Huyền thoại công nghê cao

Thứ Hai, 02/06/2008, 08:30
Liệu máy bay có bị rơi nếu hành khách trong khoang sử dụng điện thoại di động? Liệu cái thìa bằng inốc có thể làm nổ tung lò vi sóng hay không? Nhà báo Simon Usborne của tờ báo Anh "The Independent" đã tiến hành kiểm tra những huyền thoại khác về công nghệ cao. Kết quả thu nhận được đã được công bố trong số báo ra ngày 2/4/2008, có không ít cái sai nhưng cũng có không ít cái đúng.

Huyền thoại 1: Điện thoại di động dẫn tới những tai nạn.

Điện thoại di động giờ đây đã trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống" đối với rất nhiều người trong chúng ta. Nhưng kể từ khi chúng xuất hiện thì cũng đồng thời xuất hiện vô số những quy tắc về việc nên sử dụng chúng ở đâu và không nên sử dụng chúng ở đâu cũng như về những tác hại kinh hồn mà chúng có thể gây ra nếu không tuân theo những quy tắc ấy.

Thí dụ như điện thoại di động có thể gây nên tai nạn hàng không, làm rối nhiễu hoạt động của các máy giúp duy trì sự sống hay tạo nên các vụ nổ ở những trạm xăng dầu…

Thực tế thì sao? Cuối tháng 3 vừa qua, cơ quan quản lý thông tin của Anh Ofcom đã cho phép sử dụng điện thoại di động trên tất cả các chuyến bay có đăng ký ở "hòn đảo sương mù". Vậy có nghĩa là những hệ lụy khủng khiếp từ việc sử dụng điện thoại di động chỉ là những điều tưởng tượng? Và những quy định cấm đoán khác đối với điện thoại di động cũng xuất phát từ những mối lo hão huyền?

"Thực tế là không hề có minh chứng về việc điện thoại di động tạo nên những mối nguy hiểm" - đó là ý kiến của Tiến sĩ  Adam Burgess, giảng viên xã hội học tại Trường Đại học Kent, tác giả cuốn sách "Điện thoại di động: nỗi lo lắng của xã hội và những cẩn thận thái quá".

Ngay cả trong các bệnh viện, cũng theo TS Burgess, những nghiên cứu tiến hành từ 10 năm trước cũng đã đủ chứng minh rằng, điện thoại di động chỉ có thể ảnh hưởng tới hoạt động của cùng lắm là 4% trang thiết bị y tế và trong số đó, chỉ ảnh hưởng đáng kể tới 0,1%.

Trong 10 năm qua công nghệ thông tin đã có những bước tiến vượt bậc nên mức độ ảnh hưởng đó lại càng suy giảm. Còn về việc điện thoại di động có thể gây nổ ở các trạm bán xăng dầu thì  sao? Liệu chúng ta có thực sự trở thành những người tự sát hay không khi vừa cho bơm xăng vào xe vừa gửi tin nhắn hay trò chuyện với ai đó qua điện thoại di động? Không nên hoảng hốt, TS Burgess khuyên.

Theo ông, nỗi lo lắng thái quá trong công nghiệp dầu mỏ đã xuất hiện sau vụ tai nạn năm 1988 tại trạm khoan Piper Alpha (khi ấy, do vụ nổ đã có 167 người chết). "Tuy nhiên nguy cơ từ điện thoại mới chỉ là giả thuyết. Tại Mỹ đã xuất hiện những tin tức cho rằng một số vụ nổ tại các trạm bán xăng dầu xảy ra là vì điện thoại di động. Tuy nhiên, sau đó mới phát hiện ra rằng, các vụ nổ xảy ra do phóng điện tĩnh từ trang phục các tài xế bước ra từ trong xe. Những lời buộc tội điện thoại di động cho tới hôm nay vẫn chưa được chứng minh".

Tất nhiên, nói thế không phải lúc nào cũng nên sử dụng điện thoại di động một cách tràn lan. Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Tổng hợp Carnegie Mellon, sử dụng điện thoại di động trong lúc lái xe ôtô là cực kỳ nguy hiểm vì khi đó, rất dễ mắc phải những sai lầm mà thông thường, những tài xế say rượu hay mắc phải…

Huyền thoại 2: Màn hình phẳng "độc" hơn màn hình thông thường.

