Những âm thanh bí ẩn nhất trái đất: "Điên đầu" giải mã...

Thứ Bảy, 05/05/2018, 07:31
Trong suốt hàng chục năm qua, nhiều âm thanh kì lạ đã khiến giới nghiên cứu khoa học phải “điên đầu” nhưng vẫn chưa thể tìm ra được những lời giải đáp thỏa đáng. 

Đó có thể là tiếng “Hum” hay “The Bloop” bí ẩn trong lòng đại dương sâu thẳm khiến nhiều giả thuyết kinh dị ra đời, hay tiếng động xuất hiện trong một công trình xây dựng được cho là đi ngược lại mọi định luật vật lý. 

Chưa hết, nhiều bằng chứng còn chỉ ra sự tồn tại của cái gọi là âm thanh ma quái khiến con người tự tử, cùng với “tiếng nói từ các linh hồn” được thu lại bằng các thiết bị cực nhạy.

Nhiều ý kiến tự lý giải nguồn gốc của những âm thanh này có liên quan đến một loài quái vật chưa được phát hiện, hay thậm chí người ngoài hành tinh đang âm thầm “thăm dò” trái đất. 

Trong khi chưa có bất cứ kết luận khoa học chính thức nào thì những âm thanh bí ẩn nhất thế giới vẫn đang tiếp tục đánh đố trí tuệ và khả năng khám phá của loài người.

Thủy quái... “The Bloop”

Năm 1997, Cục Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) phát hiện một tiếng động vô cùng đặc biệt tại khu vực phía Nam Thái Bình Dương.

NOAA thu được âm thanh này trong khoảng 1 phút, ở độ sâu khoảng 4,3km ở vùng biển cách Chile 1.750km về phía tây. Đó là một dải âm thanh với tần số cực thấp song có cường độ âm lớn hơn nhiều so với bất kỳ tiếng ồn nào do động vật dưới biển gây ra. 

Với cường độ và tần số mà âm thanh này phát ra, các chuyên gia đã gọi nó với cái tên “The Bloop”. Thời gian ấy, “The Bloop” được ghi lại rất nhiều lần vào suốt mùa hè ở khu vực gần xích đạo thuộc biển Thái Bình Dương. 

Trong suốt hàng chục năm qua, nhiều âm thanh kì lạ đã khiến giới nghiên cứu khoa học phải “điên đầu” mà vẫn chưa giải mã nổi.

Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2010, NOAA đã tiến hành nghiên cứu âm thanh bí ẩn trên ở Nam Cực.

Nổi tiếng với danh hiệu âm thanh khó hiểu nhất thế kỷ XX, “The Bloop” đã tạo ra một làn sóng tranh cãi trong hàng chục năm liền. 

Người ta băn khoăn, liệu âm thanh kỳ lạ này phải chăng xuất phát từ một loài quái vật biển, hay thuộc về những người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu nhận định sự nứt gãy của những tảng băng lớn trên biển hoặc dưới lòng đại dương đã tạo ra âm thanh bí ẩn đánh đố nhân loại suốt thời gian qua. 

Năm 2008, trong quá trình theo dõi tảng băng trôi khổng lồ ::13ề1:: sắp tan gần đảo South Georgia, hình bóng của âm thanh “The Bloop” lại xuất hiện. Hình ảnh phổ âm thu được của tiếng băng cũng tương tự so với phổ âm của “The Bloop”. 

Tuy nhiên, câu trả lời này không đủ làm thỏa mãn những người hiếu kì. Trên thế giới, rất nhiều người vẫn tin vào sự hiện diện của một thủy quái biển phát ra âm thanh kì lạ này.

Tiếng “Hum” dưới đáy biển

Âm thanh kỳ dị mang tên “Hum” từng làm cho rất nhiều người dân trên toàn thế giới lo lắng, hoang mang và ám ảnh trong nhiều thập kỷ. “Hum” là một loại âm thanh tần số thấp, đã được biết đến trong hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên nguồn gốc của nó vẫn còn là một bí ẩn đối với nhân loại và gây nhiều tranh cãi. 

