Câu chuyện thứ 113

Con phải làm gì đây má ơi!

Thứ Hai, 25/01/2010, 10:30
Lúc đầu nghe những lời bàn tán rì rầm ấy, em đã rất thắc mắc. Em đã hỏi trực tiếp ba: "Ba ơi, con có phải là con nuôi của ba và má không?". Ba ôm em vào lòng thật chặt và mắng em: "Con nghe bậy nghe bạ ở đâu thế". Em hỏi: "Tại sao bạn bè và mọi người nói, cả má cũng nói vậy". Ba nói: "Tính má thường ba hoa vậy đó chứ không phải đâu". Kể từ đó, trong lòng em có một nỗi suy tư...

Q.N, ngày 22/10/2009!

Kính thưa các anh chị trong Ban Biên tập.

Em đã dằn vặt và suy nghĩ rất nhiều khi cầm bút viết lên những dòng chữ này gửi tới các anh các chị. Em tên là P, hiện sống ở thành phố nổi tiếng về môn võ cổ truyền của miền Trung. Em là một người làm nội trợ, ngoài thời gian cơm nước và đưa đón con đi học, lúc rảnh em hay đọc tất cả các loại sách báo nhưng em thích nhất mục "Chuyện khó tin nhưng có thật". Đọc những câu chuyện như vậy, em nghĩ trên đời này làm gì có chuyện như thế được. Nhưng các anh chị ơi, ở đời ai học được chữ ngờ, khi chính em vừa biết được sự thật bàng hoàng của đời em. Một sự thật em đã không bao giờ nghĩ rằng có thể có, và lại xảy ra với chính cuộc đời em.

Suốt hai tháng nay, ngày nào em cũng viết thư cho các anh chị, viết rồi lại xé đi không biết bao nhiêu lần. Nhưng sau cùng, vì những bức bách đau đớn trong tình cảm, em đã dũng cảm gửi bức thư này đi với mong mỏi, qua bài báo này, má em, mẹ em, các dì của em sẽ đọc được nỗi lòng em, hiểu cho tình cảnh của em mà thương em hơn, xót xa cho tất cả mỗi người trong cuộc hơn để có thể xích lại gần nhau hơn. Được như thế thì em mới hết đau khổ, mọi người mới đỡ đau khổ, và hạnh phúc lại trở về trong gia đình của em được.

Em là người con độc nhất của ba má em. Ba em tên V, sinh ra và lớn lên ở thôn T.L, xã N.A, huyện A.N, tỉnh B.Đ. Từ nhỏ, ba đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cuộc đời rất khổ cực. Năm 1949 đến 1955, ba đi bộ đội, bị thương rồi tập kết ra Bắc làm y tá, rồi y sĩ phục vụ bảo vệ sức khỏe cán bộ công nhân viên ở Sở Công an H.P. Năm 1979, ba chuyển công tác về một trạm y tế của TP Q.N, tỉnh B.Đ cho đến ngày nghỉ hưu. Má em tên là L, ông ngoại của em là liệt sĩ, để lại cho bà ngoại hai người con gái là má L và dì C. Bà ngoại đi thêm bước nữa và có hai người con gái tên là dì M và dì T. Má em quê ở thôn X.C, xã N.T, huyện V.Y, tỉnh H.H.

Ba má em yêu nhau rồi cưới nhau, năm 1973 em ra đời tại Bệnh viện T.N, H.P. Khi em được khoảng 5 - 6 tuổi thì ba má chuyển vào Q.N sinh sống. Khi vô đây ba em làm tại Trạm Y tế, còn má làm công nhân Công ty Dược. Em là con độc nhất của ba má nên được hưởng tình yêu thương, sự chiều chuộng đặc biệt của cả ba và má. Ngày ngày em vô tư cắp sách đến trường mà không phải lo nghĩ gì. Ba em là một người đàn ông sống hướng nội, hiền lành ít nói, yêu vợ thương con. Trong suốt tuổi ấu thơ, và cả sau này khi đã trở thành thiếu nữ, ba là mẫu người đàn ông để em ao ước sau này chồng em cũng được như ba. Còn má em cũng là một người phụ nữ tuyệt vời. Má sống hướng ngoại, vui vẻ và hiếu khách, đông bạn bè. Đối với chồng con, má lo lắng chu toàn, không bao giờ để chồng con thua kém ai. Nếu còn một đồng cuối cùng má vẫn bỏ ra tiêu, ngày mai rồi tính không cần suy nghĩ nhiều, miễn là làm cho chồng con được vui vẻ, đầy đủ. Chỉ có điều vì má sống hướng ngoại nên má hay đi công tác, hay vắng nhà và ham vui với bạn bè nên nhiều khi ở nhà chỉ có hai ba con lủi thủi chăm nhau.

