Erik Jan Hanussen-Thầy chiêm tinh số một của trùm phát xít Hitler:

Đoạn trường riêng lối

Thứ Hai, 04/04/2011, 15:31
Erik Jan Hanussen sinh ra trong phòng giam của nhà tù Vienna từ một quan hệ luyến ái ngoài giá thú. Cha ông ta là một nghệ sĩ tửu quán công không thành, danh không toại tên là Siegfried Steinschneider. Mẹ là Antonie Julie Kohn, xuất thân từ một gia đình Do Thái chính thống.

Trò phiêu lưu đầu tiên

Ông ngoại của nhà chiêm tinh học tương lai làm nghề buôn áo lông Nga và cho rằng, nếu con rể là người thuộc giới "xướng ca vô loài" thì thật là không xứng đáng. Cặp tình nhân lãng mạn vì thế đã phải bỏ nhà ra đi sang xứ Morava láng giềng. Khi họ trở về nhà thì cô gái trẻ đã có mang.

Mặc dù thế, cả hai đều bị cảnh sát bắt giam theo đơn kiện của người cha về việc hai người đã ăn trộm tài sản của ông. Đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời ngày 2/6/1889 được đặt cho một cái tên kép là Hermann - Steinschneider. Trong nhà, cậu được gọi ngắn gọn là Hermann. Sản phụ và cậu con trai ngay sau khi sinh nở đã được đưa về nhà ông ngoại.

Thế nhưng, vài ba ngày sau, khi được ra khỏi tù, Siegfried Steinschneider đã lập tức tới "đánh tháo" người vợ chưa cưới và đưa con trai để dấn thân vào hành trình bất định của những người hát rong. Lang thang từ khu nghỉ dưỡng này tới khu nghỉ dưỡng khác, gia đình bé nhỏ đó đã kiếm sống  bằng cách "mua vui cũng được một vài trống canh" cho các du khách người Đức tại các quán xá.

Sau này, trong cuốn tự truyện Đường đời của tôi, Hanussen kể rằng, lần đầu tiên ông cảm thấy mình  có tài tiên tri là vào năm… 3 tuổi! Một đêm, tỉnh giấc giữa canh khuya, bất chợ cậu bé cảm thấy một nỗi lo âu khó hiểu và không thể nào cưỡng lại được.

"Như bị một bàn tay vô hình nào đó dẫn đi", Hermann vùng dậy chạy tới nhà của chủ hiệu thuốc. Không hề thốt lên một lời nào, cậu đã dựng được cô con gái đồng niên của ông này dạy và cả hai dắt nhau ba chân bốn cẳng chạy tới nghĩa địa. Khi hai đứa bé vừa kịp núp mình sau một tấm bia mộ bằng đá to, thì trong ngôi nhà của chủ hiệu thuốc đã vang lên một tiếng nổ lớn và bốc cháy dữ dội.

Năm 14 tuổi, Hermann đã quyết định nối nghiệp cha và đi làm cho nhiều gánh hát và gánh xiếc rong. Chàng trai đã học được rất nhiều nghề trên và sau sàn diễn, biết cách điều khiển thú, biết làm vui công chúng và cũng phải nếm trải đủ cũng như vinh quang của đời nghệ sĩ.

Nhà tiên tri tương lai cũng đã cảm thấy được sự nhục nhã từ những trò bài xích Do Thái trên vùng đất đa ngôn ngữ trong đế chế của dòng họ Habsburg. Năm 20 tuổi, Hermann bị gọi đi lính và được ném tới Sarayevo phục vụ.  Một năm sau, chàng lính trẻ lâm bệnh khá nặng nên được ra quân.

Trong giai đoạn đó, nhà tiên tri tương lai với danh xưng là Harry, đã kiếm sống bằng những sáng tác các điệp khúc viết trên giấy ăn trong các quán cà phê ở thành Vienna cho các tiết mục tạp kỹ về các chủ đề thời sự dân sinh đang  bắt đầu ngày một thịnh hành. 

