Khởi đầu của sự kết thúc

Thứ Tư, 02/06/2021, 08:36
Ngày 17-5-1756, nước Anh tuyên chiến với nước Pháp, chính thức kéo cả hai vào một cuộc xung đột có quy mô toàn cầu. Cuộc chiến ấy thường được gọi một cách ngắn gọn bởi giới nghiên cứu lịch sử quốc tế là "Chiến tranh bảy năm" (Seven years war).

Nhưng sau này, chính vị thủ tướng Anh huyền thoại Winston Churchill đánh giá: Đó có thể xem là "chiến tranh thế giới lần thứ nhất". Kết quả, "Chiến tranh bảy năm" xác lập thắng lợi trọn vẹn của Anh quốc và các đồng minh, đồng thời cũng đánh dấu việc nước Pháp đánh mất hoàn toàn ảnh hưởng của mình ở khu vực Bắc Mỹ, ngoại trừ khu vực Quebec. Cho dù, lúc đầu, rất ít người có thể hình dung đến kết cục ấy.

Một cuộc chiến, nhiều cái tên

Winston Churchill không phải là không có lý, khi đề cao cuộc chiến ấy đến thế (cũng có nghĩa là đề cao niềm tự hào của những người chiến thắng - Anh quốc). "Chiến tranh bảy năm" là một cái tên chung, một khái niệm bao trùm. Tuy nhiên, bên trong cụm từ đơn giản ấy là rất nhiều góc cạnh, với phạm vi ảnh hưởng trải dài trên rất nhiều lĩnh vực.

Trên hết, đó là cuộc quyết đấu của các cường quốc châu Âu, nhằm xác lập lại trật tự chung cho châu Âu nói riêng và toàn thế giới (mà hầu hết vẫn là những thuộc địa mới còn đầy tiềm năng khai phá - những miếng mồi ngon mà chủ nghĩa thực dân cũ thèm khát) nói chung.

Một bên, Vương quốc Anh dẫn đầu liên quân với hầu quốc Hanover và vương quốc Phổ (Prussia) - một thế lực mới nổi tại cựu lục địa. Bên kia, nước Pháp liên minh với Nga, Thụy Điển cùng vương quốc Sachsen. Về sau, hai đế quốc thực dân hàng hải tiên phong là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng bị cuốn vào cuộc chiến. 

Nước Hà Lan trung lập cũng bị tấn công tại những thuộc địa ở Ấn Độ, trong khi nước Áo của hoàng tộc Habsburg chủ động tấn công Phổ của Frederick II Đại đế, như phần tiếp nối của cuộc chiến tranh quyền kế vị ngai vàng Áo từ năm 1740 đến năm 1748. 

Bởi vậy, cuộc chiến còn có cái tên "Chiến tranh Silesia lần thứ ba". Ở Ấn Độ, nó lại mang cái tên "Chiến tranh Carnatic". Bảy năm đó, những cuộc giao tranh diễn ra liên miên ở cả châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.

Tinh thần chiến đấu của các lực lượng bản địa là yếu tố quan trọng ngăn bước quân Pháp ở Bắc Mỹ.

Nhưng, ở trung tâm của các cuộc xung đột, mâu thuẫn Anh - Pháp và cuộc cạnh tranh đến vị trí bá chủ thế giới thời điểm đó chính là nguyên nhân mấu chốt làm bùng lên binh lửa. 

Không phải ngẫu nhiên, trong giới nghiên cứu sử học quốc tế, có những người xem "Chiến tranh bảy năm" là phần cuối của "Chiến tranh trăm năm Anh - Pháp". Những va chạm giữa hai đại đế quốc thực dân này, thực ra, đã khởi phát ở Bắc Mỹ từ nhiều năm trước.

Đầu những năm 1750, Pháp bành trướng mãnh liệt về phía thung lũng Ohio, tiến sát đến các khu vực thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ. Và bởi vậy, mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt, khi cả hai phía đều không có ý định nhượng bộ, thương thảo hay thỏa hiệp. 

