Mẹ ơi con muốn nói lời xin lỗi

Thứ Năm, 12/03/2015, 16:11
(Tiếp theo và hết)

Kính thưa các anh các chị ở quý tòa soạn Báo An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng.

Sau khi nhận lại toàn bộ di chúc bao gồm thư và tài sản bố mẹ để lại, vợ chồng tôi đã làm nốt những phần việc hiếu lễ xung quanh và khép lại một quá khứ nhiều dằn vặt hiểu lầm, lắm trách móc của một người con trai đối với đấng sinh thành. Bố mẹ tôi hẳn cũng đã an lòng trên thiên đàng khi nhìn thấy cuộc sống khá giả và ổn định của người con trai mà họ đã từng lo lắng cho tương lai của nó đến bạc tóc. Bố mẹ tôi sợ rằng sau khi ông bà chết đi, con trai họ không còn ai bao bọc, dạy bảo trưởng thành. Chính vì sợ con trai thiếu vắng sự dạy dỗ của bố mẹ sẽ suốt đời lang bạt kỳ hồ, chẳng làm nên cơm cháo gì, không lo được cho bản thân nên cực chẳng đã bố mẹ tôi đã phải thực hiện nốt biện pháp đặc biệt để dạy dỗ con trai ngay cả sau khi ông bà tạ thế.

Ông bà tin rằng, không có bài học nào, không có trường học nào sâu sắc và nhiều trải nghiệm như bài học cuộc sống, và trường học cuộc đời. Chỉ có như vậy con trai ông bà may ra mới thấm thía để tự vươn lên. Còn nếu thương con theo lẽ thông thường, cho con hết toàn bộ tài sản mà cả đời ông bà chắt chiu dành dụm được trong khi con trai mình không tu chí, không biết lao động, vun vén cuộc sống thì đến tiền núi rồi cũng ăn tàn phá hoại mà hết. Bài học dạy con trai của bố mẹ tôi thật là thâm sâu, ý nghĩa, chứa đựng tất cả tình yêu thương, sự tận tụy nhọc công của bố mẹ đối với tôi, thế mà tôi trên đầu dù đã 2 thứ tóc nhưng đâu đã hiểu hết được ý nghĩa thâm nho của bố mẹ. 

Kính thưa quý tòa soạn.

Tôi có hai đứa con trai. Những ám ảnh giày vò về việc đã từng bị bố mẹ hất ra lề đường kiếm sống, dứt khỏi cuộc sống no đủ nhung lụa, quăng quật ra cuộc đời với hai bàn tay trắng những lúc khốn cùng nhất vợ dại con thơ, tự bươn chải vươn lên đã làm cho tôi có một lời thề độc trong tim rằng, không bao giờ tôi để cho các con tôi phải thiếu thốn khổ sở dù chỉ một ngày. Bởi vậy mà tôi rất chiều các con, lo cho các con một cuộc sống đủ đầy không thiếu thốn thứ gì. Tâm thế của tôi là luôn cảm thấy hối lỗi với các con và cố gắng làm tất cả để bù lại những năm tuổi thơ các con tôi nheo nhóc khổ sở thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chỗ ở.

Hai con tôi chỉ vất vả cùng bố mẹ trong dăm năm đầu đời. Còn sau đó, các con được lớn lên trong một môi trường đủ đầy không thiếu thứ gì. Những năm cuối của thập niên 90, phong trào đi du học đã dấy lên trong giới nhà giàu ở Hà Nội. Các gia đình có máu mặt về tiền bạc, của cải, hay có thế lực trong xã hội đều gửi các con ra nước ngoài để đi du học, tu nghiệp trở thành những thiếu gia, những cô chủ nhỏ được chăm sóc tận răng cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Những thiếu gia, những cô chủ nhỏ này sau một thời gian tu nghiệp tại nước ngoài về, sẽ tiếp tục quản lí công việc làm ăn buôn bán của gia đình, hoặc là đi làm ở những vị trí quan trọng và sáng giá. Có địa vị trong xã hội.