Các nhà khoa học tin rằng con người không thể nghe thấy loại âm thanh như “Hum”, nhưng vẫn có tới hàng ngàn người khẳng định “đã nghe được”. Họ miêu tả rằng “Hum” giống như tiếng rền nhỏ, kêu ầm ì dưới lòng đất.

Điều kỳ lạ là âm thanh này xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp thế giới. “Hum” thậm chí còn khiến không ít người nghi ngờ về một đường hầm bí ẩn ở sâu dưới lòng đất và sự hiện diện kỳ quái của người ngoài hành tinh.

“Hum” được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1959 và được nghe thấy nhiều lần trên đất liền, nhưng mãi tới năm 1998, các nhà khoa học mới có được bằng chứng cụ thể về nó khi lần đầu ghi lại được... dưới đáy biển. 

Qua phân tích, các nhà nghiên cứu nhận thấy âm thanh kỳ dị này thấp hơn 10.000 lần so với ngưỡng nghe thính giác của con người là 20Hz. Những chuyên gia trước đây đã gợi ý rằng tiếng ồn phát ra là do sóng liên tục đập xuống đáy đại dương, hoặc do dòng chảy tràn qua thềm lục địa. 

Vòng tròn huyền bí được gọi là “trung tâm vũ trụ” ở thành phố Tulsa (Mỹ).

Trong khi đó, các nghiên cứu khác lại nhận thấy tiếng ồn hình thành là do kết quả của sự nhiễu loạn khí quyển, vì nó mạnh hơn ở Thái Bình Dương của bắc bán cầu trong mùa đông, và các đại dương phía nam trong mùa đông ở bán cầu nam. Dù ghi được âm thanh “Hum” nhưng đến nay nó vẫn còn là một bí ẩn mà các nhà khoa học chưa thể giải thích được.

Trung tâm của cơn lốc

Những hiện tượng âm thanh kỳ dị, trái ngược với các định luật vật lý ở thành phố Tulsa (Mỹ) là một trong những bí ẩn khó lý giải khiến các nhà khoa học tranh cãi nhiều nhất. 

Nằm trên một cây cầu đi bộ thuộc thành phố Tulsa thuộc bang Oklahoma (Mỹ), vòng tròn huyền bí có đường kính khoảng 76cm lát bằng bê tông được gọi là “trung tâm vũ trụ”, bao quanh nó là 13 hình tròn đồng tâm lát gạch với tổng đường kính là 2,4m. 

Nhìn sơ qua,vòng tròn chỉ đơn giản là họa tiết trang trí thông thường cho cây cầu. Tuy nhiên, khi đứng trong vòng tròn “trung tâm vũ trụ” này và tạo ra âm thanh, âm thanh vọng lại tai sẽ rõ ràng và to hơn âm thanh ban đầu với độ lớn ngày càng tăng.

Điều kỳ lạ và khó hiểu đó là chỉ những người đứng trong vòng tròn gạch đồng tâm này mới nghe được âm vang vọng lại, còn đứng bên ngoài vòng tròn sẽ không nghe thấy tiếng vang.

Thế nhưng, chỉ cần đặt một chân vào đó, người ta vẫn có thể nghe được tiếng vọng của âm thanh đó. Đến nay, vẫn chưa có ai có thể giải thích được sự việc này, kể cả các nhà khoa học và những kiến trúc sư thiết kế cầu. 

Nếu khi đang ở trong vòng tròn ma quái mà cố gắng nói chuyện với người đứng ở bên ngoài thì giọng nói nghe được từ người kia rất méo mó và không rõ ràng. Đây đúng là một hiệu ứng âm thanh đáng kinh ngạc, trái ngược với mọi quy tắc vật lý.

Nhiều người đã nghiên cứu hiện tượng dị thường này và đưa ra giả thuyết rằng đó là kết quả của sự phản xạ parabol do các vòng tròn đồng tâm bao quanh tạo ra. 

Trước kia, vòng tròn “ma trận” xuất hiện vào thập niên 80 của thế kỉ XX khi một phần bị hư hỏng của cây cầu được xây dựng lại sau một vụ cháy. Nhiều người còn tin rằng vòng tròn là “trung tâm của cơn lốc” - nơi các nguồn năng lượng vũ trụ gặp nhau và tạo ra những hiệu ứng đặc biệt. 