Bạn bè em, nhiều người thèm muốn được như em vì họ thấy em là con một, được ba đưa đón, sống trong sự yêu thương của ba má, còn gì bằng. Ngoài thời gian đi làm, ba chăm sóc lo lắng cho em từ miếng ăn, giấc ngủ, dạy dỗ em từng ly từng tý. Em gần gũi ba nên mọi tính nết, cử chỉ của em giống ba y đúc.

Thế rồi, cuối năm lớp 10 có một tai nạn đã xảy ra với em khiến cho em không thể đủ điều kiện để cắp sách đến trường tiếp tục theo học được nữa. Em buồn lắm, lúc đó, em không biết nghĩ gì cho việc học hành dở dang của em cả mà em chỉ buồn vì thấy ba em buồn, bởi trong thâm tâm ba lúc nào ba cũng mong muốn em học đến nơi đến chốn để nối nghiệp ba nhưng em đã không làm được. Cũng chính thời gian nghỉ học rồi, em mới thấy mọi người trong họ hàng, gia đình mỗi lần gặp mặt nhau trong dịp tết nhất, cưới hỏi, giỗ chạp xầm xì nói: "Em là con nuôi", rằng má em trước đó cũng sinh được một người con trai to lớn, đẹp đẽ nhưng bệnh nên không nuôi được.

Lúc đầu nghe những lời bàn tán rì rầm ấy, em đã rất thắc mắc. Em đã hỏi trực tiếp ba: "Ba ơi, con có phải là con nuôi của ba và má không?". Ba ôm em vào lòng thật chặt và mắng em: "Con nghe bậy nghe bạ ở đâu thế". Em hỏi: "Tại sao bạn bè và mọi người nói, cả má cũng nói vậy". Ba nói: "Tính má thường ba hoa vậy đó chứ không phải đâu". Kể từ đó, trong lòng em có một nỗi suy tư. Nhưng lúc đó em mới 15, 16 tuổi, cái tuổi vô lo, hay quên và còn trẻ con lắm nên em đã có một lần làm ba buồn mà em ân hận mãi cho đến tận bây giờ. Một hôm lâu lắm rồi em không nhớ mình đã phạm lỗi gì, ba bắt nằm xuống và đánh bằng chiếc đũa con. Thường thì ba thương em lắm, khi nào em mắc lỗi, lỗi nặng tới cỡ mấy ba cũng chỉ bắt phạt quỳ và xin lỗi ba chứ ba chưa bao giờ đánh em. Nay bỗng dưng ba đánh em mấy roi, em thấy đau không chịu nổi, quay lại nói hờn với ba cho bõ tức: "Ông không phải là cha tôi". Thế là ba bỏ đũa không nói tiếng nào nữa và buồn mấy ngày liền. Mấy ngày đó, mắt ba lúc nào cũng có nước như sắp khóc. Em ân hận lắm, vừa thương ba, vừa giận mình sao trẻ con quá đáng, dám hỗn với ba, để cho ba đau lòng.

Thế rồi có một hôm, một người đàn ông lớn tuổi ở Đà Nẵng vào chơi, hôm đó má em vắng nhà, xin phép ba cho gặp riêng em để nói chuyện, qua vài câu xã giao, cuối cùng ông nói em là con của ông ta với má em khi còn ở ngoài Bắc. Em sững sờ, không thể tin nổi điều mình vừa nghe. Lại thêm một bí ẩn nữa liên quan đến cuộc đời em chăng. Em đã rất sốc và buồn, chỉ mong ngóng ba đi làm về để hỏi ba ngay cho rõ. Khi ba về, em đã kể hết cho ba nghe chuyện người đàn ông lớn tuổi ở Đà Nẵng nói với em chuyện em chính là con đẻ của ông ta. Đấy là lần đầu tiên em thấy ba nổi giận thực sự. Tính ba cả đời lành hiền, ít nói, thế mà hôm đấy, mặt ba đỏ phừng, ba quát lên: "Ông ta nói láo, ông ta đã gieo vào đầu con những điều không đúng sự thật. Từ nay, ba cấm cửa ông ta và không bao giờ cho phép ông ta tới nhà nữa".