Có ba loại du học cơ bản của các cậu ấm cô chiêu này. Loại thứ nhất là học giỏi xuất sắc, đủ điểm được các trường đại học lớn ở nước ngoài mời đi học tập. Loại thứ hai, học trung bình khá nhưng gia đình có điều kiện về kinh tế, muốn đầu tư cho con cái đi du học kiếm lấy tấm bằng cử nhân thạc sĩ ở nước ngoài về làm sang để xin vào các cơ quan có địa vị xã hội và tiếp tục kế thừa công việc kinh doanh của bố mẹ ở trong nước. Loại thứ ba là học dốt, cộng với phá phách, hư hỏng, thậm chí dính líu đến các tệ nạn xã hội. Gia đình có điều kiện kinh tế nên đã tống các cậu ấm cô chiêu của mình ra nước ngoài mang danh du học để cách ly môi trường xấu, để gián đoạn với bạn bè xấu, thói quen xấu. Các bậc phụ huynh có con hư, gửi con đi du học với mong muốn con tu chí, rèn luyện làm lại cuộc đời, trở thành những đứa con ngoan, những công dân tốt, có ích cho xã hội.

Hai con trai tôi nằm trong nhóm thứ 2 của những học sinh đi du học do bố mẹ có điều kiện kinh tế muốn đầu tư cho con một nền tảng kiến thức vững chắc và những trải nghiệm tốt ở các nước tiên tiến để các con có thể học được những điều hay, những kiến thức quý giá sau này về nước thực hiện được những hoài bão của bố mẹ và gia đình với mong muốn các con có vị trí xứng đáng trong xã hội. Còn công việc kinh doanh buôn bán của vợ chồng tôi thì chỉ là nghề tay trái cho các con làm thêm, mở rộng kinh tế gia đình.

Đầu tư cho hai con trai đi du học ở Anh quốc mỗi tháng ngốn hàng chục triệu đồng. Thật không may cho vợ chồng tôi, không biết có phải thừa hưởng chút gien phá phách của tôi hay không mà hai con trai tôi 5 năm du học ở Anh quốc tấm bằng cử nhân thạc sỹ chẳng thấy đâu mà chỉ thấy tốn kém biết bao nhiêu tiền của. Chúng như cái thùng hút tiền của bố mẹ không đáy, gửi bao nhiêu cũng không đủ.

Đầu những năm 2000, thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội khoảng 3 triệu đồng vậy mà các con tôi mỗi tháng ngốn của bố mẹ vài chục triệu đồng vẫn chưa thấm tháp gì. Nhưng có lẽ điều không may mắn nhất đối với tôi ấy là khi gửi con sang Anh quốc du học, trong đám bạn bè các con tôi có một số cháu hư hỏng của những gia đình có điều kiện gửi sang đó. Trong số đó có con của bạn bè tôi. Chúng giao lưu qua lại gặp gỡ nhau. Các con tôi từ chỗ ngoan ngoãn biết vâng lời bố mẹ, khi xa gia đình sang xứ người, thiếu sự quản lý chặt chẽ của bố mẹ nên đã không tu chí học hành mà nhiễm những thói hư tật xấu từ đám bạn bè hư hỏng con nhà giàu được bố mẹ đẩy đi du học.

Không những không tu chí mà các con tôi còn tham gia đường dây cá độ bóng đá, bị chủ nợ truy đuổi gắt gao nguy hiểm đến tính mạng. Tôi phải trực tiếp bay sang Anh mấy lần để giải quyết nợ nần cho con. Mấy năm hai con đi du học, vợ chồng tôi phải bán đến hai căn hộ chung cư và mấy sổ tiết kiệm vẫn không đủ. Năm thứ 5, biết để các con ở xa gia đình chúng sẽ ngày càng lún sâu vào hư hỏng, tôi đã quyết định bay sang Anh đưa hai con trở về nhà.

Về nước, vợ chồng tôi cố gắng mãi, theo sát các con từng bước một để hai cháu lấy được cái bằng cử nhân tại chức. Tôi đổ bao nhiêu tiền của để xin cho hai con trai hai công việc ở cơ quan nhà nước với mục đích rèn các cháu vào khuôn khổ, sống một cuộc sống công chức bình lặng. Thế nhưng những thói hư tật xấu thật khó sửa. Các con tôi vẫn tiếp tục lao vào đường dây cá độ bóng đá. Hết lần này đến lượt khác, bao nhiêu tài sản của vợ chồng tôi trong mấy chục năm tích cóp đều đội nón ra đi. Tôi đã phải bán nốt những căn nhà đang cho thuê cuối cùng để trang trải nợ nần cho hai con trai.

