Câu chuyện thứ 110:

Mẹ! Con muốn xin mẹ một lời giải thích (Phần 2)

Thứ Hai, 30/11/2009, 09:19
Lúc ấy, tôi đã 17 tuổi, cái tuổi đủ lớn để có thể suy nghĩ một việc lớn. Trước đây dù bị bố mẹ đánh đập như cơm bữa nhưng tôi không bao giờ dám có ý nghĩ sẽ bỏ nhà ra đi. Nhưng đến bây giờ, ước muốn được thoát khỏi những trận đòn roi tủi nhục đã giúp cho tôi can đảm thoát ra khỏi cuộc sống đen tối hiện tại để đi tìm cho mình một cuộc sống khác.
>> Mẹ! con muốn xin mẹ một lời giải thích (phần 1) 

Kính thưa các anh, các chị trong Ban Biên tập!

Dưới sự chỉ dẫn của bác H, tôi đã bí mật viết đơn xin nhập ngũ và đi khám tuyển sức khoẻ. Sau khi trúng tuyển, có giấy báo nhập ngũ rồi, tôi vẫn giấu kín không dám hé lộ cho bố mẹ biết chuyện.

Ngày cuối cùng ở nhà, tôi đắn đo mãi không biết có nên nói với bố mẹ không. Tôi sợ giấu bố mẹ ngày mai tôi đi, bố mẹ không còn nhìn thấy tôi nữa bố mẹ sẽ lo lắng hoảng hốt đi tìm, nghĩ đến điều đó thôi tôi đã thương bố mẹ đến chảy cả nước mắt, lòng tôi quặn thắt lại. Kỳ lạ, dù bố mẹ đánh đập hắt hủi như thế nhưng trong tôi chưa bao giờ hết khát khao tình cảm với bố mẹ. Tôi thèm khát được mẹ ôm vào lòng, thèm khát được bố xoa đầu như tụi bạn, thèm được nghe một lời âu yếm thân thương. Nghĩ đến việc ngày mai tôi sẽ xa bố mẹ, xa các anh chị em là tôi đã nước mắt ngắn dài, cứ thế trốn sau nhà và khóc. Đến tận chiều, tôi quyết định nói với bố mẹ việc ngày mai tôi vào bộ đội. Không ngờ, bố mẹ tôi đã nổi cơn điên lên và lao vào đánh tôi, trói tôi vào cột nhà mà đánh. Bố mẹ tôi bảo nếu tôi đi bố mẹ tôi sẽ giết chết tôi.

Đêm đó, như sau mọi lần bị đòn, tôi bị bỏ đói bên cột nhà bếp với những lằn roi bỏng rát và cuộn dây thừng bị trói. Đứa em gái út của tôi vì thương chị nên đã lén cởi trói cho tôi. Tôi cứ thế bước ra khỏi nhà, trốn đi trong đêm. Nhưng vì không biết đi đâu nên tôi lại về ngủ ngồi sau chuồng ngỗng đợi cho đến sáng.

Có lẽ trong cuộc đời, tôi không bao giờ quên được cái ngày tôi đi bộ đội. Chỉ một bộ quần áo mặc trên người, không hành lý, không một ai đưa tiễn. Tôi đi như trốn chạy giữa bao người đến đưa tiễn con, cháu, bạn bè gia đình của họ vào bộ đội, giữa những tiếng cười, tiếng khóc, lời chia tay bịn rịn xung quanh mình mà nước mắt cứ trào ra. Tôi nuốt nước mắt vào trong và chỉ mong sao giờ đưa tiễn hết thật nhanh để tôi có thể lẫn vào đám thanh niên trai tráng lên đường. Mọi chuyện rồi cũng qua, tôi may mắn vì vào đơn vị bộ đội được các cô chú thương quý, bảo ban tận tình. Tôi gần như lớn lên và trưởng thành trong quân ngũ.

Vì xinh đẹp, hát hay nên tôi được tuyển vào đoàn văn công của quân đội và đi biểu diễn trong các đơn vị bộ đội. Đơn vị tôi đóng quân tại Bắc Ninh. Mỗi lần được nghỉ phép, tôi rất sợ phải trở về nhà mặc dù trong lòng tôi không nguôi nhớ gia đình và bố mẹ. Nhưng mỗi lần về nhà, thay vì sự chào đón ân cần của bố mẹ là những trận chửi rủa, những ánh mắt ghẻ lạnh. Về nhà, tôi chỉ mong cho hết đợt phép để trở về đơn vị.