Ba nói xong như vậy, em chạy lại ôm ba và oà khóc nức nở: "Ba ơi, ba đừng bỏ con nhé, con chỉ muốn làm con của ba thôi, con sợ những gì người khác nói lắm". Khi em ngẩng lên thấy hai hàng nước mắt của ba cũng vừa lăn xuống. Ba siết chặt em vào lòng và bảo: "Từ nay ba không cho phép ai làm con gái ba buồn nữa".

Lần đó, em tin tưởng vào sự giải thích của ba và càng yêu ba hơn, không bao giờ để ý đến lời xầm xì của mọi người nữa hoặc thắc mắc vì sao ba má lại sinh có một mình em, hay em là con riêng của ba hoặc má. Cũng sau sự kiện đó, ba càng hay gần gũi em hơn, tâm sự với em và kể cho em lần lượt những câu chuyện ngày xửa ngày xưa liên quan đến em. Ba kể: "Khi sinh ra em rất xinh nhưng chỉ tội rất nhỏ, lại hay đau ốm, có một lần em bị đau nặng ba má nghĩ em sẽ chết nên mang theo hết quần áo để lo cho em, thế mà bác sĩ vừa tiêm xong tự nhiên em tỉnh táo và đòi về nhà, từ đó hết đau. Ba nói khi nhỏ em rất khó nuôi, đêm ba phải dậy mấy lần để pha sữa chứ đâu có bình ủ sữa như bây giờ, nhiều lúc phải pha thêm nước cơm để đút cho em thêm cứng cáp. Các dì rất thương em vì cả nhà mới có một mình em là cháu, dì nào chọc cháu khóc thì chết với bà ngoại hoặc ba em.

Em sống trong tình yêu thương đùm bọc của cả gia đình nhà ngoại. Ngày đó em thương nhất dì T (dì út), mọi việc đều đòi đến dì, thậm chí đang ngủ em đòi đi cầu, dì cũng phải dậy dẫn đi ra phà B-K.A. Ngày gia đình em vào Nam, các dì rất buồn, ai cũng nhớ thương ba má em, và đặc biệt là em, cháu yêu của các dì. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ba em bị vết thương ở mông bên trái ảnh hưởng xương khớp. Ngày xưa má em rất đẹp gái, nhiều người theo đuổi nhưng bà ngoại thương ba, chỉ muốn gả cho ba thôi. Khi ở ngoài Bắc đã một lần má lên tàu để vượt biên đi nước ngoài, nhưng không thành, ba nói hồi đó ba má còn nghèo, má muốn nếu đi trót lọt sẽ đổi đời rồi sẽ đón ba con em sang. Ngày đó ba em nhờ bác T.T (anh nuôi ba) chứ không má đã bị liên lụy đến pháp luật. Ba muốn kể cho em biết nguồn gốc, nơi sinh ra em để chứng minh cho em biết em không phải là con nuôi, đừng tin vào những người lạ. Má nói con là con nuôi của ba là vì giận ba đó, con biết tính má rồi nghe làm chi.

Năm 1993, ba em bị tai biến liệt nửa người và cũng cuối năm đó em làm đám cưới. Chồng em mở cửa hàng, chúng em lấy nhau vì tình yêu, và quan trọng là em luôn nhìn thấy hình ảnh tuyệt vời của ba ở trong anh ấy. Thế nhưng cũng có sự ngăn cản nhỏ của hai gia đình: Ba em thương anh vì anh có những điểm giống ba, nhưng ba không đồng ý vì cha anh đi lính ngụy (do các bác em, anh của ba đều là sĩ quan trong quân đội), với lại nhà anh đông con, 9 người, anh là thứ 7), ba sợ rằng gánh nặng gia đình sẽ đè nặng lên vai của anh và cả của em nữa, thì sau này em sẽ khổ. Nhưng má lại là người tân tiến, má phân tích cho ba và thuyết phục ba cởi bỏ những quan niệm cũ, cho phép chúng em thành vợ thành chồng. Cuộc sống vợ chồng của chúng em hạnh phúc vì cả em và chồng em đều yêu thương nhau.

