Mẹ ơi! Con muốn nói lời xin lỗi

Thứ Sáu, 06/02/2015, 16:44
Những lúc đứt bữa, nhìn vợ con đói khát, không có tiền mua thịt cho con trai nấu cháo, phải ăn cháo trắng với muối, tôi càng hận bố mẹ tôi, không có chút tình thương con cái mình đẻ ra, đang tâm cho hết tài sản đi không để lại cho con cháu một cắc một hào, để mặc con cháu đói khổ trong cảnh bần hàn.

Kính thưa các anh các chị ở tòa soạn Báo An ninh thế giới Cuối tháng!

Mỗi năm tết đến xuân về, trong lòng tôi lại xốn xang một nỗi buồn thương nhớ về người mẹ thân sinh ra mình. Đã từ lâu tôi định viết ra câu chuyện của gia đình mình để gửi tới quý báo, nhưng cứ lần lữa mãi bận bịu nọ kia nên tôi chưa thực hiện được tâm nguyện.

Nay, dịp tết Ất Mùi đã cận kề, tôi quyết tâm viết và gửi đến quý báo với mong ước nếu câu chuyện được đăng thì đó là nén tâm hương sám hối của đứa con trai thắp cho bố mẹ, hai đấng sinh thành của mình.

Câu chuyện của riêng cá nhân tôi nhưng thú thực phải sống cả cuộc đời, trải nghiệm mọi nhẽ, thậm chí cả trả giá nữa, tôi mới hiểu hết được những giá trị sâu sắc mà đấng sinh thành đã trao gửi. Tôi xin được chia sẻ ra đây bởi nó muôn đời là bài học đáng suy ngẫm của tất cả chúng ta trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Kính thưa các anh các chị! Tôi sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở phố Hàng Bạc. Cha mẹ tôi có một cửa hiệu nhỏ buôn bán trang sức bằng bạc ở ngay phố. Mẹ tôi là con gái Hà Nội gốc. Phía nhà ông bà ngoại tôi ba đời có cửa hàng bạc trên phố. Mẹ tôi lấy bố tôi là cán bộ ở chiến khu. Bố tôi người Huế, tham gia hoạt động Việt Minh rồi ra Bắc hoạt động cách mạng từ những năm 1945. Bố đi kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhà mẹ tôi đi sơ tán lên chiến khu, gặp bố tôi ở đó rồi hai người hẹn hò nhau, yêu nhau. Khi mẹ tôi trở về Hà Nội, trong lòng đã thầm ước hẹn với bố tôi và bà chờ đợi ngày bố tôi trở về tìm bà.

Ông bà ngoại biết chuyện tình cảm của mẹ, ra sức ngăn cản vì mong muốn con gái cành vàng lá ngọc của ông bà tìm được ý trung nhân trong giới tiểu thương buôn bán ở phố Hàng Bạc. Người Hà Nội lấy người Hà Nội, cùng biết làm ăn buôn bán sẽ hợp hơn. Con gái lấy người ngoại đạo, lại đi hoạt động cách mạng bí mật, nay đây mai đó, khó bảo toàn tính mạng, sợ rồi cuộc đời của mẹ sẽ gian lao vất vả, các cháu sinh ra sẽ khổ. Nhưng ý mẹ đã quyết không ai ngăn cản được. Mẹ theo tiếng gọi của trái tim, bỏ nhà, bỏ cửa hàng bạc của bố mẹ trên phố, lên cơ sở cách mạng ở chiến khu Việt Bắc tìm bố.

Theo bố, mẹ giác ngộ cách mạng và hoạt động ở chiến khu. Bố mẹ được tổ chức đứng ra lo đám cưới, mừng hạnh phúc trăm năm. Cuộc sống lúc đó quá gian nan vất vả. Cưới nhau xong, mẹ có thai bụng mang dạ chửa. Mẹ sinh chị Hiên, rồi sinh tôi trong vòng 2 năm. Con mọn, lại sinh dày, tôi đẻ bị thiếu tháng, mẹ lại bị sốt rét hành hạ liên miên nên cả ba mẹ con rất dặt dẹo.

