Hành tinh thứ 9 của hệ mặt trời?

Thứ Hai, 22/08/2016, 10:58
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ California (Mỹ) bất ngờ công bố bằng chứng chỉ ra một hành tinh chưa được quan sát lớn gấp 10 lần Trái đất đang ẩn mình ở rìa ngoài hệ mặt trời.

Nhiều nhà thiên văn lập tức đưa ra các giả thuyết khác nhau về cách hành tinh thứ 9 (hay còn gọi là hành tinh X) hình thành, thậm chí còn phỏng đoán hành tinh bí ẩn này có thể thuộc về một ngôi sao khác đi ngang qua hệ mặt trời từ cách đây rất lâu.

Mặc dù vẫn chưa quan sát được hành tinh X mà chỉ dựa vào mô hình toán học và máy tính để đưa ra bằng chứng, nhưng đây được coi là thông tin đáng tin cậy nhất trong 150 năm qua, cho thấy danh sách các hành tinh của hệ mặt trời vẫn còn chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, tuyên bố gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay là hành tinh thứ 9 còn ẩn mình có thể là thủ phạm gây ra mưa sao băng gắn liền với những cuộc đại tuyệt chủng theo chu kỳ cách nhau 27 triệu năm trên Trái đất.

Giả thuyết và bí ẩn

Hành tinh X theo phỏng đoán nặng gấp 10 lần Trái đất và ở xa Mặt trời hơn 1.000 lần so với Trái đất. Hành tinh này có thể mất tới 20.000 năm để quay một vòng quanh Mặt trời. Hành tinh X bí ẩn chuyển động trên quỹ đạo xa hơn 20 lần khoảng cách trung bình từ sao Hải Vương tới Mặt trời.

Các nhà khoa học không trực tiếp quan sát được hành tinh thứ 9, nhưng họ tin chắc nó tồn tại dựa vào mô hình toán học và máy tính. Kết quả phân tích chuyển động của 6 thiên thể thuộc vành đai Kuiper (khu vực hình đĩa bao gồm sao chổi và nhiều thiên thể lớn hơn ở phía ngoài sao Hải Vương) cho thấy, chúng dường như chịu tác động bởi một hành tinh khổng lồ.

Quỹ đạo của cả 6 thiên thể có cùng độ nghiêng, chếch khoảng 30 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của 8 hành tinh đã biết. Về cơ bản hiện tượng trên không thể xảy ra một cách ngẫu nhiên. Vì vậy, giới khoa học tin rằng phải có một hành tinh định hình quỹ đạo của 6 thiên thể.

Nhiều ý kiến cho rằng chính hành tinh X từng tạo ra mưa sao chổi hủy diệt sự sống trên bề mặt Trái đất cách đây hàng triệu năm.

Những mô phỏng trên máy tính cho rằng hành tinh thứ 9 xa xôi này từng là một hành tinh băng khổng lồ tương tự như sao Hải Vương và sao Thiên Vương. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành tinh bí ẩn giống như một sao Thiên Vương "thu nhỏ" với lõi sắt, lớp phủ trung gian silicat, lớp băng ở vỏ và có bầu khí quyển chứa đầy khí hydro và heli. Nhiệt độ của nó vào khoảng -226 độ C, và hầu hết nhiệt độ được sinh ra từ phía lõi, không phải từ hấp thụ ánh sáng Mặt trời.

Điều này có nghĩa là sẽ khó có thể quan sát nó bằng kính thiên văn quang học. Thực tế, hành tinh này phản xạ rất ít ánh sáng Mặt trời, tức là nó có thể được nhìn thấy trong các sóng hồng ngoại thay vì sóng ánh sáng nhìn thấy được.

Con người đã dự đoán sự có mặt của hành tinh X từ cách đây nhiều thập kỷ nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, những nghiên cứu lần này đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng có độ tin cậy cao. 

Dù chưa có ai tận mắt quan sát được hành tinh này nhưng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ California cho rằng độ tin cậy của phát hiện lần này là khoảng 70%. Đây là lần đầu tiên trong 150 năm qua có những bằng chứng mạnh mẽ được phát hiện cho thấy danh sách các hành tinh của hệ mặt trời là chưa đầy đủ. 

Về nguồn gốc của hành tinh thứ 9, các nhà khoa học trước đây phỏng đoán hệ mặt trời có một hành tinh mất tích. Một vụ va chạm khiến nó bị đẩy khỏi hệ mặt trời khoảng 4 tỷ năm về trước.

Tuy nhiên, có ý kiến khác đề xuất giả thuyết hành tinh X bị giữ lại từ ngôi sao hàng xóm. Theo đó, Mặt trời ra đời trong một cụm sao lớn với khoảng 1.000 - 10.000 ngôi sao. Trong cụm sao với mật độ dày đặc như vậy, Mặt trời có thể trải qua vài lần tiến gần đến ngôi sao khác và tráo đổi các hành tinh với chúng.

Cụ thể, hành tinh thứ 9 vốn là một ngôi sao trong Ngân hà, nằm gần hệ mặt trời và đã bị Mặt trời hút lại gần cách đây 4,5 tỷ năm, biến nó trở thành hành tinh gần hệ mặt trời nhất. Để kiểm tra giả thuyết, các nhà khoa học đã mô phỏng những cuộc chạm trán giữa hệ mặt trời với hệ hành tinh đi ngang qua.

Kết quả phân tích chuyển động của 6 thiên thể thuộc vành đai Kuiper cho thấy, chúng dường như chịu tác động bởi một hành tinh khổng lồ.

