Bí ẩn của thiên lôi

Thứ Tư, 24/11/2004, 18:19

Hằng năm, chỉ riêng tại Mỹ, sét đánh chết hơn 200 người. Ngoài sét đánh trực tiếp, đã thấy nhiều kiểu sét đánh lạ đời khác. Kiểu sét đánh kỳ lạ nhất có lẽ là đánh qua... đường điện thoại.

Điện tích từ sét có thể lan theo đường dây mà không làm hư hỏng nó, nhưng có thể truyền một cú đánh chết người đang ở rất xa. Cú sét đánh ngày 18/8/1984 tại Pháp giết chết người lính chữa cháy đang gọi đồng nghiệp cảnh báo về một cơn bão; rồi khiến một thiếu nữ đang gọi điện thoại cho bạn trai ngã xuống hè phố. Người bạn trai nghe điện thoại dù ở rất xa cũng ngã ra sàn nhà.

Kể từ năm 1752, khi Benjamin Franklin thấy rằng, sét không phải là cơn thịnh nộ của thiên đình, mà chỉ là một hiện tượng điện. Nhưng còn bao nhiêu bí ẩn của sét mà con người chưa lý giải được. Sét luôn là mối hiểm nguy đối với con người, nhưng chúng ta có nhiều lý do để lo ngại hơn so với các thế hệ trước. Đơn giản vì cuộc sống ngày càng lệ thuộc vào các kỹ thuật hiện đại và chúng là “mục tiêu” hàng đầu của sét. Một chiếc máy bay hằng năm trung bình bị sét đánh hai lần. Mặc dù phần lớn không hề hấn gì, nhưng cũng có trường hợp cháy khoang nhiên liệu, hỏng thân máy bay và tê liệt các tín hiệu buồng lái.

Bí ẩn chưa khám phá của sét hòn

Mặc dù đã được miêu tả kỹ từ thời Hy Lạp cổ, sét hòn là hiện tượng tự nhiên chưa có lời giải thích thỏa đáng, dù chỉ là nguyên lý. Đó là một quả cầu phát sáng di động trong cơn mưa sấm sét, kích thước cỡ quả cam hay quả nho, thời gian kéo dài từ vài giây tới vài phút. Sét hòn xuất hiện hầu như đồng thời với một tia sét đánh từ trên mây xuống đất. Nó thường bay cao vài mét, kèm theo âm thanh đánh vào đồ đạc trước khi biến mất. Cũng có khi nó bay khá cao và sáng đến mức có thể nhìn thấy vào ban ngày.

Một số người nhầm sét hòn với lửa St. Elmo, là ngọn lửa do sự phóng điện từ một vật dẫn có đầu nhọn khiến mật độ điện tích tăng cao, tạo ra điện trường đủ mạnh. Lửa St. Elmo cũng có dạng cầu nhưng nó vẫn tiếp xúc với vật dẫn, chứ không có thể bay như sét hòn. Và nó có thời gian "sống" dài hơn sét hòn rất nhiều.

Sét hòn thường bay ngang với tốc độ vài mét/giây, nhưng cũng có khi đứng yên. Khác với các hiện tượng điện thông thường, nó “chú ý” tới vật dẫn và không dẫn điện như nhau. Hơn thế nữa, nó bay vòng quanh hay bám theo người, rồi vào “khám phá” các căn phòng và treo trên không gần các đồ vật như để “quan sát” rõ hơn! Nó vượt qua màn che hay ống khói, thậm chí qua cửa sổ mà không làm vỡ kính. Chúng có thể tự xuất hiện trong phòng kín, thậm chí trong một cấu trúc kim loại như khoang máy bay.