Trước tình hình khó khăn vất vả như vậy, bố khuyên mẹ bế hai chị em tôi về Hà Nội, tìm ông bà ngoại để nương nhờ. Ông bà ngoại vốn rất phong kiến, không chấp nhận đứa con gái không nghe lời bố mẹ, nhưng lại thương hai đứa cháu ngoại nên đã dằn lòng cưu mang mẹ. Ông bà chia cho mẹ 10m2 ở phố Hàng Bạc, cạnh cửa hàng bạc của ông bà. Ông bà cho mẹ một ít bạc trang sức, mở cho mẹ một mẹt hàng trên phố để ba mẹ con tự buôn bán kiếm tiền mà nuôi sống bản thân. 

Mẹ dựng cơ ngơi từ mẹt hàng trên phố. Được thừa hưởng năng khiếu buôn bán từ bà ngoại, mẹ nhanh nhẹn và tháo vát, việc bán mua ngày một phát đạt. Bố tôi đi hoạt động cách mạng một mạch hơn chục năm mới về thăm mẹ. Ở với nhau được dăm bữa, bố lại lên đường. Tuổi thơ của chị em tôi hầu như lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và ông bà ngoại. Vì lý do bố đi công tác suốt, thời gian gặp nhau quá ít nên mẹ không có cơ hội để sinh thêm con. Mẹ lo chăm sóc hai chị em tôi.  Việc buôn bán gầy dựng cơ ngơi lo kinh tế do một tay mẹ lo liệu. Chị  Hiên lớn lên phụ mẹ bán hàng rồi lấy chồng trên phố, chị tách ra để mở cửa hàng riêng.

Tôi là cậu quý tử của gia đình nên chỉ lo ăn chơi mà không lo chí thú học hành. Bố tôi trách giận mẹ tôi đã quá cưng chiều tôi nên để con hư. Thú thực suốt thời ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, tôi là con cưng không phải nhấc tay đụng chân gì cả. Ăn rồi chỉ có lo học. Nhưng tôi sớm nhiễm những thói hư tật xấu của trai hàng phố. Tôi thích chơi bời lêu lổng, lại có tật mê cờ bạc. Vì học hành lười nhác nên tôi không tốt nghiệp được cấp 3. Bố tôi buồn lắm. Sau này về hưu, không còn công tác xã hội nữa, ông phụ mẹ lặt vặt việc nhà. Ông vẫn thường chì chiết mẹ tôi rằng chính bà làm cho con trai hư hỏng nặng. Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Câu thành ngữ này được bố tôi đay đi đay lại mẹ tôi mỗi khi tôi gây ra chuyện nọ chuyện kia.

Hồi đó tôi nghĩ nông cạn. Tôi thấy mẹ buôn bán tích lũy giàu có, tôi không cần làm gì thì cũng sống cả đời trong vương giả, không thiếu thốn gì. Mẹ tôi có nhiều sổ tiết kiệm tiền tích lũy gửi ở ngân hàng và hai ngôi nhà mặt phố nhỏ hơn phố Hàng Bạc mẹ tậu được trong quá trình buôn bán.

Tôi ăn chơi lêu lổng, lại nghiện cờ bạc, tiêu phá hết của mẹ có tới mấy chục cây vàng. Bố mẹ tôi buồn lắm, lo dạy dỗ khuyên răn tôi thế nào thì tôi vẫn không khá lên được, vẫn chứng nào tật ấy. Một lần do đánh bạc, tôi bị chủ nợ đòi ráo riết đe dọa dùng xã hội đen để lấy tính mạng nếu tôi không trả tiền. Mẹ tôi ngậm ngùi bán đi một căn nhà để trả nợ cho tôi. Sau này tôi mới hiểu, chuyện tôi nghiện cờ bạc đều là do những kẻ cạnh tranh làm ăn buôn bán với mẹ câu nhử tôi vào tròng. Họ muốn nhà tôi khuynh gia bại sản không còn làm ăn buôn bán được nữa để rộng đường cho họ kinh doanh. Cách để tiêu tán gia tài của mẹ nhanh nhất là lôi kéo cậu quý tử chơi sòng bạc, phá nát tiền của của mẹ, làm cho mẹ ngày một khó khăn hơn, nghèo đi vì cái trò đánh bạc từ xưa đến nay, có tiền núi rồi cũng hết.

