Tạo hóa trớ trêu đã ném tôi vào một trò đùa tình ái

Chủ Nhật, 17/04/2016, 14:43
Giật mình điểm lại khoảng thời gian 3 năm tôi dạy Khoa, tôi kiểm chứng lại tất cả bằng bản năng đàn bà được đánh thức, và tôi nghi tất cả những gì Khoa vừa trút bầu tâm sự với tôi có lẽ là sự thật.


Kính thưa các anh các chị ở tòa soạn Báo!

Tôi, trong hàng ngàn lần dằn vặt, dày vò, đau khổ, đã cố tìm câu trả lời cho câu chuyện của riêng mình nhưng thú thật, tôi rơi vào bế tắc hoàn toàn. Tôi không bao giờ nghĩ đến một ngày mình lại chính là nhân vật chính của câu chuyện tình cảm trái khoáy này mà tôi dù có giàu trí tưởng tượng lãng mạn điên rồ đến mấy cũng không thể nghĩ ra.

Tôi là một cô giáo dạy Toán cấp 3, tính tình mực thước, đoan trang, yêu trung thực, ghét dối trá, và đặc biệt ghét những cái gì thuộc về vi phạm trong phạm trù đạo đức như ngoại tình, ăn cắp ăn trộm, yêu đương lăng nhăng... Cuộc đời thật nực cười, cái câu “Ghét của nào trời trao của ấy” đã vận vào tôi chăng, khi tạo hóa trớ trêu đã ném tôi vào một trò đùa tình ái?

Cuộc sống tình cảm của tôi ngay từ đầu đã rất bất hạnh. Tôi mất chồng năm 22 tuổi, khi chúng tôi vừa mới cưới nhau vỏn vẹn được 7 tháng, và trong khi tôi đang mang thai đứa con đầu lòng với chồng tôi được 5 tháng. Căn bệnh ung thư quái ác phát hiện ở giai đoạn cuối như một trận cuồng phong dữ dội xóa sạch mọi dấu vết hạnh phúc ngọt ngào và bình dị của chúng tôi, để lại cho tôi một tâm hồn nát tan đau khổ.

Những tưởng, ra trường, có việc làm, cưới chồng, cuộc đời tôi ngay từ đầu đã thuận lợi suôn sẻ, ai cũng chúc phúc và mừng cho tôi... Vậy mà cuộc đời có ai biết được chữ ngờ. 22 tuổi tôi đã mất chồng trong tột cùng đau khổ khi bụng mang dạ chửa. Tôi không bao giờ muốn nhớ tới quãng thời gian đó. Tôi đã sống cùng với nước mắt, buồn tủi, đau khổ tưởng không thể vực dậy được, để đi xuyên qua nỗi đau mất chồng, để vượt cạn mồ côi, nuôi con một mình. 

Như bao cô giáo trẻ khác, tôi được phân công chủ nhiệm 1 lớp suốt trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12. Thực sự, nếu không có công việc, không có các đồng nghiệp, bạn bè thân và gia đình, đặc biệt những bạn trẻ là học sinh của tôi, các bạn vừa thông minh, vừa ngây thơ đáng yêu lại rất tình cảm, đã động viên tôi, bên cạnh tôi giây phút khó khăn đó, thì chắc chắn tôi không thể vượt qua được những ngày tháng đen tối ấy.

Là giáo viên Toán, tôi có đông học sinh đến học thêm. Tôi dạy thêm theo lớp, nhóm nhưng không nhận dạy kèm riêng học sinh nào vì lịch của tôi khá kín. Riêng có duy nhất một trường hợp tôi nhận dạy kèm riêng vì chị đồng nghiệp lại là cấp trên của tôi, chị là hiệu phó của trường PTTH nơi tôi dạy học. Chị đã gửi cậu con trai của chị nhờ tôi dạy kèm riêng buổi tối tại nhà riêng của tôi.

Con trai chị học ở lớp do tôi chủ nhiệm, cháu học khá, tính tình sôi nổi, năng động, nhưng lại ngoan, được bầu làm lớp trưởng. Tôi đã bảo với chị đồng nghiệp của tôi, cháu không cần phải kèm thêm đâu, nhưng chị muốn tôi kèm riêng để cháu học tốt hơn nữa, có thể thi học sinh giỏi và đỗ vào các trường đại học tốp trên. 

