Câu chuyện thứ 106:

Thư của đứa con bất hạnh gửi mẹ

Thứ Năm, 01/10/2009, 09:30
Mẹ ơi! Con là đứa con gái mẹ rứt ruột đẻ ra, nhưng từ khi con biết nhớ thì con chỉ nhớ đời con toàn cay đắng tủi hờn. Nhà mình ở TP Hà Đông, bố con là diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, mẹ là y sỹ của một bệnh viện trong tỉnh. Con lớn lên với một khao khát có được một mái ấm gia đình hạnh phúc đúng nghĩa nhưng hình như khao khát đó chỉ mãi là ao ước trong tâm khảm con.

Mẹ kính yêu!

Đã từ lâu, con lấy những câu chuyện khó tin nhưng có thật kể về những cảnh đời đau khổ, oan trái, những số phận buồn đau, bất hạnh làm bạn tâm giao để chia sẻ nỗi khổ tâm giấu kín trong lòng mình. Mỗi lần đọc những câu chuyện khó tin nhưng có thật trên báo, con lại khóc. Trên đời này, không phải chỉ mình con là bất hạnh phải không mẹ? Cũng như trên đời này không phải chỉ mình con là phải chịu đựng những điều phi lý đến khó tin nổi đúng không mẹ?

Con quyết định viết bức thư này thông qua Báo ANTG Cuối tháng để gửi tới mẹ bao muộn phiền đau khổ chất chứa trong lòng con bấy nhiêu năm nay, cùng với câu hỏi lớn mà có đến trăm ngàn lần con thử đi tìm câu trả lời đúng đắn nhất về mẹ mà con đã không thể tìm được.

Con đã cố biện minh cho mẹ, sự biện minh đó không phải là để bảo vệ mẹ của con mà để tự an ủi lòng con là có người mẹ nào trên đời này không yêu thương nhúm ruột của mình đẻ ra. Có người mẹ nào trên đời này không thương con ruột của mình mà làm tất cả để con được hạnh phúc. Con đã tìm đủ lý lẽ để tự biện minh, bào chữa, nhưng càng đào sâu tìm kiếm, con càng hoang mang thất vọng. Con làm sao trả lời được câu hỏi vì sao mẹ lại đối xử tàn nhẫn với con. Chỉ có duy nhất mẹ có thể trả lời cho con được câu hỏi lớn đeo nặng trong tim con mấy chục năm nay.

Mẹ ơi! Con là đứa con gái mẹ rứt ruột đẻ ra, nhưng từ khi con biết nhớ thì con chỉ nhớ đời con toàn cay đắng tủi hờn. Nhà mình ở TP Hà Đông, bố con là diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, mẹ là y sỹ của một bệnh viện trong tỉnh. Con lớn lên với một khao khát có được một mái ấm gia đình hạnh phúc đúng nghĩa nhưng hình như khao khát đó chỉ mãi là ao ước trong tâm khảm con. Cho đến giờ này, đầu đã hai thứ tóc, con vẫn không sao cắt nghĩa được mẹ luôn ghét con, ghét ngay từ khi con được mẹ sinh ra.

Ký ức tuổi thơ, con nhớ nhất là những trận đòn của bố và mẹ trút lên con. Năm lớp 1, một hôm con bị ngất tại lớp, cô giáo và các bạn đưa về nhà, mẹ đã đưa con đi khám ở viện. Mẹ không nói cho con biết con bị bệnh gì, nhưng khi mẹ soi phim chụp X-quang, mẹ đã lẩm bẩm: "Tim to quá khổ". Sau đó, con phải vào nằm viện điều trị.

Con chỉ biết mang máng con bị bệnh tim. Con không nhớ con nằm viện bao lâu nhưng thỉnh thoảng mẹ mới tới thăm và mang cho con những quả chuối xanh. Dù vậy, những ngày nằm co quắp trong viện, con thèm có bàn tay của mẹ chăm sóc, thèm có mẹ ở bên biết nhường nào nên mỗi lần mẹ tới con vừa mừng vừa tủi. Cho đến một hôm cô con tới thăm và mang cho con rất nhiều quà bánh để động viên con cố gắng điều trị cho khỏi. Con không nói được lời nào, chỉ biết khóc, hai hàng nước mắt lã chã rơi. Mẹ đã mắng con lúc ấy rằng: "Sao tao vào thăm mày cho mày quà, mày không khóc, cô mày đến mày lại khóc".

