Anthony Hopkins: Người bắc cầu đến "Mặt tối của trăng"

Thứ Ba, 18/05/2021, 20:28
Đứng trong căn phòng của một trại dưỡng lão, người đàn ông già lão suy với trí nhớ thủng lỗ chỗ bỗng bật khóc nức nở khi cầm trên tay tấm ảnh người mẹ của mình. Trong cơn nức nở, ông thốt lên: "Tôi muốn mẹ của tôi. Có ai đó đến đón tôi. Tôi muốn về nhà". "Tôi cảm thấy mình như mất hết lá. Cành cây, gió và mưa. Tôi không còn biết chuyện gì đang xảy ra nữa".


Vai diễn trong phim “Người cha” (vai diễn đem lại cho Anthony Hopkins giải Oscar hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất vào cuối tháng 4 vừa qua) không phải là lần đầu tiên Hopkins đóng một người già mất trí. 

Năm 2018, ông từng đóng Vua Lear. Nhưng Vua Lear thì khác. Vua Lear là bi kịch vĩ đại của một con người vĩ đại. Người cha trong “Người cha” chỉ là một ông già bình thường với những tài sản bình thường, những ký ức có vẻ cũng bình thường, và dường như những gì ông đã quên đi, nếu ông có nhớ lại, cũng chẳng giúp ích gì cho ai cả trừ chính ông. 

Và Vua Lear thì phát điên - cơn điên luôn là ẩn dụ cho nỗ lực phản kháng cuối cùng của con người trước một thực tại bất tuân những hiểu biết vốn có của mình. Còn người cha trong “Người cha” không điên, sự mất trí của ông chỉ là sự thoái hóa từ từ theo một quy luật sinh học mà ai sống đủ lâu cũng sẽ phải trải qua, không có gì vĩ đại trong đó hết. N

hưng Anthony Hopkins đã diễn hay đến nỗi, qua đôi mắt trong suốt của ông, tất cả sự hiện hữu trần trụi, sự bong tróc của tất cả những mối liên kết để lộ ra cái lẻ loi tột cùng không thể bám níu vào bất cứ gì khác, cái yếu nhược luôn trốn chạy ánh sáng và cái vô tri lụn bại không thể tránh khỏi của con người, đều hiển lộ.

Trong một năm đỉnh cao của phong trào Black Lives Matter (Mạng người da đen quan trọng), có lẽ nhiều người đinh ninh giải Oscar cho nam diễn viên chính sẽ được trao cho chàng "Báo Đen" Chadwick Boseman, với vai diễn xuất sắc trong Ma Rainey's Black Bottom. 

Còn Anthony Hopkins, ai cũng biết vai diễn của ông đẳng cấp và chắc chắn sẽ thành kinh điển, nhưng dù sao thì, Anthony Hopkins cũng là một người đàn ông da trắng. Vậy mà, khi tượng vàng về với ông, đã không có tranh cãi nào. 

Thậm chí, khác với mọi năm, giải thưởng quan trọng nhất là Phim Xuất sắc được trao cuối cùng, năm nay, giải thưởng cho Hopkins mới là giải được trao cuối. Cũng là một cách làm mới Oscar, nhưng có lẽ, cũng là một cách Viện Hàn lâm ngả mũ cúi đầu trước người đàn ông 83 tuổi đã gắn bó với điện ảnh được hơn 5 thập kỷ. 

Còn có thể nói gì hơn? Đây chính là nghệ thuật chân chính. Bởi chỉ nghệ thuật chân chính mới có đủ sức rung cảm khiến ta quên đi mọi khác biệt và xung đột, mọi hiềm khích và phân rẽ, để cùng thổn thức trước câu chuyện chung nhất về con người, không phải người da đen hay da trắng, người cánh tả hay cánh hữu, mà chỉ là con người - theo nghĩa riêng tư nhất và theo nghĩa phổ quát nhất.

Anthony Hopkins bắt đầu đóng phim từ năm 1965. 1965, đó là năm chiến tranh ở Việt Nam leo thang, Muhammad Ali hạ gục Sonny Liston, tàu vũ trụ Mariner 4 chụp được tấm ảnh đầu tiên về bề mặt sao Hỏa, Winston Churchill qua đời. 

