Báo động những phát ngôn gây thù hận toàn cầu

Thứ Ba, 16/04/2019, 16:27
Thời gian gần đây, thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của những phát ngôn có tính chất khơi gợi sự thù hận (hate speech). 


Giới quan sát cho rằng, cho dù xuất hiện với hình thức nào thì phát ngôn gây thù hận cũng nhằm mục đích kích động mâu thuẫn, từ đó dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội, và nghiêm trọng hơn là trở thành một nguyên nhân khơi nguồn bạo lực hay chia rẽ cộng đồng.

Trước tình trạng phát ngôn gây thù hận trở nên phổ biến, các quốc gia trên thế giới đã đặt vấn đề cần sớm ngăn chặn hiện tượng xã hội này. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất trong việc đấu tranh chống lại những phát ngôn kiểu này lại đến từ bản chất của mạng xã hội, cũng như những khác biệt trong cách tiếp cận khái niệm “hate speech”. 

Lây lan nhanh chóng

Cho tới nay, chưa có một định nghĩa rõ ràng nào về “hate speech”. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, “hate speech” gồm các hình thức phát ngôn gieo rắc hoặc ủng hộ sự thù hận sắc tộc, bài ngoại, cũng như những phát ngôn sỉ nhục, kỳ thị do thiếu khoan dung đối với sự khác biệt.

Theo ước tính, mỗi phút trên Internet có khoảng 300.000 tweet, 40.000 cập nhật trạng thái Facebook, và khoảng 600 giờ nội dung YouTube được post lên. 

Trong đó, vô số hình ảnh, bình luận, hay nội dung chứa những phát ngôn khơi gợi sự thù hận nhằm đe dọa, quấy rối (thường nhắm vào những người thuộc nhóm thiểu số), chiêu mộ và khuyến khích những người có thái độ căm ghét tương tự, thậm chí thúc đẩy hành vi bạo lực ngoài đời thực vì những lý do liên quan đến tôn giáo, sắc tộc hay giới tính.

Hiện vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về “hate speech” trên mạng, cũng như tồn tại nhiều khác biệt trong cách tiếp cận “hate speech” giữa các quốc gia.

Ngày càng có nhiều nạn nhân của “hate speech”, chủ yếu do xung đột xã hội ngày càng tăng. Tác giả của những phát ngôn kiểu này thường bị gọi là “kẻ gieo rắc nỗi hận”, hay thi thoảng là “troll” - tức là những kẻ gây rối chính hiệu trên mạng xã hội. Tuy nhiên, “hate speech” có thể xuất hiện chẳng bởi lý do nào cụ thể, mà đơn giản chỉ là một cá nhân... thích thì chửi, hoặc không đồng quan điểm là... phải tìm cách hạ bệ.

Nhiều chuyên gia nhận định, sự thù hận trên mạng còn đáng sợ hơn cả... ô nhiễm vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người cũng như sự bình yên của xã hội. Trong một số trường hợp, phát ngôn thù hận thổi bùng hận thù giữa các cộng đồng, và dẫn đến những hành động cực đoan như khủng bố ở Mỹ và châu Âu.

Thật đáng buồn là những phát ngôn thù hận đang lây lan với tốc độ chóng mặt, tạo nên cái gọi là “bạo hành trực tuyến”. Một trong những vụ “hate speech” nổi bật là việc nữ diễn viên người Mỹ Lesli Jones bị sỉ nhục thậm tệ, và chịu công kích từ mạng xã hội chỉ vì cô là diễn viên da màu có ngoại hình không bắt mắt.

Trong một xã hội chứa đựng sẵn những căng thẳng, nơi các cá nhân khó tìm thấy chỗ đứng cho bản thân, hiện tượng “hate speech” lại càng trở nên phổ biến. 

Trên thực tế, số người bị bắt vì các phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội đang có xu hướng tăng cao. Chỉ tính riêng tại London (Anh), đã có đến 2.500 người bị bắt giữ trong 5 năm qua vì đã gửi các tin nhắn có tính chất lăng mạ lên mạng xã hội, đặc biệt liên quan đến người tị nạn Syria.

“Bàn tay” mạng xã hội

Giới quan sát bình luận rằng thật không may khi mạng xã hội lại là một trong những công cụ mà các đối tượng có dã tâm lợi dụng để cực đoan hóa một bộ phận người dân, và sử dụng (thái độ) phân biệt chủng tộc để truyền bá bạo lực và sự thù ghét thông qua những phát ngôn kiểu “hate speech”.

Bản thân các ông lớn như Facebook, Twitter hay YouTube buộc phải thừa nhận rằng, các phát ngôn gây thù hận không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới đối tượng bị công kích, mà còn tới cả những người có xu hướng cởi mở, nhân ái, không tán đồng việc phân biệt đối xử. Đây rõ ràng là một vấn đề bức xúc, buộc giới chức trách phải có biện pháp mạnh tay xóa bỏ triệt để các phát ngôn không lành mạnh.

Giải pháp đầu tiên chính là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho phát ngôn trên mạng xã hội, với mục tiêu không thể để mạng xã hội trở thành “vùng vô luật”. 

Trong bối cảnh này, EC đã ký thỏa thuận với Facebook, Twitter, YouTube và Microsoft công bố “Bộ luật ứng xử” gồm hàng loạt cam kết nhằm ngăn chặn sự phát tán của những phát ngôn thù hận trên mạng.

EC đã ký thỏa thuận với các "ông lớn" công nghệ công bố "Bộ luật ứng xử" gồm hàng loạt cam kết nhằm kiểm duyệt những phát ngôn thù hận trên mạng.

