Homo nhưng thôi sapiens?

Thứ Năm, 13/12/2012, 10:45

Homo sapiens là tên gọi dành cho chúng ta, theo tiếng La tinh là những người thông minh, thông thái. Những định nghĩa kinh điển đều cho rằng, con người là một loài sinh vật có bộ não tiến hóa rất cao cho phép thực hiện các suy luận trừu tượng, ngôn ngữ và xem xét nội tâm.

Điều trên kết hợp với một cơ thể đứng thẳng cho phép giải phóng hai chi trước khỏi việc di chuyển và được dùng vào việc cầm nắm, cho phép con người dùng nhiều công cụ hơn tất cả những loài khác. Thế nhưng, liệu có phải nhân loại rồi sẽ bị thoái hóa hay không? Liệu có phải sau vài trăm năm nữa trí tuệ của con người sẽ bị lụi tàn và  đám hậu duệ của chúng ta sẽ không thể sử dụng được những phát minh mà cha ông đã sáng tạo ra? Nói tóm lại, liệu có phải là homo rồi sẽ không còn sapiens nữa?

Những biến đổi của bộ não đã luôn đóng một vai trò then chốt trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Theo bài báo của tác giả  Steve Connor viết trên tờ báo Anh The Indepnendent, GS Gerald Crabtree, một trong những nhà nghiên cứu về di truyền hàng đầu thế giới, mới đây đã đưa ra giả thuyết hết sức bất ngờ.

Ông Crabtree hiện đang làm việc tại Trường Y, thuộc Đại học Stanford (bang Caliphornia) và đứng đầu một phòng thí nghiệm. Ông là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ từ năm 1987 và là ủy viên Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học… Mới đây ông đã đưa ra lời khẳng định rằng, những khả năng to lớn của não người, cho phép khám phá ngày một nhiều những bí ẩn mới của thế giới xung quanh, hiện nay lại đang phải chịu tác động của hàng loạt những đột biến sinh học di truyền đã tích tụ từ hàng nghìn năm trước, khi nhân loại bắt đầu quần tụ cùng nhau trong các đô thị.

Giả thuyết mới của GS Crabtree phủ nhận những quan niệm đã định hình trong vấn đề này. Theo đó, con người càng ngày càng trở nên không thông thái hơn mà ngược lại, trí tuệ của chúng ta đã đạt tới cực đỉnh phát triển của nó từ vài nghìn năm trước và từ đó tới nay cứ dần dà trở nên ngày một thoái hóa hơn.

Theo lời GS Crabtree, chúng ta hiện nay đang được trợ giúp bởi vô số những thành quả công nghệ và y tế  nhờ các tiến bộ không ngừng nghỉ của cách mạng khoa học kỹ thuật. Thế nhưng, nhìn từ góc độ khác, chính sự trợ lực to lớn đó đã khiến con người không nhận thấy được quá trình suy giảm trí lực dần dần được che giấu một cách kỹ càng. Và rốt cuộc, trong tương lai, sự suy giảm đó sẽ dẫn tới việc nhân loại trở nên biến thái hoàn toàn như một loài sinh vật.

Khẳng định của GS Crabtree được lý giải trên cơ sở sự việc là: trong gần như toàn bộ lịch sử tiến hóa của nhân loại, con người đã tồn tại trong những hình thái xã hội mà phương thức kiếm kế sinh nhai chủ yếu là bằng săn bắn và hái lượm. Và con người đã sống sót được nhờ hoạt động của não, trí tuệ và trở thành homo sapiens với một bộ não đồ sộ và phức tạp. Thế nhưng, kể từ thời điểm xuất hiện nghề canh tác và nuôi gia súc, đặc biệt từ khi bắt đầu hình thành những đô thị lớn, quá trình chọn lọc tự nhiên đã thôi không hỗ trợ cho sự phát triển các trí năng và từ đó, trong các gien quan trọng đối với sự sống, chịu trách nhiệm về “trí lự”,  dần dà tích tụ và tới bây giờ vẫn tiếp tục tích tụ những đột biến sinh học có xu hướng thoái hóa.

Trong bài viết mang tính khuấy động làng khoa học in trên tạp chí Những xu thế phát triển di truyền (Trends in Genetics), GS Crabtree viết: “Tôi xin đánh cá rằng, nếu một người dân Athens từng sống ở thời 1.000 năm trước công nguyên, bỗng nhiên lại xuất hiện giữa chúng ta thì người đó, dù là nam hay nữ, cũng vẫn là người thông minh và trí tuệ nhất trong số các đồng nghiệp và bạn bè của chúng ta - đó sẽ là người có trí nhớ cực tốt với vô số những ý tưởng mới mẻ và cách hình dung sáng tỏ về bản chất của những sự vật trọng yếu”.

