Câu chuyện thứ 105:

Thư của một người mẹ bất hạnh gửi các con (kỳ II)

Thứ Năm, 24/09/2009, 11:36

Khi để bố ra đi sang nước ngoài làm một cuộc cải cách kinh tế khá mạo hiểm, mẹ có ngờ đâu đó là canh bạc mà mẹ đã thua cháy túi. Bố con đã nhất quyết bỏ mẹ con mình để ở lại lập thân, lập nghiệp ở xứ người...

>> Thư của một người mẹ bất hạnh gửi các con (kỳ I)

Các con yêu thương!

Những ngày mới sang bên ấy, công bằng mà nói, thỉnh thoảng, bố có viết thư về cho mẹ và các con. Những bức thư ấy, mấy mẹ con mình đã chong đèn đọc cho nhau nghe mỗi tối trong nỗi nhớ bố da diết. Nhưng đọc xong thư bố, mấy mẹ con mình lúc nào cũng buồn và thương bố nhiều hơn vì trong thư bố luôn than phiền là làm ăn khó khăn, vất vả, kiếm được đồng tiền nhọc nhằn lắm. Lúc ấy, con người bố chưa thay đổi, bố vẫn thuộc về mấy mẹ con mình.

Kỳ phép đầu tiên sau mấy năm bôn ba kiếm ăn ở xứ người là năm 1990, bố đã trở về với mẹ con mình. Khoảng thời gian nghỉ phép ngắn ngủi thôi, nhưng mẹ con mình đã rất hạnh phúc. Nhưng lần ra đi này, bố không bao giờ trở về với mấy mẹ con mình nữa. Ở bên kia, bố bảo với mẹ phải ly dị giả, để cưới vợ tây thì mới được nhập cư. Mẹ không đồng ý, thế là bố mẹ đã thực sự chia tay nhau năm 1997.

Vậy là mẹ mất chồng, các con mất bố, nỗi đau này một phần lỗi của mẹ, đã không đủ sức níu giữ bố cho các con. Nhưng sự mất mát ấy đâu chỉ đơn thuần là các con không còn được nhìn thấy bố, không được bố chăm sóc nữa. Nếu chỉ vậy thôi thì đau đớn đến thế mẹ cũng chịu đựng được. Nhưng cái mẹ không gồng mình nổi, đó là hệ lụy của hôm nay, nói như ngôn ngữ chiến tranh thì đó là di chứng của sự thoái hóa đạo đức, nó như một cơn lũ tràn vào tâm hồn mấy đứa con mẹ dứt ruột đẻ ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách của các con sau này, khi mà bố các con trở về và thấm sâu vào máu thịt hai con trai của mẹ. Đến một ngày, mẹ kinh hoảng nhận ra rằng, mẹ đã bất lực.

Các con còn nhớ, sự kiện đầu tiên, khi con vay của em trai con 800 ngàn đồng, nhưng con cứ khất lần không trả. Đến lúc em trai con đòi nợ, con đã vác dao chém em không một phút do dự. Con trai của mẹ ơi, rồi con lêu lổng, đi theo đám bạn hư đốn, mặc cho mẹ răn dạy có, van nài có, nghiêm khắc có, và cả nước mắt nữa nhưng con vẫn bỏ ngoài tai. Rồi một trong hai con trai của mẹ đã đi ăn trộm xe đạp của bạn, bị bắt và kết án 18 tháng tù giam. Từ lúc ấy, mẹ biết, mẹ đã bất lực khi nhìn các con rơi vào vòng xoáy của cuộc đời.

Chưa hết, khi bố và mẹ ly hôn, bố "bồi thường" cho 3 con của mẹ mỗi đứa 20 triệu đồng vì cái lỗi đã sinh ra các con mà không cưu mang nuôi nấng được các con. Hai con trai của mẹ mang số tiền này đi buôn áo da Trung Quốc. Vì các con không có kinh nghiệm buôn bán, nên thua lỗ bằng hết, việc chia chác lại không đều, nên con đã thẳng tay bóp cổ em trai con suýt chết trong khách sạn. Biết chuyện này, mẹ đã khóc và cầu nguyện cho các con cố sống và thương yêu nhau, đừng gây nên những chuyện đau lòng.

