Câu chuyện thứ 104:

Thư của người mẹ bất hạnh gửi các con của mình

Thứ Năm, 03/09/2009, 10:46
Mẹ không trách các con đâu (vì mẹ đã quen chịu đựng mọi bất hạnh đau khổ một mình, huống chì là việc đau ốm tí ti này). Tự mẹ đã không báo tin cho các con biết, và các con cũng không hỏi han, không bất ngờ khi mẹ vắng bặt đi mấy chục ngày mà không tin tức, cũng như các con không bao giờ biết mẹ ở nơi đâu, làm gì trong suốt nhiều năm nay...Tình yêu của mẹ là tình yêu an toàn, vô điều kiện, mà các con mặc nhiên thụ hưởng mà không cần phải hay biết mẹ sống ra sao...

Lời tòa soạn:

Bạn đọc thân mến! Ngày 16/6/2009, Ban biên tập (BBT) những chuyện khó tin nhưng có thật nhận được một bức thư của một người phụ nữ tên N.T.V ở Khu tập thể Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Bức thư của bà V. gửi đến cho chúng tôi trong tâm trạng một người con trai của bà đang thụ án 18 tháng trong trại giam vì tội ăn cắp xe đạp cách đây 8 năm về trước. Bức thư viết dưới lời của người con trai gửi cho bố đẻ của mình với bao buồn tủi. Người bố đã vì cuộc mưu sinh nơi xứ người mà phụ bạc ruồng bỏ vợ con.

Đọc xong bức thư bà V., chúng tôi vô cùng xót xa và đã liên lạc với bà Vân theo số điện thoại bà để lại. Sau khi liên lạc, chúng tôi đã đề nghị bà đến tòa soạn để kể cho chúng tôi nghe nốt toàn bộ cuộc đời nhiều đau đớn của bà.

Thay vì việc đến cơ quan kể cho chúng tôi nghe, ngày 7/7/2009 bà V. đã gửi tiếp cho chúng tôi bức thư thứ hai. Bức thư này, bà kể nốt phần đời còn lại của bà, chủ yếu là tâm sự với các con trai của mình về nỗi lòng của người mẹ. Chúng tôi quyết định lược đăng câu chuyện của cuộc đời bà V. để bạn đọc cùng được chia sẻ. Trước khi đọc câu chuyện này, xin độc giả hãy nghe những tâm sự giãi bày của bà V. với BBT.

Bà V. nói rằng, bà chỉ muốn tâm sự với những người làm chuyên mục này, muốn kể, muốn được chia sẻ chứ không muốn bị bạn đọc hiểu lầm bà vì hằn học hay oán hận gia đình chồng, hay oán hận người chồng bạc nghĩa mà trả thù bằng cách kể chuyện gia đình lên báo. Bà đã ở tuổi 60, đã sống cô độc trong 24 năm ròng để nuôi con một mình mà không có bất kỳ một người đàn ông nào chia sẻ. Ở tuổi của bà, mọi hận thù đều vô nghĩa. Chúng tôi chỉ muốn bạn đọc hiểu và chia sẻ cuộc đời bất hạnh của một người phụ nữ trong một cuộc hôn nhân chịu bao bất công, đau khổ mà xã hội chúng ta hiện nay không phải đã hết những mảnh đời, những cuộc hôn nhân đầy tiếng kêu bi thương như của bà V.

Bà V. đã viết rằng: "Thưa BBT. Tôi là người quá thích chuyên mục "Chuyện khó tin nhưng có thật". Những câu chuyện ấy đã để tôi suy ngẫm và hiểu rằng: Không phải chỉ riêng mình chứng kiến và chịu đựng những tình huống không dám tin là có thật trên đời. Xin BBT hãy hiểu cho tôi, tôi không hề hằn học khi hôn nhân đổ vỡ. Cũng đừng coi đây là bài gửi đăng chuyên mục của quý báo. Tôi không hề có tham vọng ấy bởi cuộc đời này còn lắm chuyện lạ hơn chuyện nhà tôi. Nhưng tôi muốn viết thư lên cho BBT để được trải lòng, được một chút chia sẻ, thông cảm, một chút an ủi, chỉ vậy thôi. Năm nay tôi 60 tuổi, cái tuổi chưa nhiều nhưng sức khỏe đã kém nhiều. Anh chị em tôi đều có gia đình viên mãn, và họ đều ở xa, bạn bè thì gần nhưng thú thật vì sĩ diện nên tôi chẳng tìm đến ai để dồn trút. Bởi tôi biết đã là con người, ai cũng có một góc khuất của lòng trắc ẩn. Mà tôi, tôi không bao giờ muốn được thương hại. Các anh các chị trong BBT tòa báo, xin hãy cố, cố bằng lực, cố bằng tâm, cùng với đồng nghiệp dùng tiếng nói, dùng ngòi bút để thức tỉnh lương tri trong những tâm hồn hãy còn u tối và tội lỗi ở đâu đó, xung quanh ta, trong chính cuộc sống này". 

