Cái giá của một tình yêu toan tính

Thứ Hai, 05/10/2015, 15:25
Tôi bốc thuốc chữa bệnh cho bao nhiêu người nhưng lại không bốc nổi thuốc chữa bệnh cho cuộc hôn nhân của chúng tôi. Phải chăng đó là cái giá mà tôi phải trả cho một tình yêu toan tính ngay từ đầu...

(Tiếp theo và hết)

Thế là tôi đã lấy được người con gái mình yêu thương mơ ước, người con gái mà vì yêu tôi đã trở nên lưu manh hơn một chút, hèn hơn một chút, tính toán và mưu kế hơn một chút để chiếm đoạt bằng được trái tim cô ấy từ tay người bạn thân thiết tuổi học trò. Nhiều khi trong lòng tôi cũng dâng lên một nỗi băn khoăn day dứt khó tả mỗi lần gặp T. trở về làng sau chuyến nghỉ phép hay đụng độ vào dịp tết nhất. Dù không có mâu thuẫn gì lớn, không gây sự tay ba, không ai nói ra những điều dằn vặt trong lòng, nhưng để mà gặp nhau bình thường thì khó.

Chúng tôi gần như tránh mặt nhau. Vợ tôi cũng vì tế nhị mà không gặp lại T.  Tôi lại càng tránh mặt hơn vì cứ mỗi lần giáp mặt T. tôi lại nhớ đến bức thư của T. tôi không đưa cho V., và trong lòng lại thấy khó chịu bởi T. là người yêu cũ của V. nên tóm lại không gặp là tốt nhất.

Vợ chồng tôi sống với nhau khá hạnh phúc. Chúng tôi có với nhau hai đứa con một trai một gái. Vợ tôi là người phụ nữ lam làm, vui tính, nhiệt tình trong công tác đoàn thể nên ngoài công việc là nữ hộ sinh của xã, vợ tôi còn tham gia hoạt động đoàn, cán bộ hội phụ nữ xã. Tôi ở nhà cắt thuốc và chữa bệnh đông y. Công việc của hai vợ chồng bổ trợ cho nhau nhiều, bệnh nhân của vợ tôi thường vì mến vợ tôi mà quay sang tìm tôi bốc thuốc uống. Vợ chồng tôi cũng túc tắc có thêm việc làm thêm thu nhập, cuộc sống ổn định, bình yên. Tôi yêu thương vợ con, dành nhiều tình cảm cho vợ con.

Nhưng tính tôi gia trưởng và hay ghen tuông, tôi đặc biệt ghen với tất cả những gì liên quan đến T., từ bố mẹ, anh chị chú dì cô bác. Tóm lại là vì sống trong cùng một làng, một xã thế nên việc qua lại đụng độ gặp gỡ những người bên nhà T. đối với vợ tôi là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi vợ tôi lại là nữ cán bộ hộ sinh của trạm y tế xã. Tất tần tật phụ nữ trẻ em, người già trong xã ai ốm đau bệnh tật, rồi chửa đẻ đều liên quan đến vợ tôi.

Đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, gặp các vấn đề sức khỏe sinh sản thì thường gặp vợ tôi để tư vấn. Chuyện cũ năm xưa, những khúc mắc trong mối tình đầu tiên với T. và gia đình T. giờ đã phai nhạt. Vợ tôi cũng cởi mở hơn trong quan hệ với bên nhà họ hàng người yêu cũ.

Mấy bà cô bà chị năm xưa, những người phao tin với T. rằng V. vợ tôi là người con gái lẳng lơ bắt cá hai tay và xúi giục họ giờ cũng đã phần nào nhận ra một thời ấu trĩ của mình, nên chị em lại gần gũi thân thiết. Tôi biết chuyện giận lắm, tôi nói nặng nói nhẹ, tôi mắng nhiếc những điều khó nghe với vợ để cô ấy bớt đi lại với bên nhà người yêu cũ. Nhưng mỗi lần như thế vợ tôi chỉ nói với tôi rằng công việc của cô ấy phải giao tiếp nhiều, ai cũng như ai nếu có vấn đề liên quan đến chuyên môn của cô ấy thì cô ấy giúp. Chuyện cũ qua đi quá lâu rồi anh còn khó chịu làm gì.

Nhưng, trong lòng tôi vẫn dâng trào một nỗi khó chịu mỗi khi biết vợ mình vừa đỡ đẻ hay khám, tư vấn cho một ai đó con cháu nhà T. Trong tôi vẫn tiềm tàng một nỗi lo lắng bất an khi để vợ tôi tự do qua lại với nhà người yêu cũ. Mối lo lắng bất an ấy cứ âm ỉ dai dẳng trong tâm trí tôi cho dù cả 3 chúng tôi giờ đều đã bước qua xế nửa bên kia cuộc đời, các con đều đã lớn, chúng tôi không còn trẻ nữa.

