Bí mật riêng tư và mạng Internet

Thứ Tư, 21/06/2006, 08:00

Công nghệ thông tin và mạng Internet càng phát triển thì đời tư của con người trong xã hội hiện đại càng có nguy cơ bị đe dọa. Cho tới hôm nay vẫn còn chưa ai giải đáp được rành rẽ: Làm thế nào để vừa bảo vệ được những bí mật riêng tư vừa không để cho bọn tội phạm và cực đoan lợi dụng không gian điện tử để gây tội ác?

Quyền năng vô độ

Theo trang web Washprofile, tỉ lệ những người cảm thấy đời tư của mình bị xâm phạm đang gia tăng với tốc độ khá cao. Chẳng hạn tại Mỹ, năm 2002 đã có 27% số người khi trả lời tạp chí Business Week tuyên bố rằng đời tư của họ bị xâm phạm trong thời gian gần đây. Tới năm 2004, một cuộc thăm dò xã hội do hãng Opinion Dynamics tiến hành cho thấy, đã có tới 74% số người Mỹ cảm thấy đời tư của mình bị xâm phạm. Tỉ lệ này tới nay có lẽ còn cao hơn thế.

Theo Daniel J. Solove và Marc Rotenberg, hai tác giả của công trình nghiên cứu "Luật về thông tin đời tư", những tiến bộ công nghệ thông tin đã tạo thêm những phương tiện tối tân chưa từng có trong việc thu thập thông tin, theo dõi, nghe trộm và xem trộm đến mức việc bảo vệ thông tin riêng tư trở nên cực kỳ khó khăn. Trước đây, để thu thập thông tin về các cá nhân cần rất nhiều tiền của, phương tiện cũng như thời gian. Thêm vào đó, loại thông tin này không dễ lưu giữ (sử dụng các tài liệu in trên giấy phức tạp hơn nhiều so với sử dụng máy tính hiện nay). Các tiến bộ khoa học đã giúp những kẻ thù của bí mật riêng tư có được những vũ khí hùng hậu mà không phải bao giờ người ta cũng tạo được ngay các phương tiện chống lại chúng. Thí dụ, các máy ghi âm tí hon và con "rệp" đã được chế tạo từ ba thập niên trước khi con người tìm ra các công nghệ cho phép phát hiện ra các phương tiện nghe trộm hoặc vô hiệu hóa các phương tiện đó.

Serge Gutwirth, tác giả cuốn sách "Bí mật riêng tư và thế kỷ thông tin" cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ đã tạo ra hàng loạt những vấn đề pháp lý rất nan giải. Thí dụ, nếu chủ nhân của máy điện thoại đặt cho mình phương tiện xác định số gọi đến thì đó là cách để người này bảo vệ đời tư của mình. Nhưng nhìn từ góc độ khác, thì đó lại là việc vi phạm đến bí mật riêng tư của người gọi tới. Nhiều cơ cấu nhà nước và tư nhân ở Mỹ yêu cầu các nhân viên của mình phải trải qua những xét nghiệm bắt buộc nhằm phát hiện những kẻ nghiện ma túy. Biện pháp này, nhất là đối với các phi công ở các hãng hàng không chở hành khách, được xã hội hoan nghênh. Tuy nhiên, hiện nay đang có ngày một nhiều những công ty đòi hỏi phải có những xét nghiệm tương tự nhằm mục đích phát hiện những người bí mật hút thuốc lá. Tại một số trung tâm casino đang thực hành việc bí mật chụp gương mặt những người tới chơi với mục đích kịp thời phát hiện ra những tay cờ bạc bịp. Tuy nhiên, bị "cháy thành vạ lây" là những công dân lương thiện, không hề muốn hình ảnh của mình bị lưu lại trong hồ sơ của các điểm đỏ đen này.

Jeffrey Rosen, tác giả cuốn sách "Cái nhìn không ai muốn", đã nêu rõ rằng, Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) đang sử dụng hệ thống tìm kiếm trên mạng Internet tên là Carnivore để xem xét những thông tin không phải chỉ về những kẻ bị tình nghi mà cả về mọi người lương thiện khác. Một hệ thống phản gián khác là Echelon mà Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hay dùng có thể thâu tóm không chỉ những thông báo trên mạng mà cả hàng triệu các cuộc điện thoại cũng như các bản fax.