Với lại chị chia sẻ thêm rằng, con trai chị đề nghị mẹ đến nhà tôi xin cô giáo dạy con học thêm ở nhà. Tôi hiểu nỗi lòng của người mẹ là giáo viên, chăm con và kỳ vọng vào con, và cũng rất nể chị là hiệu phó trong trường, tôi nhận dạy kèm thêm cháu tại nhà tôi mỗi tuần 2 buổi.

Thông thường thì cô giáo chủ nhiệm với lớp trưởng hay bí thư lớp rất gần gũi và quý mến nhau vì cô giáo thông qua ban cán sự lớp để nắm tình hình lớp và phổ biến mọi công việc liên quan đến dạy và học, và các hoạt động tập thể khác. Thế nên việc tôi dạy kèm thêm cho Khoa (tên cậu học trò tôi dạy) ở nhà rất thuận lợi.

Khoa rất ngoan, thông minh và em đặc biệt thương cô giáo, thương đứa bé con tôi. Sau giờ học, Khoa vẫn thường nán lại chơi với Bống - tên gọi ở nhà của con gái tôi, đưa Bống đi chơi, dạy Bống tập nói, tập hát, tập nhận mặt chữ.

Cảnh góa bụa, có những việc của đàn ông như sửa điện, ống nước, máy giặt, bếp ga khi hỏng hóc, tôi chưa kịp nhờ ai thì sau giờ học, Khoa đã đi lần lượt kiểm tra từng thứ và lẳng lặng hì hục sửa cho cô giáo. 

Khoa thông minh, nhiều tài vặt, em thực sự là một thanh niên đầy tiềm năng. Có những hôm em nán lại chơi với bé Bống quá muộn, tôi phải giục em về. Nhiều lần em không chịu về mà còn xin phép ở lại ăn cơm cô giáo nấu. Mỗi lần không chịu về, tôi lại phải dọa gọi điện cho mẹ Khoa mới về.

Cái tình cảm quyến luyến của Khoa dành cho tôi, tôi chỉ xem đó như thứ tình cảm thông thường của cô và học trò. Trong những năm tháng đi dạy của tôi, tôi nhận được không ít những tình cảm của học trò, bởi tôi cũng dành cho học trò nhiều sự quan tâm, chia sẻ. Thế nên tôi rất cảm động và tự hào khi có một học trò như Khoa. Có lẽ vì hoàn cảnh của tôi mà Khoa có tình cảm đặc biệt với cô, với con gái cô. Bé Bống yêu Khoa và rất quấn Khoa. Tôi nhiều lần cảm động rớt nước mắt trước tấm tình thương mến của cậu lớp trưởng giàu tình cảm.

Tôi - là một cô giáo với những khuôn mẫu đạo đức được mặc định trong quan hệ giữa tôi và Khoa đó là cặp quan hệ “cô-trò” nên không đánh thức phần nhạy cảm trong mối quan hệ với em để hiểu rằng, đằng sau tấm ân tình thương mến mà Khoa dành cho tôi có điều gì đó thật đặc biệt, thật khác lạ.

Cho đến một ngày, cầm giấy báo nhập học vào Trường Đại học Bách Khoa, Khoa chạy vù đến tìm tôi. Em hớn hở báo tin cho tôi em đỗ đại học trong niềm hạnh phúc tột cùng. Hôm đó, lần đầu tiên, tôi đã cho phép em xin phép bố mẹ ở lại nhà tôi căn bữa cơm tôi nấu, bữa cơm tôi làm bằng tất cả những tình cảm yêu quý của cô giáo đối với học trò cưng, và cũng là liên hoan mừng cho thành quả của em.

Đậu đại học rồi, Khoa ít đi chơi với bạn bè mà thường hay lui tới nhà tôi chơi với bé Bống và giúp đỡ tôi những việc vặt. Có những lúc trông Khoa rất căng thẳng và trầm tư như em đang giấu kỹ trong lòng một điều gì đó dằn vặt. Tôi vô tư nên đùa em có người yêu rồi hay sao mà không chia sẻ với cô gì cả, trông cái mặt là biết ngay đang có “biến” rồi. Em nghe tôi hỏi vậy là tìm cách lảng tránh đi...