Một lần, hay tin có cuộc tuyển chọn những người hát đồng ca cho chuyến du diễn sang Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Hanussen quyết định mạo hiểm và tìm tới địa chỉ đã được thông báo. Chuyến du diễn ở Hy Lạp không thành công và ông bầu quyết định "bỏ của chạy lấy người", để những nghệ sĩ tham gia đoàn "sống chết mặc bay".

Túng phải tính, Harry đã bày ra một trò phiêu lưu tương tự như hai nhân vật  lừa đảo King và Duke từng làm trong tác phẩm lừng danh của Mark Twain Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Harry tìm tới chủ một nhà hát ngoài trời xin thuê chịu sân khấu. Nhà chiêm tinh học tương lai hứa rằng sẽ có một vở diễn cực kỳ hấp dẫn, ăn khách, với kịch bản là một tác phẩm opera mới hoàn toàn của nhà soạn nhạc nổi tiếng Lehar.

Một ca ngoại cảm của Hanussen.

Thậm chí Harry còn hứa rằng, cuối vở diễn sẽ có  một trận pháo hoa từng bừng, bắn lên cả những chữ viết tắt tên họ của  Sultan thứ 34  của đế chế Ottoman, Abdul Hamid. Cảm động vì hào khí ái quốc này, chủ nhà hát ngoài trời, một người Hy Lạp, đã không cầm lòng được nên đồng ý.

Vé được bán chạy hơn tôm tươi. Tuy nhiên, Harry không kịp đút số tiền thu được vào túi mình vì đã có một kẻ nào đó nhanh tay hơn làm việc này trước. Những thành viên còn sót lại của đoàn du diễn đã mạnh ai nấy chạy trước khi kết thúc vở diễn vớ vẩn mà họ mạo nhận là tác phẩm của Lehar.

Rốt cuộc là Harry còn trơ khấc lại một mình đối phó với đám đông khán giả đang phẫn nộ vì bị lừa. Anh chàng đành lên sân khấu và ngao ngán thông báo rằng, chương trình bắn pháo hoa như dự định là không thể thực hiện được, đồng thời rầu rĩ thuật lại hành trình du diễn rủi ro của đoàn.

Nhà chiêm tinh học tương lai kể chuyện mùi mẫm đến mức, khán giả, mà đa số là những người buôn bán lẻ gốc Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp,… cảm động và đứng ra quyên góp tiền giúp các nghệ sĩ sa cơ lỡ vận về lại thành Vienna. Harry đã có một cô gái đồng hành trên đường hồi hương, đó là nữ ca sĩ  tửu quán Betty Shostak mà về sau đã trở thành người bạn đời của ông ta.--PageBreak--

Pháp sư rắn

Harry mua cho mình và Betty vé hạng ba trên con tàu thủy sang trọng "Nam tước Beck" mà phần lớn hành khách đều là giới tinh hoa đi du lịch. Anh chàng lên gặp thuyền trưởng và tự xưng danh là giọng nam trung lừng lẫy người Italia, Titta Ruffo.

Chưa "kiến kỳ hình" nhưng đã "văn kỳ thanh" về ngôi sao hàng đầu của nhà hát La Scala, người thuyền trưởng hào phóng xếp cho Harry cùng người bạn gái vào ở phòng hạng nhất để đổi lấy một chương trình ca khúc dành cho hành khách trên tàu. Kẻ giả danh giọng ca bariton đồng ý và khôn ngoan hứa rằng sẽ làm chương trình vào ngày thứ năm, ngày cuối cùng của chuyến đi.

Trong bụng, Hary dự định là tới hôm đó sẽ viện cớ bị bất ngờ viêm họng- đằng nào thì tàu cũng sắp cập bến, chẳng ai nỡ đuổi anh chàng ra khỏi phòng hạng nhất chỉ vì anh ta ốm nên không hát được. Để phòng xa, Harry thường xuyên quấn cổ bằng một cái khăn to mỗi khi ra khỏi phòng.