Hiện nay, với các khả năng của mạng Internet có thể khá dễ dàng tiếp cận với những thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, tình hình tài chính, sức khỏe, việc mua sắm... Tất cả những thông tin đó nằm ở các cơ sở dữ liệu khác nhau nhưng nếu có một số kỹ năng thì hoàn toàn có thể tiếp cận được với chúng. Tại Hoa Kỳ có đạo luật cấm các cơ cấu nhà nước và công cộng bán hay chuyển những thông tin mà họ tích lũy được về các công dân Mỹ. Tuy nhiên, đạo luật này lại không có hiệu lực đối với các công ty tư nhân, những chủ thể có quyền bán hay trao đổi các thông tin đó bằng một hình thức nào đó tùy ý.

Theo kết quả một cuộc điều tra xã hội do Hãng truyền hình Fox tiến hành, có tới 90% số người Mỹ lo ngại rằng, có thể tìm thấy trên mạng Internet số thứ tự của thẻ bảo hiểm xã hội của họ (số thứ tự này có thể được dùng để mở tài khoản ở các ngân hàng, biết nó thì có thể tiếp cận được với tài khoản). 85% lo ngại số thẻ tín dụng của họ có thể được tìm thấy trên mạng Internet (trong trường hợp đó, bọn tội phạm có thể mua hàng theo thẻ tín dụng của người khác). 83% lo ngại bị lộ những thông tin tài chính cá nhân. 72% lo ngại bị tiết lộ địa chỉ và thông tin về tình hình sức khỏe cá nhân. 70% lo ngại lộ số điện thoại nhà riêng...

Charles J. Sykey, tác giả cuốn sách có nhan đề đầy biểu cảm "Chấm dứt bí mật đời tư" đã rút ra kết luận rằng, cuộc cách mạng công nghệ rốt cuộc đã cướp quyền bất khả xâm phạm của con người. Theo ông này, tình trạng đó sẽ càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cũng đưa ra kết luận này là Reg Whitaker, tác giả một cuốn sách khác nhưng cũng mang tên "Chấm dứt bí mật đời tư". Ông này cho rằng gây ra tai họa chính là phương pháp kiểm tra liên hoàn mà nhà nước tư bản chủ nghĩa đã thiết lập ra đối với các công dân của nó.

Mạng Internet đã trở thành môi trường lý tưởng để tung ra những thông tin bôi xấu hay bóc mẽ người khác một cách tự do mà không lo sợ phải chịu trách nhiệm. Chính nhờ Internet mà hàng triệu người đã có được quyền năng trước đây chỉ thuộc về các cơ quan thông tin đại chúng "truyền thống". Để cho ra đời một ấn phẩm hay một đài phát thanh hoặc truyền hình, cần phải có giấy phép, hoặc ít nhất cũng phải đăng ký. Thế nhưng, với những người sử dụng mạng Internet thì không cần phải làm như thế vẫn có thể thỏa sức vào mạng. Khách hàng của mạng Internet thừa khả năng truyền bá một cách rộng rãi nhất các quan điểm hay thông tin mà mình có, và bằng cách này gây ảnh hưởng tới một không gian rộng vô biên trên quy mô toàn cầu.. Nhìn từ một góc độ, điều này cho phép tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực truyền thông. Nhìn từ góc độ khác, nó cũng cho phép những kẻ cực đoan tự do truyền bá những tư tưởng hay quan điểm độc hại, tạo thêm nhiều cơ hội gây tội ác cho những kẻ truyền bá dâm thư hay những thông tin bịa đặt...

Làm gì?