Kính thưa quý tòa soạn!

Thời gian trôi đi, các con của tôi chê lương ít không chịu làm nhà nước mà bỏ việc nhà nước ra ngoài lập công ty máy tính để kinh doanh. Cả hai anh em không đứa nào chịu theo nghề buôn bán xe máy của bố và hàng bạc của mẹ. Rồi hai anh em lấy vợ lập gia đình. Chúng ở chung tất cả trong ngôi nhà mặt phố của vợ chồng tôi mà tôi vẫn còn giữ lại để phía dưới làm cửa hàng kinh doanh buôn bán, phía trên để ở. Các con than thở lập công ty mà đi thuê mặt bằng thì vất vả, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Chúng than vãn xin xỏ thế là vợ chồng tôi bàn nhau chuyển hướng kinh doanh nhượng lại cửa hàng bạc trên mặt phố Hàng Bạc cho hai con trai chung nhau mở cửa hàng bán máy tính. Còn hai vợ chồng rút về kinh doanh xe máy.

Thời gian cứ thế trôi đi, vợ chồng tôi cũng đã có tuổi, hai con trai thì đều đã có vợ và có con. Càng ngày việc kinh doanh xe máy không còn hot như xưa vì quá nhiều cửa hàng mở ra cạnh tranh và đời sống sau những năm 2000 người dân còn có lựa chọn mới là đi ôtô nên kinh doanh sửa chữa xe máy không còn là nghề hái ra tiền nữa. Việc kinh doanh máy tính của các con trai tôi mở ra đúng thời điểm nên cũng đủ ăn đủ tiêu. Song các con tôi không biết lợi dụng thời điểm để chí thú làm ăn, mở rộng kinh doanh nên không phát triển mạnh. Thi thoảng chúng vẫn chơi cá độ bóng đá và mất nhiều tiền bạc.

Thưa quý tòa soạn!

Nhìn thấy gia đình hai con trai nay đã nhân lên thành 8 thành viên ở cùng với bố mẹ khá là chật chội, không tránh được những va chạm mẹ chồng nàng dâu, chị em dâu. Cộng với việc các con luôn nỉ non đòi bố mẹ bán căn nhà mặt phố còn lại này để chia tiền cho hai anh em đi ra mua nhà ở riêng nên vợ chồng tôi vì thương con mà suy nghĩ rất nhiều. Cả hai vợ chồng tôi kiên quyết không bán nhà mà di chúc sang nhượng lại căn nhà mặt phố này chia đều cho hai con trai, yêu cầu các con tiếp tục giữ cửa hàng và theo nghiệp buôn bán của bố mẹ. Vợ chồng tôi cũng đã khuyên giải các con rất nhiều và mong các con giữ lại ngôi nhà vốn liếng của bố mẹ một đời dành dụm tích cóp cùng với việc phát triển nghề sửa chữa buôn bán xe máy truyền thống của gia đình. Vì căn nhà xây 4 tầng nên các con có thể chuyển cửa hàng máy tính về đặt ở tầng 2, tầng dưới vẫn là cửa hàng bán xe máy. Vợ chồng tôi chuyển lên Hàng Bạc ở để cho các con tiếp quản căn nhà.

Không ngờ rằng, ngôi nhà mặt phố rộng cả trăm mét vuông vợ chồng tôi để lại cho các con chỉ tồn tại được 5 năm thì sau mùa Word Cup 2014 vừa rồi chúng nó buộc phải chuyển ra khỏi nhà vì xã hội đen đến xiết nợ cá độ bóng đá. Ngày ký mọi thủ tục sang nhượng căn nhà mà vợ tôi khóc như mưa như gió. Vậy là chút tài sản cuối cùng cả đời tích cóp và dành dụm của vợ chồng tôi đã bị hai con trai tôi nướng hết vào cờ bạc.

