Hiểm họa tin tặc

Thứ Ba, 21/07/2009, 15:43
Những ngày đầu tháng 7/2009 đã trở thành ác mộng đối với một loạt những trang web của Hàn Quốc và Mỹ. 26 website của Hàn Quốc và Mỹ đã bị tấn công dồn dập. Tin tặc thậm chí đã tấn công cả các website chính thức của Tổng thống, Quốc hội, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng như của hàng loạt tờ báo và các công ty lớn của nước này. 12 nghìn computer ở Hàn Quốc và 8 nghìn computer ở nước ngoài đã bị tin tặc tấn công.

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, đấy có thể là một đợt tấn công được lập kế hoạch kỹ lưỡng. Đồng thời, từ ngày 4/7 (Ngày Độc lập của Mỹ), 11 website của Mỹ cũng bị tin tặc tấn công, trong đó có những website quan trọng như của Nhà Trắng, của Ngân khố Quốc gia, của Ủy ban Thương mại Liên bang, các website của Bộ Giao thông...

Hậu quả của những đợt tấn công đó chưa lớn nhưng trong tương lai, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu tin tặc có thể có nhiều loại vũ khí nguy hiểm hơn. Và có lẽ hơn bao giờ hết, hiện nay tin tặc đang tạo nên nỗi lo ngại lớn cho không chỉ riêng một quốc gia nào. Có vẻ như một cuộc chiến tranh lạnh trong không gian mạng đã bắt đầu và sẽ càng ngày càng trở nên khốc liệt.

Đây không phải lần đầu những website quốc gia bị tin tặc tấn công. Hai năm trước đây, trong đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng quan hệ giữa nước Nga và Estonia, hàng loạt website của các cơ quan nhà nước, ngân hàng và các công ty tư nhân ở Estonia cũng bất ngờ bị tấn công, làm hư hỏng nhiều trang... Sau sự cố này, một Trung tâm phối hợp chống tin tặc đã được thành lập ở Tallin dưới danh nghĩa NATO...

Chính phủ nhiều nước thời gian gần đây đã ý thức được những hiểm họa khôn lường mà tin tặc có thể gây ra cho nền an ninh mọi mặt của mình. Phương án tồi tệ nhất sẽ là một trận Trân Châu Cảng mới trong không gian mạng: hacker sẽ tấn công vào những cơ sở then chốt của cả một quốc gia: mạng lưới điện, các hệ thống cung cấp nhiên liệu, các hệ thống cung cấp nước, các phương tiện thông tin liên lạc. Hậu quả sẽ là một tình trạng hỗn loạn toàn phần của những quốc gia bị tin tặc tấn công.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Cơ quan bảo vệ chế độ Hiến pháp và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố của Nga, Trung tướng Aleksey Sedov đã tuyên bố rằng, ông không loại trừ khả năng tin tặc tấn công vào các hệ thống điện tử của các cơ quan nhà nước, các trung tâm điều hành những cơ sở "hạ tầng khủng hoảng" của nước Nga: "Dựa trên cơ sở những tài liệu chứng tỏ sự gia tăng sử dụng của các phần tử khủng bố những phương tiện tin học tiên tiến, không thể loại trừ nguy cơ chúng thực hiện các đợt tấn công trên mạng nhằm vào các hệ thống điện tử của các cơ quan nhà nước và các công ty tư nhân, liên quan tới điều hành các cơ sở hạ tầng khủng hoảng".

Cũng trong tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Bộ Chỉ huy Chiến lược Liên quân Hoa Kỳ tiết lộ, rằng trong nửa năm gần đây Lầu Năm Góc đã phải bỏ ra hơn một trăm triệu USD để khôi phục lại các mạng computer bị tin tặc tấn công hay bị hỏng hóc. Những kẻ đột nhập vào các mạng computer của quân đội Mỹ có thể là những cá nhân riêng lẻ "nghịch dại", nhưng cũng có thể là những cơ quan tình báo nước ngoài theo đuổi những mục đích khác nhau.

Tình hình đã trở nên nghiêm trọng nên từ năm 2008, Lầu Năm Góc mới bắt đầu quan tâm tới những phí tổn cho việc này. Cũng trong tháng 4-2006, tờ The Wall Street Journal đã công bố tài liệu cho thấy, những điệp viên mạng đã nhồi được vào mạng cung cấp điện của Mỹ những chương trình có thể làm đình trệ hoạt động bình thường của nó.

Ngày 27/4/2009 trên tờ The New York Times đã đăng bài báo "U.S. Steps Up Effort on Digital Defensess", trong đó khẳng định, dựa trên lời các nhân viên của Lầu Năm Góc, rằng, đã bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang về các vũ khí mạng và các hệ thống phòng ngự, có thể so sánh với sự phát triển của tình hình sau khi xuất hiện bom nguyên tử.

Theo các chuyên viên của Trung tâm Phân tích tình hình Center for Strategic and International Studies tại Washington, nhiều cường quốc đã bỏ ra rất nhiều tiền để nghiên cứu chế tạo vũ khí mạng.

