Câu chuyện thứ 111:

Mẹ, con muốn xin mẹ một lời giải thích (phần cuối)

Thứ Tư, 23/12/2009, 15:40
Tôi mang thai rồi sinh con gái đầu lòng. Ngày tôi sinh con, mẹ tôi đã xuống tận cơ quan tôi chăm sóc cho hai mẹ con tôi được 28 ngày. Có lẽ đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời tôi vì dường như đây là lần đầu tiên tôi được sống trong tình mẹ đúng nghĩa.
>> Mẹ! Con muốn xin mẹ một lời giải thích (phần 2)

Tôi có mẹ cận kề lúc sinh nở, được mẹ chăm sóc bữa cơm, giặt giũ, bế cháu. Tôi đã muốn tâm sự với mẹ rất nhiều điều trong 28 ngày ngắn ngủi ấy nhưng rồi tôi lại không dám. Trong tâm cảm, tôi nhận thấy lòng mẹ vẫn còn điều gì đó xa cách lắm, ít cởi mở lắm. Vì thế, tôi thụ hưởng tình mẹ âm thầm trong sung sướng hạnh phúc, xen lẫn nỗi lo âu sợ hãi, nếu mình làm điều gì thất lễ, có thể mẹ lại giận mình như ngày xưa.

Chồng tôi kể từ ngày ra đi biệt phái, cứ đều đặn 1 tháng, anh viết cho mẹ con tôi 2 lá thư tràn đầy yêu thương, nhung nhớ, và dặn dò chu đáo mọi việc. Trong một niềm tin mãnh liệt rằng chồng tôi sẽ trở về, anh ấy sẽ không bao giờ bỏ mặc mẹ con tôi, tôi đã vui sướng mang những lá thư đó ra khoe với mẹ. Mẹ tôi không biểu lộ cảm xúc, không đọc thư của chồng tôi, bà chỉ buông một câu: "Tin gì mấy ông bộ đội dưới xuôi, khi nào nó về đây nhận vợ, nhận con thì tao mới tin được. Bây giờ nó đi biệt xứ, mày sinh nở nuôi con một mình, biết thân phận mà nuôi con, đừng trông chờ, hy vọng".

Mẹ nói vậy nhưng trong tôi không một mảy may lay chuyển ý nghĩ và niềm tin vững chãi rằng, tôi đã gửi thân phận mình cho một người đàn ông tốt, một người chồng chu đáo hết mực yêu thương vợ, một người cha yêu con và là chỗ dựa vững chắc cho cả hai mẹ con. Con gái tôi càng lớn càng giống bố, tôi càng hạnh phúc và tự hào hơn về những gì tôi đang có, dù sống bằng hy vọng nhiều hơn là thực tế.

Khi con gái tôi tròn 6 tháng tuổi, lần đầu tiên tôi nhận được quà của chồng tôi gửi về. Toàn bộ một thùng hàng hoá anh đóng cho hai mẹ con chủ yếu là đồ sơ sinh, tã lót, sữa và tất tật những vật dụng thiết yếu cho hai mẹ con trong kỳ sinh nở và nuôi con mọn. Nhận được hàng hoá anh gửi về, tôi cứ thế khóc như mưa như gió. Tôi gói ghém đồ đạc và ít quà lên tàu về quê thăm bố mẹ ngay để khoe với bố mẹ việc anh gửi quà cho hai mẹ con và để khẳng định chắc chắn với bố mẹ là chồng tôi vẫn yêu thương mẹ con tôi và nhất định anh sẽ trở về.

Vượt hàng trăm cây số với một niềm sung sướng hạnh phúc vô bờ, khi tôi tay xách nách mang bước vào nhà, bố mẹ tôi đã lạnh lùng nhìn tôi và buông một câu: "Mẹ con mày lại xách nhau về đây ăn bám à". Tôi không tủi thân câu nói của bố như mọi khi mà chạy ào vào khoe rối rít: "Mẹ ơi, chồng con vừa gửi quà về cho hai mẹ con, gửi cho cả ông bà ngoại nữa đấy, nhất định anh ấy sẽ về, bố mẹ ạ". Mẹ tôi lạnh lùng đẩy tôi ra: "Mày có nói gì tao cũng không tin nó về với mày đâu, nó bỏ mẹ con mày rồi, còn trông với chả chờ".

