Bí ẩn siêu vi khuẩn kháng thuốc

Thứ Ba, 07/09/2010, 15:10
Ngày 11/8, các nhà khoa học Anh đã lên tiếng cảnh báo về một nhóm siêu vi khuẩn kháng thuốc, mở đầu cho hàng loạt ca bệnh được phát hiện ở các nước khác. Loại siêu vi khuẩn nguy hiểm này có khả năng lây từ người sang người và kháng được nhiều loại thuốc kháng sinh, kể cả nhóm kháng sinh mạnh nhất. Thông tin này đã gây lo ngại cho người dân trên toàn thế giới.

Đặc biệt, sự lo ngại càng lớn hơn khi ở Việt Nam, dù chưa có xét nghiệm xác định chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc đang lưu hành trên thế giới, nhưng đã xác định được nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc mạnh là anh em họ hàng rất gần với chủng trên. Tuy nhiên, còn nhiều điều bí ẩn ít người biết đằng sau loại siêu vi khuẩn kháng thuốc này.

Đường đi của siêu vi khuẩn kháng thuốc

Sau khi phát hiện nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn không hồi phục dù đã dùng những loại kháng sinh mạnh nhất, Đại học Cardiff (thuộc xứ Wales), Cơ quan bảo vệ sức khỏe Anh và một số trường đại học quốc tế đã tiến hành nghiên cứu về loại siêu vi khuẩn kháng thuốc mới.

Các vi khuẩn này tạo ra một enzym được gọi là New Delhi metallo-beta-lactamase (NDM-1), có thể tồn tại ở cả vi khuẩn khác, khiến chúng kháng được nhiều loại kháng sinh, trong đó có cả nhóm kháng sinh mạnh nhất là Carbapenem - thường được sử dụng trong trường hợp cấp cứu hoặc những ca nhiễm trùng nặng do nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc.

Điều trị bệnh lây nhiễm nguy hiểm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Từ năm 2009, enzym NDM-1 đã được phát hiện ở vi khuẩn viêm phổi Klebsiella và E.coli trên một bệnh nhân Thụy Điển ở Ấn Độ. Chỉ có hai loại kháng sinh tigecycle và colistin có công hiệu với bệnh nhân này. Nhưng ở các ca bệnh tương tự khác, cả hai loại kháng sinh này không thể diệt được vi khuẩn chứa NDM-1. Bệnh nhân nhiễm khuẩn đường ruột E.coli thông thường có thể hồi phục dễ dàng, nhưng trường hợp nhiễm khuẩn E.coli có chứa NDM-1 thì nguy cơ tử vong lại rất cao.

Nhiều nước như Anh, Bỉ, Mỹ, Canada, Australia, Phần Lan… đã và đang phát hiện các bệnh nhân nhiễm siêu vi khuẩn kháng thuốc. Con số bệnh nhân đang ngày càng tăng lên. Riêng tại Anh, các nhà khoa học cũng phát hiện có tới 37 trường hợp nhiễm khuẩn. Điểm chung ở các ca bệnh nhiễm khuẩn này là phần đông bệnh nhân vừa đi du lịch đến Ấn Độ hoặc Pakistan trong vòng một năm trở lại.

Trong khi tại ba quốc gia Nam Á là Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan, đã ghi nhận hơn 140 trường hợp nhiễm bệnh. Theo nghiên cứu của Đại học Madras trên người nghi nhiễm khuẩn ở Ấn Độ, đã phát hiện 44 trường hợp nhiễm bệnh tại Chennai và 26 trường hợp tại Haryana.

Có một số trường hợp bệnh nhân nhiễm siêu khuẩn nhưng may mắn chỉ ở mức nhẹ, trong khi nhiều trường hợp khác có diễn biến rất nặng. Trong đó có một số người bị nhiễm trùng máu và hiện đã ghi nhận một trường hợp tử vong ở Bỉ. Bệnh nhân nam xấu số này bị nhiễm siêu vi khuẩn khi điều trị chấn thương tai nạn giao thông tại một bệnh viện ở Pakistan từ tháng 6/2010.

Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển về Bỉ và điều trị bằng kháng sinh mạnh colistin, song không mấy tác dụng và bệnh nhân tử vong. Điều khiến các chuyên gia lo ngại là số lượng khách du lịch đến Ấn Độ và Pakistan để khám chữa bệnh, trong đó có nhiều người tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, sẽ khiến nguồn vi khuẩn dễ dàng lây lan qua nhiều châu lục.

Về chuyên môn, khả năng enzym NDM-1 có thể di chuyển sang các chủng vi khuẩn kháng thuốc khác và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn nặng, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người với khả năng chữa trị thành công rất thấp - cũng gây quan ngại lớn.

