Con người sẽ đẩy thế giới đến đại tuyệt chủng lần thứ 6?

Thứ Sáu, 25/09/2015, 16:31
Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Science (Mỹ), các nhà khoa học cho biết sự đa dạng sinh học hiện thời của Trái đất - sản phẩm của 3,5 tỉ năm tiến hóa “thử và sai” - là thành quả cao nhất trong lịch sử sự sống. Tuy nhiên, họ đã đưa ra cảnh báo sự đa dạng này đã đạt đến điểm tới hạn, rằng cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu đã bắt đầu. 

Trong khi các cuộc đại tuyệt chủng trước đây bắt nguồn từ sự biến đổi tự nhiên của hành tinh hoặc những vụ tấn công thảm họa của thiên thạch, làn sóng biến mất của các loài sinh vật ngày nay liên quan phần lớn đến hoạt động của con người. Việc phá hủy môi trường sống, vấn nạn ô nhiễm và sự khai thác quá mức đã giết chết các sinh vật hoang dã (kể cả động vật và thực vật) hoặc khiến chúng trở nên suy yếu.

Tình trạng thảm khốc

Trái đất từng trải qua năm cuộc đại tuyệt chủng lớn. Cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên chấm dứt Đại cổ sinh diễn ra 445 triệu năm trước, do khí hậu đột ngột lạnh xuống. Vào thời điểm đó chưa có sinh vật trên đất liền và khoảng 85% các loài biến mất. Lần thứ hai cách đây khoảng 359 - 375 triệu năm cuối kỷ Devon, khủng hoảng do oxy trong nước bị hạ thấp, đã xóa sạch các nhóm cá chủ chốt trên Trái đất và ngăn chặn các dải san hô ngầm đã hình thành suốt 100 triệu năm.

Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ ba chấm dứt kỷ Pecmi lớn nhất trong lịch sử và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hệ sinh thái Trái đất diễn ra cách đây 252 triệu năm, khiến 97% các loài biến mất vĩnh viễn và chỉ còn hóa thạch sót lại. Trong khi đó, cuộc đại tuyệt chủng thứ tư diễn ra chớp nhoáng, cách đây 201 triệu năm, đưa khủng long trở thành loài thống trị trên cạn thay vì các động vật lưỡng cư lớn và bò sát giống động vật có vú. Cuộc đại tuyệt chủng thứ năm, gần đây nhất, xảy ra do một thiên thạch đã đâm vào Trái đất cách đây 65 triệu năm, chấm dứt sự thống trị của loài khủng long trên Trái đất.

Khái niệm về một cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu ra đời cách nay hơn hai thập kỷ, do nhà cổ sinh học người Kenya Richard Leakey và nhà nhân chủng học người Anh Roger Lewin đề xuất. 

Nói về hiện tượng này, Giáo sư sinh vật học Rodolfo Dirzo thuộc Đại học Stanford (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu của tạp chí Science, đã đề cập tới một thời kỳ có tên gọi “Anthropocene defaunation”, ám chỉ sự suy giảm số lượng các loài động vật ăn cỏ và săn mồi hàng đầu trên hành tinh do tác động của con người tới môi trường.

Theo đó, 16 - 33% các loài khắp toàn cầu ước tính đang bị đe dọa hoặc trong tình thế cực kỳ nguy hiểm. Các thành viên trong quần thể động vật lớn và khổng lồ, bao gồm voi, hà mã, gấu Bắc cực và vô số loài khác khắp thế giới, đang đối mặt với tỉ lệ suy giảm nhanh nhất  - một xu hướng từng xuất hiện trong các cuộc đại tuyệt chủng trước kia.

Làn sóng biến mất của các loài sinh vật ngày nay liên quan phần lớn đến hoạt động của con người như phá hủy môi trường sống, gây ô nhiễm hay khai thác quá mức.

Tình trạng thảm khốc tương tự cũng đang xảy ra với các sinh vật không có xương sống. Trong khi dân số loài người tăng gấp đôi trong 35 năm qua thì số lượng động vật không có xương sống (chẳng hạn như ong, bướm, nhện và giun) lại suy giảm 45% cùng thời gian đó. Cũng như với các động vật lớn hơn, sự suy giảm số lượng các loài sinh vật không có xương sống này chủ yếu do mất nơi cư trú và sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Những sự suy giảm trên có thể đang ảnh hưởng ngược trở lại đời sống hàng ngày của con người. 

Chẳng hạn như, côn trùng đang thụ phấn cho gần 75% mùa màng của thế giới, ước tính tương đương 10% giá trị kinh tế của nguồn cung lương thực toàn cầu. Côn trùng giữ vai trò thiết yếu trong việc cung cấp dinh dưỡng và phân hủy vật liệu hữu cơ, giúp bảo đảm hiệu quả của hệ sinh thái.

Có thể nói thế giới đang phải đối mặt với cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu, và nếu các loài sinh vật trên Trái đất tiếp tục biến mất với tốc độ như hiện nay thì sẽ xuất hiện “viễn cảnh vô cùng tăm tối” vào năm 2200. Nghiên cứu của tạp chí Science nhấn mạnh, vẫn còn những lỗ hổng lớn trong vốn hiểu biết của giới khoa học về sự đa dạng sinh học của Trái đất. 