Sau đây là toàn bộ câu chuyện của bà: Các con yêu thương của mẹ!

Mẹ viết cho các con những dòng chữ trong bức thư này khi sức khỏe của mẹ đã bình phục, ngày mai mẹ đã có thể ra viện và trở về nhà, (mặc dù mẹ chẳng biết nhà của mẹ con mình ở đâu và hình như mẹ chưa bao giờ có nổi một chốn gọi là nhà đúng nghĩa). Hai mươi ngày nằm ở Bệnh viện Tai mũi họng mổ polyp mũi, dẫu căn bệnh không nguy hiểm nhưng đó là lần đầu tiên mẹ ốm nặng nhất trong đời, lần đầu tiên mẹ nằm liệt sau hậu phẫu trên giường bệnh và mọi việc phải nhờ đến người khác giúp đỡ.

Tất nhiên, cảm giác đó qua nhanh thôi vì vài ngày sau mẹ đã dậy được và tự lo cho mình mà không còn phải phiền lụy đến ai. Hai mươi ngày, tất cả những bệnh nhân bên cạnh mẹ tíu tít vợ chồng chăm sóc hỏi han, chỉ có mẹ là thui thủi một mình, nằm ngoảnh mặt vào trong tường khóc thầm mỗi khi xung quanh mẹ có người đến chăm nuôi, thăm hỏi. Mẹ đã khóc suốt 20 ngày qua, ai cũng cám cảnh cho mẹ, mổ mà không có bất kỳ ai chăm sóc. Mọi người đoán mẹ sống cô độc, không có chồng, không có con, nên không một ai nỡ hỏi sâu vào đời riêng của mẹ, sợ mẹ chạnh lòng mà sầu não, nên chỉ lặng lẽ sẻ chia, lúc thì tấm bánh, lúc thì lưng cơm. Họ đâu biết rằng, mẹ cũng có 2 đứa con trai, một đứa con gái, có con dâu, con rể có các cháu nội ngoại đủ nếp đủ tẻ.

Mẹ không trách các con đâu (vì mẹ đã quen chịu đựng mọi bất hạnh đau khổ một mình, huống chì là việc đau ốm tí ti này). Tự mẹ đã không báo tin cho các con biết, và các con cũng không hỏi han, không bất ngờ khi mẹ vắng bặt đi mấy chục ngày mà không tin tức, cũng như các con không bao giờ biết mẹ ở nơi đâu, làm gì trong suốt nhiều năm nay. Các con đã quen với sự hiển diện của mẹ trong cuộc đời các con tự nhiên như thể mẹ thì phải sinh ra các con. Mẹ thì phải có trách nhiệm bổn phận để nuôi các con lớn lên, yêu thương các con bằng tình yêu vô bờ, và hiển nhiên, mẹ phải hy sinh tất cả. Tình yêu của mẹ là tình yêu an toàn, vô điều kiện, mà các con mặc nhiên thụ hưởng mà không cần phải hay biết mẹ sống ra sao.

Những ngày nằm viện, khi tiếp xúc với không gian bệnh tật quanh mình, khi mơ hồ dự cảm cho cuộc đời mẹ tiếp theo sau này, khi bây giờ mẹ đã bước vào tuổi 60 con cháu đủ đầy mà cô đơn hiu quạnh ngay giữa những người thân. Mẹ bỗng sợ phía trước, sợ một ngày nào đó, vì tuổi già, hay vì một lý do nào đó mẹ nằm xuống mà chưa kịp nhắn các con tới cho mẹ nhìn mặt lần cuối cùng, rồi mẹ im lìm, chìm xuống, tận sâu vào giấc ngủ ngàn thu mà không kịp gặp những giọt máu của mẹ. Mẹ sợ!

Cái cảm giác đó đuổi bắt mẹ, day dứt trong mẹ và nhắc nhủ mẹ phải viết bức thư này cho các con, nó như là lời cuối, mẹ muốn hồi ức lại tất cả cuộc đời của mẹ để các con dù trong xô bồ cuộc sống đời thực, dù trong bon chen miếng cơm manh áo, các con cũng nhớ lấy quá khứ cội nguồn của cuộc đời mấy mẹ con mình đã trải qua, mà sống sao cho phải đạo những ngày hôm nay.

