Kỷ nguyên "hậu kháng sinh": Thần dược hết linh

Thứ Năm, 05/05/2016, 17:12
Thuốc kháng sinh tựa như một phép màu mở ra kỷ nguyên vàng son trong ngành y và dược học. Những viên kháng sinh được coi là thần dược, cứu vớt con người khỏi bàn tay thần chết mỗi khi bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, sự lạm dụng thái quá loại thuốc này đang đưa loài người đến thời đại “hậu kháng sinh” khi những loài vi khuẩn đang ngày càng phát triển và thích ứng với các loại kháng sinh hiện nay.


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo thực trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách và đủ liều sẽ làm vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, từ đó có sự đột biến gen trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với kháng sinh, và “tiến hóa” thành chủng vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng trở nên vô tác dụng.

Gần đây nhất, các nhà khoa học phát hiện ở Trung Quốc xuất hiện “vi khuẩn siêu đề kháng” đề kháng cả Colistin (kháng sinh rất ít dùng và trước đây chẳng có vi khuẩn nào có thể đề kháng). Vi khuẩn đáng sợ này có chứa gen kháng thuốc MCR-1, và gen này được dự đoán có thể giúp vi khuẩn chống lại tất cả kháng sinh hiện có.

Nếu đúng như vậy thì con người sẽ đối diện với khoảng trống mênh mông phía trước vì không còn vũ khí kỳ diệu gọi là kháng sinh nữa. Tình trạng khủng khiếp ấy đồng nghĩa với việc con người có thể mất mạng do bất kỳ bệnh nhiễm khuẩn thông thường nào. Khi đó, một vết xước rất nhỏ cũng có thể biến thành “kẻ sát nhân”.

Lạm dụng thuốc kháng sinh đang đưa loài người đến thời đại “hậu kháng sinh” khi những loài vi khuẩn đang ngày càng phát triển và thích ứng với các loại kháng sinh hiện nay.

Cơn ác mộng có thật

Năm 1928, Penicillin - loại kháng sinh đầu tiên - được tìm ra bởi nhà sinh học người Scotland, Alexander Fleming, mở ra kỷ nguyên vàng son của kháng sinh trong y học. Loại thuốc này đã cứu hàng triệu người bệnh mỗi năm khỏi cái chết gây ra bởi nhiễm khuẩn. Alexander Fleming phát hiện Penicillin khi đang thực hiện thí nghiệm nuôi cấy liên cầu khuẩn trong các hộp petri. 

Trong lúc kiểm tra các đĩa nuôi cấy chứa vi khuẩn, ông tình cờ quan sát thấy hiện tượng khác thường: nấm xuất hiện trên đĩa và phát triển thành các mảng tiêu diệt vi khuẩn. Ông cho rằng, loại nấm này đã tạo một chất giết chết các vi khuẩn và đặt tên chất là Penicillin. 

Phải đợi đến năm 1945, loại thuốc này mới được sản xuất đại trà và trở nên phổ biến nhờ phương pháp ủ mốc lương thực. Tuy nhiên, sau khi Fleming nhận giải Nobel cho phát hiện của mình, ông đã cảnh báo thế giới về viễn cảnh vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc.

Mọi sự đang diễn ra đúng như cảnh báo của vị cha đẻ thuốc kháng sinh. Năm 1943, Penicillin được tung ra thị trường thì hai năm sau vi khuẩn kháng Penicillin xuất hiện.

Năm 1972, Vancomycin được điều chế, kháng Vancomycin xuất hiện năm 1988. Imipenem ra đời năm 1985 thì đến năm 1998, kháng Imipenem xuất hiện. Các nhà khoa học lao vào nghiên cứu, tìm kiếm kháng sinh mới, chú ý thêm các loại kháng sinh bán tổng hợp và tổng hợp, phát triển theo chiều sâu và rộng. Cuộc cách mạng thuốc kháng sinh bùng nổ với nhiều loại kháng sinh khác nhau. Tuy nhiên, loại kháng sinh mới nhất của nhân loại, Daptomycin, ra đời năm 2003 thì cũng chỉ một năm sau xuất hiện vi khuẩn kháng nó. Loài người đang hụt hơi khi phải mất cả thập kỷ để nghiên cứu cho ra đời một loại kháng sinh mới, trong khi chủng vi khuẩn mới cứ 20 phút lại sinh ra.

Kháng sinh cũng giống như con dao hai lưỡi. “Sùng bái” kháng sinh coi là một loại thuốc trị bách bệnh, đã khiến chúng mất dần hiệu quả. Trong đó, nguy hiểm nhất là tạo ra các chủng vi khuẩn kháng lại được với thuốc hay còn gọi là hiện tượng kháng kháng sinh. Chính con người đang tiếp tay cho tình trạng vi khuẩn biến đổi ngày càng “tinh ranh” hơn khi lạm dụng thuốc kháng sinh, hoặc sử dụng thuốc không đúng theo chỉ định. 

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, riêng Mỹ và châu Âu hằng năm có khoảng 50.000 người chết vì nhiễm trùng mà không có thuốc chữa. Năm 2050, con số sẽ tăng lên đến 10 triệu ca với tốc độ kháng kháng sinh phát triển như hiện nay.

Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định nhân loại thực sự đang ở trong cơn ác mộng của kháng kháng sinh. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng và thách thức y học trong thời điểm này, và đang có chiều hướng trở nên tồi tệ hơn. 