Sau khi con ra viện, đích thân bố đã chở con đi một số bệnh viện xét nghiệm nhưng bố tuyệt đối không nói cho con biết con bị bệnh gì. Bố chỉ dặn con mỗi khi ra đường tới chỗ nào đông người thì con xuống xe đi bộ kẻo ngất xỉu ra đường thì tai nạn.

Con lớn lên trong mặc cảm bệnh tật, cộng với mặc cảm con là đứa con nhiều khiếm khuyết khiến mẹ và cả nhà ghét bỏ nhất. Mẹ và chị gái cùng em trai con luôn tìm cách hành hạ con, bắt con làm nhiều việc. Những trận đòn oan nghiệt của bố mỗi khi con trốn việc nhà chui vào một xó xỉnh nào đó đọc sách báo đã giáng xuống tuổi thơ con một nỗi kinh hoàng.

Con nhớ có lần, nhìn thấy mẹ cho chị gái 6 đồng, em trai 3 đồng đi ăn quà, con đã mon men lại gần mẹ và xin mẹ 5 xu để đi mua tờ báo Thiếu niên. Con chỉ nghiện mỗi đọc sách báo thôi. Lúc bấy giờ, những năm 70, giá báo chỉ có vậy. Mẹ đã trừng mắt lên la mắng con là đồ hoang tàng và mẹ kẹp đầu con bằng hai đùi chân của mẹ, và cứ thế đánh con một trận thừa sống thiếu chết. Trận đòn tuổi thơ đó đã khiến cho con không thể nào mở miệng một lần nào nữa để xin mẹ tiền cho đến tận bây giờ.

Khi con lên lớp 7 hệ 7/10, con đã bước sang tuổi thiếu nữ 14, 15, con lớn phổng lên mà không khi nào có nổi một bộ quần áo lành lặn để mặc đi học. Mỗi lần đến lớp, nhìn bộ dạng rách rưới của con, các bạn chế con là đồ ăn mày. Con tủi thân chỉ biết trốn vào một xó lớp để cho hai hàng nước mắt chảy ra. Trong khi bạn bè đầu năm học mới, hay Tết đến ai cũng có quần áo mới, con chỉ mặc đồ thừa của mẹ và chị chữa lại nhưng vá chằng vá đụp khiến con xấu hổ mất tự tin.

Con nhớ, chưa bao giờ mẹ mua cho con một tấm áo mới, chưa bao giờ con có được cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên trong đời được mặc áo mới mẹ mua. Thực tế trong lúc con dọn dẹp nhà cửa cho mẹ, con thấy có hai chiếc va ly. Thú thật lần ấy, con đã tò mò mở va ly ra và đếm được mười tấm xa tanh trắng và mười tấm xa tanh đen, còn bao nhiêu vải vóc nữa. Con đã rất ngạc nhiên nhưng không dám hỏi mẹ hay mách lại với chị vì con rất sợ mẹ đánh. Hôm sau, con thấy chị con nói với mẹ chị con thích một chiếc túi xách đẹp và một đôi guốc cao. Mẹ đã nói với chị con là viết thư mà xin cô con. Nghe mẹ nói với chị như vậy, con đã bảo với mẹ rằng: "Mẹ ơi, con không cần xắc đẹp, không cần guốc cao, con chỉ cần mẹ cho con xin một bộ quần áo lành để con đi học". Con chưa kịp nói hết câu, mẹ đã mắng con xa xả và đánh cho con chết ngất đi vì cái tội đua đòi.

Mẹ có biết con thấy tủi thân đến nhường nào không. Con đã 15 tuổi, con không thể nhịn đói, ăn mặc rách rưới để đến trường cho chúng bạn chế là đồ ăn mày nữa. Con bỏ học và khai tăng tuổi để xin đi làm. Khi ông đội trưởng đến nhà gọi con đi lĩnh tháng lương đầu tiên, mẹ đã mắng ông ấy. Mẹ hỏi ông: "Con tôi làm gì cho ông mà ông cho nó tiền". May lúc ấy có chị hàng xóm cùng khu nhà đi làm cùng với con, chị đã sang trình bày với mẹ và cho phép con đi lĩnh lương thì mẹ mới thôi chửi mắng con. Cuộc sống của con tưởng như tạm ổn thì đùng một cái mẹ bắt con bỏ đi làm ở nhà để đi lấy chồng.