Chẳng hạn như, nghiên cứu phát hiện ít nhất 993 loài côn trùng đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, nhưng cho tới nay, mới chỉ có 0,5% trong số đó được nghiên cứu. Nơi cư trú của những loài này ở các vùng nhỏ bé của thế giới, ít được con người để ý tới. Các chính sách bảo tồn có thể làm chậm lại quá trình tuyệt chủng, nhưng tốc độ tuyệt chủng vẫn sẽ vào khoảng 0,01 - 0,7%/năm đối với tất cả các loài hiện hữu.

Nguy cơ diệt vong

Trong số những nguyên nhân đe dọa trực tiếp sự tuyệt chủng của các giống loài trên Trái đất, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến hai hiểm họa. Thứ nhất, sự lạm dụng quá đà của các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng hay thuốc diệt cỏ đối với nền nông nghiệp thâm canh. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc 420 triệu cá thể chim bị chết ở châu Âu trong vòng 30 năm. Các loài chim cũng ít sinh sản hơn khi chính con người đã tàn phá môi trường sống và gần như không thể cải tạo lại để giúp chúng thích nghi như trước đây.

Còn một nhân tố rất quan trọng khác, đó là sự chia cắt về cảnh quan. Các công trình của con người, đặc biệt là đường sá, đã cô lập nhiều nhóm sinh vật, khiến độ đa dạng của một giống loài bị suy giảm. Đây cũng là con đường đưa một số giống loài đến chỗ diệt vong, đặc biệt đối với những loài nhỏ bé như ốc và sâu bọ. Một loài sinh vật bị tách biệt ra thành từng nhóm nhỏ bị cô lập, mỗi nhóm mang một phần của hệ đa dạng di truyền chung, nhưng vì không kết hợp được với nhau nên mỗi nhóm dần dần bị suy yếu, từ đó chúng có thể bị tuyệt diệt.

Trái đất từng trải qua năm cuộc đại tuyệt chủng lớn, và nhiều khả năng đứng trước cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu.

Rõ ràng, cách thức mà loài người đang “tận dụng” hành tinh xanh để duy trì cuộc sống khiến môi trường tự nhiên ngày càng suy thoái. Đó là tình trạng khủng hoảng đa nhân tố, mà phổ biến nhất là gây ô nhiễm, tàn phá rừng hay khai thác quá mức. Ngoài ra, việc di chuyển động vật từ một vùng này đến một vùng rất xa khác cũng tạo nên tình trạng nhiều loài sinh vật xâm lấn, gây phá hủy các hệ sinh thái hiện có. Trên thực tế, số lượng các giống loài bị tuyệt chủng hiện nay không phải là điều đáng lo ngại nhất, mà chính là sự suy giảm số lượng cá thể của từng giống loài.

Đối với các loài động vật có vú thông thường, nếu dưới 1.000 hay 10.000 cá thể thì nói đến nguy cơ diệt chủng, vì vấn đề quan trọng ở đây là đa dạng về di truyền. Sự đa dạng di truyền cho phép quá trình chọn lọc tự nhiên theo hướng tích cực có thể diễn ra. Nếu không có được sự đa dạng di truyền, tình hình sẽ trở nên tồi tệ. Điều này mở đầu cho một cuộc khủng hoảng số lượng từ từ, và dù vẫn còn đang ở giai đoạn đầu, nhưng sớm hay muộn sẽ kết thúc bằng một thảm họa tuyệt chủng. 

Các giải pháp để đối phó với cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu này khá phức tạp. Việc con người giảm ngay lập tức tốc độ thay đổi môi trường sống cũng như việc khai thác, bóc lột quá mức các loài động vật sẽ hữu ích, nhưng những giải pháp này cần phải được điều chỉnh phù hợp với từng vùng và từng tình huống cụ thể. Và hơn bao giờ hết, việc nâng cao nhận thức về cuộc đại tuyệt chủng cũng như các hậu quả gắn liền với nó sẽ giúp tạo ra sự thay đổi thiết yếu.

Trong cuốn sách Đa dạng sinh học, và con đường đến cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu, tác giả Silvestre Huet nhấn mạnh rằng, cho dù viễn cảnh hủy diệt đang nhãn tiền, nhưng không phải vì thế mà không thừa nhận các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh thái dưới những hình thức khác nhau. Trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi qua, loài người vẫn luôn có những động thái tích cực nhằm giảm thiểu mối đe dọa thường trực từ quá trình công nghiệp hóa lên môi trường tự nhiên, hay thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên cùng hệ thống các công viên sinh thái.

Rất nhiều con đường đã và đang được mở ra, nhằm ngăn chặn sự tăng tốc của những nhân tố hủy hoại môi trường, đe dọa đa dạng sinh học. Đó là việc mở rộng các không gian bảo tồn, giới hạn các tác động môi trường từ các hoạt động khai thác công nghiệp, cũng như việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo lối công nghiệp hóa, thay đổi lối sống hướng đến một nền kinh tế tái chế, hay thực hành sinh hoạt tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu. 

Dù vậy, một giống loài mất đi có thể rất nhanh chóng, nhưng để “phục hồi lại” thiên nhiên phải mất hàng chục triệu năm, chưa kể tới những ảnh hưởng do các giống loài bị diệt vong gây ra đối với đời sống con người. Liệu cuối cùng, con người có đủ khả năng ngăn chặn thành công một cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu hay không? Chưa một ai có thể trả lời được câu hỏi này…

Nam Hồng
.
.