Trên chuyến tàu đó, giữa đám khách ngồi vé hạng hai có một gương mặt khá kì dị, một thầy tu Hindu đi đâu cũng mang theo mình cái làn rơm có ba con rắn mà ông ta thường cho ăn mấy chú chuột sống trước những hành khách luôn mắt tròn mắt dẹt khi phải chứng kiến cảnh đó.

Và họ thường bỏ đi chỗ khác  mỗi khi ông thầy tu Hindu này xuất hiện trên boong với làn rắn của mình. Còn trong đám hành khách hạng nhất thì nổi bật hơn cả là tử tước trẻ người Italia, tên là Montegazza như anh tự xưng danh. Luôn có một hầu phòng riêng tháp tùng, ăn vận thanh lịch khỏi chê, biết nói đủ thứ thổ ngữ,  rất được các quý bà mến mộ, nhà quý tộc Italia này đã thuyết phục được thuyền trưởng đồng ý cho thầy tu Hindu biểu diễn xiếc rắn trước khi giọng nam trung Ruffo hát.

Các quý bà đang buồn chán vì phải ăn không ngồi rồi trên tàu hào hứng ủng hộ ý tưởng này. Thuyền trưởng, trước đã định trục xuất thầy tu Hindu với đám rắn của ông ta lên bờ, đành phải nghiến răng gật đầu.

Tối hôm sau, khi hoàng hôn tới, đông đảo hành khách đã có mặt trên boong rực ánh đèn. Tử tước người Italia mua vui cho hành khách bằng những câu chuyện về các chuyến đi của anh ta ở Nam  Á và vùng Viễn Đông. Rồi trước mọi người xuất hiện anh thầy tu Hindu điển trai  với đôi mắt đầy xa vắng. Cúi chào khán giả xong, thầy tu đi tới chỗ cái làn đựng rắn. Và anh ta kêu lên thất thanh rằng, cả đàn rắn đã lủi đi hết rồi. Mọi người sững sờ khiếp hãi.

Chỉ riêng tử tước Montegazza vẫn còn tự chủ được và bình tĩnh giải thích rằng, rắn độc thì chỉ thích những chỗ tối tăm ẩm ướt thôi nên có lẽ chúng không bò đi đâu xa căn phòng mà thầy tu Hindu ở; và một khi mọi người còn ngồi trên boong đầy ánh sáng này thì không sợ bị rắn cắn. Chỉ những ai chạy đi tứ tung và lỡ giẫm phải chúng thì mới có nguy cơ bị rắn độc cắn… Vì vậy, mọi người nên ngồi nguyên tại chỗ và không được nói chuyện to.

Đám hành khách làm theo y lời tử tước. Montegazza yêu cầu mang tới cho anh ta một đĩa sữa nóng, rồi bảo thầy tu cầm sáo đi theo mình để thổi dụ rắn tụ lại vào làn ở dưới khoang giữa. Và tử tước cùng thầy tu Hindu đi xuống sau khi hứa với thuyền trưởng là sẽ thu thập lại đủ số rắn… Trước khi khuất bóng, anh ta còn ngoái lại nở nụ cười lấp lóa…

Phải tới một phần tư giờ trôi qua trong đợi chờ căng thẳng. Cuối cùng, tử tước với vẻ mặt tươi tỉnh cũng đã xuất hiện trên boong tàu. Trên tay anh chàng là cái làn đầy rắn nằm ngoan ngoãn. Sau tiếng thở dài nhẹ cả lòng, thuyền trưởng đã tới chỗ thầy tu Hindu và ra lệnh anh này phải lên bờ ngay khi tàu cập bến gần nhất.

Thế nhưng, bỗng nhiên Harry đã lên tiếng. Khi nhà chiêm tinh tương lai lại gần cái bàn mà trên đó có đặt cái làn đựng rắn, thầy tu Hindu rút dao găm ra định đâm Harry nhưng bị đối thủ tung chưởng nhanh hơn, hạ gục. Tử tước người Italia thay đổi ngay sắc mặt và hiện nguyên hình lưu manh thảo khấu, hô to lên rằng, Harry hoàn toàn không phải là một giọng nam trung, mà chỉ là kẻ lừa đảo.