Con thật sự quá hoảng sợ bởi ý định này của mẹ. Con chưa biết yêu ai, chưa từng thương một người con trai nào, sao mẹ lại ép con đi lấy chồng. Mẹ đã nói là làm, kiên quyết không từ bỏ ý định. Không biết bao nhiêu lần mẹ đã định gả bán con cho người ta. Con tuyệt vọng nên đã làm đơn tình nguyện đi Tây Bắc. Khi làm đơn đi lên miền rừng núi, con cũng không định hướng được là mình sẽ đi đâu, làm gì. Trong con lúc ấy chỉ có một thôi thúc duy nhất là phải ra đi, phải chạy trốn khỏi mẹ để không bị mẹ bắt ép đi lấy chồng. Ra đi khỏi mẹ thì con mới có cơm ăn, áo mặc, mới được sống một cuộc sống của con đúng nghĩa.

Mẹ ơi, con đi rồi, lên đến vùng Tây Bắc, nhìn đồi núi điệp trùng vây quanh con rất nhớ mẹ, nhớ nhà và con đã khóc ròng rã 3 ngày 3 đêm liền. Nhưng nghĩ đến những gì bố mẹ đã đối xử với con, con lại gạt nước mắt quyết tâm ở lại.

Mọi người ở nông trường Tây Bắc rất thương con vì con quá bé bỏng, lại non nớt nhất, nhỏ tuổi nhất nên họ cho con được lựa chọn công việc phù hợp. Con quyết định theo chú Chính, Phó Giám đốc Xí nghiệp nông cụ Sông Mã và ở lại xí nghiệp làm việc. Cả xí nghiệp ai cũng thương con, thân gái dặm trường bôn ba lên xứ núi rừng khỉ ho cò gáy để làm việc.

Ở xí nghiệp vất vả, con không làm được việc gì hơn ngoài việc phụ bếp nấu cơm, và thỉnh thoảng theo chị Lan cùng phòng xuống học thợ tiện. Con đã định học nghề thợ tiện nhưng cơ quan lại cử con ra Đoàn văn công của tỉnh để học, và cho xe ôtô chở con ra tận đoàn. Nhưng con không thích văn công vì bản thân bố của con làm nghề này nhưng bố sống không tình cảm, ít khi để ý đến con. Vả lại, con cũng tự thấy mình không có năng khiếu, không phù hợp nên con đã lên tỉnh xin đi cơ quan khác và đổi tên là Mai Hồng Liên. Con tưởng rằng khi đổi tên thì con sẽ thay đổi được cuộc đời lênh đênh vô phương hướng của mình, sẽ thay đổi được số phận mình nhưng không thể. Mẹ ạ, con người ta khi sinh ra trong đời đã được thượng đế an bài số phận rồi.

Khi con chuyển cơ quan mới con chưa kịp quay về cơ quan cũ để thanh toán chế độ. Vì thế con phải quay về cơ quan cũ thanh toán và cắt giấy tờ. Mẹ có nhớ không, khi con về đến nơi thì thấy mẹ đã chờ con ở đó từ lúc nào. Cứ ngỡ mẹ nhớ con, lo cho con nên mẹ đánh đường lên xem con gái bé bỏng của mẹ ăn ở ra sao. Con chưa kịp mừng tủi vì nghĩ mẹ đến thăm con thì con đã choáng váng bởi một nỗi nhục nhã. Vì uất hận con không chịu ở nhà đi lấy chồng theo sự định đoạt của mẹ, nên mẹ đã nói với toàn bộ xí nghiệp rằng con của tôi bị bệnh tâm thần, đừng ai giúp nó cả. Tôi gửi cháu ở đây vài bữa rồi tôi đưa cháu về xuôi.

Con chết điếng người, thế là bao nhiêu dự định của con, bao nhiêu hy vọng về tương lai đã sụp đổ tan tành mây khói. Cơ quan cũ của con đã ái ngại cho con, họ chuyển con xuống làm thủ kho kiêm tiếp phẩm. Cũng từ ngày mẹ lên đây nói con bị tâm thần, mọi người đã nhìn con với ánh mắt khác. Họ có thể đã nghĩ rằng con là đứa con hư, bất hiếu với bố mẹ mà bỏ đi đến đây. Cơ quan đã đẩy con đi hết bộ phận này sang bộ phận khác, không tăng lương cho con trong suốt 7 năm trời. Cơ quan đã trù úm, hành hạ con, đến nỗi nhiều lúc con tự hỏi hay là mình bị bệnh tâm thần thật nên không có ai thương quý, đi đến đâu cũng bị hắt hủi ruồng bỏ. Cũng vì mang tiếng bị bệnh tâm thần do mẹ đẻ nói ra mà không có người con trai nào dám đến gần con, đặt vấn đề lập gia đình với con.