Sét hòn chấm dứt sự tồn tại trong im lặng hay kèm tiếng nổ, chứ ít khi phân rã thành các sét hòn nhỏ hơn. Thú vị là dù có khả năng gây chấn thương và tử vong, nhưng dường như sét hòn rất gượng nhẹ khi “ứng xử” với người. Có lần, sét hòn bay chậm chạp qua sân hướng tới cái bàn có hai chú bé đang đùa. Một chú đá vào quả cầu và gây nổ. Vậy mà em vô sự trong lúc 11 chú bò trong chuồng bên cạnh bị chết. Một sét hòn khác bay quanh bé gái đang ôm chú mèo con trong lòng. Chạm vào sét hòn, chú mèo bị chết ngay nhưng bé gái bình an vô sự!

Chưa một giả thuyết nào thâu tóm được mọi đặc tính của sét hòn, nhất là độ linh động lớn và không bao giờ bay từ dưới lên. Các nhà khoa học giả định sét hòn là khối plasma đậm đặc, quả cầu khí nung nóng, dòng điện kín hay khối hạt vũ trụ hội tụ… Đáng chú ý nhất là giả thuyết của nhà vật lý Xô Viết (trước đây) đoạt giải Nobel Kapitsa năm 1955. Ông cho rằng năng lượng sóng vô tuyến từ đám mây tích điện có thể tạo ra sét hòn. Phiên bản hiện đại nhất của giả thuyết là lý thuyết soliton (1975) của Handel tại ĐH Missouri, Mỹ. Theo đó, sét hòn chính là các soliton, tức là các kích thích kiểu giả hạt trong không khí, do một maser khí quyển thể tích lớn tới nhiều kilômét khối tạo ra.

Mặc dù chưa tạo được sét hòn nhân tạo, nhưng giả thuyết được ba sự kiện ủng hộ. Đầu tiên, sét không bao giờ xuất hiện ở vách núi cao, các cao ốc trong thành phố hay các điểm cao, vốn là nơi thu hút sét. Theo thuyết soliton vi sóng, vùng không gian hẹp quanh các cấu trúc đó không thích hợp đối với sét hòn. Ngược lại, khi sét đánh xuống đánh đồng, trường tác động cao và rộng tới hàng chục cây số. Đó là lý do sét hòn giữ được bí mật của mình: “Nó tới thăm nông dân và lảng tránh giới khoa học!”.

Thứ hai, sét hòn vô hại trong khoang máy bay hay trong một ngôi nhà có cấu trúc dẫn điện, vì theo lý thuyết tại đó năng lượng maser chỉ cỡ hàng chục, so với hàng tỉ joule ngoài trời, nên không gây nguy hiểm. Lý thuyết này được nhiều thí nghiệm phóng điện siêu cao tần tại Nhật và Nga từ những năm 90 của thế kỷ trước chứng minh và là lý thuyết được chú ý về sét hòn.

Những số phận kỳ lạ

Năm 1890, tại quận Mayo, Ireland, sét đánh vỡ vỏ cả một rổ trứng, nhưng không hề làm rách màng trong một quả nào. Sét có thể khai thông cống, bóc vỏ trái bắp, khoan những vòng tròn trên cửa kính cùng nhiều “hành vi“ kỳ lạ khác. Muốn hiểu nó, cần khảo sát kỹ độ dẫn điện, độ ẩm, sự có mặt của kim loại, dòng không khí… vì còn nhiều trường hợp khó hiểu. Chẳng hạn năm 1991, một người đánh gôn tại Lancashire, Anh, bị sét đánh mà vẫn đứng không hề gì, trong khi cây dù văng khỏi tay và hàm răng giả chảy ra trong miệng. Có cú đánh làm chảy đồ trang sức, làm cháy quần áo mà không ảnh hưởng gì tới cơ thể người. Năm 1991, Jennifer Roberts 23 tuổi đang đọc sách dưới bóng cây tại đảo Stradbroke, Úc, bị sét đánh chảy dây đồng hồ, khiến cô bị liệt tạm thời nhưng sau đó hồi phục ngay, trong khi đó cuốn sách cháy thành than. Người ta đồn đó là cuốn Vùng chết của ông vua truyện kinh dị Stephen King, mà ở bìa là hình ảnh một người bị sét đánh!