Ngày em liên hoan vào đại học, mẹ em có mời tôi tới nhà chơi. Em cứ lóng nga lóng ngóng, bối rối không được tự nhiên giữa người thân và đám bạn bè thường ngày vẫn đùa nhau nghịch rầm trời. Đám học trò thấy tôi đến dự liên hoan, chúng nó nhao lên: “Cô ơi, bạn Khoa đang bối rối tình đầu ạ.... nhưng tình đầu là ai thì chúng em chịu chết. Có vẻ như bạn ấy yêu đơn phương cô ạ”. Chúng nó nói xong cười tít mắt mặc cho Khoa mặt đỏ dứ dừ ấp a ấp úng đuổi đánh lũ bạn.

Hôm đó, mẹ Khoa, đồng thời là sếp của tôi đã ngồi nói chuyện với tôi rất lâu về Khoa. Chị cảm ơn tôi đã dạy dỗ Khoa đỗ đạt cao. Qua câu chuyện thủ thỉ tâm tình, tôi hiểu chị rất yêu con trai và đặt nhiều niềm tin, sự kỳ vọng vào Khoa rất lớn.

Khoa vào đại học, tôi lại nhận chủ nhiệm một khóa mới. Cuộc sống bình dị cứ thế trôi đi cho đến một ngày, tôi bật ngã ngửa người vì quá sốc khi nhận được một bức thư gửi vào hộp thư của tôi.

Thư của em viết vỏn vẹn mấy dòng thế này thôi: “Cô! Nhiều lần em định nói với cô chuyện này nhưng em tự nhủ mình, hãy chờ đợi đến thời điểm thích hợp. Và thời điểm thích hợp đã đến: Em đã đỗ vào đại học rồi, như cô và bố mẹ em mong muốn. Bây giờ em đã 19 tuổi, em đủ quyền công dân, và em muốn hỏi cô, em có thể có một cơ hội để được gần gũi và yêu thương cô không. Nếu cô cho phép, học xong đại học em sẽ thưa gửi chuyện nghiêm túc với cô được không ạ. Em biết, em chỉ là cậu học trò của cô, nhưng em cũng chỉ thua cô có 5 tuổi thôi, và có quyền được tự quyết định chuyện tình cảm của mình. Em nghĩ, tình cảm của em không có gì là sai trái cả. Xin cô đừng giận, đừng khinh bỉ em. Lá thư này em đã viết nó trong 2 năm nay, chỉ là bây giờ em mới đủ can đảm để gửi cho cô. Tình cảm đối với cô trong em là có thật, em đã tự kiểm chứng nó qua thời gian, và tình cảm đó ngự trị trong em đã được 2 năm nay rồi. Chỉ có điều em chưa đủ 18 tuổi, em chưa đậu đại học nên em không dám nói ra. Bây giờ em nghĩ đã đến lúc. Xin cô hãy nghiêm túc suy nghĩ những điều em vừa nói và trả lời bức thư của em cô nhé”.

Sau phút giây choáng váng, tôi định thần lại và hiểu rằng, đây không phải là một câu chuyện bông đùa của Khoa với cô giáo của mình, mặc dù tôi đã ước gì nó chỉ là chuyện của ngày cá tháng 4 và chỉ là một trò đùa quá trớn của cậu học trò tinh nghịch, láu lỉnh.

Từ choáng váng, tôi giật mình điểm lại khoảng thời gian 3 năm tôi dạy Khoa. Tôi kiểm chứng lại tất cả bằng bản năng đàn bà được đánh thức, và tôi nghi tất cả những gì Khoa vừa trút bầu tâm sự với tôi có lẽ là sự thật.

Vừa bực mình, vừa cáu, vừa thương cậu học trò, vừa suy nghĩ những điều em viết trong thư mà buồn cười. Đầu tiên tôi giận lắm, định viết thư mắng cho em một trận, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Dù sao em vẫn chỉ là một đứa trẻ 19 tuổi, chưa đủ lớn, chưa từng trải, lần đầu tiên có những cảm xúc đầu đời, có thể em lẫn lộn chưa phân biệt được đâu là cảm xúc ảo, đâu là cảm xúc thật. 