Kính thưa quý tòa soạn!

Khó có thể nói hết được những thất vọng, buồn bã, đau đớn và hối tiếc của vợ chồng tôi vì đã không nuôi dạy hai con trai nên người. Sau tất cả những sự việc trên, vợ chồng tôi dắt nhau về nhà thờ họ của bố tôi ở quê thắp hương cho bố mẹ tôi và khóc. Giờ đây, vợ chồng tôi lại phải mang bài vị của ông bà trở về nhà thờ họ do mẹ tôi xây dựng ở quê, còn trên Hàng Bạc chỉ để ảnh thờ vọng. Tôi đã không bao giờ hiểu được bố mẹ tôi đâu có cần tôi rước bài vị của ông bà lên ngôi nhà to mặt phố để thờ cúng khi mà tấm lòng của bố mẹ tôi đã không thể hiểu được.

Thông điệp của bố mẹ gửi gắm lại cho tôi, điều mà bố mẹ muốn ấy là mong tôi trưởng thành nên người, tu chí làm ăn, thành đạt và là tấm gương cho con cái noi theo tôi đã không hiểu và không nhận thức được đầy đủ sự thâm nho sâu xa trong ý tứ của bố mẹ. Tôi cũng đã chẳng bao giờ hiểu nổi tấm lòng, sự thông minh, chí dằn lòng hy sinh vĩ đại của mẹ, khi bà chính là người vạch ra tất cả những kế hoạch dạy dỗ tôi sau khi ông bà mất. Tôi đã không thấm thía được nỗi lòng thương con của bố mẹ tôi, đã trách oan những đấng sinh thành. Thực sự tôi mới chính là đứa con bất hiếu. Bài học của bố mẹ tôi dạy tôi, không những tôi không hiểu hết. Giờ này, trước sự thất bại trong việc dạy dỗ các con của mình, tôi dẫu có ân hận cũng chẳng bao giờ còn sửa chữa được sai lầm của mình nữa.

Kính thư: Đinh Thụy (Hà Nội)

Lời BBT

Bác Đinh Thụy kính mến! Vậy là đã rõ tấm lòng bao la trời biển và phương pháp dạy con đặc biệt của bố mẹ bác sau khi ông bà mất mới thật là vĩ đại, đáng cho tất cả chúng ta phải ngưỡng mộ, khâm phục và suy nghĩ. Đáng tiếc bác đã không hiểu hết được ý nghĩa thâm nho sâu sắc của bố mẹ gửi tới bác trong bức di chúc và hành động di chúc sau 18 năm của bố mẹ bác dành cho bác. Bởi thế mà sự chiều chuộng con cái, đáp ứng mọi đòi hỏi yêu cầu của con cái đã khiến cho các con bác ỷ lại vào nguồn tài sản của bác mà không biết gây dựng để rồi phá phách hết.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa quá muộn. Bác hãy để cho các con bác học lại bài học ông bà nội của chúng dạy bố chúng  từ ngày xưa dẫu có muộn mằn. Chúng tôi tin các con của bác cũng thừa hưởng phần gen tốt đẹp trong con người bác. Hãy để cho chúng tự kiếm tiền bằng đôi bàn tay, bằng mồ hôi nước mắt của mình. Bác cũng nên kể lại cho các con bác nghe toàn bộ câu chuyện di chúc của bố mẹ bác đối với bác khi xưa vì đó là bài học vô giá của những đấng sinh thành. Tốt nhất hãy đưa cả 3 số báo có đăng câu chuyện bác gửi tới bố mẹ bác như một lời tạ lỗi để các con cháu bác đọc mà hiểu cuộc đời của bác, gốc gác gia đình cũng như tấm lòng của ông bà nội đã dạy dỗ bác nên người. Hy vọng các con bác sẽ tỉnh ngộ ra mà biết chí thú làm ăn, xây dựng mọi thứ lại từ đầu.

Nhân dịp năm mới, BBT gửi tới bác và đại gia đình lời chúc bình an khang thái. Mong bác sẽ có được niềm vui thái lai từ những đứa con của mình dẫu có muộn màng.

.
.