Chúng em có 2 cháu một trai một gái, cháu lớn nhà em đã học lớp 10, cháu bé học lớp 2. Tất nhiên vợ chồng trẻ, trong cuộc sống của em có những lúc sóng gió thì má đều đứng ra giải quyết ổn thỏa. Còn ba em thì khỏi phải nói, ông vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện khi thấy em có chồng tốt và các cháu khôn lớn. Ngày ba bị tai biến, ba chỉ sợ chết khi chưa thấy em lên xe hoa về nhà chồng. Thật may mắn và hạnh phúc cho em bởi sau 11 năm bị liệt, ba mới mất. Ba mất năm 2004.

Các anh chị ạ! Năm đầu tiên khi ba mới mất, thực sự đó là cú sốc tinh thần lớn nhất của em. Em thấy hụt hẫng ghê gớm khi mất đi một chỗ dựa tinh thần. Tại vì mọi chuyện từ lớn đến bé, vui buồn em đã quen chia sẻ với ba. Có bất cứ chuyện gì cũng đều chờ ba về kể cho ba nghe. Cho dù em đã có chồng, đã ở riêng nhưng ngày nào em cũng về thăm ba má, thỉnh thoảng phụ giúp má chăm lo cho ba, trò chuyện cùng với ba cho ba đỡ buồn. Trước ngày ba bị bệnh nặng, tình hình có xấu đi, em muốn xin phép ba má về ở lo cho ba, nhưng má không cho, má sợ em vất vả. Vì ba ốm lâu quá, tới 11 năm nên cuộc sống của má em cũng có chút ít thay đổi. Sợ ba buồn, thực tâm, nhiều lúc em muốn đón ba về ở với vợ chồng em để tiện bề em chăm sóc ba và thực hiện bổn phận của một người con có hiếu. Nhưng cả ba và má đều không chịu. Má nói, để má lo cho ba theo đạo hiếu của người vợ, em đã có gia đình riêng rồi, má không muốn làm phiền tới cuộc sống của em. --PageBreak--

Sau khi ba mất, em sống chống chếnh mất một thời gian dài. Em nhớ ba, có khi em đi quãng đường 15 cây số để lên ngồi cạnh mộ ba cho đỡ nhớ ba rồi về. Mọi vết thương sâu đều nhờ thời gian chữa lành. Thương ba, nhớ ba nhưng rồi em cũng quen dần cuộc sống không có ba bên cạnh. Còn lại mình má, bây giờ em càng thấy thương và lo cho má nhiều hơn. Bao nhiêu tình cảm ruột thịt còn lại giờ đều dồn cho má hết.

Ngày mãn tang ba đã đến (3 năm sau khi ba mất), má nói chuyện với vợ chồng em ý định đi bước nữa. Lúc này má cũng đã ngoài 60 rồi. Em rất hiểu má cô đơn. Tuổi già, khi con gái đã đi lấy chồng, có gia đình riêng rồi thì con cái không thể chia sẻ hết nỗi cô đơn của má. Việc má muốn đi bước nữa là nhu cầu tự nhiên, em không thể và càng không nên ngăn cản. Em chỉ hơi lo, người đó có tốt với má không? Má em đã khổ với ba em bệnh nặng kéo dài chục năm trời. Nhất là từ ngày vợ chồng em ra ở riêng rồi, một tay má phải lo toan cho ba. Nay người mới của má cũng lớn tuổi, nếu trời thương không sao, còn đau ốm thì má sẽ khổ nữa. Nhưng má gạt đi. Má nói: "Má đã xác định rồi, chẳng qua nói để vợ chồng em biết thôi". Em biết, có ngăn cản má cũng không được, tốt hơn hết để má đi bước nữa cho má vui lúc tuổi già, má còn có chỗ dựa tinh thần sớm tối, "con nuôi cha không bằng bà nuôi ông". Các dì em thì phản đối quyết liệt và không muốn các dượng (chồng dì) biết việc má đi bước nữa, nhưng mọi sự đã an bài.

