Ghi chép ở Tây An

Thứ Năm, 25/03/2010, 10:38
Tây An những ngày giữa tháng 12 năm 2009 đầy sương mù, trời lạnh dưới độ không khoảng ba, bốn độ. Ngày nay, Tây An bao gồm Hàm Dương thời nhà Tần và Trường An thời nhà Hán, nhà Đường, là cái nôi sinh ra dân tộc Trung Hoa, bắt đầu được gọi là Hoa Hạ với những vị vua Hoàng Đế và Viêm Đế...

Người Hoa Hạ đến thời Hán thì gọi là người Hán, đến đời Đường vươn trùm thế giới thì gọi người Đường. Tây An, mặc dù vừa bỏ ra hàng tỉ nhân dân tệ để xây dựng cả khu Khúc Giang, nơi vươn cao sừng sững tháp Đại Nhạn gắn liền với tên tuổi Đường Tăng, thành một khu phố cổ phong cách đời Đường, được biết đang phấn đấu trở thành một Trung tâm khoa học công nghệ hiện đại quốc tế.

Nhưng có một điều quan trọng là, vùng đất Quan Trung (Thiểm Tây) cùng với Trung Nguyên (Hà Nam)… vốn là cái nôi ra đời những phát minh khoa học làm thay đổi thế giới của Trung Quốc, là điểm khởi đầu của con đường tơ lụa vươn sang phía Tây, thế mà từ sau thế kỉ XVII, đế quốc Trung Hoa đã tụt hậu và yếu hèn một cách ghê gớm. Vì sao vậy? Đó chẳng là một câu hỏi hết sức hấp dẫn hay sao?

A Vương, một nhà văn ở Tây An dẫn tôi đi thăm tháp Đại Nhạn, chùa Pháp Môn và Bảo tàng Binh mã Tần Thuỷ Hoàng, tự hào kể rằng, người Hoa Hạ từ thế kỉ thứ VI trước Công nguyên đã biết trồng cây thành hàng, đến đời nhà Hán (202 trước CN - 220 sau CN) đã biết chế ra máy gieo hạt, cày sắt, máy khoan, bánh lái tàu thuỷ, đeo ách cho ngựa. Anh nói:

- Khi người Trung Hoa cổ đại nắm trong tay 4 phát minh lớn: la bàn, công nghệ sản xuất giấy, kĩ thuật in và thuốc pháo thì người châu Âu còn dùng da dê để chép kinh Thánh, các kị sỹ châu Âu còn dùng thương và mộc để chiến đấu.

Đúng vậy. Đánh giá về nền văn minh này, Các Mác từng viết, đại ý: Thuốc pháo đã đánh gục và đập tan tầng lớp kị sĩ; la bàn mở ra thị trường thế giới, tạo nên các thuộc địa; kĩ thuật in ấn trở thành công cụ của tân giáo, trở thành chiếc đòn bẩy mạnh mẽ nhất tạo tiền đề cho sự phát triển, sáng tạo tinh thần.

Nhà Hán đã là một đế quốc, nhưng đến nhà Đường thì đế quốc ấy đạt đến cực thịnh, tiếng tăm vang dội, đến nỗi ngày nay, những người Hoa ở khắp thế giới đều tự nhận mình là người Đường. Thế nhưng sau đó Trung Quốc rơi vào lạc hậu, đến cuối nhà Thanh thì thật thảm hại. A Vương biện ra rất nhiều lí do, nhưng chung qui lại là bởi các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Từ sau thế kỉ XVII, bên trong đế quốc Trung Hoa, với xã hội phong kiến lạc hậu, thiếu hẳn động lực phát triển kinh tế thương phẩm.

- Về mặt tư tưởng, do trì trệ bảo thủ không tiếp nhận được sự kích thích của các tư tưởng khoa học mới, của kĩ thuật tiên tiến.

-  Về bản chất, đó là sự tự đóng kín, tự thoả mãn với những gì đã có.

Ảnh cổ thành Tây An.