Có cách nào chăng để chống lại "bóng tối" của mạng Internet? Cho tới hôm nay vẫn chưa có câu trả lời rành rẽ. Theo tư liệu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia, tại Hoa Kỳ hiện đang sử dụng hai biện pháp chính: điều chỉnh và thanh lọc. Điều chỉnh có nghĩa là cho phép đóng những trang web truyền bá những thông tin mang tính khiêu khích hay bịa đặt. Biện pháp thứ hai được sử dụng trong những trường hợp như để hạn chế trẻ vị thành niên tiếp cận các trang web khiêu dâm. Thí dụ, tại các computer ở các thư viện đều lắp các chương trình đặc biệt không cho phép mở những trang web có những chữ khả nghi như tình dục hay khiêu dâm...

Tuy nhiên, cả hai biện pháp trên đều có những sơ hở không nhỏ. Thí dụ, biện pháp điều chỉnh đòi hỏi phải xác định nhân thân người sử dụng hay tác giả của văn bản. Trong nhiều trường hợp, thí dụ như trong lĩnh vực nhân quyền, đó lại là những thông tin mang tính cá nhân rõ rệt mà nếu bị tiết lộ thì có thể gây hại cho những người liên quan. Hơn nữa, quan điểm tự do ngôn luận rất chú trọng đến quyền của mọi người được tự do phát biểu chính kiến mà không lo sợ bị trả thù hay đàn áp... như vậy là việc bảo vệ quyền "nặc danh" có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia trên thế giới đòi hỏi những người sử dụng mạng Internet bắt buộc phải bộc lộ nhân thân. Thậm chí, tại các hội nghị của nhóm nước công nghiệp phát triển (G-8) cũng từng thảo luận về khả năng áp dụng chế độ đăng ký nhân thân đối với các khách hàng của mạng Internet... Biện pháp thanh lọc cũng không phải là không có những tác dụng phụ bất cập. Thí dụ từ tình dục không chỉ được sử dụng trên các trang web khiêu dâm mà cả trên những trang web của các tổ chức đấu tranh chống lại căn bệnh liên thế kỷ AIDS.

Mặc dầu nhìn chung mạng Internet vẫn là không gian giao tiếp nặc danh, nó vẫn không phải là nơi tuyệt đối bí mật. Bất cứ một thư điện tử nào cũng có thể bị tóm gọn một cách dễ dàng bởi những ai cần nó. Các trang web thu thập thông tin về những người sử dụng nó hoặc là bằng cách đăng ký tự nguyện hoặc là bằng các cookies cho phép xác định dễ dàng tọa độ của khách.

Một trong những phương pháp bảo vệ bí mật riêng tư trên mạng Internet là sử dụng những chương trình mã hóa: trong trường hợp này không ai ngoài người nắm được mật mã đọc được nội dung thư điện tử. Những chương trình như thế đã tồn tại từ lâu và được sử dụng rất tích cực, nhất là bởi các cơ cấu thương mại hoạt động trước hết là trong lĩnh vực buôn bán trên mạng. Năm 1999, tại Hoa Kỳ đã có một kết luận của tòa án chưa từng có tiền lệ mà theo đó, những chương trình như thế được coi là biện pháp bảo vệ tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, kể cả từ khi chưa xảy ra tấn thảm kịch 11/9/2001 tòa nhà tháp đôi thương mại tại Mỹ bị tấn công khủng bố cũng đã xuất hiện nhiều người phê phán sự phổ biến rộng rãi những chương trình như thế, cho phép các phần tử tội phạm và bọn khủng bố có thể giao tiếp với nhau một cách tự do và an toàn.

Theo cuộc điều tra xã hội do hãng Harris Interactive tiến hành, đang có tới 57% số người Mỹ ủng hộ việc xây dựng một đạo luật đặc biệt phân định rành mạch việc riêng tư và việc xã hội trên mạng Internet. 15% cho rằng nhà nước không nên can thiệp vào việc này mà để cộng đồng Internet sẽ tự xác định luật chơi cho mình. Tuy thế, cũng có tới 63% số người Mỹ ủng hộ việc để cho các cá nhân được nhiều quyền hơn trong việc bảo vệ các thông tin riêng tư. Chỉ có 29% đồng ý chuyển công chuyện này cho nhà nước lo toan

Thanh Long
.
.