Hơn 56 năm sau, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc từ rất lâu, Muhammad Ali cũng không còn nữa, tàu vũ trụ ngày nay không chỉ đến gần sao Hỏa mà còn đáp xuống bề mặt sao Hỏa, nước Anh đã có 13 đời thủ tướng sau Churchill, thế giới đã thay đổi từ Chiến tranh Lạnh sang toàn cầu hóa, có những quốc gia đã sụp đổ và có những siêu cường mới trỗi lên. 

Ta hãy tưởng tượng sự nghiệp của Anthony Hopkins đã trải dài như thế. Trong một thế giới thèm khát tuổi trẻ và tụng ca tuổi trẻ, Anthony Hopkins trở thành người già nhất cầm tượng vàng Oscar, và khi tên ông được xướng lên thì ông đang nằm ngủ. Một tình tiết chỉ có thể ở một người già. 

Ông nói trong bài phỏng vấn với tạp chí GQ: "Tôi có một câu nói cho bản thân: Không có gì để thắng, không có gì để chứng minh, không có gì để đạt được, không có gì để mất đi, không mồ hôi, không gì đáng kể". Một câu nói cũng chỉ có thể ở một người già đã đi gần hết cái cuộc đời chết tiệt này.

Từ trên xuống và từ trái qua: Một số vai diễn của Anthony Hopkins trong “Picasso sống sót”, “Hitchcock”, “Hai vị giáo hoàng”, “Nixon’, “Người cha”, “Sự im lặng của bầy cừu”.

Không có vẻ ngoài lãng tử đẹp trai như phần lớn những minh tinh lớn nhất, Anthony Hopkins có một sự nghiệp "lão hóa ngược" theo kiểu cuộc đời của nhân vật Benjamin Button mà F.Scott Fitzgerald sáng tạo ra. 

Ông lên đỉnh cao ở tuổi gần 60 với vai diễn Nixon và nhất là 16 phút huyền thoại trong vai Hannibal Lector - kẻ có thể vừa ăn ngấu nghiến cái lưỡi của một người cảnh vệ vừa nghe dìu dặt bản Goldberg Variations của J.S Bach. Ở tuổi 80, ông vẫn đóng liên tục không ngừng nghỉ và càng đóng càng sung sức.

56 năm, Anthony Hopkins đã diễn từ bác sĩ ăn thịt người đến một quản gia trung thành tận tụy quên mình, từ Nixon, nhân vật tai tiếng phải từ chức tổng thống Mỹ đến Giáo Hoàng Biển Đức XVI đầy tranh cãi cũng phải từ chức khỏi ngai vàng Vatican, từ danh họa Picasso một thiên tài phức tạp đến Alfred Hitchcock quái kiệt điện ảnh bậc thầy làm phim giật gân, từ người cha già mất trí nhớ bị tống vào trại dưỡng lão đến Odin, vị thần tối cao trong thần thoại Bắc Âu, từ Van Helsing đối thủ của bá tước ma cà rồng Dracula tới John Quincy Adams, vị tổng thống tiên phong chống chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ.

Nhưng, dẫu là những nhân vật chói lòa mà bình thường ta không dám nhìn thẳng hay những nhân vật nhỏ bé mà bình thường ta không thèm nhìn đến, thì mỗi vai diễn của Anthony Hopkins là một từ điển về con người: những đấu tranh nội tâm của cái thiện và cái ác, cái cao vời và cái đớn hèn, gánh nặng của quá khứ và cả cái trống rỗng của quá khứ, giữa cái có nghĩa và cái vô nghĩa, vinh quang và tủi nhục, giữa tội lỗi bột phát và những nỗi bất an sâu thẳm. 

Những vai diễn lớn nhất trong đời Anthony Hopkins đều là về những con người với bộ óc mà ta không thể nào vén màn xem bên trong có gì ở đó (có thể vì họ là thiên tài mà cũng có thể vì chứng teo não) - và Hopkins như một cây cầu bắc qua "mặt tối của trăng".

Còn ai có thể bộc lộ được cái vết nứt nhỏ tí về một mối tình chưa từng bắt đầu bị giấu kín bên trong tâm hồn bằng đá của người quản gia mẫu mực hoàn hảo trong ‘Tàn ngày để lại” như Anthony Hopkins? Còn ai có thể phác họa một tay bác sĩ sát nhân khiến ta vừa lạnh gáy run rẩy nhưng vẫn vừa cám dỗ và thôi miên ta bằng cái nhìn xuyên thấu như ông qua vai diễn để đời Hannibal Lector trong “Sự im lặng của bầy cừu”?