May thay, tôi sớm nhận ra chân tướng của những kẻ được coi là bạn bè trên chiếu bạc của mình. Nhất là khi nhìn thấy cảnh bố mẹ ngậm ngùi bán đi căn nhà yêu quý mà bố mẹ định sau này cả gia đình sẽ dọn về ở thay cho mấy chục mét vuông chật chội làm cửa hàng trên phố Hàng Bạc. Tôi tỉnh trí lại và quyết rửa tay gác kiếm. Tôi quyết tu tâm dưỡng trí để làm người tốt có ích với gia đình xã hội. Nhưng vì đã quen thói ăn chơi tiêu xài, tôi cũng chẳng học hành được việc gì ra hồn. Bố mẹ tôi cũng không có ý định truyền nghề bạc cho cậu con quý tử, thế nên tôi cũng chẳng học được gì ở cửa hàng bạc cổ truyền của gia đình. Tôi cứ la pha lơ phơ, cơm ăn đã có bố mẹ nuôi. Tôi cũng cố đi học lấy dăm ba cái nghề phòng thân. Tôi học nghề sửa chữa đồ điện, học sửa xe máy. Nghề nào cũng học được dăm bữa nửa tháng là bỏ. Tôi không có đủ kiên nhẫn.

Ngoài ba mươi tuổi tôi mới lập gia đình, lúc ấy bố mẹ tôi cũng đã già xấp xỉ 70 cả rồi. Vợ tôi không ai khác chính là người làm công trong nhà bố mẹ tôi. Cũng do tôi phá phách, bố mẹ không tin tưởng, hàng xóm láng giềng biết tiếng ăn chơi của tôi nên không ai dám gả con gái cho tôi. Chuyện tôi, một quý tử nhà giàu lấy vợ là người làm công ở cửa hàng bố mẹ tôi cũng gây nên ồn ào ở hàng phố. Bố mẹ tôi thì ngược lại, không hề phản đối cuộc hôn nhân của tôi. Ông bà vui vẻ tổ chức đám cưới cho vợ chồng tôi. Cưới nhau xong, vợ chồng tôi vẫn ở với bố mẹ. Vợ tôi phụ giúp mẹ tôi ở cửa hàng, còn tôi thì vẫn cứ lông ba lông bông. Một năm sau ngày cưới, bố tôi lên cơn đột quỵ tim rồi qua đời ở tuổi 70. Năm sau, mẹ tôi cũng theo ông về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh ung thư.

Sau đám tang của mẹ tôi đúng 100 ngày, có một người đàn ông đến xem cửa hàng ở phố Hàng Bạc và đưa toàn bộ giấy tờ bố mẹ tôi đã sang nhượng cửa hàng trước khi mất cho vợ chồng tôi xem. Người đàn ông cũng yêu cầu vợ tôi kiểm kê hàng hóa giao trả và yêu cầu vợ chồng tôi dọn nhà đi chỗ khác để ông lấy cửa hàng sửa soạn lại cho công việc kinh doanh buôn bán mới. Tôi quá sửng sốt gọi cho chị gái về họp gia đình để xem có ai biết sự việc này không. Đến lúc này chị cả tôi mới gọi luật sư vào nhà và mở di chúc của bố mẹ ra. Hai chị em tôi choáng váng khi biết mẹ đã âm thầm làm di chúc, sang nhượng cửa hàng, nhà cửa trên phố sau khi bố mất, và trong giai đoạn mẹ biết mình bị bệnh ung thư. Có nghĩa mẹ đã chủ đích làm việc này trong một tâm trạng hoàn toàn tỉnh táo. Tất nhiên ý định của mẹ cũng đã được bố ủng hộ thì mới có chữ ký của bố ở trong di chúc được lập khi cả bố mẹ đang khỏe mạnh.

Trong di chúc bố mẹ không để bất kỳ một chút tài sản nào trong khối tài sản bao gồm hơn chục sổ tiết kiệm, một cửa hàng mặt phố Hàng Bạc và một ngôi nhà ở phố Hàng Điếu. Không chỉ riêng tôi mà chị gái tôi cũng chẳng được mẹ di chúc cho một đồng một cắc nào. Ngôi nhà ở Hàng Điếu mẹ đã bán và gom tiền công đức xây chùa ở quê chồng. Còn cửa hàng bạc ở phố Hàng Bạc, mẹ sang nhượng lại cho chủ khác.