Harry đáp lời ngay: "Ta không phải là ca sĩ cũng như mi không phải là tử tước". Rồi Harry mở cái làn ra, dốc xuống bàn mấy con rắn nằm trong đó. Khán giả ồ hết cả lên. Nhưng Harry nói với họ, đó là những con rắn không độc. Rồi anh còn lôi từ trong làn ra những cái đồng hồ vàng, hoa tai, cây thánh giá vàng và nhiều đồ trang sức khác.

Hành khách ngồi trên boong tàu nhận ra ngay những đồ vật mà họ đã gửi cho thuyền trưởng cất giữ hộ trong chuyến đi. Hóa ra là gã tử tước tự xưng và gã thầy tu Hindu đã đánh cắp chúng trong 15 phút xuống dưới với lý do là để thu thập lại đàn rắn.

Tiếp theo, Harry với vẻ đắc chí rõ rệt kể lại cách mà anh chàng đã phát hiện ra hai kẻ lừa đảo. Bản năng nghệ sĩ và diễn viên xiếc đã giúp anh. Harry đã nhận ra rằng, từ thầy tu Hindu toát ra cái mùi lạ lùng nhưng lại quen thuộc với anh. Ngửi sâu, nhà chiêm tinh học tương lai phát hiện ra rằng, đó là mùi của đồ hóa trang khi ta cần phải vẽ màu da rám nắng.

Hiểu rõ điều này, Harry đã "tình cờ" có mặt ở nhà tắm đúng lúc gã thầy tu giả hiệu đang bôi lên mình chất hóa trang da nâu. Anh còn kịp nhìn thấy ở vai trái chưa kịp bôi mỡ của anh chàng này vết xăm bằng thổ ngữ của người Digan Thụy Sĩ.

Nỗi hoài nghi của Harry càng gia tăng khi anh được một bà hành khách, thích sưu tầm chữ ký, yêu cầu ký vào album kỷ niệm của mình: căn cứ vào nét chữ để lại, anh nhận ra rằng, cả tử tước người Italia lẫn thầy tu Hindu đều ký bằng tay trái.

Quan sát kỹ, Harry đã hiểu ra: trên tàu là anh em nhà Pirelli, những kẻ lừa đảo khét tiếng thời đó, trước cũng từng là những diễn viên nhào lộn trong rạp xiếc. Sau khi hai anh em này giang hồ rẽ lối, cảnh sát đã gửi cho tất cả các chủ gánh xiếc ảnh quảng cáo của họ để phòng ngừa tội phạm. Harry đã ghi nhớ nụ cười tươi rói của thằng anh và ánh nhìn mờ ảo của thằng em.

Và Harry cũng xác định được loài rắn trong làn của thầy tu giả hiệu, đó là thứ rắn mà các nghệ sĩ xiếc hay nuôi. Và, vốn cũng là một người biết diễn xiếc thú, Harry hiểu rất rõ rằng, rắn không có cơ quan thính giác và tiết mục pháp sư rắn chỉ nhằm vào khả năng thị giác của rắn mà thôi: rắn sẽ làm theo mệnh lệnh toát lên từ đồ vật chuyển động trong tay nghệ sĩ chứ không phải theo tiếng sáo thổi lên. Lập luận này đã là yếu tố quyết định.

Nghe xong chuyện, đám hành khách hào hứng cảm ơn Harry, vì anh đã giúp họ bảo toàn đồ vật quý. Nhiều người đã hậu tạ Harry.  Ông bầu Marinelli ở Brodway đã đưa cho Harry danh thiếp và bảo, anh hoàn toàn có thể làm nhà tiên tri trên sàn diễn tạp kỹ.--PageBreak--

"Nhìn thấu tương lai"

Một năm sau, Harry lại lâm vào cảnh túng bấn. Lúc này Betty mắc phải căn bệnh lao mà các bác sĩ đều nói là không thể chữa khỏi. Harry nghe thấy ai đó kể về một phương thức chữa bệnh độc đáo đang được thực hành ở Berlin nên đưa vợ tới đó.