Tại những nước phát triển, một nhân viên văn phòng hoàn toàn có thể mất tới 60 giờ trong một tuần cho công việc làm với màn hình máy tính. Theo đánh giá của Viện Quang học Anh quốc, mỗi người trong chúng ta tính trung bình ngồi trước màn hình máy tính tới ba tháng trong một năm.

"Mắt của chúng ta không được tạo ra để nhìn lâu đến thế vào một điểm - Keith Holland,  bác sĩ nhãn khoa ở Cheltenham nói. - Mắt cần phải chuyển động điểm nhìn, tập trung một chỗ rồi nhìn sang xung quanh". Không có gì lạ nếu ta ngồi trước màn hình máy tính lâu quá thì thị lực sẽ bị suy giảm mạnh. "Bạn sẽ ít chớp mắt hơn và điều này có thể dẫn tới sự khó chịu và chứng co thắt cơ ở ổ mắt. Đối với những người có gien di truyền cận thị thì việc làm việc nhiều trước màn hình máy tính sẽ dẫn tới việc dễ bị cận thị hơn".

Nhưng liệu những ai khẳng định rằng các màn hình phẳng của máy tính có hại hơn đối với sức khỏe con người? Đây chính là lý lẽ chủ yếu của một công ty nào đó, chuyên kinh doanh "kính đặc chủng dành cho văn phòng". Theo công ty này, những máy tính có màn hình phẳng "phát xạ ở tần số nguy hiểm… làm khó cho thị lực và như các thí nghiệm cho thấy, gây ảnh hưởng tai hại đối với quá trình trao đổi chất của các tế bào". Liệu có nên lo lắng không?

Theo lời của bác sĩ Holland, "đó là trò lừa trăm phần trăm. Không có "vật chứng" nào ủng hộ lý lẽ đó cả - màn hình phẳng không mặc nhiên có hại đối với thị lực".

Bác sĩ nhãn khoa Tim Hanter của Bệnh viện Đại học Leeds cho rằng,  trong thực tế, màn hình phẳng còn ít có hại hơn đại đa số những màn hình thông thường của máy tính thế hệ cũ mà trên đó hình ảnh được "vẽ" nhiều lần trong một giây. Đại đa số chúng ta không có vấn đề gì đối với việc ghép hình ảnh với bức tranh động, tuy nhiên, một số người nhìn thấy những nhấp nháy trên màn hình là cảm thấy đau đầu và trong trường hợp xấu nhất, sẽ xuất hiện các triệu chứng động kinh.

Kết luận là: màn hình phẳng có ích hơn.

Huyền thoại 3: Máy soi ở sân bay làm hư máy trợ tim.

Thủ tục phải tháo giày và lôi mọi thứ ở trong túi ra khi bước qua cửa kiểm tra ở sân bay luôn làm hành khách khó chịu. Nhưng nếu sự sống của bạn phụ thuộc vào một  vật kim loại không thể nào xếp vào một cái khung  chất dẻo be bé thì sao? Liệu cửa kiểm tra kim loại có thể giết chết được người sử dụng máy trợ tim hay không?

Năm 2003, các nhà nghiên cứu người Đức đã công bố trên tạp chí "Journal of the American College of Cardiology" công trình mà trong đó có nói: 200 người tham gia thí nghiệm đã đi qua cửa kiểm tra quy chuẩn ở sân bay một cách an lành và mọi việc đã không để lại hậu quả gì xấu.

Tuy nhiên, Tổ chức Heart Foundation của Anh lại khuyên các bệnh nhân của mình không nên đi qua cửa kiểm tra kim loại, đặt ở các sân bay. Y tá ở bộ phận chữa chạy tim Judy O'Sullivan giải thích: "Những sóng điện từ mà máy soi kim loại ở các sân bay phát ra có thể làm thay đổi tốc độ hoạt động của máy trợ tim. Và việc này buộc phải khởi động lại máy, dễ dẫn tới làm chóng mặt bệnh nhân hoặc khiến nhịp tim tăng mạnh". Tổ chức trên khuyên những ai sử dụng máy trợ tim khi qua cửa kiểm tra ở sân bay nên yêu cầu được kiểm tra bằng máy soi cầm tay và đặc biệt là không để máy đo chà vào vùng ngực.