Năm 1984, Alan Wheatson ở Kensham gần Bristol nước Anh bị sét đánh ngã xuống sàn bếp trong một cơn giông sau khi thét lên: “Trời sẽ đánh nếu tôi sai!”. Anh đang cãi vợ là nên cắt một tảng thịt như thế nào! Cùng năm đó tại Boston, khi viên luật sư Dapper O’Neill trấn an một phụ nữ đang giận dữ qua hệ thống điện thoại vô tuyến rằng, ông sẽ điều tra trường hợp bà yêu cầu. Ngay sau khi ông nói “sét sẽ đánh chết nếu tôi không điều tra”, sét liền đánh xuống tòa nhà, làm hệ điện thoại bay lên không, nhưng Dapper bình an vô sự!

Ai nói câu “sét không đánh hai lần” chắc là sống trên hành tinh khác. Phần lớn các cấu trúc cao phải hàng trăm cú đánh, vì chúng chính là những cột thu lôi khổng lồ. Nhưng rất khó giải thích trường hợp một người hay một gia đình bị sét đánh nhiều lần. Nhà nông người Úc 55 tuổi Jack McPherson bị sét đánh ngày 13/2/1983 khi đang cho cừu ăn tại chính nơi ông đã bị đánh bất tỉnh, trước đây 20 năm cùng con bò mà ông đang vắt sữa. Nhưng ông vẫn còn thua Roy Cleveland Sullivan, làm nghề gác rừng tại Waynesboro, Virginia, người bị sét đánh đến bảy lần trong 36 năm. Ông bị đánh bay móng chân năm 1942, cháy lông mày năm 1969, bỏng vai năm 1970 và bị đánh dựng tóc năm 1972.

Ít may mắn hơn là gia đình Primardo tại Tanato, Italia. Chàng trai 27 tuổi Rolla bị sét đánh chết trong vườn, nơi người cha cũng từ biệt cõi đời vì sét trước đó 20 năm. Và bất hạnh nhất có lẽ là thị trưởng Sumerford vùng Vancouver, Canada. Năm 1918 ông bị sét đánh khi tuần tra tại Flanders, và bị liệt tức thời. Năm 1924, ông bị sét đánh khi đi câu cá cùng ba người bạn (họ chẳng hề gì), còn ông lại bị liệt và phải vào bệnh viện. Số phận được định đoạt sau cú đánh năm 1930 khi ông đang đi dạo trong công viên khiến ông vĩnh viễn phải dùng xe lăn. Hai năm sau ngày mất, theo một tin đồn, mộ ông cũng bị sét đánh tan!

Nhiều người bị sét đánh mà không chết đã thay đổi cách sống. Nạn nhân Sullivan tuyên bố "có thể nhìn thấy tia sét đang tới” và bị trầm cảm. Ông tự tử năm 1983 ở tuổi 71. Khá phổ biến là hiện tượng nạn nhân trải qua các thay đổi tâm lý, cả tích cực và tiêu cực. Khá lạ là không ít nạn nhân bị bệnh thần kinh cảm thấy khá hơn sau khi bị sét đánh. Một số bệnh nhân tâm thần phân liệt thì giảm bệnh sau khi được sét “tới thăm”, hình như do được tác động giống như sốc điện trong y học. Cũng có một số trường hợp mù, điếc và liệt đã khỏi bệnh sau khi bị sét đánh. Nhà tâm linh tự phong nổi tiếng nhất nước Mỹ, Greta Alexander, còn tuyên bố rằng, sét đánh chính là nguyên nhân phát sinh những khả năng tâm linh “kỳ diệu” của con người.

Đó là lý do Vladimir Rakov, một chuyên gia gốc Nga tại Phòng thí nghiệm sét Đại học Florida (Florida là nơi nhiều sét nhất nước Mỹ), đưa ra tổng kết: “Hiện chúng ta hiểu rất ít về sét”

.
.