A Vương nói, nhìn vào nền khoa học kĩ thuật của Trung Quốc thời đó, người ta nhận thấy nó sa sút nhanh chóng, rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Từ thế kỉ thứ VI đến năm 1500, Trung Quốc chiếm 54% tổng số các thành quả khoa học kĩ thuật quan trọng của thế giới. Nhưng từ đó cho đến thế kỉ XIX, con số trên chỉ còn là 0,4%.

Ở đời, không phải anh đã đạt đến đỉnh cao rồi thì không ai vượt nổi. Trung Quốc, sau khi cống hiến cho thế giới những phát minh to lớn đã tự đóng kín, thế nghĩa là tụt hậu. Trong khi đó, trên cơ sở tiếp thu những thành tựu to lớn do người Trung Quốc phát minh, phương Tây đã tiến nhanh. Thế kỉ XVII, cùng với sự phục hưng của nền văn nghệ, nước Italia đã trở thành trung tâm khoa học đầu tiên của thế giới. Sau đó, nương theo cuộc cách mạng công nghệ, trung tâm khoa học thế giới chuyển sang nước Anh. Thế kỉ XVIII, cuộc cách mạng của giai cấp tư sản đã biến nước Pháp thành trung tâm thứ ba của nền khoa học thế giới. Thế kỉ XIX, nước Đức đã thành công trong việc kết hợp giữa khoa học và kinh tế, nhờ đó mà giành được địa vị trung tâm khoa học thế giới trong suốt cả thế kỉ. Đầu thế kỉ XX, hàng loạt các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã di cư sang Mỹ, góp phần đưa nước này trở thành trung tâm thứ năm, và hiện nay đang đứng đầu thế giới.

Tôi nhớ Các Mác có nói, khoa học kĩ thuật là lực lượng sản xuất. Ngày nay, khoa học kĩ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất thứ nhất. Những nước lớn, muốn giành địa vị thống trị thế giới đã không ngừng ứng dụng những khoa học kĩ thuật tiên tiến nhất cho quân sự.

Trong bài diễn văn truyền hình của vị Tổng thống Mỹ thứ 40, tối ngày 23/3/1983, sau khi mô tả kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Liên Xô, Ronald Reagan nói: "Tôi đang lựa chọn bước đi thứ nhất quan trọng. Tôi đã chỉ thị thực hiện những nỗ lực tổng hợp nhưng khẩn trương, vạch ra một kế hoạch nghiên cứu và phát triển dài hạn để đạt đến mục tiêu cuối cùng là loại trừ nguy cơ tên lửa hạt nhân chiến lược. Tôi tin rằng, việc chúng ta nỗ lực làm hôm nay sẽ có hy vọng làm thay đổi tiến trình lịch sử nhân loại".

Ngày 6/1/1984, Reagan ban hành văn bản  "Quyết định về an ninh quốc gia" mang số hiệu 114, chính thức hạ lệnh tiến hành chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao". Ngày 20/6 năm sau, Quốc hội Mỹ phê chuẩn kế hoạch này với ngân sách khổng lồ 25 tỷ đôla. Ngay khi kế hoạch trên ra đời, Tổng thống Pháp Mitterrand lập tức đề xướng thành lập dự án "Châu Âu kĩ thuật". Dự án này đã được Cộng hoà liên bang Đức và sau đó là 17 nước châu Âu hưởng ứng, chính thức hoá bằng thông cáo chung ngày 17/7/1985. Nhật Bản cũng nhanh chóng đề ra kế hoạch "Chính sách cơ bản chấn hưng khoa học kĩ thuật 10 năm tới". Ở châu Á, các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... cũng ra sức tìm cách có trong tay vũ khí hạt nhân. Các loại tên lửa tầm gần tầm xa, đối không đối đất, đánh chặn... cũng như các loại vệ tinh do thám, các loại vũ khí lade, sinh học... thi nhau ra đời treo trên đầu nhân loại bao nhiêu thảm họa. Buồn thay!       

