đang có nguy cơ tràn lan trên thế giới hiện nay. Đồ hộp cũng là thức ăn vì nó giúp ta có đủ chất bổ, nhưng đồng thời nó có vẻ như không phải thức ăn vì nó là thực phẩm không tươi sống... Thơ giúp con người có đủ sự tinh tế và nhạy cảm để chống lại sức ép của nền công nghiệp quảng cáo ngày ngày ám ảnh chúng ta ở khắp mọi nơi, thậm chí cả trong phòng ngủ. Trong thơ có chất gì đó cưỡng lại tinh thần duy lợi của xã hội tiêu dùng. Trong một thế giới đang bị cuốn vào cơn bão toàn cầu hoá, thi ca giúp chúng ta gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà của mình vì những bài thơ đích thực luôn chống lại sự đồng nhất, chống sự xoá bỏ cái khác biệt hữu lý tạo nên tính cách và nhân thân của mỗi người trong chúng ta. Vì thế nên thi ca trong nhiều trường hợp không thể trở thành quá dễ hiểu, quá dễ tiếp nhận vì những gì dễ hiểu thường ít có khả năng kháng cự đối với những cuộc tấn công của các yếu tố ngoại lai. Và cũng cần hiểu rằng, hoàn toàn không phải do sự phức tạp của câu thơ đã dẫn tới cuộc “ly hôn” giữa công chúng và các thi sĩ...

Thực ra, thời nào cũng thế, các tác phẩm thơ có giá trị không phải lúc nào cũng có được số phận suôn sẻ. Đại bộ phận các nhà thơ lớn đều chấp nhận đi trước thời đại để còn lại lâu dài với tương lai. Tập Ác hoa của nhà thơ lớn người Pháp Charles Baudelaire in lần đầu vào năm 1857 với số lượng không lớn lắm mà tới cuối thế kỷ XIX vẫn chưa bán hết. Tập Thành phố đau buồn, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà thơ Pháp trứ danh Paul Eluard, in 1500 bản vào những năm 20 của thế kỷ trước mà cho tới cuối những năm 40 vẫn còn bày bán trong các hiệu sách...  Thế thì đã sao?! Thi ca đích thực không phải là những ca khúc não tình thời thượng. Các nhà thơ, một khi đã hiểu ra được sứ mệnh của mình, sẽ không chùn bước hay nản lòng trên con đường sáng tạo, ngay cả khi anh bị dồn vào cảnh gần như đơn thương độc mã. Và một khi nhà thơ còn sáng tạo, thì xã hội còn có những điểm tựa tinh thần bền chắc.

Trong thông điệp nhân Ngày Thơ Quốc tế 21/3 năm nay, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Irina Bokova đã viết: “Năm nào UNESCO cũng tôn vinh những người đàn ông và những người phụ nữ góp phần vào việc đưa thi ca trở thành một trong những hình thức cao nhất diễn tả ngôn ngữ và văn hoá. Thi ca là khúc ca tụng tự do, khắc sâu tính độc đáo và bản sắc duy nhất bằng sáng tạo. Thi ca cũng thể hiện tất cả những tình cảm sâu sắc nhất của chúng ta: nói như nhà thơ và nhà ngoại giao Brazil, Joan Kabral de Melo Neto, “ngay cả khi không cố tình nhưng mỗi một lời vang lên từ xúc cảm đều là thơ”. Chính nhờ câu chữ và nhịp điệu của mình mà thi ca đã nặn thành hình mơ ước của chúng ta về hoà bình, lẽ công bằng và phẩm giá. Nó truyền cho chúng ta thêm sức mạnh và khích lệ chúng ta biến những ước mơ đó thành sự thật...”. Cũng theo bà Irina Bokova, các hình thức hiện đại của thi ca đang giúp lớp trẻ có thêm cơ hội sáng tác thơ và làm mới đời sống thi ca, tạo nên những năng lực mới: “Là sự thể hiện sâu sắc tinh thần con người và một nghệ thuật quy mô toàn thế giới, thi ca là công cụ của đối thoại, giúp con người xích lại gần nhau. Mở ra cơ hội tiếp cận với sự thể hiện đích thực kho tàng ngôn ngữ, việc phổ biến thi ca giúp tăng khả năng đối thoại giữa các nền văn hoá và sự hiểu biết lẫn nhau...”

Ngày thơ Quốc tế 21/3 được tổ chức UNESCO sáng lập ra trong nghị quyết được thông qua tại Đại hội UNESCO ngày 15/11/1999. Như nghị quyết này đã nhấn mạnh, mục tiêu của việc kỷ niệm Ngày thơ Quốc tế hàng năm “nhằm tạo ra xung lực mới và sự đáng giá mới cho các trào lưu thơ dân tộc, khu vực và quốc tế mới...

Ngày thơ Quốc tế được tổ chức lần đầu tại Paris, nơi đặt trụ sở của UNESCO. Thi ca có thể trở thành câu trả lời cho những câu hỏi tinh thần gay cấn và sâu sắc nhất của con người hiện đại, nhưng để đạt được mục tiêu này cần phải lôi cuốn sự chú ý càng rộng rãi càng tốt của xã hội đối với nó...”. Ngày Thơ Quốc tế còn phải là dịp để tạo thêm điều kiện phổ cập hơn cho các nhà xuất bản nhỏ đã có những cố gắng đưa thơ của các tác giả hiện đại tới cùng độc giả cũng như các câu lạc bộ thi ca đang làm hồi sinh lại truyền thống lâu đời của ngôn ngữ thơ. Theo UNESCO, Ngày Thơ Quốc tế phải góp phần xây dựng trên các phương tiện thông tin đại chúng một hình ảnh tích cực của thi ca như một thể loại nghệ thuật thực sự hiện đại mở lòng với con người.

Phan Long Hữu
.
.