Kết luận: Riêng huyền thoại này là đúng.

Huyền thoại 4: Đặt bất cứ vật kim loại nào vào lò vi sóng đều nguy hiểm.

Các website trao đổi videoclips tràn đầy những tình huống mà tại đó, những thiếu niên dửng mỡ đặt vào trong lò vi sóng đủ thứ đồ: bóng đèn sáng ngời, những bình đầy ga, đồ chơi biết hát Furby… Vậy thì tại sao trong các bản hướng dẫn đi kèm theo các lò vi sóng đều nhắc nhở: đừng  bao giờ đặt vào trong lò vi sóng các vật  bằng kim loại?

"Kim loại hấp thụ vi sóng tốt hơn rất nhiều so với đồ ăn hoặc chất lỏng. Điều đó có nghĩa là kim loại nóng lên rất dữ và xuất hiện dòng điện. Dòng điện này có thể tạo nên điện thế cao dẫn từ vật trong lò tới vỏ lò vi sóng - GS môn vật lý Damian Hampsphire từ Trường Đại học Tổng hợp Durham nói. - Việc này có thể làm hỏng bộ phận làm xoay mạng điện trong lò vi sóng".

Kết luận: Có thể làm hỏng lò vi sóng nhưng chủ nhân của nó vẫn an toàn.

Huyền thoại 5: "Thế hệ Google", những đứa trẻ sinh sau năm 1993 rất khác so với các thế hệ trước?

Có thể đưa ra luôn kết luận: Điều này không hoàn toàn đúng. Trong tháng 1/2008 đã tiến hành một cuộc thí nghiệm rộng rãi với lớp trẻ nói tiếng Anh ở những nước phát triển ở phương Tây, được tiến hành theo đơn đặt hàng của Thư viện Anh quốc.

Theo đó có thể thấy, "thế hệ Google" thoạt đầu có vẻ như thạo các trò trên máy tính hơn nhưng chẳng bao lâu sau đã bị những chuyên gia lớn tuổi hơn đuổi kịp và vượt. "Tuyệt đại đa số những người trẻ sử dụng các công nghệ đơn giản hơn người ta vẫn nghĩ" - đó là kết luận của công trình nghiên cứu trên.

Có đúng là lớp trẻ có thể làm được đồng thời một lúc hai, ba, bốn việc không? "Không hề có minh chứng chắc chắn nào về việc này" - công trình nghiên cứu trên kết luận. Liệu thế hệ mới có thích hiện thực bằng hình ảnh hơn là chữ viết không? "Có thể đúng thế nhưng chữ viết cũng có ý nghĩa quan trọng đối với thế hệ này" - các chuyên gia khẳng định.

Liệu có đúng là những người trẻ không biết chờ đợi và muốn ngay lập tức thỏa mãn những nhu cầu thông tin của họ hay không? "Không phải thế, - các chuyên gia đáp. Không tìm thấy những minh chứng rằng trong lĩnh vực này, lớp trẻ nóng ruột hơn các thế hệ trước".

Và dẫu rằng, lớp trẻ đánh giá chính kiến của bạn đồng lứa cao hơn là của những thế hệ đi trước, nhưng trong các vấn đề giáo dục, việc này lại không hẳn theo hướng đó. Các chuyên gia cho rằng, ý kiến của giáo viên, của họ hàng và của các sách giáo khoa vẫn được "thế hệ Google" coi trọng hơn những gì mà họ đọc được ở trên mạng Internet.

Tuy nhiên, việc sử dụng các chương trình tìm kiếm tương tự như Google hay Yahoo vẫn làm cho lớp trẻ cũng như những người lớn tuổi hơn trở nên hời hợt hơn. Họ chỉ tiếp cận được với một phần thông tin nhưng khó có thể tìm hiểu sâu vào bản chất và chi tiết đa dạng, nhiều chiều của thông tin. Việc đó có thể tốt để làm quen với tư liệu nhưng các sinh viên cần phải thấu hiểu sâu sắc vấn đề với tất cả những tình tiết và tiểu tiết, một khi muốn học cách tư duy bằng đầu của mình

Nguyễn Sinh
.
.