Ngoài ra, các “ông lớn” cam kết sẽ xem xét phần lớn các thông báo tin mới để xóa những nội dung phát ngôn thù hận trong vòng 24 tiếng, và nếu cần sẽ gỡ hoặc không cho phép truy cập tài khoản. 

Riêng Facebook, sẽ dành ngân sách 1 triệu USD cho “Sáng kiến khuyến khích sự dũng cảm của người dân trên mạng” (OCCI), nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những phát ngôn thù hận và chủ nghĩa cực đoan trên không gian mạng ở châu Âu.

Có vẻ như mạng xã hội vẫn chưa làm gì thực sự hiệu quả để hạn chế “hate speech”. Dù họ đều cài đặt tính năng thông báo vi phạm cho phép người dùng báo cáo những nội dung không lành mạnh, kích động thù hận, nhưng hầu hết các báo cáo đều chậm hơn một bước, tức là thường diễn ra sau khi phát ngôn đã được chia sẻ, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng nói chung.

Chưa kể, không ít nội dung độc hại bị bỏ sót. Tuyên bố cấm các phát ngôn gây hận thù trên mạng của Facebook cùng chức năng “gắn cờ” giúp người sử dụng thông báo cho Facebook những phát ngôn không phù hợp rất được hoan nghênh, thế nhưng chưa tới 40% những phát ngôn bị coi là “hate speech” bị xóa bỏ bởi mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Tỉ lệ này được cho là cực thấp đối với YouTube (10%) và Twitter (1%).

Chưa có sự thống nhất

Những rủi ro của “hate speech” trở thành bài toán nan giải với nhiều quốc gia trên phương diện xây dựng và thi hành luật. Hiện nay, Đức là quốc gia dẫn đầu châu Âu trong cuộc chiến với “hate speech”, được lựa chọn làm nơi đặt đại bản doanh của chiến dịch OCCI, bởi vì phát ngôn thù hận trên mạng đặc biệt đang diễn ra nhiều ở quốc gia này sau khủng hoảng làn sóng người tị nạn. 

Mới đây, một thanh niên 26 tuổi đã bị kết án 5 tháng tù treo và khoản tiền phạt 350USD vì một tin nhắn trên Facebook, cho rằng người tị nạn “nên bị thiêu sống hoặc chết đuối ở Địa Trung Hải”.

Mạng xã hội là một trong những công cụ mà các đối tượng có dã tâm lợi dụng để truyền bá bạo lực và sự thù ghét thông qua “hate speech”.

Sau vụ việc này, Chính phủ Đức đã thắt chặt hơn luật về “hate speech” trên mạng xã hội, tuyên bố bất cứ mạng xã hội nào không gỡ bỏ các tin giả, phát ngôn gây thù ghét, mang tính chất phân biệt chủng tộc và bài ngoại sẽ chịu hình phạt lên tới 60 triệu USD.

Chưa hết, giữa tháng 3, Chính phủ Đức công bố dự thảo một đạo luật mới buộc các mạng xã hội phải công bố báo cáo giải trình hàng quý về trách nhiệm thông tin, trong đó có cả thông tin về số lượng và trình độ của nhân viên chịu trách nhiệm xóa và chặn nội dung vi phạm quy định của Đức về cấm các phát biểu thù hận và vu khống.

Tuy nhiên, do không có định nghĩa thống nhất về “hate speech” trên mạng, cũng như tồn tại nhiều khác biệt trong cách tiếp cận “hate speech” giữa các quốc gia, nên câu hỏi có nên cấm “hate speech” và xử lý vi phạm ra sao vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Chẳng hạn, Nam Phi đang thảo luận một dự luật xử lý hình sự các phát ngôn gây thù hận, sau khi có những bài đăng trên Facebook so sánh người da màu với khỉ. Còn quốc hội Nhật vừa thông qua luật ngăn chặn “hate speech” với khái niệm bao trùm sự bôi nhọ hoặc đe dọa người khác trên mạng xã hội.

Trong khi đó, Pháp là một trong những nước có hệ thống luật nghiêm khắc nhất cấm mọi phát ngôn thù hận. Sự khác biệt này xuất phát từ lý do Pháp coi tấn công tinh thần cá nhân là vi phạm quyền cá nhân. 

Cụ thể, những hành vi xúc phạm nơi công cộng đến người khác liên quan đến chủng tộc, giới tính, đồng tính, hay tàn tật có thể bị phạt tới 6 tháng tù và 30.000USD. Tuy nhiên, ở Mỹ, Tòa án tối cao Mỹ thường tránh không hạn chế “hate speech” (trừ những phát ngôn kích động bạo lực), vì lí do bảo vệ quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp Mỹ.

Những sự khác biệt kể trên cho thấy một thực tế muôn hình vạn trạng liên quan tới “hate speech”. Đó là sự mong manh của lằn ranh giữa phát ngôn hợp pháp và bất hợp pháp – gây hận thù, phụ thuộc vào từng quốc gia với cách nhìn nhận riêng biệt, từ đó quyết định cách phản ứng.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi khó giải quyết liên quan đến bản chất thực sự của “hate speech”, như trong trường hợp một số nội dung, vốn không mang ý xúc phạm, nhưng lại trở thành “hate speech” do... hài hước không đúng chỗ, hay những phát ngôn hoàn toàn bình thường ở quốc gia này nhưng lại có nguy cơ xâm phạm cá nhân ở quốc gia khác... 

Lê Nam
.
.