Các con yêu thương! Sự đổ vỡ giữa bố và mẹ để các con mất đi một gia đình hạnh phúc không hoàn toàn là lỗi của bố. Mẹ tự nhận một phần trách nhiệm về mình, đó là mẹ đã tin bố quá, đã tham vọng đổi đời mà để bố đi xa. Bố mẹ đã từng rất yêu nhau, đã có những tháng ngày vô cùng hạnh phúc. Ngày mẹ về làm vợ bố, mẹ là thực tập sinh vừa ở nước ngoài về, còn bố là thợ sửa chữa ô tô bậc 3. Bố và mẹ đã có một quá khứ chung lưng lo cho cuộc sống riêng nghèo khó về vật chất nhưng triệu phú về tình nghĩa.

Có mấy ai đã bền bỉ như bố, trong những ngày nghỉ, đạp xe đạp 90km để đến với tình yêu. Bố đã đạp xe 90km trong hai năm ròng để đến với mẹ. Bố mẹ cưới nhau, thuê nhà để ở. Thời điểm năm 1970-1975, Hà Nội vừa qua khỏi chiến tranh, cuộc sống khó khăn trăm bề. Nhà ông bà nội đẻ ra bố có 5 người con, cũng thuê căn nhà 14 mét vuông chật chội để tá túc. Bố và mẹ đã ở với nhau, lần lượt các con ra đời, ba con trai của mẹ một lứa như con gà con vịt lũn cũn lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ. Cuộc sống của gia đình mình gói gọn trong đồng lương công nhân eo hẹp nhưng đầm ấm, chưa một ngày bố mẹ nói nặng với nhau, hay có lời cãi vã cho dù đã có với nhau 3 mặt con. Cứ mỗi sáng, trước khi đi làm, bố lại xòe tay ra và bảo: "Vợ ơi, cho chồng xin 5 xu đi tàu điện đến nhà máy", nghe bố xin mẹ vậy là các con lại phá lên cười, cả nhà mình cùng cười. Ôi, viết đến đây mẹ lại khóc vì nhớ và thèm lắm những tiếng cười của cái thời nghèo đồng tiền nhưng giàu đạo nghĩa.

Thế rồi các con ngày một lớn lên, đồng lương công nhân của bố mẹ thời bao cấp không đủ để nuôi các con. Cuộc sống trở nên túng bấn cơ cực. Cũng chỉ đến lúc này, sống bên nhau lâu, mẹ mới nhận ra rằng, gia đình đằng bố cư xử với nhau và với bố mẹ thật buồn. Vì bố mẹ là người nghèo nhất trong số các con của ông bà mà ngày cưới cô B, cách có một đoạn phố bà nội không gọi bố về ăn cỗ; hay cưới chú P, bà nội cũng quên bố là anh trai của chú ấy. Ôi cuộc sống của gia đình lớn bên nhà bố mới buồn chán làm sao. Chỉ khi nhà chú P có chuyện vợ chồng bỏ nhau, bà mới sang bắt bố và mẹ đi thương lượng với nhà người ta để xin trả con gái cho nhà họ.

Những đêm bố mẹ đèo nhau đi đến 2-3 giờ sáng mới về, ba anh em con ôm nhau nằm ngủ ở nơi xó chợ Nguyễn Công Trứ. Bố mẹ về, thấy các con ngủ mà nước mắt còn vương trên má, mẹ thấy buồn cho cách cư xử thực dụng của bên nhà ông bà nội biết bao.

Năm 1980, do làm ăn không trôi chảy, bố mẹ phải đưa các con về ở nhờ nhà bà nội. Chưa đầy 1 tháng, bà nội đuổi, cô B đuổi các con ra khỏi nhà. Mẹ cắn chặt môi để ghìm tiếng khóc về đón các con đi. Cũng năm 1981, bà ngoại mất, mẹ và bố lo ma chay cho bà, không chuẩn bị gì cho các con ăn. Bà trẻ T. H đến chơi nhà, mang cho ba anh em cái bánh chưng, con giấu bà nội, gói bánh vào áo đem về nhà để ăn với các em, bà nội trông thấy, đuổi theo con, vừa đuổi vừa la: "Bắt hộ tôi cái thằng ăn cắp". Mẹ nhớ, ba chữ "thằng ăn cắp" đã ám ảnh vào đời con trai 7 tuổi của mẹ, gieo hận vào lòng con, để sau này có lúc con đã lỡ bước sa chân mà đi ăn cắp thật. Cả trong chuyện các con sa chân, mẹ cũng có lỗi một phần. Lỗi là mẹ đã không bao bọc được các con, không lo được cho các con trọn vẹn như những gia đình khác có đủ bố đủ mẹ.

