Cao tuổi, vẫn nhiều hy vọng

Chủ Nhật, 22/08/2010, 10:10
Các nhà khoa học Mỹ đã xác định được rằng, càng lớn tuổi, con người càng thông minh hơn và tỉnh táo hơn vì chỉ khi đó, não người mới bắt đầu hoạt động được hết công suất. Đỉnh điểm của trí lự con người ở vào độ tuổi từ 50 tới 70. Đó là kết quả gây chấn động dư luận trong công trình nghiên cứu của bà Barbara Strauch.

Tư duy tốt nhất ở tuổi 60

Các nhà khoa học Mỹ đã xác định được rằng, càng lớn tuổi, con người càng thông minh hơn và tỉnh táo hơn vì chỉ khi đó, não người mới bắt đầu hoạt động được hết công suất. Đỉnh điểm của trí lự con người ở vào độ tuổi từ 50 tới 70. Đó là kết quả gây chấn động dư luận trong công trình nghiên cứu của bà Barbara Strauch.

Từ trước đến nay người ta vẫn nghĩ rằng theo dòng thời gian, hoạt động trí óc của con người sẽ bị suy giảm dần vì các neuron thần kinh chết dần đi và cho tới cuối đời con người sẽ bị mất tới 30% số neuron thần kinh vốn có. Thế nhưng, trong quá trình nghiên cứu gần đây nhất, người ta đã xác định được rằng, sự thật không hẳn thế: các neuron thần kinh không bị chết đi.

Có thể mối liên hệ giữa chúng bị biến mất dần nhưng chỉ trong trường hợp con người không sử dụng đến các mối liên hệ đó. Và theo dòng thời gian trong não bộ tăng dần lượng myelin - chất buộc các tín hiệu di động nhanh hơn giữa các neuron. Nhờ thế nên trí lực chung của não tăng lên tới 3.000% so với chỉ số trung bình. Tốc độ sản sinh myelin cao nhất ở người là ở tuổi 60 hoặc lớn hơn nữa.

Ngoài ra, nếu trước tuổi 50 giữa hai bán cầu não còn có sự "phân công công tác" chặt chẽ và mỗi một bán cầu chỉ thực hiện những chức năng nhất định thì sau 50 tuổi, con người có thể sử dụng cả hai bán cầu não cùng một lúc. Điều này cho phép con người có thể xử lý những nhiệm vụ phức tạp hơn trước nhiều.

Đồng thời với nó, còn có ảnh hưởng của việc người lớn tuổi thường có những kinh nghiệm sống nhiều hơn so với thế hệ trẻ hơn. Họ ít bị hốt hoảng vì những thông tin bất thường hay nhạy cảm như lớp trẻ. Như GS Dilip Jayst của Trường Đại học California nhận xét: "Não người từng có sau nhiều thập niên sống trên đời ít náo động và có tính hợp lý hơn". Theo ông, đó chính là cái mà người ta gọi là sự anh minh.

Cũng phải nói rằng, đỉnh điểm của hoạt động trí lự cũng có những điểm yếu của nó. Vì khối lượng thông tin khổng lồ đã được tích tụ lại sau nhiều năm sống, bộ nhớ của con người bị quá tải và vì thế, dễ khiến cho họ trở nên hay quên hoặc mắc bệnh lơ đãng…

Sống lâu nhờ gien

Cũng có những người mà "mấy thứ lăng nhăng đều vướng cả" (thơ Hồng Thanh Quang) nhưng lại vẫn rất thọ. Theo nhà báo Superalten. Von K. Kupferschmidt viết trên tờ báo Đức Die Zeit, các nhà khoa học đã xác định được rằng, những người như thế đều có chung một mô hình gien. Bà cụ người Pháp Jeanne Louise Calment đã nghiện rượu Portwein và thuốc lá.

Bà bắt đầu hút thuốc từ năm 21 tuổi và chỉ cai được nó trước khi chết không lâu - cai không phải vì thấy hút thuốc là có hại mà là do mắt kém nên không thể tự châm thuốc được. Ấy vậy mà cụ vẫn sống được 122 năm trên cõi thế và chỉ trút hơi thở cuối cùng tại Nam Phi năm 1997. "Câu chuyện về bà cụ Calment có vẻ như một trường hợp hi hữu nhưng chúng ta ai cũng có thể kể về những người sống rất lâu mặc dù chẳng kiêng khem gì cả".

Và trong việc này yếu tố quyết định nhất có vẻ như là gien chứ không phải lối sống. Nhà nghiên cứu y học Thomas Perls cùng các đồng nghiệp ở Trường Đại học Boston (Mỹ) đã so sánh bộ gien của 801 người Mỹ ở độ tuổi từ 95 đến 119 với bộ gien của 926 người thuộc thế hệ trẻ.

Quá trình phân tích cho thấy, tồn tại một mô hình chung về gien trong số những người đắc thọ. Nói cụ thể hơn, có một sự đa dạng nhất định trong một số ít biến đổi ở toàn bộ hệ thống gien của những người đắc thọ. Các nhà nghiên cứu đã thống kê được khoảng 150 khác biệt quan trọng ở những người đắc thọ.

Từ lâu các nhà khoa học đã cố gắng tìm kiếm gien đắc thọ. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng, thật ngây thơ nếu tin vào việc chỉ một gien đơn lẻ nào đấy có thể giúp chúng ta đoán trước được xem con người có thể sống bao nhiêu năm trên cõi thế.