Sau khi xếp vợ vào ở một bệnh viện làm phúc, nhớ tới lời của ông bầu Marinelli, Harry đi tìm chỗ làm nhà ảo thuật trong tửu quán. Không hề có chút kiến thức nào về công việc này, Harry dồn những món tiền ít ỏi sau cùng để mua sách dạy về nó và hy vọng rằng, từ sáng tới chiều sẽ kịp học được cách làm nhà ảo thuật.

Buổi biểu diễn đầu tiên đã thất bại hoàn toàn. Nhưng chính sự thất bại đó lại làm công chúng thích vì họ lại tưởng đó là trò chế giễu các nhà ảo thuật. Harry nhận được hợp đồng biểu diễn trong hai tuần và ngồi vào bàn nghiên cứu nghệ thuật tiên tri số phận nhờ bộ bài Tarot và cái gương ẩn.

Lúc đầu mọi việc không suôn sẻ lắm và thậm chí có một lần còn rất tồi tệ: vì để gương không đúng góc độ nên Harry đã không thể nhìn được các lá bài mà khán giả đã rút ra ở phía sau lưng anh. Đúng trong khoảnh khắc tuyệt vọng đến hoàn toàn đó, Harry trong tâm tưởng lại như nhìn thấy cảnh Betty hấp hối trên giường bệnh.

Kinh hoàng vì những gì vừa phải chứng kiến một cách thần giao cách cảm, Harry quay xuống dưới khán phòng và đưa cái nhìn nặng nề hướng vào công chúng. Anh hiểu rằng, giờ đây anh chẳng còn cần cả bộ bài Tarot lẫn những gì đã đọc được từ sách dạy làm ảo thuật gia làm gì nữa. Anh nhìn thấu rõ từng người đang ngồi trong quán.

Anh đi từ bàn này sang bàn khác và nói vanh vách mọi điều thầm kín của các thực khách kiêm khán giả đang ngồi ở đó. Quý ông này bị mắc bệnh giang mai và ngay phút này đang làm lây bệnh cho người bạn gái đi cùng khi cho cô ấy uống bia chung từ cốc của mình. Còn thưa quý bà, con gái bà đã có mang nhưng cô ấy chưa biết chuyện này cũng như không biết là có mang với ai. Còn quý ông khả kính kia sáng nay vừa tới chỗ bà bói để hỏi xem bao giờ thì vợ ông ấy chết…

Để kết thúc, Harry đã cầm lấy bộ bài Tarot rồi tung hê nó đi như những bông hoa giấy. Thế là anh bị đuổi việc tức thì. Rời khỏi tửu quán, Harry lần tới bến tàu điện và đi vào bệnh viện. Đáp lại câu hỏi về tình hình của Betti Shostak, người ta dẫn anh tới nhà xác.

Trở về thành Vienna, Harry cứ băn khoăn tự hỏi mình: có phải anh có được tài ngoại cảm? Và anh bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về các hiện tượng bất thường và kiếm sống bằng những bài báo lăng quăng in trên tờ lá cải  Der Blitz. Trong giai đoạn đó, trên sân khấu của một nhà hát tạp kỹ có một nhà tiên tri tên là Eugen de Rubini đang làm mưa làm gió.

Át chủ bài của ông này là nhìn mặt đoán ý nghĩ từ xa. Ông ta biết làm ra vẻ có phép lạ nên trước công chúng có thể tìm được đồ vật đã bị giấu đi. Người khán giả đã giấu đồ vật đi bị biến thành "đối tượng trung gian". Rubini yêu cầu người khán giả này nghĩ về đồ vật mà ông ta có nhiệm vụ phải tìm, rồi cầm lấy  khuỷu tay "đối tượng trung gian" và dẫn người này vào khán phòng, vừa đi vừa hỏi đủ mọi điều khác nhau.