Má đi bước nữa và về nhà chồng ở. Vợ chồng em dọn về nhà của ba má ở để nhang khói cho ba. Trong một lần dọn dẹp giấy tờ trong tủ, em phát hiện 1 tờ giấy cam đoan. Em tò mò giở ra xem và òa khóc khi sự thật đã chôn giấu bấy lâu, em hoàn toàn quên đi trong ký ức tuổi thơ mà không một nghi ngờ phân vân gì giờ đây ập về rõ ràng  như một quả bom tấn giội xuống cuộc sống đang bình yên và hạnh phúc của em. Đây chính là tờ giấy cam đoan của một người phụ nữ trẻ cho đi đứa con của mình để ba má em nhận nuôi, đứa trẻ ấy chính là em. Còn một tờ giấy khai sinh của em có ghi tên của mẹ ruột là T.T.B và chữ ký của cậu (anh mẹ) địa chỉ 11B P.B.C - H.P.

Em choáng váng, đầu óc quay cuồng, tất cả như sụp đổ dưới chân em. Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng dồn dập trong đầu em. Tại sao mẹ ruột em lại cho em đi? Tại sao ba má nuôi không nói gì với em mà thương yêu em như con đẻ. Mẹ ruột em bây giờ ở đâu, còn sống hay đã chết. Bố ruột em giờ nơi nào? Sao bố mẹ lại mang nặng đẻ đau ra em mà không nuôi em lại phải cho đi? Em đã khóc rất nhiều và tâm sự với chồng những bí mật khủng khiếp nhất mà em vừa được biết. Chồng em thương em lắm, anh đã bên cạnh em lúc tinh thần em suy sụp, hoảng loạn nhất và sẵn sàng giúp em tìm lại được cội nguồn.

Em gọi điện hỏi tổng đài xin số điện thoại đồn Công an gần khu vực mẹ em ở ngày xưa ở H.P. Em đã gọi đến đồn (em quên mất tên đồn Công an vì lúc đó bối rối quá, em không kịp nhớ) xin gặp trưởng đồn và nói hết sự thật và nhờ giúp đỡ, khi nào có kết quả rõ ràng thì em sẽ ra. Nhưng em đã không may khi anh trực ban tên Trường nói thủ trưởng đi vắng, có gì em cứ trình bày. Qua điện thoại, em có nói: "Ba em thất lạc người nhà muốn nhờ anh giúp". Anh đó trả lời: "Chị muốn tìm người thì phải có giấy giới thiệu chứ tôi không biết chị là ai, muốn tìm có mục đích gì tốt hay xấu làm sao trả lời được".

Em không nói tên vì em biết dì em có người quen làm Công an chợ Tam Bạc, do một lần ra Bắc trước đó dì có chở em đi và em đã gặp chú ấy, em không biết đường ở ngoài đó nên rất sợ cơ quan của chú thì chết. Em không trách anh trực ban đó vì em đã không nói rõ lý do thì làm sao anh trực ban giúp em tìm mẹ em được. Em chỉ thấy càng buồn và suy sụp hơn. Em tâm sự với chồng, em nói rõ lý do muốn anh sắp xếp công việc để đi ra Bắc với em. Thỉnh thoảng các dì vẫn vô chơi khi ba em còn sống, các dì nói nên ra Bắc vào dịp hè chứ Tết ở ngoài đó lạnh lắm. Các dì hay trách chồng em làm rể đã mười mấy năm mà chưa một lần về quê vợ để biết mồ mả ông bà, bà con nội ngoại. Thế là vợ chồng em quyết định sẽ lên tàu vào ngày 25 âm lịch Tết Kỷ Sửu 2009 và ở lại đến mùng 7 sẽ về.

Các anh chị ạ! Khi biết sự thật em buồn lắm, lên tàu em mang một tâm trạng buồn khó tả, chồng em khuyên em nên ra hỏi chú chồng dì (ở trong em gọi là dượng) xem sao. Trong thâm tâm em chỉ muốn đi tìm cho biết mẹ em còn sống hay đã chết? Em rất lo sợ không biết mẹ có nhận em là con hay không? Vì có thể mẹ đã có gia đình rồi? Mẹ có nói chuyện này với chồng không? Nhỡ sự xuất hiện của em khơi lại một quá khứ đau buồn mà mẹ đã cố tình chôn giấu thì việc em tìm đến mẹ sẽ làm xáo trộn cuộc sống riêng của mẹ, không chừng lại gây nguy hại cho mẹ nữa. Liệu các con của mẹ có chấp nhận có một người chị ruột từ trên trời rơi xuống không? Còn bao nhiêu hệ lụy khác nữa. Tại sao mẹ phải cho em khi em mới có 21 ngày tuổi? Tại sao ba má lại chỉ có một mình em là người con duy nhất.