Những cách giải thích được đưa ra, từ phản xạ parabol đến “trung tâm của cơn lốc”, hay vòng tròn là nơi tồn tại những bóng ma của một vũ trụ song song đang trêu đùa loài người, đều chưa nhận được sự đồng thuận.

Âm thanh... gây điên

Những âm thanh bí ẩn phát ra tại thành phố Bristol (Anh) được cho rằng đã khiến 80.000 người “phát điên”, và thậm chí tự tử, trong suốt gần bốn thập kỷ. 

Theo các nhà khoa học, những tiếng vo ve được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1979 với khoảng 80 người dân thành phố phàn nàn về nó. Kể từ đó, âm thanh xuất hiện vài năm một lần và khiến nhiều người mất tập trung. 

Các ý kiến phàn nàn chủ yếu tới từ người dân sống trên đồi cao ở khu vực Clifton, Cotham, Redland và Westbury-on-Trym. Họ đều chỉ ra điểm chung đó là những tiếng ồn nhỏ, lớn hơn vào ban đêm và chỉ nghe thấy trong nhà.

Một số giả thuyết đã được đưa ra để lý giải nguồn gốc của âm thanh này, chẳng hạn như vật thể bay không xác định, trang trại điện gió hay hoạt động của quạt công nghiệp. Tuy nhiên, các giả thuyết này không thuyết phục được nhiều người. 

Một số giả thuyết nhận định EVP là tiếng nói của các linh hồn khi đang cố gắng liên lạc với những người còn sống.

Cho đến gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng, “tiếng vỗ về” được tạo ra bởi áp lực của sóng dao động dưới đáy đại dương. 

Theo đó, sóng tác động lực liên tục lên đáy đại dương, làm xuất hiện các sóng địa chất. Nó khiến trái đất dao động và tạo ra âm thanh kéo dài 13 - 300 giây. Một bộ phận nhỏ người dân trên thế giới, những người đặc biệt nhạy cảm với âm thanh tần số thấp, có thể nghe thấy những “tiếng vỗ về” này.

Tiếng nói của linh hồn

EVP là hiện tượng giọng nói điện tử, ghi âm giọng nói của thế giới tinh thần. Những âm thanh này rất khó nghe được trong khi thu âm. Chúng có thể quá nhỏ, hoặc bị làm nhiễu quá nhiều, đến mức chúng chỉ có thể được nghe khi được tua đi tua lại nhiều lần, dưới sự phân tích kỹ lưỡng. 

EVP có thể là một từ, cụm từ, câu hoặc cả đoạn hội thoại. Chúng có thể được phát ra dưới bất kỳ hình thức ngôn ngữ nào, và đôi khi là sự kết hợp giữa nhiều ngôn ngữ. Có lúc, giọng nói đó hướng trực tiếp đến các nhà nghiên cứu. 

Chúng có thể trực tiếp gọi tên họ, hoặc nhắc đến một thứ gì đó rất quen thuộc đối với họ. Cũng có lúc, chúng nghe đơn thuần chỉ như một giọng hát luyến láy.

Một số người tin đây là tiếng nói của các linh hồn khi họ đang cố gắng liên lạc với những người còn sống. Bởi họ không còn thân xác với chiếc thanh quản, nên họ khó lòng “nói” được nữa. 

Thay vào đó, nhiều giả thuyết cho rằng, họ sử dụng năng lượng để biến đổi điện từ trường thành các dạng âm thanh mô phỏng tiếng nói. Không phải ai cũng tin rằng EVP thật sự là tiếng nói của những linh hồn. Nhiều người cho rằng, EVP chẳng qua chỉ là những nhiễu radio không hơn không kém. 

Một số khác nghĩ rằng những người tin vào EVP hoặc đã tưởng tượng ra chúng, hoặc tâm trí họ đã cố tìm cách giải nghĩa một mớ âm thanh hỗn tạp thành những gì họ muốn hoặc mong chờ.

Lâm Anh
.
.