Và gần như lần nào cũng thế, Rubini cuối cùng đều tìm ra được vật đã bị giấu đi. Cố gắng tìm hiểu bí quyết  của Rubini, Harry đã làm quen với đối thủ của ông này là Joe Labero. Và nhận được lời giải thích rằng, thần giao cách cảm, đó là đọc không phải ý nghĩa trong đầu mà là cử động của cơ bắp. Harry đã tỏ ra là một học sinh sáng dạ khi tiếp thu những bí quyết trong nghề từ Labero.

Thông thạo các ngón rồi, Harry lên tiếng thách đấu với Rubini trong một buổi trình diễn tại quán cà phê nghệ sĩ Louvre ở thành Vienna và đã giành được thế thượng phong trước bậc đàn anh trong nghề. Rubini ngay lập tức tìm được cách xử lý khôn ngoan và mời Harry làm trợ lý để cùng đi du diễn.

Ngày 28/6/1914, tại Saraevo, thái tử thừa kế Franz Ferdinand của đế chế Áo-Hung đã bị ám sát. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Harry bị gọi đi lính và bị đưa sang mặt trận phía đông trong vai một người lính quèn. Rồi anh bị thương nên được vào quân y viện. Ra viện, Harry được cử làm Đội trưởng Đội Mai táng ở mặt trận Gorlice (Ba Lan).

Chính tại đây Thống chế Đức Paul von Hindenburg  đã tiến hành cuộc phản công lừng lẫy của mình khiến quân đội Sa hoàng phải đại tháo lui về tận biên giới Belarus. Cấp dưới của Harry trong sứ mệnh mai táng tử sĩ là những tù binh người Nga.

Để giúp họ nhẹ lòng hơn khi làm việc, Harry đã tiến hành một ca trợ giúp tâm lý miễn phí cho họ cùng các quân nhân ở trong khu vực này. Kết quả thu được cực kỳ tốt. Người phấn khích nhất là chỉ huy đồn Gorlice khi nghe Harry nói rằng, vợ anh ta vừa mới sinh hạ một cậu con trai. Vài ngày sau, anh này nhận được thư nhà báo tin đúng như Harry đã tiên đoán.

Thế là viên chỉ huy đồn phong cho Harry lên thêm một cấp và tặng anh một khoản tiền đáng kể mà ngay sau đó, anh đã chia một phần cho trợ lý của mình. Trợ lý của Harry chính là nhân viên kiểm duyệt quân sự, người đã bóc thư ra xem trước và mách cho Harry hay rằng, vợ viên chỉ huy đồn đã sinh hạ một cậu con trai.

Tháng 4/1918, Harry trở về Vienna và ngay lập tức nhận được lời mời trình diễn trong nhà hát Hofburg với khán phòng có tới 3.000 chỗ. Và tại đây anh đã đổi tên họ thêm một lần nữa và cũng là lần cuối cùng, tự xưng danh là Erik Jan Hanussen, nhà ngoại cảm tới từ Copenhagen. Khán phòng chật như nêm, không thừa một chỗ nào.

Ngay cả lô dành cho hoàng gia cũng kín chỗ. Chương trình đã thu được kết quả rực rỡ. Cháu gái của vua Carl, đại công tước phu nhân Blanca Immakulata trở thành người hâm mộ nhiệt thành của ảo thuật gia giả hiệu Na Uy…--PageBreak--

Chơi với hổ

Bắt đầu từ hôm đó là hành trình vươn lên đỉnh cao danh vọng của Hannussen. 10 năm sau, ông ta đã trở thành một nhân vật khét tiếng ở châu Âu, một triệu phú. Tháng 3/1930, Hanussen biểu diễn ở Berlin. Tại đây đã tổ chức một trong những thử nghiệm khoa học nghiêm túc nhất để kiểm tra các khả năng "đặc biệt" của ông ta.

