Tại sao phải tôn trọng những niềm tin khác mình?

Thứ Năm, 31/01/2019, 18:51
Chúng ta xác lập một niềm tin - chỉ cần một niềm tin, chứ chưa bàn tới việc niềm tin đó đúng hay sai, đã là một điều không dễ dàng. Nhưng, đặc biệt không dễ dàng hơn nữa là phải học cách tôn trọng những niềm tin khác mình.


Niềm tin của Hitler là gì?

Những tháng ngày tuổi trẻ trong tù, Hitler đã viết cuốn Cuộc chiến đấu của tôi mô tả rất rõ niềm tin vào chủng tộc Aryan có khả năng sáng tạo cho nhân loại. Và Hitler cũng tin một cách dị biệt vào thuyết tiến hóa, rằng cũng giống như những loài động, thực vật khác, nhân loại có thể thay đổi thông qua chọn lọc tự nhiên. Thế nên chủng người Aryan - chủng người sáng tạo, nhất định phải được nuôi dưỡng và bảo vệ. 

Còn những chủng người có nguy cơ phá hủy nhân loại như chủng Do Thái hay da đen thì nhất định phải bị tiêu diệt. 

Trong tác phẩm Cuộc chiến đấu của tôi sặc mùi cuồng vọng, Hitler nhận xét về chủng người da đen: “Sẽ là ngu muội một cách tội lỗi nếu người ta cứ nhất định dạy dỗ một thứ nửa người nửa khỉ cho đến khi nó thành ra thứ quái thai mà người ta gọi là luật sư”. 

Còn đây là những nhận xét về người Do Thái: “Nếu nhân dân Đức trở thành nạn nhân của bọn Do Thái man rợ thì toàn thể thế giới sẽ rơi vào nanh vuốt của chủng người này”.

Một bức tranh tuyên truyền nổi tiếng của Đức Quốc xã năm 1933 đã mô tả Hitler như một nhà điêu khắc, từng bước nặn ra một siêu nhân. Dù bức tranh không chú giải thì ai cũng hiểu siêu nhân ấy sẽ mang dòng máu Aryan và không có bất cứ một giọt máu nào dính líu với người Do Thái, đúng như tinh thần mà cuốn Cuộc chiến đấu của tôi đã nêu ra. 

Tin vào điều mình cho là đúng và không tôn trọng bất cứ niềm tin nào khác mình, Hitler đã trở thành kẻ hủy diệt nhân loại. Một nhà nghiên cứu nhận định về Cuộc chiến đấu của tôi rằng: “Đấy là cuốn sách khốc liệt nhất thế kỷ 20, vì mỗi chữ trong đó có 125 người bỏ mạng, mỗi trang có 4.700 người bỏ mạng, mỗi chương có 1.200.000 người bỏ mạng”. Cái giá của một niềm tin dị biệt kinh khủng như thế đấy!

Câu hỏi đặt ra: Niềm tin vào sự khác biệt giữa các chủng người như Đức Quốc xã tuyên truyền có đúng không?

Thực ra, vào những năm 20-30 của thế kỷ 20, cũng từng có những nghiên cứu cho rằng, người da trắng ưu việt hơn những chủng người còn lại, để rồi từ đó xuất hiện những chính sách hạn chế đến mức tối thiểu sự xâm nhập của những chủng người khác vào địa phận của người da trắng. Nhưng kể từ sau năm 1945, những nghiên cứu nhân chủng học đã nói với chúng ta một cách chắc chắn rằng: niềm tin ấy là sai bét! Và khi cả nhân loại đều thấy là “sai bét” thì hàng triệu con người bị sát hại bởi Đức Quốc xã chẳng nhờ thế mà sống lại. Kiểu niềm tin mà Hitler tự nuôi trong não mình và kiểu niềm tin mà chế độ Đức Quốc xã đặt vào giáo chủ Hitler thực chất mang rất nhiều màu sắc của kiểu niềm tin tôn giáo.

Ảnh: L.G.

Đất thánh thuộc về ai?

Người Hồi giáo tin, nó phải thuộc về Hồi giáo. Người Kitô giáo tin nó phải thuộc về người Kitô giáo. Chẳng ai chịu ai, nên cuối cùng những cuộc thập tự chinh đẫm máu diễn ra. Điều đáng nói nằm ở chỗ, cũng vì không có cái khả năng tôn trọng những niềm tin khác mình nên đừng nói là giữa những tôn giáo khác nhau, mà ngay trong bản thân một tôn giáo cũng chia ra nhiều hệ phái và đã có lúc hệ phái này thù hằn, gây chiến với hệ phái kia. 

Những chia rẽ giữa người Hồi giáo theo dòng Sunni và người Hồi giáo theo dòng Shiite đã gây ra không biết bao nhiêu tang tóc trong quá khứ và đến hôm nay, mâu thuẫn này vẫn bị các thế lực chính trị lớn trên thế giới lợi dụng để tranh giành, chia chác tầm ảnh hưởng của mình. 

Với Kitô giáo, người Công giáo tin rằng bên cạnh niềm tin lớn vào Chúa, con người phải làm việc thiện và tham gia thực hành nhiều nghi lễ thì mới có cơ hội lên thiên đường, trong khi người theo đạo Tin lành cho rằng chỉ cần cầu nguyện Chúa là đủ. Bên nào cũng tin mình đúng nên đã có những tranh chấp đẫm máu ngay trong lòng Kitô giáo. 

Ngày 23-8-1572, trong sự kiện mà sau này vẫn được gọi là “Thảm sát ngày lễ thánh Bartholomew”, người Công giáo đã giết hại không dưới 10.000 người Tin lành tại Pháp, chỉ trong vòng 1 ngày. Biết tin này, Giáo hoàng ở Rome còn tổ chức ăn mừng. 