Chính là vào năm 1756 - năm chính thức bắt đầu Chiến tranh Bảy năm - người Anh đã phải hứng chịu một loạt thất bại trước quân đội viễn chinh Pháp cùng mạng lưới liên minh người Mỹ bản địa rộng lớn của họ.

Cuộc đối đầu Anh - Pháp trong Chiến tranh Bảy năm, sau này, được người Pháp gọi là "Chiến tranh chinh phạt" (La Guerre de la Conquête). Người Anh, và người Mỹ sau này gọi đó là "Chiến tranh Pháp và người da đỏ" (French and Indians War). Chỉ những cách gọi ấy có lẽ cũng đã phần nào gợi lên cả tính chất của các cuộc đụng độ, lẫn cách thức mà nước Pháp lún sâu vào thất bại.

Sau Chiến tranh bảy năm, nước Pháp đã đánh mất hầu như toàn bộ vùng lãnh thổ Tân Pháp (Nouvelle France) thuộc địa ở Bắc Mỹ.

Nhân tố William Pitt

William Pitt là một vị Thủ tướng Anh huyền thoại khác, một bậc tiền bối xứng đáng được Winston Churchill ngưỡng mộ. Bởi, nói không ngoa, ông chính là kiến trúc sư tạo nên chiến thắng, và xác lập vị thế bá chủ đích thực cho nước Anh, chứ không phải một vị tướng nào cụ thể.

Nước Pháp luôn có lực lượng quân đội đồn trú hùng mạnh ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, William Pitt lại nhìn ra một điểm yếu chí mạng của quân Pháp: Mức chi phí quá lớn cho đội quân đồn trú ấy. Song song với việc đó, ông xác định rõ được vấn đề: Nếu thắng Pháp trong cuộc đọ sức này, nước Anh sẽ tiếp cận được cơ hội mở rộng lãnh thổ cực kỳ lớn, để xây dựng một đế quốc đúng nghĩa. 

Và bởi vậy, vào năm 1757, trong khi hoàng gia Bourbon từ chối dốc thêm ngân sách nhằm tiếp thêm các đoàn viện binh cho chiến trường Bắc Mỹ, thì ngược lại, William Pitt sẵn sàng mạnh tay vay mượn thêm từ các ngân hàng, để tăng cường sức mạnh quân sự.

Không chỉ vậy, ông còn phóng tay tài trợ cho các đồng minh đang chiến đấu với Pháp ở cựu lục địa, đặc biệt là quân đội rất giàu tinh thần chiến đấu của nước Phổ đầy tham vọng đang trỗi dậy. Điều này, vô hình trung, đặt quân Pháp vào cảnh "lưỡng đầu thọ địch", khi Phổ lần lượt đánh tan tác các đạo quân của Nga hay Áo, tạo áp lực nặng nề về phía Paris, thiết lập một gọng kìm và kéo giãn các đội quân Pháp.

William Pitt tận dụng hết mức uy lực của tiền bạc. Ông hoàn tiền cho các lực lượng thuộc địa trực tiếp chiến đấu với quân Pháp, thay vì tăng thuế để tận thu từ họ. Rõ ràng, điều đó trở thành một liều doping tâm lý vô giá, nâng bật sức mạnh tinh thần của các đoàn quân ở những khu vực thuộc địa này. 

George Washington - tổng thống lập quốc, người cha của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sau này, khi ấy mới 22 tuổi, cũng đã từng dẫn những đội dân quân tập kích quân Pháp, khi chiến sự bùng nổ ở Virginia.

Và bên cạnh đó, Luân Đôn cũng có những mối quan hệ hữu hảo với các cộng đồng dân cư bản địa truyền thống ở Bắc Mỹ - những bộ tộc da đỏ. Các bộ lạc Iroquois, Catawba và Cherokee đã gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng viễn chinh Pháp, cho dù phía Pháp cũng được sát cánh bởi nhiều nhóm dân cư bản địa khác.