Tiến hành thử nghiệm này là Giám đốc Viện nghiên cứu Siêu hình học Berlin, TS Christof Schroder, một chuyên gia uy tín hàng đầu trong nghiên cứu những hiện tượng như thế. Schroder cho mời một số đồng nghiệp cùng tham gia thử nghiệm.

Mỗi một người trong số họ viết trước lên tờ giấy ngày và địa danh - đúng hôm đó và ở đấy đã diễn ra một sự kiện nào đấy quan trọng đối với người viết. 8 phong bì giống nhau được đặt lên bàn trước mặt Hanussen. Để bắt đầu, ông ta nêu đúng tính chất của mọi dòng chữ. Hanussen cũng nêu đúng 5 sự viện. Có hai sự việc ông ta đoán sai. Còn lại cái phong bì cuối cùng, của chính Schroder. Trên trang giấy trong phong bì này có ghi: "Ngày 3/4/1916. Phố Golem. Ba Tư".

Hanussen ngả người dựa vào lưng ghế, nhắm mắt, im lặng một lát rồi lên tiếng. Trong ngày hôm đó, ông ta nói, TS Schroder đã gặp phải mối nguy hiểm cực lớn. Ông đã bị thương. Ông đã nhảy lên lưng con la hoặc con ngựa để định chạy tháo thân.

Lúc đó, TS Schroder còn để một chòm râu cằm… Shroder kinh ngạc vì Hanussen đã mô tả đúng việc đã xảy ra với ông tại Shia, khi ông bị một toán cướp tấn công. Điều kỳ lạ nhất là khi đó TS Schroder sang Ba Tư để thực hiện một sứ mệnh bí mật mà ông chưa từng kể lại với ai…

Sau thử nghiệm này, Schroder đã đưa ra kết luận rằng, quả thực Hanussen có những năng lực ngoại cảm phi phàm…

Sau thắng lợi đó, Hanussen đã cùng người vợ mới chuyển sang Berlin sống. Tại đây, ông ta mở ra hẳn một "đế chế bói toán và chữa bệnh theo phương thức huyền bí" có cả  một trại nghỉ dưỡng và một nhà xuất bản. Ông ta cũng sáng chế ra một loại kem dưỡng sinh được cho là có thể làm gia tăng khả năng tình dục của cả phụ nữ lẫn giới mày râu. Hanussen trở thành gương mặt quen thuộc đến thân thuộc trong giới thượng lưu Đức.

Các quý bà rất hâm mộ ông ta. Tại các phòng khách tinh hoa ở Berlin thời đó lan tràn thói quen tự do luyến ái và Hanussen khét tiếng là một người tình không bao giờ biết mệt mỏi. Nhiều huyền thoại xuất hiện về khả năng thôi miên làm gia tăng sung sướng trong các trò chơi tình dục của Hanussen…

Trong khi đó, tại Đức đang diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng và bi thảm, thay đổi bước phát triển của đất nước.

Ngày 13/3/1932 được coi là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống mới. Lực lượng Quốc xã đã tiến hành chiến dịch vận động tranh cử theo phong cách quen thuộc của chúng, tự ngợi ca mình hết lời và cũng xỉ vả các đối thủ chính trị cạn tàu ráo máng. Goebbels trong cuộc họp của Quốc hội Đức đã gọi Thống chế Hindenburg, đương kim Tổng thống, là "ứng cử viên của đảng lính đào ngũ".

Những người cộng sản cũng không ủng hộ đương kim Tổng thống và đề cử lãnh tụ của mình là Ernest Thalmann làm ứng cử viên. Rốt cuộc là Thống chế Hindenburg đã bị thiếu khoảng 0,4% số phiếu mới có thể tái đắc cử: ông chỉ được 49,6% số phiếu bầu. Hitler về nhìn với 30,1% số phiếu bầu. Vòng hai bầu cử được ấn định vào ngày 10/4/1932. Trong bối cảnh đó, bản tính trục lợi phiêu lưu đã dẫn Hanussen tới một quết định định mệnh: đứng về phe Quốc xã.