Thế kỉ XXI đã đi hết thập kỉ đầu tiên, diện mạo kinh tế - chính trị - quân sự thế giới đang thay đổi từng ngày. Trung Quốc nắm trong tay vũ khí nguyên tử, đưa con người lên vũ trụ, là chủ nợ của nước Mỹ giàu có, không giấu giếm muốn lãnh đạo thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà lí luận ở phương Tây, Nhật Bản và Trung Quốc, sau khi nghiên cứu lịch sử phát triển tư tưởng, lịch sử văn minh, đặc biệt là lịch sử phát triển khoa học kĩ thuật, dự đoán rằng, thế kỉ XXI là thế kỉ của Trung Quốc, nước này sẽ trở thành trung tâm của khoa học thế giới. A Vương là người nghiêng hẳn về ý kiến đó.

Theo anh, lí do thứ nhất, bắt đầu từ năm 1919, nền văn hoá Trung Quốc ở vào trạng thái bị xáo trộn rất mạnh, sự xung đột văn hoá cũ mới, văn hoá Đông - Tây tạo nên những áp lực và động lực, hình thành chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy khoa học phát triển. Vì thế Trung Quốc mới có thể làm ra bom nguyên tử, mới có thể đưa người lên vũ trụ. Cùng với nó, cơ cấu xã hội Trung Quốc cũng đang trong quá trình biến cải. Từ cuộc cải cách thể chế về chính trị và kinh tế năm 1978 lại đây, nhiều tài năng trẻ đã chọn khoa học làm sự nghiệp của mình, đội ngũ các chuyên gia phát triển hơn bao giờ hết. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung quốc là một động lực phát triển của khoa học. Tốc độ của sự hợp tác giữa khoa học kĩ thuật và kinh tế đã vượt xa tốc độ trung bình cao nhất trong lịch sử đất nước.

A Vương cho rằng lối tư duy của người Trung Quốc khác so với người phương Tây, vừa coi trọng chỉnh thể, vừa chú ý đến tính linh hoạt, sẽ làm nảy nở hàng loạt nhà khoa học Trung Quốc tài năng, từ đó sẽ sinh ra những "cha đẻ của nền khoa học mới".

Thế nhưng tôi đọc trên mạng của Hội Nhà văn Thượng Hải lại thấy có ý kiến nghi ngờ. Nhà văn này đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có thể sản sinh ra được một nhà bác học như Tiền Học Sâm (cha đẻ của bom nguyên tử Trung Quốc) nữa hay không, khi mà nền giáo dục chỉ dạy học sinh trả lời theo đáp án, làm văn theo bài mẫu, không dạy sáng tạo, tìm tòi cái mới? Nếu trong thế kỉ XIX, cứ 50 năm, tri thức khoa học của nhân loại tăng lên gấp đôi, thì đến giữa thế kỉ XX, cứ 10 năm lại tăng thêm gấp đôi, hiện nay thì cứ 3 năm tăng gấp đôi. Từ cuối những năm 60 đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước, thành quả khoa học kĩ thuật đạt được đã vượt xa toàn bộ thành quả của 2000 năm trước. Hiện nay, một ngày có trên 4 vạn bài báo khoa học được công bố, có khoảng 800 phát minh đã đăng kí được áp dụng. Trong cái đà tiến ấy, năm 2008, Trung Quốc nộp hơn 800.000 đơn xin cấp bằng sáng chế, và được cấp gần 200.000. Vấn đề là rất ít sáng chế mang tính chất đột phá.

Trong những phát minh lớn thập niên thứ nhất thế kỉ XXI không thấy có tên các nhà khoa học Trung Quốc, có một số người mang họ Trung Quốc, nhưng định cư và nghiên cứu ở nước ngoài. A Vương mặc dù thừa nhận Chính phủ Trung Quốc bỏ nhiều tiền vào các khu vực khoa học, nhưng các nhà nghiên cứu được lệnh phải sáng tạo theo thời gian biểu, phải nộp đơn sáng chế, viết bài khoa học theo gợi ý nếu muốn nhận tiền tài trợ, dẫn tới số lượng nhiều, nhưng không nhất thiết là chất lượng cao. Sức ép đã khiến một số nhà nghiên cứu đạo văn, làm giả số liệu, làm ẩu. A Vương cũng đồng ý là các phòng thí nghiệm của chính phủ còn thiếu và thiết bị chưa thật hiện đại. Nhưng A Vương lại tin khẩu hiệu "Sáng tạo Trung Quốc cho Trung Quốc" là đúng đắn

Hà Phạm Phú
.
.