Các nhà khoa học đã phát hiện gen của NDM-1 được tìm thấy trên cấu trúc DNA - điều đó đồng nghĩa với khả năng chúng có thể dễ dàng phát triển và lan truyền giữa các loại vi khuẩn khác. Hiện đã xác định những bệnh nhân nhiễm siêu vi khuẩn chứa NDM-1 đã kháng với tất cả các loại kháng sinh hiện có. Trong tương lai gần, chắc chắn chưa thể tìm ra và sản xuất ngay được loại kháng sinh hữu hiệu với nhóm vi khuẩn này.

Hiện các nước có bệnh nhân nhiễm siêu vi khuẩn mới chỉ có một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan bệnh là nhanh chóng xác định và cách ly tất cả bệnh nhân được xác định đã nhiễm khuẩn. Nhưng chắc chắn đây chỉ là biện pháp tạm thời, chỉ khoanh vùng lây lan ở phần "ngọn", chứ chưa thể triệt tận gốc rễ vấn đề. Khả năng NDM-1 lây lan khắp thế giới là một lo ngại rất có cơ sở khoa học.

Tưởng xa mà rất gần

Tưởng như chuyện phát hiện siêu vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm có gốc gác ở các nước châu Âu, châu Mỹ hay Nam Á xa xôi và có khả năng lây lan tới Việt Nam do người từ nước ngoài tới. Nhưng khi tìm hiểu tình hình tại trung tâm nghiên cứu và điều trị các bệnh lây nhiễm - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chúng tôi nhận thấy, mối bận tâm về siêu vi khuẩn kháng thuốc này đang ở rất gần và ngay trong các bệnh nhân "nội địa".

Theo các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, do đặc tính chung của vi khuẩn có thể lây truyền rất mạnh nên nguy cơ loại siêu vi khuẩn này vào Việt Nam là rất lớn. Hiện nước ta chưa có nghiên cứu nào giải mã trình tự gene của tất cả các vi khuẩn kháng thuốc để xác định chúng có phải là NDM-1 hay không, nhưng đã ghi nhận tới vài ba loại siêu vi khuẩn tương tự, có khả năng kháng tất cả loại kháng sinh.

Trong đó phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Các vi khuẩn này tiết ra một enzym phân hủy gọi chung là carbapenemase, làm giảm tính nhạy cảm của nhóm kháng sinh carbapenem - vốn được coi là giải pháp cuối cùng cho bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng.

Có rất nhiều loại carbapenemase, trong đó có enzym NDM-1 trong siêu vi khuẩn vừa phát hiện. Nước ta hiện đã ghi nhận những siêu vi khuẩn anh em họ hàng rất gần với NDM-1, vì chúng mang gene tương tự NDM-1 như vi khuẩn mang gene IMP, VIM... Theo một nghiên cứu ngay tại Việt Nam, vi khuẩn kháng thuốc nhóm carbapenem chiếm tỷ lệ khá cao với khoảng 1- 4% chủng vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Để điều trị cho bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn có "vũ khí tối tân", "đi trước thời đại" đó, các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phải linh động áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như chọn các loại kháng sinh còn nhạy cảm trên kháng sinh đồ, phối hợp nhiều kháng sinh, điều chỉnh liều thuốc cho nồng độ kháng sinh đủ tiêu diệt vi khuẩn…

Tuy vậy, các biện pháp kết hợp từ "du kích nhỏ lẻ" đến "tấn công tổng lực" này làm chi phí điều trị tăng cao và bệnh nhân mệt mỏi, nhưng không phải lúc nào cũng chắc thắng, hiệu quả điều trị không đảm bảo. Trong khi đó, điều kiện phòng bệnh chật hẹp, bệnh nhân đông, trang thiết bị cách ly, vô trùng… còn rất thiếu thốn, khả năng lây chéo siêu vi khuẩn nguy hiểm ngay trong bệnh viện là khá lớn. --PageBreak--

Hệ lụy siêu vi khuẩn kháng thuốc

Trước mối lo ngại chung đang bao phủ khắp dư luận toàn cầu về khả năng lây lan siêu vi khuẩn kháng thuốc, các nhà khoa học ở Việt Nam lại bày tỏ khá bình thản trước hiện tượng này, đồng thời lại bày tỏ những lo ngại khác về khả năng kháng thuốc của các siêu vi khuẩn nội địa.

Dưới con mắt của các nhà chuyên môn, NDM-1 không hẳn là một siêu vi khuẩn mới được phát hiện, mà chỉ là hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc. Chuyện vi khuẩn kháng kháng sinh nằm trong quy luật nên hiện tượng này là không quá đáng lo lắng.