Ngày 25/3/1932, tạp chí Khoa học huyền bí Hanussen's Berliner Wochenschau, đã được phát hành với dòng tít đậm ở trang bìa: "Lên đồng, Hanussen đã tiên đoán tương lai của Hitler". Hanussen viết rằng, những bất hòa trong nội bộ lực lượng Quốc xã tạm thời sẽ làm khó dễ cho nhiệm vụ của Hitler nhưng y với quân của mình sẽ thoát hiểm trong tình trạng mạnh mẽ hơn. Nhà tiên tri giàu tài lừa đảo còn cảnh báo Hitler về việc y sẽ bị mưu sát.

Và nếu y thoát được khỏi các trục trặc thì sau một năm nữa sẽ trở thành Quốc trưởng. Theo dự đoán của Hanussen, người đưa Hitler lên vị trí này không phải là ai khác ngoài kẻ thù lớn nhất của y là Thống chế Hindenburg.

Dự đoán của Hanussen hoàn toàn đi ngược lại với tâm thế lành mạnh của xã hội Đức lúc đó, điều đã được khẳng định bằng kết quả của vòng hai bầu cử ngày 10/4/1932.

Bất chấp việc những phần tử dân tộc chủ nghĩa rút ứng cử viên của họ ra khỏi cuộc chơi và kêu gọi cử tri dồn phiếu cho Hitler, bất chấp việc y được thái tử Phổ Friedrich Wilhelm ủng hộ như trong vòng một, Hitler vẫn bị thua 6  triệu phiếu so với Thống chế Hindenburg. Dự đoán của Hanussen trở thành trò cười trong mắt thiên hạ.

Tuy nhiên, tới giữa tháng 5/1932, vị thế của Hanussen bất ngờ lại được củng cố. Tình cờ ông ta biết chuyện tay đua xe hơi nổi tiếng, bá tước Leo Lobkovich đang bị những cơn đau dạ dầy nặng. Ông ta lập tức triệu tập một cuộc họp báo tại trụ sở Hội Xe hơi Đức và mạnh mồm tuyên bố rằng, ứng cử viên sáng giá nhất trong vòng chung kết cuộc đua tại Berlin không chỉ thua mà còn phải chịu một tai nạn khủng khiếp. Các phóng viên tỏ ý hoài nghi dự báo này.

Thế nhưng, ngày 22/5/1932, bá tước Lobkovich sau bốn phút khởi hành trong vòng chung kết quả thực đã bị mất lái chiếc xe Bugatti của mình và tan xác… Hanussen trở thành người chiến thắng…

Trên tờ báo của đảng Quốc xã Schwarze Front ra sáng hôm sau đã có dòng tít đậm trên trang nhất: "Hanussen, người không bao giờ đoán sai". Tác giả bài báo dựa trên số phận bi thảm của bá tước đua xe, đã nhắc lại lời tiên đoán ngày 25/3 của Hanussen về tương lai của Hitler.

Trong thực tế, bộ máy tuyên truyền của đảng Quốc xã đã làm việc mà các "chuyên gia chính trị" hôm nay đang làm để giúp gia tăng chỉ số tín nhiệm cho sếp của mình. Lời tiên đoán hú họa của Hanussen có tác động đẩy cao chỉ số nghiêng về Hitler. Trong tương lai, Hanussen đã nhiều lần nữa làm như thế giúp cho đảng Quốc xã làm chủ chính trường Đức. Thậm chí Hanussen còn gia nhập lực lượng SA… Báo chí gọi y là thầy chiêm tinh số một của trùm phát xít Hitler…

Thế nhưng, khi đã làm chủ được nước Đức rồi, chính thể phát xít đã phát hiện được lý lịch giả của Hanussen và nguồn gốc Do Thái của ông ta. Vốn rất căm hận người Do Thái, bộ máy tàn bạo Quốc xã đã hành quyết Hanussen ngày 24/4/1933… Cũng có thể, lý do dẫn tới việc này còn là vì Hanussen biết quá nhiều điều mà các lãnh đạo Quốc xã muốn giấu đi

Trần Phương
.
.