Mẹ ơi, cho đến khi cơ quan thuê một tổ thợ xây về xây trường học, nhà trường vì thương hoàn cảnh của con đã làm mối cho con một anh thợ xây. Vì thương hoàn cảnh anh ấy, và nghĩ tới những lần mẹ gả bán con cho người ta, con đã chấp nhận lấy chồng với hy vọng chồng con sẽ thương xót con mà bù đắp tình cảm cho đứa con bất hạnh luôn sống trong thiếu thốn tình cảm, luôn mất tự tin trước tất cả mọi người. Con cũng nghĩ rằng, biết đâu con lấy chồng, mẹ sẽ thương con mà thôi truy đuổi hành hạ con. Nhưng mẹ ơi, cuộc đời con đã bất hạnh từ đầu rồi thì chuỗi ngày tiếp theo sẽ mãi mãi bất hạnh mà thôi. Mẹ đã không thương con từ đầu rồi, thì mãi mãi, mẹ sẽ truy đuổi theo con để trừng phạt con, hành hạ con mà thôi.

(Còn nữa)

                       Hà Đông. Mai Hồng Liên

Lời BBT

Bạn đọc thân mến! Thật kỳ lạ là chúng tôi đã gần như cùng lúc nhận được hai bức thư của hai người phụ nữ chưa hề biết nỗi bất hạnh của nhau và đã tâm sự cho chúng tôi nghe về nỗi bất hạnh trải dài trong suốt cả cuộc đời của họ. Nếu như trên đời này, bà V là người mẹ bất hạnh bởi sự vô tâm của các con và sự nhẫn tâm của người chồng thì chị Mai Hồng Liên lại là người con bất hạnh bởi sự tàn nhẫn lạnh lùng của một người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra mình.

Bà V gửi thư cho các con trai của mình kể về những nỗi bất công, những đau đớn về mặt tinh thần mà bà đã phải chịu đựng trong gần 40 năm qua kể từ ngày đi lấy chồng, làm dâu, làm vợ và làm mẹ. Còn chị Mai Hồng Liên lại gửi thư cho mẹ nói về nguồn cơn của mọi nỗi bất hạnh mà chị đã trải với một câu hỏi đau đáu trong tâm can chị là tại sao mẹ đẻ của chị lại nỡ đối xử tàn tệ và nhẫn tâm với chị như vậy.

Chúng tôi trích đăng cả hai bức thư của hai người đàn bà với hai nỗi đau khác nhau, trái ngược nhau gửi đến cùng lúc để thấy được muôn nẻo trớ trêu của đời sống, của những uẩn khúc trong cuộc đời. Với bức thư của bà V, chúng tôi có thể lý giải được vì sao bà V bất hạnh, nhưng với chị Mai Hồng Liên thì quả thật, câu hỏi khó tìm được câu trả lời bởi trong đời này, mấy khi hổ dữ mà ăn thịt con.

Cuộc đời của chị Mai Hồng Liên kể từ khi lấy chồng cho đến bây giờ còn nếm trải nhiều bất hạnh mà có thể nói là đến tận cùng của bất hạnh. Đọc thư của chị Mai Hồng Liên, chúng tôi cũng phải rùng mình run sợ. Chỉ có điều chị Liên không để lại số điện thoại để chúng tôi liên lạc, cũng không yêu cầu giấu tên. Chúng tôi chỉ biết bức thư này của chị Mai Hồng Liên ở Hà Đông nhưng được gửi bởi người gửi là: Vũ Thị Mai Phương, 31 Trần Nhật Duật, Hà Nội.

Bức thư này rõ ràng người viết lâu lắm rồi mới cầm bút. Thư kể liền một mạch, không chấm phẩy, diễn đạt lủng củng và đầy lỗi chính tả rất khó dịch. Chúng tôi đã kiên nhẫn đọc và dịch hết nội dung, biên tập lại và trích đăng để cùng bạn đọc chia sẻ. Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần cuối của bức thư này trong số ANTG Giữa tháng tiếp theo

.
.