Nhưng mẹ chẳng thể làm gì khác được, khi bố con trở về, những hành xử của bố con, thái độ sống và trách nhiệm sống của bố con đã ảnh hưởng quá sâu vào tâm lý các con. Mặc dù không yêu thương bố, biết rằng bố tệ bạc với mẹ, nhưng các con vẫn quấn lấy bố, đơn giản là bởi bố có tiền và các con thì cần tiền. Vì cần tiền của bố, mà các con nhắm mắt làm ngơ trước những điều chướng tai gai mắt của bố. Khi bố đưa các người tình của bố về nhà, các con đã xum xoe, tiếp đãi chu đáo mặc dù các con biết thừa nhân thân của những người tình mà bố cặp.

Khi mẹ nói với các con, phải biết phân biệt người tốt xấu để bố có một mái ấm gia đình dù có làm lại thì vẫn phải đúng nghĩa. Các con cười trừ: "Thà như thế còn moi được tiền của ông ấy chứ nếu không ông ấy cũng đút túi cho gái hết ý mà". Các con nói và làm thật. Các con làm ngơ khi thấy bố cặp với ca ve, gái làm tiền, ngủ cùng với cô bé giúp việc đến trông bà nội ốm liệt giường để được bố cho tiền.

Mẹ biết, vì mẹ hèn, mẹ đã không lo nổi cho các con có một mái ấm gia đình hạnh phúc, không thể lo cho các con bằng chúng bạn được, nhưng mẹ đã cố gắng đến bật móng tay để lo cho các con không thất học, thiếu ăn, kể cả những ngày không có bố. Các con đã rất ngoan, đã hiểu đạo lý làm người cho đến ngày bố các con trở về và lần đầu tiên các con biết đến đồng tiền từ bố. Nỗi khổ tâm của mẹ theo năm tháng lại càng nặng nề hơn bởi những sự thay đổi của các con. Dẫu cho mẹ cố gắng đến đâu cũng không cải tạo được suy nghĩ của các con. Nguy hại hơn, từ đó, đồng tiền chi phối, tình cảm cha mẹ con cái hầu như không còn chốn neo đậu nữa. Các con đã dồn hết tình cảm cho vợ con các con, đến mức có nhiều triệu chứng bất hiếu với mẹ. Điều này làm mẹ khổ tâm và đau lòng hơn nhiều.

Mẹ buồn lắm, mẹ tự biết mình là một người mẹ cô đơn bất hạnh. Mẹ đã luôn tự lực một mình để sống, và bây giờ, khi các con đã trưởng thành, có gia đình riêng, mẹ lại càng phải tự mình bươn chải để không làm phiền lụy đến các con. Mẹ đi làm ôsin giúp việc cho các gia đình ở Hà Nội. Thỉnh thoảng, nhớ con, nhớ cháu, mẹ lại về thăm các con. Nhưng lần thăm nào mẹ cũng đắng lòng. Mẹ vừa về, bưng mâm cơm lên ngồi chưa nóng chỗ, con dâu đã than: "Dạo  này giá cả đắt đỏ quá, chết đói đến nơi rồi". Mẹ bưng bát cơm mà nước mắt nuốt vào trong. Buồn, buồn lắm các con ạ bởi nhân tình thế thái. Vậy nên mẹ rất ít khi về, nếu về chơi vì nhớ cháu quá, tiện bữa cơm thì mẹ cũng ghé qua siêu thị mua ít đồ nguội làm quà cho cháu để bữa cơm mẹ con bà cháu gặp nhau sau bao lâu xa cách đỡ căng thẳng.