Họ phát hiện, nếu một hệ có hành tinh quay theo quỹ đạo rộng, khả năng nó bị Mặt trời giữ lại là 50%. Một số quan điểm lại nhận định, hành tinh X nhiều khả năng là lõi của một hành tinh khí khổng lồ bị bắn ra từ vành trong hệ mặt trời trong lúc hệ đang hình thành ở thuở sơ khai. 

Giả thuyết của họ là sự kiện xảy ra rất sớm và có nhiều khí ga xung quanh tinh vân, khiến phần lõi chuyển động chậm lại và không bị văng hoàn toàn ra khỏi hệ mặt trời mà dừng lại ở phần rìa. Bất chấp nhiều giả thuyết được đưa ra, chưa có một sự khẳng định chắc chắn nào về sự tồn tại và quá trình hình thành của hành tinh X.

Các quan sát cho thấy, có khá nhiều những thiên thể có kích thước xấp xỉ sao Hải Vương như hành tinh thứ 9 ở phía rìa của hệ mặt trời. Rõ ràng, giới khoa học phải tiếp tục thực hiện những quan sát và mô hình hóa các vị trí, quỹ đạo của những thiên thể nhỏ thuộc hệ mặt trời và xa hơn sao Hải Vương để có thể cung cấp thêm nhiều bằng chứng về nguồn gốc của hành tinh bí ẩn thứ 9.

Có phải thuyết âm mưu?

Năm 1885, nghiên cứu ghi chép cổ sinh vật học củng cố giả thuyết những cơn mưa sao băng diễn ra đều đặn cách đây 250 triệu năm. Nghiên cứu gần đây hơn tìm thấy bằng chứng chỉ ra sự kiện này có niên đại lâu hơn từ 500 triệu năm trước.

Trước đây, vào những năm 1980 và 1990, một số người cho rằng một hành tinh lùn tên Nibiru hoặc Nemesis, đến quá gần với Trái đất mỗi 36.000 năm, là thủ phạm gây ra sự tuyệt chủng của khủng long. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự tồn tại của Nibiru và Nemesis chỉ là điều nhảm nhí cho đến khi Viện Công nghệ California phát hiện sự tồn tại của hành tinh thứ 9.

Giáo sư Daniel Whitmire thuộc Trường Đại học Louisiana (Mỹ) tin rằng, chính hành tinh X từng tạo ra mưa sao chổi hủy diệt sự sống bề mặt Trái đất cách đây hàng triệu năm, khiến loài khủng long tuyệt chủng. Whitmire và đồng nghiệp lần đầu công bố nghiên cứu về mối liên hệ giữa hành tinh X và các cuộc đại tuyệt chủng năm 1985.

Tại thời điểm đó, ba lý giải được đưa ra để giải thích về mưa sao băng: hành tinh X, sự tồn tại của ngôi sao giống Mặt trời, và dao động theo chiều dọc của Mặt Trời khi nó xoay quanh dải thiên hà. Hai giả thuyết sau bị loại trừ do không phù hợp với ghi chép cổ sinh vật học. Hành tinh X là giả thuyết hợp lý nhất và đang gây chú ý.

Theo đó, khi hành tinh X quay quanh Mặt trời, quỹ đạo nghiêng của nó chậm rãi xoay tròn và cứ 27 triệu năm, hành tinh X lại đi qua vành đai sao chổi, khiến sao chổi bắn vào vành trong hệ mặt trời. Những ngôi sao chổi bật khỏi vị trí không chỉ va đập vào Trái đất mà còn tan rã ở vành trong khi chúng đến gần Mặt trời, làm giảm lượng ánh sáng Mặt trời chiếu đến Trái đất, gây thảm họa diệt vong.

Hành tinh X (hay hành tinh thứ 9) theo phỏng đoán nặng gấp 10 lần Trái đất và ở xa Mặt trời hơn 1.000 lần so với Trái đất.

Tuy nhiên, Daniel Whitmire thừa nhận rằng, những bằng chứng hiện tại về hành tinh X không hoàn toàn phù hợp với những dự đoán mà ông từng đưa ra khi vẫn còn nhiều điều "mơ hồ".

Với quỹ đạo giả thuyết của hành tinh thứ 9 lên đến 20.000 năm để hoàn thành một vòng quanh Mặt trời, và khoảng cách quá xa so với Mặt trời, dường như nó sẽ không gây nguy hiểm cho con người. Tuy vậy, những cá nhân theo thuyết âm mưu nhanh chóng đưa ra giả thuyết rằng, đây đơn giản chỉ là hành tinh đầu tiên trong một vài thiên thể có khả năng "diệt chủng", và sớm hay muộn thì một trong số hành tinh kiểu đó sẽ khiến Trái đất vỡ vụn.

Cho đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy những thiên thể đã biết hoặc được công nhận có bất kỳ sự đe dọa nào đối với Trái đất. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn đang theo dõi một cách thận trọng các thiên thể gần Trái đất có khả năng gây nguy hiểm.

Hành tinh X, nếu tồn tại, chắc chắn là một thiên thể khó phát hiện. Giới khoa học nhận biết được những tác động lên 6 thiên thể trong vành đai Kuiper, coi đây là cơ sở chứng minh sự tồn tại của nó, mặc dù điều này chưa được thừa nhận rộng rãi trong giới thiên văn học. Tuy nhiên, bằng chứng nêu trên chắc chắn đủ thuyết phục một cuộc tìm kiếm chi tiết trên quy mô rộng.

Nhờ có hệ thống mô hình hóa bằng máy điện toán, phạm vi tìm kiếm đã được thu hẹp. Đồng thời, công nghệ đang phát triển và những quan sát trong khu vực vành đai Kuiper dần được cải thiện. Nếu hành tinh thứ 9 quả thực tồn tại, nó sẽ được tìm ra trong một vài năm nữa…

Thiên Trang
.
.