Nhiều câu hỏi theo em suốt đoạn đường. Em không muốn làm xáo trộn cuộc sống của mẹ vì mọi chuyện đã rồi. Còn đối với má em và mấy dì nữa sẽ sao đây khi biết em đường đột đi tìm mẹ đẻ. Các dì đã yêu thương em như thế, coi em là khúc ruột của dòng họ rồi, và lúc nào các dì cũng khẳng định em không phải là con nuôi của ba má như thiên hạ ác mồm ác miệng đồn thổi mà là con đẻ của ba má. Tình yêu thương sâu sắc và có chút ích kỷ dễ hiểu của các dì đã làm cho em cảm thấy áp lực nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn. Em không muốn các dì phải buồn và thất vọng vì em.--PageBreak--

Ngày thứ hai ra đến nơi, vợ chồng em và các cháu mong ngóng đi tìm hiểu sự thật. Khi gia đình em tìm đến đúng số nhà hồi xưa như ở trong giấy cam đoan, thì ngôi nhà ấy giờ đã của một chủ khác. Ông chủ mới chỉ chúng em đến 1 hàng nước, qua hỏi thăm thì ông ta chỉ cho em một người ở đây đã lâu hình như làm bốc vác hay chạy xe gì đó biết cậu em (tức là anh mẹ, ở trong em kêu bằng cậu). Khi em đến, em chỉ giới thiệu em là bạn của P, con ruột của mẹ B, bị mẹ B cho đi lúc 21 ngày tuổi. P nhờ em ra tìm mẹ giúp và muốn hỏi vì sao cô đó lại không nuôi con mà cho con ruột mình đi. Ông ấy đã kể lại cho vợ chồng em biết vắn tắt câu chuyện thế này: "Vì ngày xưa mẹ đã lỡ yêu một anh đóng giày đã có gia đình và có thai, ngày trước có thai là làm xấu hổ đối với dòng họ, gia đình. Vì mẹ còn quá trẻ, không chịu nổi áp lực của gia đình, dòng họ, khi sinh ra mẹ đã cho con đi. Ông nói gia đình bên ba má em không biết ông, ông không biết tên của má và các dì em, chỉ biết ở K.A- H.P, như thế thôi chứ không biết chính xác. Ông nghe nói ba má nhận nuôi em giờ đã vào Sài Gòn sinh sống (đã mấy lần má em ra Bắc và có một lần ghé thăm nói em đẹp gái lắm và đã đi làm người mẫu rồi).

Thật ra má em nói vậy để đánh lạc hướng, và muốn giấu kín tung tích của em. Em biết má và các dì làm vậy cũng là vì yêu thương em như con ruột và không muốn mất em, không muốn đào xới lên chuyện cũ, mà để cho số phận an bài.

Sau đó chính người đàn ông biết rõ chuyện xưa của mẹ đẻ em đã đưa em đến gặp mẹ. Mẹ em già hơn tuổi thực rất nhiều, gương mặt bà khắc khổ, buồn bã. Lúc hai mẹ con gặp nhau, mới chỉ nghe em nói sơ về chuyện em đi tìm mẹ cho người bạn gái thân, bà đã vỡ oà nước mắt. Bà khóc nhiều lắm khi cầm tờ giấy khai sinh và giấy cam đoan cho con ngày xưa của mình cho dù bà chưa kịp mở ra xem trong đó viết gì, có phải là chữ của bà không. Dường như linh cảm của người phụ nữ, người mẹ luôn mách bảo cho bà biết thế nào cũng có cái ngày như ngày hôm nay, và bà đã bình thản để đợi nó đến từ lâu lắm rồi.