Ông nội rất tốt nhưng ông mất sớm, bà nội đã cư xử vô cùng cay nghiệt khi chia nắm tro hài cốt của ông thành năm phần, một phần cho bà và 4 phần cho 4 đứa con ai có cha thì lấy về thờ phụng. Bố mẹ đã không được giữ phần tro vì hồi đó, bố và mẹ không có tiền để góp làm đám tang cho ông nội. Số tiền bố mẹ nợ bà năm 1981 ấy là 400 đồng. Cũng vì số nợ này mà bà đã đòi lại hộp tro của ông nội để trên bàn thờ của nhà mình. Cũng chỉ vì bố mẹ sống nghèo khổ, không quan tâm thăm hỏi chu đáo được ông bà, các cô chú mà khi bố bị đánh đi viện cấp cứu, bà nội cùng các cô chú không một ai nỡ lòng nào tới thăm bố hay hỏi han bố một câu.

Những ngày đó, mẹ nước mắt lưng tròng, đưa các con chạy vạy gửi bên ngoại, gửi nơi nọ nơi kia để chăm bố trong bệnh viện. Ngày đó, các con dẫu thơ dại cũng đã biết cảm nhận sự phũ phàng và cay nghiệt trong đối nhân xử thế của dòng họ Ngô sinh ra bố của các con. Trong dòng họ Ngô, mẹ phải đau xót mà thú nhận rằng, chữ Tình bao giờ cũng được đặt sau chữ Tiền với bao câu chuyện mẹ con mình đã chứng kiến và vô cùng tổn thương.

Những ngày các con còn nhỏ, cùng nhau đi học ở Trường Đoàn Kết gần nhà bà nội. Giờ ra chơi, ba anh em hay dắt nhau về nhà bà nội xin nước uống. Bà đến bảo với mẹ, bà chỉ cho phép các con được vào xin nước uống một lần, lúc đi học uống cũng được, lúc tan học uống cũng được, nhưng chỉ một lần thôi, đừng có đi đá bóng rồi kéo nhau vào nhà bà uống nước, bà không đun được. Nhớ lấy mà bảo nhau. Và thế là các con không bao giờ dám vào nhà bà nội xin nước uống nữa. Khát, mấy anh em dắt nhau ra vòi nước công cộng ở ngã ba.

Các con chớ nghĩ mẹ hận bà nội, hận bố các con, hận dòng họ này mà kể lại những chuyện cũ. Mẹ giờ già rồi, người già hay nghĩ về quá khứ, mẹ nhắc lại tất cả những chuyện quá khứ chỉ với một mong muốn các con hãy sống cho tốt, đừng giẫm vào vết xe đổ của dòng họ mà gieo vào đời các con của mình những hệ lụy về sau. Cũng vì nghèo, vì cực mà khi cơn lốc xuất khẩu lao động tràn vào đời sống thị dân ở Hà Nội, bố mẹ đã bàn nhau để bố ra đi kiếm tiền những mong cải tạo kinh tế gia đình. Mẹ đã biết mình mụ mị đầu óc với tham vọng đổi đời nên đồng ý cho bố ra đi. Mẹ đâu có ngờ "canh bạc cuộc đời" của mẹ lành ít dữ nhiều, bởi ngày ấy, trong xã hội đã truyền khẩu câu ca dao: "Có chồng hoặc vợ mà cho đi Tây/ Như xe không khóa để ngay Bờ Hồ".

Các con yêu thương, khi để bố ra đi làm kinh tế, mẹ có ngờ đâu đó là canh bạc mà mẹ thua cháy túi. Mẹ mất chồng, các con mất bố. Nhưng sự mất mát ấy đâu chỉ đơn thuần là các con không còn được nhìn thấy bố, không được bố chăm sóc nữa. Nếu chỉ vậy thôi thì đau đớn đến thế mẹ cũng chịu đựng được. Nhưng cái mẹ không gồng mình nổi, đó là hệ lụy của hôm nay, nói như ngôn ngữ chiến tranh thì đó là di chứng của sự thoái hóa đạo đức, nó như một cơn lũ tràn vào tâm hồn của ba đứa con mẹ rứt ruột đẻ ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách của các con sau này, khi mà bố các con trở về.

 (Mời các bạn theo dõi tiếp phần còn lại ở số báo sau)

.
.