Chính vì vậy nên trong nghiên cứu gần đây của mình, bác sĩ Thomas Perls và các đồng nghiệp đi tìm không phải là hiệu ứng của một gien đơn lẻ mà đã xây dựng một mô hình từ 150 khác biệt quan trọng nhất về gien mà dựa vào đó, ta có thể tiên đoán trước được về việc người này hay người khác có đắc thọ hay không.

Theo lời của chính Thomas Perls, "ngay cả nếu như trong quá trình thử gien phát hiện thấy một người có xu hướng mắc một căn bệnh nào đó nhưng đồng thời cũng có mô hình gien đắc thọ thì chính mô hình đó sẽ có vai trò quan trọng hơn". Điều này khiến chúng ta có thể lạc quan.

Cũng theo lời Thomas Perls, mỗi chúng ta đều có thể tận dụng tối đa những ưu thế của gien mà mình có bằng cách sống lành mạnh hơn, ăn uống hợp lý hơn, nhưng để sau khi đã sinh ra được 80 lần sinh nhật rồi mà còn vẫn sống thêm được hai mươi năm nữa, thì cần phải có một bộ gien đặc biệt.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cần phải quan sát kỹ hơn những người đang ở độ tuổi ngoại bát thập: "Về mặt thể chất, đó là một lớp người rất khác thường vì họ không chỉ vượt tới lứa tuổi rất cao mà còn giữ được thể trạng tốt. Những chứng bệnh như giảm trí nhớ, bệnh Parkison, bệnh về hệ thống tuần hoàn máu đều chỉ xuất  hiện ở họ rất muộn". Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã đi tới kết luận, ở những người đắc thọ, bộ gien có tới 15% giống như bộ gien của thanh niên. Ước tính cứ 7 người thì có một người mang trong mình bộ gien cho phép có thể sống tới 100 tuổi…

Còn theo thông tin đăng trên tờ The Sunday Times mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra được cụ thể loại gien giúp cho chúng ta sống lâu trăm tuổi. Đó là "gien Mathuselah". Những ai may mắn được mang trong mình loại gien này có thể sống tới hơn trăm tuổi, ngay cả nếu như họ sống không lành mạnh lắm.

"Có vẻ như loại gien này bảo vệ con người khỏi những hệ lụy của việc nghiện thuốc lá hay ăn uống không đúng cách và đẩy lùi sự xuất hiện của những bệnh tuổi tác như ung thư và bệnh tim tới chậm vài ba chục năm - tác giả bài báo Jonathan Leake nhận định.

Cũng theo bài báo này, "không có một gien duy nhất nào có thể giúp cho con người trẻ lâu. Thế nhưng, theo kết luận của một công trình nghiên cứu về những người đắc thọ và gia đình họ, bí quyết sống lâu có thể nằm ở trong việc sở hữu một bộ gien nhất định. Bộ gien này rất hiếm gặp, chỉ một trong số 10 nghìn người mới may ra được có nó.

Theo khẳng định của nhà nghiên cứu Eline Slagboom ở Trường Đại học Tổng hợp Leiden, phụ trách một nghiên cứu về 3,5 nghìn người đắc thọ tại Hà Lan, ở những người đắc thọ cũng tồn tại không ít gien gây bệnh hay làm chúng ta già đi, nhưng họ lại có những gien có thể ngăn cản những gien có hại trên "manh động". Sống đắc thọ, đó vừa là kết quả của di truyền vừa là kết quả của bộ gien đặc biệt…

Sẽ có thuốc "chữa già"

Cũng có những nhà khoa học khẳng định rằng, tới năm 2012 là đã có thể xuất hiện những loại thuốc làm chậm lại quá trình già đi ở con người. Theo tờ The Independent, tính di truyền về gien ở chúng ta vượt lên trên mọi yếu tố khác trong việc xác định khả năng đắc thọ của con người.

Và cơ hội tìm ra những loại thuốc giúp con người trẻ lâu đã tới rất gần. Tại hội nghị khoa học, được tổ chức tại New York mới đây, GS Nir Barzilai thuộc Trường Đại học Y khoa mang tên Albert Einstein cho rằng, những phát hiện gần nhất trong lĩnh vực khoa học gien cho phép mở ra một giai đoạn mới trong nghiên cứu kéo dài tuổi thọ con người.

GS nói: "Tôi đã thấy những người ở tuổi 100 nhưng trông rất khỏe. Họ vẫn lái được xe, vẫn vẽ, và họ vẫn nói rằng, cuộc sống thật vui. Chính điều này khiến tôi nghĩ rằng ở mỗi chúng ta như những sinh vật đều có cơ sở để sống tới 100 tuổi, nếu chúng ta biết cách ngăn chặn trước một số căn bệnh thuộc về tuổi tác".

Ở các bậc cao niên có những gien có khả năng làm chậm lại sự phát triển của những căn bệnh tuổi tác như Alzhemeir hay các bệnh tim. Không thể xóa bỏ tuổi già nhưng có thể làm chậm lại quá trình già đi trong mỗi chúng ta.

GS Barzilai đã nhìn thấy triển vọng chế tạo loại thuốc có thể ngăn chặn được các dấu hiệu già đi và được những ai bắt đầu bước vào tuổi tứ thập trở lên uống mỗi ngày một viên. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần phải xác định tuổi già như một căn bệnh có thể chữa được để có nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu chế tạo loại thuốc trên

Lê Khánh Châu
.
.