Vi khuẩn nhạy cảm với thuốc kháng sinh sẽ bị tiêu diệt đầu tiên, nhưng những dòng khuẩn khỏe hơn sẽ kháng thuốc và tái tạo, cho ra một thế hệ khuẩn “cứng đầu” và khó điều trị hơn. Điều này nếu xảy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại làm cho thuốc kháng sinh mất tác dụng và dẫn tới sự hình thành những loại siêu khuẩn có mức độ tàn phá ghê gớm.

Kháng sinh thực sự giúp con người giải quyết được nhiều vấn đề, tránh được nhiều ca phẫu thuật, thậm chí còn hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn khi phẫu thuật. Nhưng khi kháng sinh không còn phát huy được tác dụng thì nó lại phản tác dụng, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhân loại, nhất là ở các nước đang phát triển.

Số lượng các siêu khuẩn xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi đó, số lượng thuốc kháng sinh mới được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt ngày càng giảm, chủ yếu là do lợi nhuận thu hẹp nên chi phí đầu tư bị cắt giảm. 

Tại Mỹ, người ta chi nhiều tiền hơn để đối phó với những căn bệnh nhiễm khuẩn, giảm chi phí đối với các bệnh khác. Nhiều người mắc bệnh buộc phải tìm đến phẫu thuật, song chi phí vừa cao lại kém hiệu quả, nhất là khi nạn khuẩn kháng thuốc gia tăng.

Giới khoa học đang xem xét kĩ lưỡng việc sử dụng Bacteriophages (thể thực khuẩn) để tấn công vi khuẩn.

Phải hành động ngay

Đối diện với những thách thức thời “hậu kháng sinh” của nhân loại trong tương lai, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực đi tìm những vũ khí mới. Trước hết, phải nhắc đến giải pháp “độc trị độc”. Một số vi khuẩn có thể sản xuất độc tố kháng khuẩn, có tên Bacteriocins, và dùng chính độc tố này để tiêu diệt kẻ thù, đặc biệt trong môi trường thức ăn khan hiếm. 

Nhờ vậy, các bác sĩ có thể cho thêm khuẩn vào cơ thể để trị nhiễm khuẩn, và một khi nhiễm khuẩn biến mất thì con người sẽ khỏi bệnh. Một liệu pháp thay thế kháng sinh đầy hứa hẹn khác là sử dụng Peptide kháng khuẩn. 

Peptide là các protein siêu nhỏ, những chất kháng khuẩn có khả năng tiêu hủy hàng cụm vi khuẩn bằng cách làm gián đoạn thông tin giữa các tế bào và tiêu diệt chúng thông qua cơ chế kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể để quét sạch nhiễm khuẩn. Vì vậy, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể là một tiêu chí quan trọng của cuộc chiến chống nhiễm khuẩn trong tương lai.

Bên cạnh đó, giới khoa học đang xem xét kĩ lưỡng việc sử dụng Bacteriophages (thể thực khuẩn) để tấn công vi khuẩn. Đây là một loại virus đặc biệt chỉ sống được khi ký sinh vào cơ thể vi khuẩn. Lợi thế của liệu pháp này ở chỗ, thể thực khuẩn phát triển cùng với vi khuẩn, làm cho việc kiểm soát vi khuẩn tốt hơn. 

Nó chỉ nhắm đến các vi khuẩn xấu mà không gây hại đến các bộ phận khác của cơ thể, kể cả vi khuẩn thân thiện. Bacteriophage sản xuất ra enzym có tên lysins có thể xuyên qua thành tế bào vi khuẩn cho đến khi chúng vỡ và tiêu diệt thủ phạm gây nhiễm trùng. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, giải pháp này rất khả thi, mang lại nhiều kết quả hứa hẹn.

Được phát hiện từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất và phát triển trong suốt những năm 1920-1930, phương thức dùng virus để tiêu diệt vi khuẩn gây hại đã cho thấy rất ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, các công ty dược phẩm không mấy mặn mà với phương pháp này, phần lớn là do họ không thể xin cấp phép nhãn hiệu độc quyền cho những virus “biến hóa khôn lường”. 

Chuyên gia về bệnh nhiễm trùng tại WHO, Jean Carlet, lý giải: “Các phòng thí nghiệm quay lưng với thực khuẩn vì lợi nhuận trên đầu tư thu về là quá ít ỏi”. Một số công ty đã bắt tay đầu tư cho liệu pháp thực khuẩn - vốn được Liên minh châu Âu (EU) công nhận là một loại thuốc từ năm 2011. Tuy nhiên do chu trình thử nghiệm có thể kéo dài cả thập kỷ nên đây sẽ là một cuộc đầu tư dài hạn.

Hiện nay, giải quyết vấn đề kháng kháng sinh là ưu tiên hàng đầu của WHO. Một kế hoạch hành động toàn cầu về kháng thuốc đã được thông qua, nhằm đảm bảo tiếp tục phòng và chữa các bệnh truyền nhiễm với những loại thuốc an toàn và hiệu quả. 

Kế hoạch hành động toàn cầu có nhiều mục tiêu chiến lược, trong đó phải kể đến việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc; đẩy mạnh giám sát và nghiên cứu; tối ưu hóa việc sử dụng các thuốc kháng sinh; và đảm bảo đầu tư bền vững vào chống kháng thuốc. 

Để thực hiện các mục tiêu kể trên, WHO đang dẫn đầu một chiến dịch toàn cầu trong nhiều năm, với chủ đề “Thuốc kháng sinh: Cẩn thận khi sử dụng”. WHO đang hỗ trợ rất tích cực các quốc gia thành viên phát triển các kế hoạch hành động riêng để giải quyết vấn đề kháng thuốc, phù hợp với các mục tiêu của kế hoạch toàn cầu này...

Trần Quân
.
.