Nước Pháp, thực tế, không phải nhận thất bại quân sự choáng váng nào tại Bắc Mỹ, để có thể nói rằng họ đã bị đánh bại hoàn toàn trên chiến trường. Song, họ đã thua lấm lưng trắng bụng dưới những ngón đòn chính trị, ngoại giao và cả sự kiệt quệ về tiềm lực tài chính. 

Đặt trọng tâm vào chiến trường châu Âu, Pháp bị kẹp giữa sự thiện chiến của lục quân Phổ và khả năng khống chế các đại dương của hải quân Anh - yếu tố sống còn của chiến tranh thời đại ấy. Hải quân Anh mạnh đến nỗi khi cả một đế quốc hàng hải cũ là Tây Ban Nha đứng về phía Pháp, tình thế vẫn không thể thay đổi. 

Những mối liên hệ chính quốc - thuộc địa của Pháp liên tục bị đe dọa, và bị cắt đứt, chưa kể đến việc thiếu thốn chiến phí cũng như viện binh, khiến mặc dù "có thắng có thua", quân đồn trú Pháp ở Bắc Mỹ vẫn không giữ nổi những khu vực chiến lược.

Năm 1760, quân Pháp bị đánh bật gần như hoàn toàn khỏi lãnh thổ Canada hiện tại. Năm 1763, tất cả các đồng minh của Pháp ở châu Âu đã hoặc là bị đánh bại, hoặc là buộc phải giảng hòa với Phổ.

William Pitt the Elder - “kiến trúc sư” tạo nên chiến thắng cho Anh quốc.

Tháng 2-1763, Hiệp ước Hubertusburg và Hiệp ước Paris được ký kết. Theo Hiệp ước Paris, Pháp mất tất cả các tuyên bố chủ quyền đối với Canada và phải nhượng lại vùng thuộc địa mang tên Louisiana cho Tây Ban Nha; trong khi đó, Anh nhận Florida của Tây Ban Nha, và vùng Thượng Canada cũng như nhiều thuộc địa ở nước ngoài của Pháp.

Hiệp ước này đảm bảo sự vượt trội về thuộc địa và hàng hải của Anh, và củng cố sức mạnh của 13 thuộc địa Bắc Mỹ, bằng cách loại bỏ các đối thủ châu Âu của họ ở phía bắc và phía nam. 

Pháp mất gần như toàn bộ mọi vùng đất đã từng sở hữu ở Bắc Mỹ, trừ vùng Quebec. Không có gì ngạc nhiên, khi 15 năm sau, Pháp sát cánh với George Washington, và hậu thuẫn mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu đòi độc lập khỏi vương quốc Anh của 13 bang thuộc địa - nước Mỹ sơ khai.

Nhưng đến khi ấy, tiềm lực của đế quốc Anh đã vượt khỏi đế quốc Pháp khá xa, càng lúc càng xa, bởi họ đã nhanh hơn nhiều ở xuất phát điểm. William Pitt, khi chấp nhận "đầu tư lớn", đã thu về cho nước Anh một khoản lời kếch sù - một đế quốc mà trên lãnh thổ của họ, "mặt trời không bao giờ lặn"…

* Ước tính có khoảng từ 900.000 đến 1,4 triệu người thiệt mạng sau bảy năm chiến tranh diễn ra ở quy mô toàn cầu - một con số khủng khiếp vào thế kỷ XVIII đó. Vào đầu cuộc chiến, nếu nước Anh đã kịp đưa gần 2 triệu người sang Bắc Mỹ định cư - bộ phận cấu thành dân quân kháng Pháp chủ lực, thì số người Pháp định cư ở đây chỉ là 60.000 người.

* William Pitt của Chiến tranh Bảy năm còn được gọi là William Pitt the Elder (Trưởng lão), để phân biệt với con trai ông, người cũng mang tên William Pitt (nhưng là William Pitt Trẻ - the Younger) và chính là người giữ cương vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Anh quốc, năm mới 24 tuổi (năm 1783). William Pitt The Elder còn được gọi là Great Commonder (Thường dân vĩ đại), bởi ông từ chối nhận tước phong quý tộc từ Hoàng gia Anh, cho đến tận năm 1766.


Mây Linh
.
.