Việc học trò thần tượng cô giáo và có tình cảm đặc biệt với cô giáo là lẽ thường tình, không có gì là ghê gớm cả. Cảm xúc đó rồi sẽ sớm qua đi như tính cách của lứa tuổi dậy thì thất thường sáng nắng chiều mưa của các em. Nghĩ vậy nên lòng tôi dịu lại, tôi đã viết thư cho Khoa, rất ngắn, chỉ mấy dòng:

“Khoa! Cô đã nhận được thư của em. Thư em viết linh tinh gì cô không hiểu. Nhưng mà thôi, với cô không quan trọng lắm. Điều quan trọng nhất mà cô muốn em ghi nhớ rằng, trong trái tim cô em là một cậu học trò mà cô rất yêu mến và quý trọng. Cô cũng như mẹ em, và những người thân của em, cô luôn mong em học tốt, phấn đấu giỏi để tốt nghiệp xuất sắc ra trường đi làm trở thành một công dân có ích cho xã hội. Lúc đó thế nào cô cũng gặp lại em để ăn khao thành tích của em nhé. Chào em”.

Bức thư dù ngắn nhưng đủ được 4 ý tôi muốn chuyển đến Khoa. Ý thứ nhất là tôi không chấp, không để ý cái vụ em viết thư tỏ tình tôi. Thứ hai tôi chỉ coi Khoa mãi mãi là một cậu học trò của tôi. Thứ 3, em hãy tĩnh trí lại, hãy nghiêm túc trong đối xử với tôi vì tôi như mẹ của em, nghĩa là về thứ bậc tôi trên em rất nhiều, tôi cần được em tôn trọng như tôn trọng một người lớn hơn mình nhiều. Ý cuối cùng là tôi tạm thời chấm dứt, không có ý định tiếp tục gặp gỡ hay liên lạc với em nữa dù là qua thư. Tôi chỉ gặp lại em sau khi em đã tốt nghiệp đại học ra trường. Khoa là cậu bé mẫn cảm, thông minh, chắc chắn sẽ hiểu ý của tôi.

(Còn nữa)

Kim Thoa - Quảng Bình

Lời ban biên tập

Bạn đọc yêu quý! Có bao nhiêu câu chuyện tình kỳ lạ đã xảy ra trong cuộc đời này. Và điều đó cũng để nói rằng, trên đời này, không có điều gì là không thể, nhất là chuyện tình yêu. 

Thật khó giải thích về những mối tình éo le, trái khoáy đã diễn ra trong đời thực như chuyện em chồng yêu chị dâu, anh chồng yêu em dâu, hay chuyện tình của những đôi lệch nhau hàng mấy chục tuổi. Lệch tuổi không chỉ giữa đàn ông với đàn bà, mà phụ nữ hơn đàn ông đến cả chục tuổi vẫn yêu nhau, vẫn nên vợ nên chồng. 

Thế nên câu chuyện tình cảm éo le của cô Kim Thoa với người cựu học trò của mình mà cô đã chia sẻ với chuyên mục: “Những chuyện khó tin nhưng có thật” hoàn toàn có thể giải thích được. Vấn đề là người học trò yêu cô giáo của mình lại là con của cấp trên cô Thoa, là hiệu phó trường PTTH nơi cô Kim Thoa đang dạy học. 

Cần phải ứng xử thế nào cho tế nhị, hợp với quy luật đạo đức, nhưng cũng phải phù hợp với nhịp đập của trái tim là cả một vấn đề mà cô Kim Thoa phải đương đầu giải quyết. Về phía cậu Khoa, cậu có dễ dàng nghe theo lời khuyên của cô Thoa để từ bỏ tình yêu của mình. Cậu say nắng tuổi học trò, hay tình yêu đó đã xuất hiện như một định mệnh trong cuộc đời của cậu ấy? 

Xin mời quý độc giả theo dõi phần tiếp theo trong chuyên mục: “Những chuyện khó tin nhưng có thật” in trên số báo ANTG Cuối tháng tiếp theo.

ANTG Giữa tháng số 99
.
.