Tiếp theo, GS Crabtree khẳng định: “Hơn thế nữa, tôi có thể nói rằng, người đàn ông hay đàn bà ấy  cũng sẽ là người cứng cỏi nhất về tình cảm trong số đồng nghiệp và bạn bè của chúng ta. Tôi cũng có thể nói những điều như thế về những người đã từng cư trú cách đây từ 2 đến 6 nghìn năm ở châu Phi, châu Á, Ấn Độ, Bắc Mỹ và Nam Mỹ… Điều đoan chắc này của tôi dựa trên những phát hiện mới trong lĩnh vực di truyền học, nhân chủng học và thần kinh học, cho phép không thể hoài nghi được là nhìn từ góc độ di truyền, các năng lực trí tuệ và cảm xúc của chúng ta rất dễ bị tổn thương và hữu hạn”.

Những phân tích so sánh bộ gien của các bậc phụ huynh và con gái họ cho thấy, cứ ở thế hệ sau so với thế hệ trước đã nảy nòi ra thêm trung bình từ 25 tới 65 đột biến sinh học mới của ADN.

Theo ý kiến của GS Crabtree, số liệu cho phép kết luận rằng, trong khoảng 3 nghìn năm trở lại đây ở 120 thế hệ tiền bối của chúng ta đã nảy sinh gần 5 nghìn đột biến sinh học mới. Một số đột biến sinh học như thế, theo giả thuyết của GS Crabtree, sẽ xảy ra trong 2 đến 5 nghìn gien liên quan tới các khả năng trí tuệ của con người. Quá trình này có thể diễn ra bằng cách  hình thành và tạo dựng bản đồ gien của hàng tỉ tế bào thần kinh trong não hoặc tạo ra hàng chục hóa chất truyền dẫn thần kinh, chuyển dịch những xung động giữa các tế bào thần kinh này.

Như GS Crabtree nói, có lẽ cuộc sống của một thợ săn hay một người hái lượm đòi hỏi họ phải có nhiều kỹ năng hơn là chúng ta hiện nay có thể hình dung ra được. “Thợ săn hay người hái lượm nào mà không biết tìm ra cách xử lý đúng đắn để kiếm ra bằng được thực phẩm hoặc dựng lên được túp lều tránh mưa nắng có lẽ đã bị chết nhăn răng cùng với con cháu của mình rồi. Nhưng nếu một nhân viên nào đó trên phố Wall hiện nay phạm phải một sai lầm mang tính hệ thống như thế thì  anh ta vẫn được bồi thường đáng kể và sẽ trở nên một đối tác giàu tiềm năng hơn nếu nhìn từ góc độ sinh sản hậu duệ”.

Tuy nhiên, cũng có những nhà khoa học khác đánh giá giả thuyết của GS Crabtree một cách nghi hoặc. Nhà nghiên cứu về di truyền học Steve Jones, GS ở Trường Đại học Tổng hợp London nói: “Thoạt nhìn, điều này trông giống như một tình huống kinh điển ở khoa Khoa học xã hội và nhân văn: đừng để ý tới giả thuyết, hãy cho tôi sự kiện và từ đó sẽ không còn lại gì cả. Tôi cũng có thể nói đầy tính thuyết phục rằng, do các đột biến di truyền mà suy giảm sự hiếu chiến của con người, suy giảm tình trạng trầm uất  hay độ dài của dương vật. Thế nhưng tạp chí chắc gì sẽ đăng bài báo đó. Vậy tại sao nó lại công bố bài báo này?”.

GS Jones cho rằng: “Tôi là người ủng hộ học thuyết của Mr. Gradgrint (nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếng Thời gian khổ của nhà văn Charles Dickens) - chỉ sự  kiện, sự kiện và sự kiện thôi. Thế nhưng, chúng ta cũng cần cả những ý tưởng và trong công trình này đã thể hiện chính là những ý tưởng, nhưng quả thật là tôi không thể nào hiểu được, làm sao để kiểm chứng được ý tưởng đó”.

Tiến trình thoái hóa của con người

Thợ săn và người hái lượm

Trong suốt khoảng thời gian dài tiền sử, não người với những năng lực khổng lồ trong tìm hiểu cái mới đã phát triển mạnh mẽ theo cường độ con người phải chống lại những đe dọa của các điều kiện tự nhiên.

Người Athens

Sự xuất hiện của nghề trồng trọt và nuôi gia súc cách đây gần 10 nghìn năm và sự xuất hiện tiếp theo đó của các đô thị lớn như Athens đã làm suy giảm sự chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt trong những gien của chúng ta “chịu trách nhiệm về những khả năng trí lự”.

Con người nằm trên sa lông

Bởi lẽ càng tới thế hệ mới thì càng tích tụ nhiều đột biến sinh học nên chúng ta sẽ có lúc bất lực tới mức chỉ xem được một kênh truyền hình vì không biết sử dụng cái điều khiển máy thu hình từ xa.

Con người “hậu I-pad”

Các thành tựu của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phép con người vượt qua những điều kiện tự nhiên cản trở mình và che khuất  những biến đổi sinh học trong di truyền đang diễn ra ở chính cơ thể mình. Và chính vì thế nên khi nhận thấy rõ những nguy cơ này thì đã muộn, nhân loại khó có thể quay trở lại con đường quen thuộc trong quá trình tiến hóa.

Trần Thanh Tịnh
.
.