Theo tờ The Guardian, ngay từ đầu tháng 7/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã thông báo về quyết định thành lập một Bộ Chỉ huy thống nhất chống lại tin tặc  (US Cyber Command, viết tắt là USCybercom). Bộ Chỉ huy này có thể sẽ ở trong thành phần Bộ Chỉ huy Chiến lược các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. 

Nhiệm vụ chính của USCybercom là bảo vệ các mạng Internet quân sự khép kín khỏi nguy cơ bị tin tặc tấn công. Chỉ huy USCybercom sẽ là Trung tướng Keith Alexander, người hiện đang phụ trách Cơ quan An ninh Quốc gia.

Trụ sở của USCybercom sẽ được đặt tại căn cứ quân sự Fort Meade, bang Maryland, nơi đang có trụ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Liên quân các Tham mưu trưởng Hoa Kỳ, Bộ trưởng Gates tiết lộ, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Chiến lược các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, tướng Kevin Chiltol đã được giao nhiệm vụ từ nay cho tới tháng 9-2009 soạn thảo kế hoạch tổ chức cho USCybercom.

Theo ý kiến của ông Gates, USCybercom có thể khởi động được ngay trong tháng 10/2009 và sau đó  một năm sẽ có thể làm việc hết công suất. Trong quân đội Mỹ, tốc độ triển khai dự án mới nhanh như thế, có thể được ví như tốc độ ánh sáng(!). Điều đó có nghĩa là dự án này rất được quan tâm. Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 6 vừa qua cũng đã lên tiếng rằng, bảo vệ các mạng của nước Mỹ khỏi sự tấn công của tin tặc cần được coi là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh quốc gia...

Những quyết định tương tự cũng đã được thông qua tại Anh. Và đó sẽ là một cuộc "chạy đua quân sự" mới trong không gian mạng. Theo tờ The Financial Times, Văn phòng Thủ tướng Anh đầu tháng 7 này cũng đã buộc phải công nhận hoạt động của tin tặc quốc tế, trong đó có cả nạn gián điệp công nghiệp và đánh cắp các tài khoản, mỗi năm làm thiệt hại cho nền kinh tế Anh tới hàng tỉ bảng Anh. London từ chối thông báo mức độ các website của chính phủ Anh bị tin tặc tấn công nhiều như thế nào và chỉ cho biết, chỉ riêng hãng British Telecom mỗi ngày đã phải đối phó với cả nghìn đợt tấn công của tin tặc.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Lord West mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng các hệ thống Blackberry và iPhone rất dễ bị tấn công bởi các điệp viên, các kẻ tội phạm và những phần tử khủng bố. Theo ông, "hòn đảo Sương mù" cần phải nhận thức được nguy cơ đang ngày một gia tăng của các cuộc tấn công từ phía tin tặc.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Lord West cũng cảnh báo rằng, Al-Qaeda đang dự định sử dụng mạng Internet để khởi xướng của chiến tranh trong không gian mạng chống lại nước Anh. Các tổ chức khủng bố đã sử dụng mạng Internet để tuyển mộ nhân sự, tuyên truyền và giao lưu với nhau và đang dự định biến mạng Internet thành một thứ vũ khí có sức tàn phá nặng nề.

Thủ tướng Anh Gordon Brown khi tới thăm công ty sẽ cùng Bộ trưởng Nội vụ Lord West thực hiện nhiệm vụ chống lại tin tặc đã nhấn mạnh rằng, dân tộc Anh cần phải được bảo vệ  trước nạn tội phạm trên mạng: "Chúng ta không nên trở thành nạn nhân của những vụ phạm tội như thế và nếu chúng ta càng giải quyết tốt hơn các vấn đề an ninh mạng, chúng ta sẽ càng bảo vệ được tốt hơn các công dân của mình".

Lãnh đạo cơ quan an ninh Anh Jonathan Evans mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo các công ty và các hãng luật của nước này về sự gia tăng những cuộc tấn công trên mạng do các tin tặc nước ngoài tiến hành.

Chính vì thế nên London đã quyết định thành lập hàng loạt những cơ quan chống lại tin tặc. Một Trung tâm chiến thuật về an ninh mạng sẽ được lập ra trên "hòn đảo Sương mù", trực thuộc Bộ Chỉ huy liên lạc chính phủ (GCHQ). Anh cũng sẽ thành lập hẳn một cơ quan riêng chống lại tin tặc. Cơ quan này sẽ phối thuộc các nỗ lực của chính phủ Anh theo hướng này.

Người phụ trách cơ quan đó sẽ là Neil Thompson với các cộng sự là nhân viên tình báo MI-5, nhân viên phản gián MI-6 và nhiều cơ quan liên quan khác. London cũng đang có kết hoạch lôi kéo những hacker trẻ (tất nhiên, chưa phải là tội phạm) đã hối cải vào làm việc tại cơ quan thông tin chính phủ ở Cheltenham để theo dõi phát hiện các tin tặc khủng bố định xâm nhập vào các mạng của chính phủ Anh.

Trong 5 năm gần đây đã hình thành cả một thế hệ các chuyên gia mới về an ninh mạng quốc gia - đó là pha tạp của các cán bộ phản gián với những người lập trình cho máy tính. Những cán bộ này chắc chắn sẽ là nguồn lực quan trọng của các quốc gia trong cuộc chiến mạng sắp tới

Giang Long
.
.