Dịp 30/4 vừa rồi, khi mẹ về đến nhà, các con xúng xính quần áo giày dép vợ chồng con cái dắt nhau đi chơi. Con trai nói với mẹ: "Bà ăn gì thì tự túc nhé, ông nội và bà bồ mới của ông mời tụi con ăn Tết độc lập". Mẹ đã chua chát đi lang thang trong đêm Hà Nội cho đến tận gần sáng rồi trở về nhà chủ mẹ đang ở trong cơn sốt ly bì. Dẫu vậy, mẹ đâu bỏ được các con, cháu, những giọt máu của mẹ. Lâu lâu không về thăm các con, mẹ lại nhớ, lại về. Lần mới đây, khi về thăm cháu của mẹ, con dâu mẹ trong bữa cơm đã hồn nhiên thông báo với mẹ: "Ông nội chuẩn bị cưới vợ. Đám cưới ông nội xong, bao giờ bà nội cưới". Mẹ hỏi lại: "Sao con lại hỏi thế". Con dâu thật thà đáp: "Mẹ không về ở với chúng con thì chắc chắn phải có một ông nào đó cho mẹ ở chứ". Ôi, các con của mẹ.

Các con cả trai lẫn dâu chưa bao giờ hỏi mẹ sống ở đâu, mẹ làm gì. Các con không cần biết mẹ tồn tại ra sao, cũng không hề biết hằng ngày mẹ vẫn đi làm giúp việc, bế cháu thuê và giặt giũ cơm nước cho các nhà chủ để sinh sống. Các con không bao giờ hiểu được rằng, mẹ sợ nhất là Tết.

Một năm, Tết chỉ đến có một lần, và ngày Tết ai cũng phải trở về nhà, về với nguồn cội mà mẹ thì chẳng có nơi chốn nào để về. Ban ngày mẹ có thể đi lang thang, nhưng ngày rồi cũng phải hết, và đêm xuống, mẹ suy sụp vì mẹ chẳng biết đi về đâu. Mẹ thường phải nói dối với hàng xóm.

Các con không bao giờ biết rằng, kể từ ngày bố bỏ mẹ ra đi, mẹ sợ đàn ông, và 24 năm qua mẹ sống mà không có một người đàn ông nào trong cuộc đời. Không phải mẹ không khao khát có một bờ vai để nương tựa, có một người đàn ông để khoả lấp khát khao đàn bà. Nhưng mẹ sợ lắm, mẹ đã bị tổn thương vì bố con, và mẹ sợ đàn ông, sợ hôn nhân. Lòng mẹ đã vĩnh viễn khép lại, chỉ còn chỗ cho các con mà thôi. Nhưng đến các con mẹ cũng sợ không còn chỗ cho mẹ. Đó là điều mẹ đau đớn nhất.

Mẹ lấy chồng 37 năm thì 37 năm mẹ phải ở nhà thuê. Trước thì ở nhà thuê cùng với ông bà nội của con. Khi ông bà nội con nhận tiền thương lượng và trả nhà cho chủ, mẹ con mình trở thành những kẻ vô gia cư cho đến tận ngày hôm nay. Mẹ không buồn vì việc cả đời mẹ phải đi thuê mướn nhà để ở, mà mẹ thực sự buồn đau bởi sự thuê mướn trong chính tâm hồn các con trai của mẹ. Con trai thứ hai của mẹ có nhớ, mẹ đã điếng người đi khi mới đây con nhờ làm ăn tích cóp, cộng với sự giúp đỡ bên vợ đã mua được gian nhà tập thể. Con mượn chủ cũ hộ khẩu để tách hộ và chuyển hộ. Con trai chỉ tách mỗi mình con về nơi ở mới, còn mẹ và anh trai, em gái con thì như vợ chồng con đã tuyên bố rằng: "Mặc kệ chứ, tình là tình, còn tiền bạc thì phải rõ ràng". Thế đấy, hỏi còn gì chua chát với mẹ hơn nữa không.

