Công nghệ Hàn – Trung: Cuộc rượt đuổi sát nút

Thứ Hai, 04/12/2017, 07:06
Đất nước Hàn Quốc hiện nay được thế giới biết đến với tư cách là một cường quốc công nghệ, với những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) Samsung,  tốc độ kết nối Internet cao nhất thế giới, và năng lực sáng tạo vượt trội. 

Tuy nhiên, khi mà Chính phủ Hàn Quốc đang đề xuất kế hoạch phát triển công nghệ mới để thúc đẩy kinh tế tăng tốc trong năm năm tới, Hàn Quốc phải đối mặt với một bài kiểm tra đầy khó khăn: lợi thế của các công ty Hàn Quốc so với các đối thủ Trung Quốc đang bị rút ngắn nhanh chóng.

Thực tế cho thấy, cuộc chạy đua giữa hai nước đặc biệt gay cấn trong những lĩnh vực công nghệ mới. Viện Kinh tế công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc dự báo, trong tương lai gần sẽ không có nhiều điểm khác biệt giữa doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc và Trung Quốc ở đa số lĩnh vực, bao gồm điện thoại thông minh cao cấp, các thiết bị điện tử đeo trên người, bộ nhớ và điện tử thông minh.

Xóa dần khoảng cách

Cuộc rượt đuổi công nghệ của Trung Quốc với Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh “xứ sở kim chi” đang chật vật tìm động cơ tăng trưởng mới để thay thế cho những ngành sản xuất truyền thống như đóng tàu, vốn đã lâm cảnh khó khăn trong những năm gần đây. Cuộc chạy đua giữa hai nước đặc biệt gay cấn trong những lĩnh vực công nghệ mới. 

Theo một báo cáo, khoảng cách trung bình giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong 24 ngành công nghiệp chính như công nghệ sinh học và màn hình chỉ còn 0,9 năm. Điều này đồng nghĩa với việc nếu các công ty Hàn Quốc không nỗ lực thì Trung Quốc sẽ đuổi kịp họ sau một khoảng thời gian rất ngắn nữa. Trên thực tế, sự cải thiện về công nghệ của Trung Quốc đang thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Chiến lược "Made in China 2025" sẽ đưa các công ty Trung Quốc trở thành "đối thủ mạnh" của các công ty Hàn Quốc.

Thay vì cấu trúc theo chiều dọc trước đây, trong đó Hàn Quốc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng với công nghệ cao, sự cạnh tranh giữa hai bên sẽ ngày càng trở nên cân bằng hơn, và Hàn Quốc sẽ phải đầu tư thêm để tạo ra được những sản phẩm cạnh tranh tốt hơn.

Truyền thông cho rằng, Hàn Quốc cần những chính sách mới có thể thay đổi căn bản cấu trúc công nghiệp. Rõ ràng, Hàn Quốc có những ngành công nghiệp tinh vi, phức tạp song cần có một cuộc thảo luận về cách đất nước có thể phát triển ra sao từ điểm này. 

Trong số những ngành chính, có vẻ như Hàn Quốc chỉ có lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc ở lĩnh vực chất bán dẫn và màn hình. Vì vậy, chính phủ không nên khoanh tay đứng nhìn mà cần phải vạch ra một chiến lược nhất quán với những cải tổ cần thiết. 

Các chính phủ trước đây của Hàn Quốc đều vạch ra kế hoạch nhằm tăng cường sự cạnh tranh của nền công nghiệp nước này, chẳng hạn sáng kiến nền kinh tế sáng tạo của cựu Tổng thống Park Geun-hye, hay chương trình phát triển xanh của cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Tuy nhiên, các chính sách này đều “chết yểu” do sự thay đổi chính trị. 

Trong bối cảnh nhiều bất ổn hiện nay, chính quyền vẫn đang cân nhắc một số chính sách được cho là “dọn đường cho sự phát triển công nghệ cao”. Tuy nhiên, còn phải chờ xem những chính sách này có thể kéo dài bao lâu và mang lại kết quả ra sao.

Hiện nay, Trung Quốc chỉ đi sau các nền kinh tế phát triển (trong đó có Hàn Quốc) về công nghệ thông tin, cho dù Hàn Quốc nổi tiếng   về công nghệ cao, hệ thống mạng lưới Internet tốc độ cao nhất thế giới và những sáng tạo hàng đầu. 

Trong vài năm tới, công nghệ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ gần như tương đồng. Đây là lý do mà Chính phủ Hàn Quốc không nên chậm trễ và cần phải có kế hoạch tổng thể để đưa ra các chương trình cụ thể và những cải cách cần thiết để thoát khỏi sự bám đuổi của Trung Quốc. 

Ngoài ra, chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc có mục đích rất rõ ràng là đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ chỗ phụ thuộc nhiều vào lao động trình độ thấp trở thành một nền kinh tế với sự thống lĩnh của công nghệ cao và phức tạp hơn, từ robot tới hàng không vũ trụ. 

Với chiến lược này, Trung Quốc sẽ phát triển ngày càng mạnh các ngành công nghệ cao và đưa các công ty của mình trở thành “đối thủ mạnh” của các công ty Hàn Quốc.

Thực tế cho thấy, quan hệ bổ sung cho nhau giữa hai nền kinh tế láng giềng và từng có những “thời kỳ trăng mật” đã kết thúc. Thị trường Trung Quốc đã trở thành thách thức chứ không còn là cơ hội của doanh nghiệp Hàn Quốc. 