Lúc này, tôi mặc kệ bố mẹ muốn nói gì, lòng tôi chắc như đinh đóng cột rằng vợ chồng tôi rồi sẽ có ngày đoàn tụ. Mỗi năm, lễ tết, tôi đều mang con về quê thăm ông bà ngoại, mặc cho ông bà có đối xử ghẻ lạnh, tôi vẫn khao khát được trở về nhà vối bố mẹ và các em. Khi con gái tôi được 2 tuổi, anh trai tôi cưới vợ, nhận được tin, tôi địu con lên tàu về quê để kịp làm cỗ cho ngày cưới hỏi của anh. Tôi không bao giờ quên được ngày dạm hỏi của anh, bởi cũng lần đó, tôi bị đánh một trận thừa sống thiếu chết.

Hôm đó, tôi dậy từ 5g sáng để đồ xôi làm gà, 7g sáng, anh trai tôi thấy cỗ chưa xong, sợ tôi đồ xôi và làm gà muộn so với giờ đã định, nên anh chửi tôi thậm tệ. Tôi bảo với anh, cứ yên tâm, em làm xong ngay bây giờ, anh sốt ruột làm gì. Thế là anh trai tôi vác ghế lao vào đập lên đầu tôi, vừa đánh vừa chửi tôi hỗn láo. Bố tôi ngồi hút thuốc ở phòng ngoài, thấy vậy, buông một câu như bao lần ông đã buông mỗi khi thấy ai đó đánh tôi: "Mày đánh chết nó đi cho tao".

Con gái tôi đang ngồi chơi ở gần bếp, thấy mẹ bị đánh, cháu khóc thét lên và lao vào ôm lấy chân anh trai tôi van lạy bác đừng đánh mẹ cháu. Tội nghiệp đứa bé 2 tuổi ngây thơ, chưa biết gì, thấy mẹ bị đánh, chỉ biết co mình lại trong sợ hãi. Bày biện xong cỗ bàn, lo cho lễ cưới hỏi của anh chu đáo, tươm tất, hai mẹ con tôi địu nhau đi ra bến tàu xe trong mưa phùn và gió bấc lạnh thấu xương. Nhìn thấy tôi chưa kịp ăn gì, địu con đi về cơ quan dưới trời mưa, cả bố và mẹ tôi không một ai nói với hai mẹ con tôi một lời. Mọi người thản nhiên coi như việc tôi đi hay ở không đáng để họ bận tâm, suy nghĩ. Hôm đó, trong cái lạnh giá thấu xương của gió mùa đông bắc, hai mẹ con tôi lầm lũi đi, nước mắt trào ra đẫm má. Tôi chỉ còn biết gọi tên chồng, vừa gọi vừa khóc trong mưa để vơi bớt nỗi cô đơn, tủi quạnh.

Thế rồi sau bao nhung nhớ chờ đợi, con gái tôi tròn 4 tuổi thì chồng tôi từ nước ngoài trở về. Khỏi phải nói là mẹ con tôi hạnh phúc đến mức nào. Ngày gặp nhau, vợ chồng tôi chỉ biết lao vào nhau ôm nhau mà khóc cho thoả nỗi nhớ nhung. Về nhà được một tuần, anh giục tôi về thăm ngoại và xin phép bố mẹ tôi cho phép anh đưa hai mẹ con tôi vào Huế thăm gia đình anh, và mời bố mẹ tôi đi cùng.

Chồng tôi là người vô cùng chu đáo, dù bố mẹ vợ có đối xử thế nào thì phận làm con anh hết sức tôn trọng bố mẹ tôi, và quà cáp cho bố mẹ các anh chị em đầy đủ. Trước tấm lòng hiếu thảo của anh, bố mẹ tôi đã không còn phản đối chuyện hôn nhân của chúng tôi nữa, nhưng ngoài mặt vẫn lạnh lùng và từ chối vào Huế thăm thông gia.

Chồng tôi đã đưa tôi về Huế sống với bố mẹ của anh trong một thời gian dài 6 tháng trước khi quyết định đưa tôi và con gái ra nước ngoài sinh sống và làm việc. Bố mẹ tôi một lần nữa đã quyết liệt ngăn cản. Để tạ lỗi với bố mẹ tôi, vợ chồng tôi đã quỳ trước mặt bố mẹ van xin bố mẹ cho chúng tôi được phép ở bên nhau.