Nếu Hồi giáo hay Kitô giáo thuộc loại hình độc thần giáo thì ngay cả với Phật giáo - một loại hình nhân thần giáo (tôn thờ những giáo chủ có thật) vốn vẫn được đánh giá là hiền hòa cũng có những hệ phái khác nhau. 

Và lịch sử phát triển Phật giáo, từ Ấn Độ, Trung Quốc đến Việt Nam cho thấy, không phải lúc nào những người của hệ phái Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông... cũng biết cách tôn trọng niềm tin của nhau theo đúng tinh thần của Đức Phật. Kinh Kalaman từng kể câu chuyện một lần Đức Phật đi qua ngôi làng nọ, hàng loạt thanh niên trong làng chạy đến chỉ để hỏi một câu:

- Bạch Đức Thế tôn, người của tôn giáo nào qua đây cũng nói với chúng tôi tôn giáo mình là đúng. Chúng tôi phải tin ai bây giờ?

Phải tin ai bây giờ? Đấy có lẽ là một câu hỏi khiến nhân loại thế kỷ 21 này vẫn phải dằn vặt và đau đớn. Và đây là câu trả lời của Đức Phật: Đừng vội tin ai cả, kể cả ta. Hãy cứ lắng nghe và chiêm nghiệm, nếu thấy cái gì đúng với mình thì tin. Từ câu trả lời ý tại ngôn ngoại này, chúng ta có thể khái quát rằng: mỗi người đều có quyền tin vào những điều mình cho là đúng. Và nếu đã có quyền tin vào cái mình cho là đúng thì cũng phải có trách nhiệm tôn trọng những cái mà người khác cho là đúng.

Lịch sử phát triển tôn giáo trải qua 2 giai đoạn cơ bản: Đa thần giáo và Độc thần giáo. Ở giai đoạn đa thần giáo, nơi mà con người tin rằng có nhiều vị thần cùng ngự trị thì sự tôn trọng vào những niềm tin khác mình được thực thi rõ nét. 

Những người Tây Ban Nha đầu tiên tấn công vào những vương quốc cổ đại thuộc Mexico bây giờ luôn tôn trọng những vị thần địa phương, thậm chí trong một vài hoàn cảnh nhất định còn góp công xây dựng những ngôi đền, tôn vinh những vị thần địa phương. Ở giai đoạn này, thần thánh của dân tộc bị trị không hề bị những kẻ áp trị xua đuổi hay bóp nghẹt.

Nhưng đến giai đoạn độc thần giáo thì điều này không còn nữa vì ở giai đoạn độc thần giáo, nếu tôn trọng niềm tin của tôn giáo khác - vào một vị thần khác thì lại vô tình làm giảm đi vị thế của vị thần độc tôn của mình, trong tôn giáo mình. Niềm tin tôn giáo trong rất nhiều trường hợp là những niềm tin không cần lý lẽ. 

Nói cho chính xác thì nó đi theo những kiểu lý lẽ khác so với những lý lẽ khoa học luận. Cũng chính vì khác mà lịch sử nhân loại từng chứng kiến những nhà khoa học lỗi lạc bị kết án bởi những tòa án tôn giáo đầy bảo thủ và khắc nghiệt.

Hài hước ở chỗ, màu sắc của những “tòa án tôn giáo” kiểu như thế lại đang xuất hiện trở lại ở đâu đó trên không gian mạng hiện nay. Khi cả ngàn con người “ném đá” một cô gái chỉ vì cô gái ấy không biết “canh cua nấu với rau gì” trong một chương trình truyền hình thì đấy rõ ràng là một kiểu kết án đậm màu dị giáo. Lý lẽ của màn kết án này nằm ở chỗ: đã là con gái Việt Nam thì nhất định phải biết canh cua được nấu với những loại rau nào. Nếu không biết thì không khác gì... phạm tội (?). 

Trong câu chuyện này, cả một đám đông “kết án” một cô gái vì tin một cách cuồng ngộ vào lý lẽ của mình. Nhưng còn có những trường hợp mà mỗi đám đông tin vào một thứ lý lẽ cuồng ngộ khác nhau và để bảo vệ niềm tin cuồng ngộ ấy, hai đám đông không ngừng bút chiến - khẩu chiến rồi thóa mạ nhau trên facebook.

Khi sáng tạo ra facebook để tăng tính kết nối giữa người với người, có lẽ Mark Zukerberg không thể ngờ lại lại có lúc mình vô tình dẫn nhiều đám đông con người quay trở lại thời đỉnh cao của những niềm tin tôn giáo - những tòa án tôn giáo, theo cách này. Trong kỷ nguyên số hiện nay, thánh chiến trên facebook, ở một góc độ nào đó còn có độ sát thương khủng khiếp chẳng kém gì những cuộc thánh chiến thời Trung cổ.

Lịch sử thánh chiến với hàng loạt những cuộc va chạm niềm tin cốt lõi giữa các tôn giáo đã để lại một bài học xương máu lớn cho nhân loại. Và nhân loại văn minh không muốn nó lặp lại theo bất cứ hình thức nào. Thế nên Luật An ninh mạng mới xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Nhưng vấn đề không chỉ là luật lệ, mà còn nằm ở một cái lõi văn hóa mà con người ở thế kỷ 21 bắt buộc phải xác lập, đó là phải biết cách tôn trọng những niềm tin khác mình.

Nếu không thể tôn trọng những niềm tin khác mình, con người sẽ bắn vào sự tồn vong của chính mình!

Phan Mỹ Chí
.
.