Các công ty Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc trong những lĩnh vực mà trước đây Hàn Quốc từng thống trị. Tập đoàn Huawei (điện tử) và Haier (đồ dùng gia đình) chẳng hạn, đang giành giật quyết liệt thị phần với Samsung hay LG không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà trên toàn thế giới. 

Trong cuộc đua này lợi thế nghiêng về phía công ty Trung Quốc nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền Bắc Kinh, không chỉ về tín dụng hay thuế khóa và đất đai mà còn cả về chính sách thương mại liên quan đến tẩy chay, cấm vận và trừng phạt mà phía Bắc Kinh gọi là “những biện pháp tình thế”. 

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra trong các lĩnh vực sản xuất xe hơi, đóng tàu, công nghiệp hóa chất và những ngành mà Hàn Quốc có lợi thế về công nghệ.

Căng thẳng Triều Tiên là một trong những yếu tố làm thay đổi mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cạnh tranh khốc liệt

Cuộc cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi mà khoảng cách về công nghệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đang dần rút ngắn theo thời gian. Điều đó có nghĩa là, nếu Hàn Quốc không thúc đẩy phát triển công nghệ và công nghệ không tiến về phía trước thì các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bắt kịp trong vòng từ 6 đến 12 tháng. 

Những chuyển biến về công nghệ của Trung Quốc theo sát thế giới và được nuôi dưỡng bởi một thị trường tỷ dân khiến Hàn Quốc thực sự lo sợ. Với mức giá cả hàng hóa vốn rất rẻ, doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn “có thể” đè bẹp doanh nghiệp Hàn Quốc. 

Trung Quốc từng khiến cả thế giới giật mình khi tẩy chay Hàn Quốc, trả đũa trên rất nhiều lĩnh vực đối với nền kinh tế “xứ sở kim chi”, từ du lịch, mỹ phẩm và âm nhạc cho đến từng doanh nghiệp cụ thể như Lotte. Rất có thể, hai tập đoàn Samsung và Hyundai sẽ là những nạn nhân sắp tới của cuộc tẩy chay tập thể tại Trung Quốc.

Những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - thương mại đã xuất hiện với Hàn Quốc sau khi Bắc Kinh liên tục tung ra hàng chục đòn trả đũa. Thị trường cổ phiếu Hàn Quốc đã trượt giá thảm hại sau khi truyền thông đưa tin Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty lữ hành nước này ngừng bán các tour du lịch sang Hàn Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Seoul. 

Truyền thông Hàn Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty du lịch Trung Quốc tẩy chay Hàn Quốc. Điều này có khả năng làm mất đi một trong những nguồn du khách lớn nhất của Hàn Quốc. Cạnh tranh thị trường, cộng với yếu tố căng thẳng Triều Tiên, đang làm thay đổi mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận trước động thái của Hàn Quốc cho phép triển khai hệ thống THAAD của Mỹ, mà Seoul và Washington giải thích là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh cho rằng hệ thống radar tiên tiến của hệ thống này có thể “ngó sâu” vào lãnh thổ Trung Quốc.

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc là một thị trường hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, cả những “ông lớn” lâu đời cho tới những công ty khởi nghiệp. Dòng vốn FDI cùng với công nghệ đổ nhanh vào Trung Quốc đã giúp nền kinh tế này phát triển nhanh. Các doanh nghiệp trong nước cũng nhanh chóng bắt chước mô hình kinh doanh, sao chép công nghệ và kỹ năng quản lý doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ra hàng loạt các loại hàng hóa với công nghệ từ thấp đến cao, từ những đồ điện tử gia dụng cho tới cho các lĩnh vực trong sản xuất xe máy, ôtô và thậm chí cả máy bay hay tên lửa. 

Nếu thế giới có một mô hình kinh doanh mới, Trung Quốc ngay lập tức có doanh nghiệp giống như vậy. Với sự hỗ trợ cùng bảo hộ từ chính phủ, các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng, và hiện giờ không ít đã trở thành các “ông lớn” có thể cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp đi đầu trên thế giới ở Hàn Quốc.

Với khoảng cách về công nghệ rất ngắn so với Hàn Quốc, có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn nữa các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ theo kịp “huyền thoại phát triển thần kỳ của Hàn Quốc”, nhất là khi mà Hàn Quốc đang lo lắng với một Triều Tiên đầy khó lường ngay bên cạnh. 

Sự phát triển của nền kinh tế với khả năng tự cung tự cấp, từ công nghệ tìm kiếm với Baidu thống trị thị trường tỷ dân (thay cho Google), mạng xã hội Weibo hay Wechat (thay cho Facebook), tới trang bán hàng trực tuyến Alibaba (thay cho Amazone) hay hàng loạt các nhãn hiệu điện thoại của Trung Quốc cạnh tranh với Samsung của Hàn Quốc khiến không chỉ “xứ sở kim chi” mà cả thế giới phải vô cùng dè chừng. 

Thật ra, người Hàn từ lâu đã đoán trước sự chuyển dịch trong chính sách của Trung Quốc và nhiều năm trước đã triển khai kế hoạch “Trung Quốc + 1” - đầu tư ở “một nước Đông Nam Á” để phòng vệ khi có sự cố ở Trung Quốc. Bất kỳ đòn trừng phạt nào của Trung Quốc hiện nay có thể sẽ buộc các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh kế hoạch này, đồng thời tăng cường quan hệ với Mỹ qua Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn (Korus) để kịp thời chống đỡ... 

Anh Lâm
.
.