Hạnh phúc riêng tư đến với tôi sau khi nhập ngũ hai năm. Tôi đã được một người đàn ông quê ở Huế đem lòng yêu thương. Chính anh ấy đã dạy cho tôi mọi thứ để có thể trở thành một người con gái hoàn thiện. Tôi yêu anh bằng tình yêu của một người con gái mới lớn, và nhận được từ anh tình cảm có khi là của người anh trai, có khi là sự độ lượng bao dung của người cha, và sự say đắm, mãnh liệt đầy yêu thương của một người tình. Anh đã đến và bù đắp cho cuộc đời thiếu may mắn của tôi một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Rồi cũng đến lúc phải đưa anh về nhà để giới thiệu với bố mẹ và xin phép bố mẹ cho hai đứa được thành vợ thành chồng.

Tôi không dám nói với anh chuyện bố mẹ luôn có ác cảm với tôi, nhưng bằng sự nhạy cảm của một người đàn ông từng trải, anh đã động viên tôi và chia sẻ với tôi tất cả. Anh bảo với tôi: "Em phải đưa anh về nhà em để xin phép bố mẹ cho anh tìm hiểu em. Dù bố mẹ có thế nào, anh vẫn yêu em và luôn ở bên cạnh em mãi mãi".

Đúng như tôi dự đoán, cái hôm mà hai chúng tôi vượt mấy trăm cây số để về thăm nhà, bố mẹ tôi thấy tôi dẫn một người đàn ông vào nhà là ông bà không một lời xã giao, cứ thế chửi rủa tôi và vác gậy đuổi hai chúng tôi đi luôn trong đêm. Hôm ấy trời mưa, tôi nước mắt chan mưa, còn anh thì ôm lấy tôi động viên an ủi. Chúng tôi dìu nhau đến lánh ở nhà dì ruột của tôi đêm ấy. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi trở về đơn vị. Trước khi đi, tôi  đứng trên quả đồi nhìn về phía nhà mình trong một nỗi xót xa. Nước mắt lại chảy đầm đìa, tôi nhận ra rằng nơi đó là máu thịt của mình rồi, dù bị đối xử thế nào, lòng tôi vẫn hướng về đó da diết một nỗi không hiểu tại sao bố mẹ tôi lại hắt hủi tôi.

Những lần phép sau đó, anh vẫn tiếp tục động viên tôi về nhà để thuyết phục bố mẹ. Anh nói: "Lần này về, dù bố mẹ có đuổi, chúng mình cũng đừng đi đâu cả nhé. Hãy thuyết phục bố mẹ dần dần em ạ". Chúng tôi trở về nhà và bố mẹ tôi có đánh chửi thế nào hai đứa vẫn cắn răng chịu đựng không chạy trốn nữa. Bố tôi lạnh lùng tuyên bố dứt khoát: "Tôi không bao giờ gả con gái tôi cho anh. Anh đừng mất công về đây làm gì".

Vẫn biết bố mẹ không đồng ý nhưng tình yêu của chúng tôi đã đến độ chín muồi, anh cầu hôn tôi và tôi đã đồng ý. Chúng tôi lén về quê tôi đăng ký kết hôn trước khi anh đi công tác biệt phái ở nước ngoài. Ngày đó, bố mẹ anh ở xa, bố mẹ tôi thì kịch liệt ngăn cản, khi đi đăng ký kết hôn, bố mẹ tôi lên tận ủy ban phường để ngăn cấm. Cũng may chúng tôi đều là bộ đội, nên cán bộ phường họ đều ủng hộ cho phép chúng tôi đăng ký. Đăng ký xong, anh đưa tôi về báo cáo tổ chức, và điện cho gia đình ở Huế ra gặp gỡ gia đình bố mẹ tôi để xin phép ăn hỏi và tổ chức đám cưới. Anh trai của anh đã bán một cặp trâu để đánh đường lên nhà tôi lo việc cho vợ chồng tôi. Không ngờ lên đến nơi, bố mẹ tôi đuổi thẳng cổ, vậy là đám cưới của chúng tôi không thể tiến hành.