Toàn bộ số tiền sang nhượng mẹ dành xây nhà thờ họ ở quê bố.  Trong khi mẹ thừa biết con trai độc nhất của bố mẹ là tôi từ xưa đến nay là thành phần phụ thuộc bố mẹ, đang ở cùng nhà với bố mẹ, đang được bố mẹ nuôi nấng. Chị Hiên thì đã có gia đình chồng con, yên bề gia thất, kinh tế vững vàng nên việc bố mẹ không cho tài sản gì thì cũng không quá ảnh hưởng đến đời sống riêng. Còn tôi, vừa mới cưới vợ, vợ lại đang bụng mang dạ chửa, không có nhà cửa, tôi biết đưa vợ con tôi đi đâu bây giờ. Chủ mới của cửa hàng bạc vẫn đề nghị vợ tôi ở lại làm công ăn lương.  Không biết bấu víu vào đâu lúc này, tôi đành để vợ tôi ở lại cửa hàng tiếp tục làm việc cho chủ mới, còn hai vợ chồng dắt díu nhau ra thuê nhà. Tiền lương của vợ ở cửa hàng bạc chỉ đủ để trả tiền thuê nhà và mua gạo. Còn lại hai vợ chồng phải tự tính toán đi làm mà nuôi nhau.

Tôi bị sốc nặng mất ăn mất ngủ cả tháng trời. Người như bị một trận ốm đến độ thân bại danh liệt. Quá cay đắng, tôi mang di ảnh của bố mẹ về ngôi nhà thờ họ ở quê. Ngôi nhà thờ đã được bố mẹ gom toàn bộ tiền bạc của nả dành dụm cả đời để xây cất ở Huế trước khi bố mẹ tạ thế. Thời gian này, vợ tôi sinh cháu đầu lòng. Kinh tế gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn vất vả vô cùng tận. Chị Hiên tôi lấy chồng, phụ thuộc nhà chồng nên cũng chẳng giúp đỡ em trai được nhiều nhặn gì ngoài tình cảm chạy qua chạy lại. Vợ tôi sinh được 1 tháng đã phải bò dậy đi làm, con thơ nheo nhóc. Tôi thì từ bé đến lớn chẳng làm được việc gì ra hồn.

Giờ bố mẹ mất, tài sản không có, tôi đành bần cùng bất đắc dĩ lao ra đường để kiếm tiền phụ vợ nuôi con. Những lúc đứt bữa, nhìn vợ con đói khát, không có tiền mua thịt cho con trai nấu cháo, phải ăn cháo trắng với muối, tôi càng hận bố mẹ tôi, không có chút tình thương con cái mình đẻ ra, đang tâm cho hết tài sản đi không để lại cho con cháu một cắc một hào, để mặc con cháu đói khổ trong cảnh bần hàn.

(Còn nữa)

Đinh Thụy (Hà Nội)

            Lời BBT!

Bác Đinh Thụy kính mến! Bố mẹ bác đã có những lý do xác đáng để không di chúc để lại tài sản cho các con, đặc biệt là cho cậu con trai quý tử là bác. Mọi việc đã được bố mẹ bác tính toán kỹ, suy nghĩ kỹ. Hẳn là các bậc sinh thành cũng đã dằn lòng rất lâu trước khi đưa ra quyết định lập di chúc mà không để lại tài sản cho các con, dù biết con trai mới cưới vợ, con trai không có chỗ ở riêng, không có việc làm, xưa nay đang sống phụ thuộc vào bố mẹ.

Một câu chuyện lạ lùng về ứng xử của bố mẹ với các con trong gia đình bác chứa biết bao thông điệp, bao hàm ý mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu. Chúng tôi mới chỉ trích đăng phần đầu câu chuyện. Những sai lầm, những trả giá đau đớn mà bác phải sống đến gần trọn cuộc đời mình mới hiểu thấu bài học của bố mẹ, mới thấm thía cái sai nối tiếp cái sai lầm trong cách ứng xử với con cái của bác sau này, trong chính cuộc đời riêng của bác…

Diễn biến tiếp theo câu chuyện của bác Đinh Thụy ra sao, xin kính mời quý độc giả tiếp tục đón đọc phần tiếp theo và cũng là phần cuối cùng của câu chuyện trong số báo tiếp theo.

.
.