Ngày tôi theo chồng ra nước ngoài sinh sống, tôi đã khóc như mưa gió vì nhớ bố mẹ, nhớ quê hương, nhớ các anh chị em. Nhưng nghĩ đến tương lai hạnh phúc, tôi lại gạt nước mắt để vững tin bên chồng mình đi tới một phương trời xa lạ. Thú thật vì yêu chồng, tin chồng, tôi sẵn sàng tuân theo tất cả mọi sự sắp đặt của anh với một niềm tin mãnh liệt rằng chồng tôi lúc nào cũng đúng, anh ấy sẽ thu xếp một cuộc sống tốt nhất cho mẹ con tôi.

Ra nước ngoài, tôi mới biết trong 5 năm xa tôi, anh đã cật lực tạo dựng cho chúng tôi một tổ ấm đủ đầy để chờ ngày đón mẹ con tôi sang. Tôi có một căn nhà rộng ở ngoại ô nước Pháp. Tôi ở nhà làm nội trợ, còn anh thì vẫn bận công việc nhà nước. Tôi sinh tiếp hai cậu con trai ở Pháp. Trong quãng thời gian 5 năm tôi ở nhà nội trợ chăm 3 con, năm nào anh cũng dành dụm lương để mua vé cho cả gia đình về thăm ông bà nội ngoại vì anh rất hiểu tôi giàu tình cảm, hay tủi thân và hay nhớ nhà. 

Khi hai con trai đến tuổi đi học, anh đưa tôi tới một cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng ở thị trấn và nhờ bà chủ cửa hàng bánh người Việt Nam, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An giúp đỡ cho tôi một chân bán hàng để kiếm thêm thu nhập và cho tôi tập với công việc kinh doanh. Không ngờ tôi có đầu óc kinh doanh rất giỏi, chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ tính sáng tạo của tôi, cùng với sự giúp đỡ của bà chủ vì thương quý tôi mà đã nhận là con nuôi giúp tôi mở một tiệm bánh riêng. Sau này, bà chủ trở về Việt Nam sinh sống những ngày tháng cuối đời, bà đã nhượng lại cho tôi toàn bộ hệ thống cửa hàng bánh của bà vì bà không có con cái. Từ đó, cửa hàng bánh của tôi đã phát triển lớn mạnh và thống lĩnh cả vùng thị trấn. Cuộc sống của vợ chồng tôi khá giả và vô cùng hạnh phúc.

Từ đó, tôi mong mỏi một nguyện ước đưa các em hai bên nội ngoại ra nước ngoài sinh sống và đưa bố mẹ tôi sang bên này đoàn tụ với các con. Bằng tất cả sự trợ lực giúp sức của chồng tôi, tôi lần lượt đưa được các em của tôi sang bên này và gây dựng cho chúng một cơ đồ vững chãi. Bố mẹ chồng tôi già yếu, đã mất ở quê nhà, chúng tôi đã về xây mộ cho ông bà ở quê tươm tất. Còn bố mẹ tôi, đích thân chồng tôi đã bay về Việt Nam cùng với tôi để thuyết phục bố mẹ tôi sang sống cùng.

Lúc đầu bố mẹ tôi nằng nặc không chịu nhưng các em hầu như đã sang Pháp sinh sống và lập gia đình ở bên đó, bố mẹ ở nhà một mình cũng cô quạnh nên ông bà mới đồng ý để chúng tôi đưa sang. Sang Pháp bố mẹ tôi ở cùng với vợ chồng tôi. Chính chồng tôi đã quyết định dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm để mua cho bố mẹ tôi một ngôi nhà nhỏ sát với căn nhà của vợ chồng tôi đang ở để tiện bề chăm sóc. Mỗi chiều đi làm về, khi nào chồng tôi cũng dắt các con sang chơi với ông bà ngoại một lúc rồi mới về. Cuối tuần, anh thường lái xe chở bố mẹ tôi cùng các cháu lên tiệm bánh của tôi ăn tối. Chúng tôi đã có những giây phút đoàn tụ vô cùng hạnh phúc.

Những năm này, bố mẹ tôi đã già yếu, ông bà mong muốn được trở về quê hương để sống những năm tháng cuối đời nơi quê cha đất tổ. Chồng tôi cũng đã nghỉ hưu, anh đã đề nghị tôi chuyển giao tiệm bánh cho con gái coi sóc để cùng với bố mẹ về quê chăm lo cho bố mẹ những năm tháng cuối cùng. Những ngày này, con gái đầu lòng của tôi đang về Việt Nam du lịch và sửa sang, xây mới lại căn nhà cũ của bố mẹ tôi để sắp tới đón ông bà từ Pháp trở về. Trước mắt, các con tôi đều đã trưởng thành, đã ổn định cuộc sống, vợ chồng tôi cũng quyết định trở về Việt Nam sinh sống.