Sau khi đăng ký xong, anh xin cho tôi ra quân, và xin cho tôi đi học một lớp kế toán để xin vào một đơn vị hành chính sự nghiệp ở Bắc Ninh. Anh lo cho tôi xong xuôi ổn định chỗ làm việc cũng là lúc anh báo tin cho tôi sắp tới anh phải đi công tác biệt phái ở nước ngoài 5 năm. Lúc này tôi đã mang thai đến tháng thứ 7, bụng đã to vượt mặt. Anh dắt tôi về nhà bố mẹ tôi, gửi gắm cho bố mẹ chăm sóc tôi những tháng sinh nở để anh yên lòng đi công tác. Anh đã quỳ xuống trước bố mẹ tôi chắp tay nói với bố mẹ: "Xin bố mẹ hãy thương lấy O và giọt máu của con cô ấy đang mang trong bụng. Vì yêu cầu công tác, con phải đi xa trong thời gian dài, con xin bố mẹ hãy cưu mang hai mẹ con, chăm sóc hai mẹ con sinh nở mẹ tròn con vuông".

Bố tôi lúc ấy đã nói với anh rằng: "Mày làm hại đời con gái tao rồi bây giờ mày trở mặt phải không. Mày cút đi, và đừng bao giờ quay trở lại đây nữa". Ngày tôi tiễn anh ra nước ngoài, anh trao cho tôi một bức thư 10 trang dày đặc, bảo tôi khi nào anh lên xe rồi em về nhà hãy đọc. Tôi về mở bức thư ra, thư anh viết dặn dò tôi tỉ mỹ từng tí một về công việc ở cơ quan, về quan hệ với đồng nghiệp, về chuyện chăm sóc con cái đến ngày sinh nở, về việc đối nhân xử thế với cha mẹ. Anh đặc biệt nhắc tôi, dù bố mẹ có thế nào thì vẫn là bố mẹ của mình, em phải yêu thương bố mẹ và tuyệt đối kính trọng. Cuối bức thư anh còn ghi tên của bố mẹ đẻ anh, và các anh chị em trong gia đình anh ở Huế. Anh dặn tôi, nếu có khó khăn gì thì viết thư báo tin ngay cho gia đình anh ở địa chỉ này, mọi người sẽ lo cho tôi. Trong thư, anh còn kẹp một tờ 10 ngàn đồng, số tiền anh vay mượn của bạn bè để lo cho tôi khi sinh nở mà anh không có nhà.

Tôi đọc thư anh mà khóc như mưa gió vì thương anh, vì hạnh phúc. Anh ra đi, tôi chẳng có tiền đưa cho anh lo lộ phí đường xa, ở nhà tôi còn có bố mẹ, có gia đình, có cơ quan và có công việc, còn anh, đi xa xứ, một thân một mình, sa sảy biết trông cậy vào ai. Sau này, trong những năm tháng xa anh, những lúc buồn nhất, lúc mỏi mệt và đau đớn nhất, tôi đều lấy thư anh ra đọc để vợi đi mọi nỗi nhọc nhằn, để vui sống và chờ anh trong tình yêu của một người vợ dành cho chồng.

Anh đi rồi, tôi ở nhà với bố mẹ đẻ một tuần. Bố mẹ tôi thôi không chửi rủa nữa nhưng vẫn không ngớt lời đay nghiến tôi rằng tôi đã bị lừa đảo, mấy thằng bộ đội dưới xuôi lên có mấy ai tử tế đâu, biết đâu nó có vợ con ở quê rồi. Tôi im lặng không dám cãi lời bố mẹ. Tôi nhớ mãi ngày hôm sau, mẹ tôi rủ tôi đi nương. Vì muốn lấy lòng mẹ, và khát khao tình cảm của mẹ mà tôi đồng ý vác cái bụng chửa vượt mặt đi nương cùng mẹ. Hai mẹ con đi bộ chục cây số leo núi, lên nương trỉa bắp. Hôm đó trời nắng chang chang, vì làm việc giữa nắng to nên tôi bị choáng, ngã lăn xuống và cứ thế lăn lông lốc theo sườn núi. Không biết có phải vì trời phật phù hộ không mà tôi lăn được 3 vòng thì mắc vào một bụi cây duối rất to và bụi cây đã giữ tôi lại.