Suốt 37 năm qua kể từ khi mẹ bước chân đi lấy chồng, mẹ con mình đã ở nhà thuê mướn, vô gia cư, bây giờ sắp gần đất xa trời mẹ vẫn phải chịu kiếp sống vô gia cư vì con sợ mẹ và anh trai, em gái con chiếm nhà nên không cho nhập hộ khẩu. Con đã tuyên bố với mẹ như thế này: "Nếu ông bà thực sự thiếu thốn, con có thể cho ông bà 100.000, 200.000 đồng chứ đòi hỏi nghĩa vụ, trách nhiệm thì không có đâu".

Những lời nói của con đã cứa đứt lòng mẹ. Vì thế mà khi mẹ đột ngột ốm, phải vào Viện Tai mũi họng để mổ, mẹ đã không báo tin cho các con. Mẹ nằm một mình ở viện 20 ngày không có bất kỳ ai chăm sóc. Cho đến khi lớp Thực tập sinh của mẹ họp lớp, mẹ không đi được, báo tin mẹ ốm, các cô chú ấy đã gọi về cho các con hỏi mẹ nằm ở đâu để cả lớp vào thăm. Khi nhận được điện thoại, các con ớ người, thì ra mẹ ốm. Vì lâu nay, các con có thói quen không để ý quan tâm đến mẹ, cứ lúc nào mẹ về thì biết là mẹ về thôi. Nên việc mẹ sống ở đâu, mẹ ốm hay mẹ làm gì thì các con cũng coi như việc riêng của mẹ.

Các con yêu thương! Sau trận ốm vừa rồi, mẹ biết sức khoẻ của mẹ đã giảm sút. Mẹ không thể đi ở nhờ nơi này nơi kia được nữa, cũng khó mà tự làm việc để nuôi sống bản thân. Hiện tại, mẹ đang về ở cùng với con trai thứ hai của mẹ. Nhân ngày lễ Vu Lan, lễ báo hiếu, đọc báo và xem ti vi, mẹ thấy nói rất nhiều về đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, đối với cội nguồn. Mẹ buồn, nước mắt chảy vào trong, mẹ lẩn thẩn ngồi viết thư cho các con, mà cũng chẳng biết để làm gì. Các con đều đã lớn, đã định hình tính cách và cuộc sống, bức thư này làm sao thay đổi được các con. Mẹ đành gửi nó cho BBT những chuyện khó tin nhưng có thật của Báo ANTG. Bao nhiêu phiền muộn, mẹ dồn trút cho những con chữ, gửi lên quý báo, mong góp một tiếng nói với những ai còn chưa yêu thương cha mẹ và để cha mẹ còn lệ rơi vì mình.

Các con ạ. Chúng ta, ai cũng muốn kết thúc mỗi cuộc đời đều có hậu. Mẹ cũng khao khát điều ấy, và mẹ đã chuẩn bị cho mình một kết thúc hậu hĩnh nhất, ý nghĩa nhất là khi nào mẹ mất, mẹ xin hiến xác mình cho khoa học, cho những ai cần đến sự giúp đỡ của mẹ. Tận sâu trong tim mẹ, còn sống hay khi đã chết, mẹ luôn cầu nguyện cho các con của mẹ sống hạnh phúc, sung sướng và bình an.

                                    Vu Lan buồn- 2009

Mẹ NTV

Lời BBT

Kết thúc câu chuyện về người mẹ gửi bức thư cho các con của mình nhân dịp lễ Vu Lan, chúng tôi trích mấy câu thơ của Phật dạy về chữ Hiếu. Những câu thơ này vẫn in trang trọng lên những tấm lụa đỏ dát chữ vàng rất đẹp, bày bán ở những nơi lễ hội chùa chiền. "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha/ Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha/ Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn/ Mang cả tấm thân gầy Mẹ che chở đời con/ Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe con".

Chúng tôi cũng tin rằng, sau khi đọc được bức thư này của mẹ gửi cho mình, các con của bà V sẽ nghĩ lại, sẽ biết sửa sai, yêu thương mẹ nhiều hơn và sống nhân ái với cuộc đời. Cầu mong bà V sẽ tìm lại được hạnh phúc bên tình yêu thương của các con

.
.