Đã nhiều lần, những lúc gần gũi bố mẹ, tôi đã cố gợi ý gạn hỏi xa gần, tại sao ngày xưa bố mẹ tôi ghét bỏ tôi như vậy nhưng cứ mỗi lần ý định, chưa kịp hỏi, thì bố tôi lại khóc. Ông vẫn thường hay ngồi một mình lặng lẽ khóc mỗi khi vợ chồng tôi sang chơi, mang quà cho ông bà và lo lắng cho ông bà. Chồng tôi đã nói với tôi: "Em ạ, đừng gợi lại chuyện quá khứ làm gì nữa. Bố mẹ chắc cũng có nỗi khổ riêng không nói được. Em hãy tha thứ hết cho bố mẹ và đối xử với bố mẹ bằng tấm lòng đạo hiếu của một người con. Mọi việc đã tốt đẹp rồi".

Mặc dù chồng tôi nói vậy nhưng trong lòng tôi vẫn tha thiết muốn tìm hiểu căn nguyên của mọi sự ruồng rẫy ghét bỏ của bố mẹ đối với tôi. Sự thật dẫu xót xa đau đớn đến đâu, tôi vẫn có nhu cầu được biết. Nếu không lòng tôi sẽ không bao giờ thanh thản. Thế nhưng những gì chồng tôi nói không phải là không có lý, những gì đã qua, hãy để cho qua đi. Vì thế tôi đã chôn chặt câu chuyện của đời mình cho đến một ngày, tôi đọc thấy một số phận ở trên quý báo giống với nỗi khổ của tôi trong quá khứ. Vì thế, tôi đã trải lòng mình khi viết ra những bí mật sâu thẳm của đời tôi. Không biết chồng tôi có đọc báo không, nếu anh ấy có vô tình đọc được câu chuyện mà tôi đã trót tâm sự với quý báo, tôi chỉ mong chồng tôi hiểu nỗi lòng tôi, thương tôi mà tha thứ cho tôi khi kể ra câu chuyện này.                       

DKO

Lời toà soạn:

Chị DKO kính mến!

Nỗi buồn nào rồi cũng qua đi, chị thật may mắn khi có một người chồng hiểu chị và yêu thương chị hết mực. Anh cũng là một người con có tấm lòng hiếu nghĩa hiếm có trên cuộc đời này. Có lẽ ông trời luôn công bằng với tất cả mọi số phận nên đã bù đắp cho tuổi thơ khổ cực và buồn tủi của chị bằng một người chồng mạnh mẽ, giỏi giang và nhiều yêu thương. Chính chồng chị đã mang đến cho chị hạnh phúc ngọt ngào nhất và vĩnh cửu nhất. Chị may mắn hơn bà Nguyễn Thị Mai Phương ở 31 Trần Nhật Duật, Hà Đông, rất nhiều khi có một gia đình trọn vẹn, các con thành đạt ngoan ngoãn và người chồng tuyệt vời là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho cuộc đời chị. Từ khi gặp anh, cuộc đời của chị đã thay đổi, và hạnh phúc đã mỉm cười với chị cho đến tận hôm nay. Chúng tôi tin rằng, nếu anh ấy có đọc được câu chuyện đời chị kể, anh ấy sẽ không giận chị mà càng yêu vợ, thương vợ bội phần hơn khi hiểu thêm trong trái tim chị, anh có một vị trí tối quan trọng. Anh cũng hiểu chị hơn trong những tình cảm yêu thương và trân trọng mà chị đã dành cho anh, nhiều khi chỉ trong ý nghĩ, trong tâm niệm mà trước anh chưa chắc chị đã có thể nói hết được bằng lời. Thành thật chúng tôi xin được chúc cho chị mãi mãi hạnh phúc và bố mẹ chị chắc đến giờ này cũng đang vô cùng hạnh phúc khi có được những người con hiếu thảo như vợ chồng chị. Theo chúng tôi, chị không cần một lời giải thích nào từ bố mẹ chị nữa bởi những giọt nước mắt của bố chị, phần nào đã trả lời cho chị tất cả. Một lần nữa kính chúc gia đình chị vẹn toàn hạnh phúc

.
.