Tôi choáng đi mấy giây rồi mới tỉnh lại được. Từ trên cao, mẹ tôi nhìn tôi chằm chằm và buông một câu: "Dậy đi". Tôi không sao quên được cảm giác của tôi lúc đó và câu nói lạnh tanh cùng ánh mắt vô cảm của mẹ trước tai nạn suýt nữa thì bỏ mạng cả hai mẹ con tôi. Nước mắt ứa ra, tôi không dám khóc, sợ lại bị mẹ mắng. Đến trưa, khi ra về, mẹ tôi bảo tôi vác một khúc gỗ to và nặng, còn mẹ tôi gánh hai bó củi về nhà. Tôi sợ mẹ giận, vì phải mất bao nhiêu thời gian tôi mới gần gũi được với mẹ, điều đó đối với tôi là hạnh phúc khó khăn và vô giá nên mẹ bảo gì tôi đều muốn làm vui lòng mẹ. Đi dọc đường gặp người quen, mọi người hỏi mẹ tôi: "Con dâu hay con gái chửa to rồi mà bắt nó vác nặng thế". Mẹ tôi trả lời: "Con gái đấy". Còn tôi đi sau, nước mắt chỉ chực ứa ra.

Sau lần đi nương ấy, tôi ốm mất một tuần. Ơn trời, đứa con trong bụng tôi vì thương mẹ hay sao mà nằm ngoan trong bụng mẹ, không quấy quả. Từ đó trở đi, tôi vẫn thường nói với đứa con trong bụng tôi một điều tâm niệm: "Mẹ biết ơn con rất nhiều, từ khi mang thai con, mẹ đã biết rằng mọi đau khổ tủi cực rồi sẽ qua, con sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc cho mẹ". 

Lời BBT

Quý độc giả thân mến! Sau khi phần 1 của câu chuyện khó tin nhưng có thật của chị O đăng tải, chúng tôi nhận được rất nhiều những sự sẻ chia của độc giả với chị O. Nhưng rất ngạc nhiên là chúng tôi đồng thời một lúc nhận được 3 cú điện thoại của 3 người xưng là tên O, một ở Nghệ An, một ở Hà Giang, và một ở Sài Gòn khăng khăng khẳng định đó là câu chuyện của họ. Đặc biệt, chị DKO ở QL- NA nói rằng, chị không hề liên quan gì đến câu chuyện đã đăng ở kỳ trước nhưng thật oái oăm, do trùng các ký tự tên riêng, trùng quê quán nên đã có rất nhiều người gọi điện thoại cho chị O khẳng định rằng đó là câu chuyện của chị và gây xáo trộn, phiền nhiễu tới cuộc sống riêng đang rất hạnh phúc từ trước đến nay của chị.

Để tránh hiểu lầm cho bạn đọc và chị O, chúng tôi xin được nói rõ chị O trong câu chuyện trên hiện đang định cư tại Canada cùng với chồng. Chồng chị O là một tuỳ viên Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, nay đã nghỉ hưu và sống ở Canada. Vừa qua, con gái đầu lòng của chị O có về nước chơi thăm gia đình ông bà, cô chú và đi du lịch. Con gái chị O đã về QL nơi có gia đình ân nhân là mẹ nuôi của chị O trong những ngày tháng bôn ba ở xứ người và từ đây cháu đã gọi điện thoại hẹn gặp BBT.

Nhân dịp về nước lần này, chị O đã gửi gắm cho con gái của mình câu chuyện cuộc đời của chị và chính con gái chị O đã thay mặt mẹ, trong vai mẹ để kể lại những ký ức  tuổi thơ của mẹ nhằm chia sẻ với bạn đọc. Quý độc giả hãy đọc chuyên mục này như là một sự mở rộng tấm lòng nhân ái để sẻ chia với những ký ức cuộc đời, những số phận không may mắn để vơi bớt nỗi muộn phiền trong cuộc sống riêng của họ. Không nên đi sâu tìm hiểu ai là tác giả đích thực làm gì bởi bản thân người trong cuộc vì những lý do tế nhị riêng tư, họ có quyền đổi tên, địa chỉ để giấu kín nhân thân nhưng vô tình sự đổi tên địa chỉ của họ rất có thể lại trùng với tên và địa chỉ của một ai đó bất kỳ như trong trường hợp của chị DKO.

Qua đây chúng tôi thành thật mong  chị DKO ở QL-NA hãy thông cảm cho sự cố hy hữu ngoài ý muốn này

.
.