Em chưa bình tĩnh được nên nói dối mẹ em chỉ là bạn của P, và em thay P đi tìm mẹ cho cô ấy. Em vô cùng ngạc nhiên và đau lòng hơn vì trước khi ra thăm mẹ, em cứ nghĩ mẹ có một gia đình êm ấm và đã hoàn toàn quên mất đứa con sinh ra không mong muốn là em. Nhưng đến nơi, thấy mẹ vẫn ở vậy không có chồng, không có con và ăn chay trường, thời gian sống ở chùa nhiều hơn, em đã khóc nhiều lắm. Mẹ em sống cô đơn tội nghiệp trong một gian phòng riêng của cậu em (là anh trai mẹ) nhường cho trong căn nhà chung của cậu. Nhưng gian phòng này mẹ đã cho thuê để lấy tiền sinh sống và đã đi lên chùa. Em cũng không ngờ cuộc đời của mẹ em lại cô đơn, không gia đình riêng và buồn đến vậy. Khi gặp em, mẹ chỉ biết khóc, em càng thương mẹ nhiều hơn, càng hiểu những gì sóng gió mẹ đã phải trải qua kể từ ngày mẹ sinh ra em.

Mẹ không biết em là con ruột của mẹ nên mẹ đã hỏi thăm về P nhiều lắm vì cứ tưởng em là bạn của P. Chồng em chứng kiến sự việc, thấy thương mẹ ruột em quá đã không nỡ giấu thêm nữa mà nói tuột ra em chính là P. Mẹ nghe vậy, gần như đổ sụp xuống trước em, càng khóc nhiều hơn. Trong nỗi đau, mẹ nức nở kể: Suốt bao nhiêu năm trời mẹ đi tìm kiếm em. Mẹ đã nhờ bạn ở Sài Gòn tìm em và gia đình ba má em nhưng biệt tăm tích vì gia đình má không để mẹ biết địa chỉ của ba má em vì sợ mẹ em đi tìm con thì ba má em lại mất em. Mẹ em cứ đi tìm kiếm trong mỏi mòn hy vọng nhưng không thấy. Trưa đó vợ chồng em ở lại ăn cơm với mẹ. Một bữa cơm đẫm nước mắt và nỗi đau mà không ai muốn động chạm thêm vào nỗi đau nữa.

Khi về nhà, dì hỏi: "Vợ chồng đi đâu?". Em nói: "Tới nhà bạn ở C.N chơi" (em không muốn nói thật cho dì biết việc em đi tìm mẹ). Theo lời cậu thì dì không biết đây là nhà mẹ em nhưng mọi việc đã sai, dì đã biết từ rất lâu rồi và có cô bạn ở gần đấy. Từ đó, biết tin em ra Bắc là để tìm lại mẹ đẻ của mình, các dì đối xử với vợ chồng em rất khác dù không nói ra. Em đã làm công tác tư tưởng với chồng: "Nếu ra các dì có đối xử sao thì anh đừng buồn, hãy vì chuyện của em anh nhé, em nghĩ sẽ khó khăn trong tìm kiếm nhưng thật bất ngờ không cần tốn thời gian thì đã gặp được mẹ". Đêm giao thừa thời tiết đã lạnh buốt nhưng trong lòng em càng buồn hơn khi thấy các dì đối xử lạnh nhạt với em, em thấy xấu hổ với chồng vì đây là lần đầu tiên anh ra, còn về họ hàng anh em bên chồng em nữa nói sao đây.

Em đã qua gặp mẹ và chia tay để lên Hà Nội, em đã ra đi trước dự định do không chịu nổi kiểu nói bóng gió của các dì. Ngày ra ga, kỷ niệm in sâu trong trí nhớ em, trong 3 dì cũng chỉ dì út đưa đi, còn 2 dì không hề có một cuộc điện thoại dặn dò nhưng em vẫn gọi điện chào dì. Em đã lên Hà Nội ở nhờ nhà người quen. Họ dẫn em đi tham quan Lăng Bác, Văn Miếu Quốc - Tử Giám trong thời tiết mưa và lạnh nhưng trong lòng vợ chồng em thấy ấm lại, gia đình này có con là hàng xóm với em. Khi em lên Hà Nội, các dì đã gọi điện nói rõ là má em biết chuyến đi của tụi em. Về đến nhà, má chỉ nói các dì nói: "Chị đã mất con rồi. Má tưởng các con gặp tai nạn, má lo thắt ruột".

Má chỉ nói vậy, má không hề đả động đến chuyện em ở Bắc, em đi tìm mẹ đẻ ra sao. Đã bao lần em muốn nói ra sự thật để cho lòng nhẹ nhõm vì lúc nào em cũng mặc cảm nói dối má, chồng em khuyên chưa nên nói ra lúc này sẽ làm má suy nghĩ. Chồng em bảo, cứ chờ đợi, đến một ngày nào đó tự má sẽ nói ra cho em biết sự thật, như thế sẽ tốt hơn rất nhiều.