Hơn nữa, thực tế những chủng vi khuẩn này cũng đã được phát hiện từ năm 2007, 2008. Gần đây, các nhà khoa học trên thế giới mới tập hợp dữ liệu, nghiên cứu và công bố các hiểu biết mới về NDM-1. Trong quá trình điều trị, các bác sỹ thỉnh thoảng vẫn gặp những bệnh nhân nhiễm khuẩn chủng nặng và rất nặng và phải linh hoạt tìm ra các điều trị.

Đặc biệt, trong y học đôi khi cùng tồn tại những quy luật trái ngược nhau. Thông thường, một loại kháng sinh ra đời vài năm thì vi khuẩn sẽ thích nghi, kháng lại được và phải sản xuất thay thế kháng sinh mới. Nhưng đồng thời, nhiều loại kháng sinh cũ, đã bị "về vườn" lại có thể đánh bại loại vi khuẩn mới toanh vừa phát hiện.

Ví dụ như kháng sinh "lão thành" Colistin, hiện cùng với dòng thuốc kháng sinh mới Tigecycline là 2 loại thuốc có hiệu quả trong điều trị siêu vi khuẩn kháng được nhóm kháng sinh đời mới carbapenemase, bao gồm cả loại vi khuẩn chứa NDM-1 vừa phát hiện và các vi khuẩn tiết enzym nguy hiểm khác ở nước ta.

Ngoài ra, NDM-1 không đáng lo ngại như các virus có thể lây qua tiếp xúc, hô hấp…, nên nó đe dọa trực tiếp tới người có nhu cầu du lịch khám chữa bệnh chứ không phải khách du lịch thông thường.

Tuy nhiên, đi liền với những thông tin lạc quan trên lại là mối lo ngại lớn về diễn biến khó lường của vi khuẩn kháng thuốc. Về lý thuyết, kháng sinh là  những chất dùng để ức chế sự phát triển của vi khuẩn hoặc tiêu diệt vi khuẩn ngay ở nồng độ thấp. Có nhiều loại kháng sinh, nhưng mỗi loại chỉ gây rối loạn một phản ứng sinh học nhất định của tế bào vi khuẩn và làm cho chúng ngừng phát triển.

Vi khuẩn có khả năng kháng lại kháng sinh là do chúng có đặc tính sinh sản nhân đôi cực kỳ nhanh theo cấp số nhân, khả năng đột biến gene để truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Khi ta đưa kháng sinh vào cơ thể, đa số vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, nhưng cũng có một số ít thoát chết và sẽ phát triển theo nguyên lý chọn lọc tự nhiên.

Thông thường, vi khuẩn sống phụ thuộc vào môi trường của chúng và có đầy đủ một bộ enzym để chiết ra các chất dinh dưỡng từ môi trường. Nếu kháng sinh làm thay đổi hay gây nhiễm độc môi trường sống của vi khuẩn, chúng sẽ chết vì thiếu enzym, nhưng một số vi khuẩn có khả năng thích nghi linh hoạt bằng cách đột biến sản sinh ra những enzym mới, phù hợp với môi trường mới.

Đó là trường hợp của siêu vi khuẩn chứa enzym mới NDM-1. Do đó, chính thói quen lạm dụng kháng sinh hay tự ý dùng kháng sinh không đúng bệnh, dùng không đủ liều… của nhiều người, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình kháng thuốc của vi khuẩn.

Giống như trong một trận đánh, chúng ta có vũ khí kháng sinh rất lợi hại trong tay, nhưng nếu ta dùng vũ khí ấy không một cách chủ quan, lơ là, thì "địch" sẽ có cơ hội "tìm hiểu" cơ chế hoạt động của vũ khí rồi biến đổi để thích nghi và quay lại tấn công chúng ta.

Còn nhớ sự kiện một em bé ở Mexico là trường hợp đầu tiên bị nhiễm kết hợp một loại virus cúm gia cầm và hai loại virus cúm trên lợn, gây ra chủng cúm A/H1N1 mới lây lan mạnh trên toàn cầu. Dù chưa ai đi đến kết luận em bé Mexico là nguồn khởi phát cúm A/H1N1, nhưng có thể thấy rõ ràng, với một thế giới toàn cầu hóa như ngày nay, một cá nhân có thể gây ảnh hưởng tới toàn thế giới.

Đặc biệt, trong diễn biến tinh vi, phức tạp của các loại dịch bệnh, ranh giới giữa thủ phạm và nạn nhân rất mập mờ và thường khó tìm ra nguyên nhân đích thực. Nếu nói thói quen tự dùng kháng sinh của một người có thể là dẫn đến sự ra đời của một siêu vi khuẩn nguy hiểm chết người, thì sẽ khiến ai đó lắc đầu phản đối.

Nhưng trên thực tế, câu chuyện về các đại dịch không phải là cơn bão từ trên trời ập xuống, nó luôn có điểm xuất phát và âm ỉ hình thành từ ngay trong môi trường sống quanh chúng ta

Thanh Loan
.
.