 Và Nixon của Anthony Hopkins, đó hoàn toàn không phải là một chính trị gia lươn lẹo dối trá hỏng toàn tập mà người ta hay mô tả, đó chỉ đơn giản là một con người bị đeo đẳng bởi bóng ma quá khứ, và nói như Rogert Ebert, "như một con tàu khổng lồ chìm xuống". 

Hay Giáo hoàng Biển Đức XVI - vị giáo hoàng đầu tiên sau 700 năm phải từ nhiệm vì những bê bối của giáo hội - qua diễn xuất của Hopkins trong “Hai vị giáo hoàng”, chỉ là một người từng chạm tới ánh sáng màu nhiệm của Chúa nhưng một ngày kia, cảm thấy Chúa đã lụi tắt trong mình. 

Ông có đức tin, đức tin ấy bị tổn thương, ông chống cự khăng khăng cho mình đã đúng, đến lúc nhận ra mình đã sai, ông chiến đấu với bản thân và có lúc tuyệt vọng, ông trải qua những giờ phút như Jesus trên thập tự tự hỏi tại sao Chúa Cha bắt mình phải chịu đựng những thống khổ này.

Natalie Portman, một hậu bối của Anthony Hopkins, từng nói rằng: "Công việc của một diễn viên là sự thấu cảm". Sự thấu cảm, không gì khác, là năng lực lớn nhất của một diễn viên, để nhìn nhận nhân vật của mình không phải một kẻ xa lạ, mà là một kẻ như mình, có yếu nhược, có lầm lẫn, có mầm mống của cái xấu, và trong nhiều trường hợp, không có khả năng để tự cứu chuộc. 

Khi kể lại về thời đóng Nixon, Hopkins nói ông đã đến gặp cả Bill Clinton để hiểu thêm nhân vật. Và Clinton kể với ông một câu chuyện mà không phải ai cũng biết, rằng khi Clinton trở thành tổng thống, tuần nào ông cũng gọi cho Nixon, bởi "Nixon là một chính trị gia xuất sắc, nhưng có gì đó trong ông thật bất an", và Hopkins đã chỉ khắc họa Nixon là "một con người như ông ấy vẫn là - không tốt cũng chẳng xấu, mà là một người đàn ông phạm sai lầm, như tất cả chúng ta. 

Bạn có thể thấy nỗi đau trong ông, và bạn sẽ nghĩ: Mình có tốt hơn ông ấy không? Không, mình không tốt hơn ông ấy. Mình cũng có những nét tính cách vô đạo của riêng mình".

Có một lý thuyết nói rằng, xem những câu chuyện về những người khốn khổ là cách để ta thanh lọc bóng tối trong bản ngã, chính vì thế, một diễn viên là người đã hy sinh một phần đời mình để dâng cho bạn câu chuyện của chính bạn, họ diễn thay cho bạn và cùng bạn nhảy xuống những hố sâu.

Theo định nghĩa ấy, Anthony Hopkins là một diễn viên hoàn hảo. Ông đã hy sinh hơn 5 thập kỷ đời mình, qua hàng chục vai diễn, giúp mọi người thanh tẩy những khía cạnh tội lỗi trong mình.

Vậy mà, điều đáng kính ở ông là, ông vẫn nói ông không biết gì hết. Ông diễn bao nhiêu thiên tài hay chí ít là những nhân vật trọng yếu trong lịch sử và ông nói không biết gì hết. 

"Tôi không biết gì về nghệ thuật. Tôi không biết. Nhưng tôi không thực sự biết về bất cứ điều gì. Ý tôi là từ đáy tim mình ấy. Tôi giả vờ như tôi biết - bạn biết đấy, chúng ta đều giả vờ là mình biết. Tôi không có tí tị manh mối gì về hầu hết mọi thứ. Tôi thật không biết đâu. Tôi còn chẳng biết dùng máy tính. Tôi thật đâu biết nhiều đến thế." Ông còn nói diễn viên là những kẻ khá ngu ngốc, và, "tôi chỉ là một diễn viên".

Anthony Hopkins chỉ là một diễn viên. Nhưng ta có muốn gì hơn ở ông gì đâu? Ông chỉ cần là một diễn viên. Ông chỉ cần như thế.

Hiền Trang
.
.