Má ơi! Khi con mới sinh ra đã bị mẹ ruột bỏ đi, được ba má nhận về nuôi, từ một đứa trẻ bất hạnh nay con khôn lớn, trưởng thành, hạnh phúc bên chồng và các con, suốt đời con ghi nhớ công ơn này. Đối với ba má không ai có thể thay thế được. Con biết má biết mọi chuyện rồi, vậy má hãy mở lòng mình để mẹ con được gặp má nói lời tạ ơn. Con cảm ơn ba má đã giữ lại giấy tờ liên quan đến con và những điều ba nói con ngày nào bây giờ con mới hiểu.

Trong cuộc sống, em đã từng thấy có những người đã đối xử hoặc quay lưng với cha mẹ hoặc những người đã từng giúp đỡ gắn bó với mình chỉ bởi họ lo ngại nguồn gốc xuất thân của họ sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại nên các dì lo lắng cho má, em rất hiểu, em đã từng coi tivi thấy có nhiều người là mẹ nuôi đã đi tìm cha mẹ ruột cho con mình, vậy họ không sợ con sẽ quay lưng lại với họ sao? Các dì đặt mình vào tình huống của cháu thử, có đi tìm mẹ không? Có nhận mẹ không, nếu không tìm và không nhận thì dì sẽ buồn đến đâu. Cháu biết các dì trách cháu đã không nói thật nhưng chính các dì không dám đối diện với sự thật. Cháu đã dạy con cháu giống như ba đã dạy: "Sống phải hiếu, nghĩa, tâm, đức", không khi nào trả xong nợ với những người đã giúp ta, vì ta không nợ tiền bạc mà ta nợ nghĩa tình".

Con người ai cũng có cảm xúc yêu, thương, giận, hờn. Khi biết sự thật con rất buồn và giận mẹ, con không đồng ý với cách giải quyết của mẹ nhưng chuyện cũng đã rồi, nếu ba má không tốt, cuộc đời con sẽ giống nhiều đứa trẻ bất hạnh khác. Mẹ hãy cho con một thời gian vì con chưa quen gọi "mẹ". Nhưng tự trong sâu thẳm con luôn khát khao được có mẹ trong đời.

Kính gửi các anh chị Ban Biên tập ANTG GT, trên đây là toàn bộ câu chuyện về gia đình và cuộc đời em, có thể cách diễn đạt còn lủng củng, nhờ các anh chị giúp đỡ thêm, vì còn nhiều lý do xin các anh chị đừng đưa tên, chỗ ở của em và ba má, những người có liên quan trong thư (em sợ lần nữa xáo trộn gia đình). Chúc anh chị trong Ban Biên tập mạnh khoẻ, luôn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều độc giả gửi gắm tâm sự.

Lời BBT

Độc giả thân quý! Mặc dù chị P đã tìm ra được sự thật, xác định được người mẹ đã rứt ruột sinh ra mình, và vì những lý do riêng, mẹ chị đã phải dứt tình cho đi giọt máu của mình. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản bởi danh chính ngôn thuận chị P là con của ba V và má L đã có công nuôi dưỡng chị P từ khi lọt lòng mẹ và yêu thương chị còn hơn cả con đẻ của mình. Ba má chị P cũng chỉ có mỗi chị P là đứa con độc nhất. Vì vậy làm sao để giải quyết câu chuyện đối nhân xử thế này là cả một vấn đề đau đầu của riêng chị P. Biết được sự thật, thương mẹ ruột, muốn nhận mẹ, muốn gần mẹ nhưng lại sợ má nuôi mình đau khổ, các dì hiểu lầm. Các dì của má sau khi biết chị P đi tìm mẹ đã thay đổi thái độ với chị P và lạnh nhạt với chị P làm cho chị P rất đau lòng. Vấn đề lúc này của chị P là làm sao để má nuôi hiểu được nỗi đau khổ trong lòng chị và má nuôi sẽ nói cho chị P biết sự thật, cho phép chị P nhận mẹ ruột của mình và cho phép chị P được có hai người mẹ trong đời thì mọi chuyện mới tốt đẹp được. Xin bạn đọc hãy cho chị P một giải pháp để giúp chị nhận được tình yêu thương mà chị có quyền được nhận ở hai người mẹ

.
.