Dù gia đình mỗi bên đã yên bề thì tôi vẫn cứ ghen tuông bực bội với những gì vợ tôi làm có tí liên quan đến nhà T. Và có lẽ mối lo lắng bất an trong tôi thực sự trở nên đỉnh điểm, ấy là cách đây vài năm, khi T. đưa cả gia đình về quê sinh sống. Tôi vô tình biết được chuyện đó khi mẹ của T. qua chỗ tôi bốc thuốc cho con dâu.

Qua lời kể của bà, tôi mới biết T. lấy vợ muộn. Sau 30 tuổi, T. mới quyết định kết hôn. Vợ của T. trẻ hơn T. 10 tuổi, là cán bộ cấp dưỡng trong đơn vị. T. thương hoàn cảnh vợ mồ côi không nơi nương tựa, được đơn vị nuôi từ nhỏ nên đem lòng yêu thương. Hai vợ chồng lấy nhau ở tập thể trong đơn vị.

Có với nhau cũng được hai đứa con trai. Gần đây, do vợ T. bị ốm nặng, chạy chữa tây y khắp nơi không được, T. đưa vợ và các con trở về quê dựa vào gia đình bố mẹ và họ hàng chăm sóc vì bản thân T. còn đang ở trong quân ngũ.

Tôi rất khó nghĩ. Những ý nghĩ ghen tuông hẹp hòi là do trong lòng tôi mà ra. Tôi không thể vì tình cảm riêng tư đó mà không bốc thuốc cho vợ T. để giúp vợ cậu ấy trong lúc khó khăn. Vợ tôi đương nhiên là cán bộ phụ nữ xã, hẳn cô ấy cũng không thể bỏ qua hoàn cảnh gia đình của T. để chú ý chăm sóc giúp đỡ.

Nhưng kể từ ngày T. đưa vợ con về quê sinh sống, một tháng T. mới về thăm nhà thăm vợ con một lần, vợ tôi đâm ra thay đổi tính nết. Ngoài tuổi 40, vợ tôi cũng chưa phải đã già, nhưng còn trẻ  gì nữa đâu để mà có những ý nghĩ điên rồ hay mạo hiểm thay đổi số phận. Vậy mà vợ tôi thay đổi thật. Bỏ ngoài tai mọi lời khó chịu của tôi, cô ấy vẫn thỉnh thoảng qua lại thăm vợ của T. và giúp đỡ việc này việc nọ.

Đành rằng cô ấy vừa là cán bộ y tế xã, vừa phụ trách công tác phụ nữ thì việc qua lại thăm hỏi các hội viên là chuyện bình thường. Nhưng tôi rất kị việc vợ tôi qua lại nhà người yêu cũ nên vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi cọ nói với nhau nặng lời. Vợ tôi một mực cho rằng giờ ai cũng có gia đình, gia đình T. gặp hoàn cảnh éo le, vợ bệnh tật nặng như vậy, mình từng là bạn thân của nhau, không giúp thì hẹp hòi quá. Khi nghe vợ tôi thốt ra mấy lời ám chỉ tôi, tôi nổi xung lên.

Ảnh minh họa.

Lần đầu tiên tôi đánh vợ tôi một trận ra trò. Tôi đánh chửi vợ như thể trút xuống cô ấy bao nỗi tức tối hằn học. Sự tức tối hằn học không phải là đối với vợ tôi hay T. mà với chính bản thân tôi. Tôi cũng không lý giải được vì sao cái cảm giác không bao giờ thanh thản hay thoải mái khi nghĩ đến T. và mối quan hệ tình cũ của vợ tôi với người bạn thân nữa.

Tôi vừa đánh vừa mạt sát vợ: “Cô lại định đi gặp gỡ với tình cũ chứ gì. Hóa ra bao nhiêu năm tôi sống với cô chỉ là sống với cái xác không hồn của cô à. Cô chờ cho vợ nó chết để mà chạy đến thế chỗ chứ gì”.

Trong cơn nóng giận tôi đã buông ra những lời lẽ mà sau này tôi vô cùng ân hận vì đã đi quá đà, vượt quá ngưỡng, ra ngoài ranh giới chịu đựng tối thiểu của tình vợ chồng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi trở nên vũ phu thô tục với vợ. Như giọt nước tràn ly, trận đánh chửi này đã làm cho tình cảm của vợ chồng tôi vỡ hoác.

Lần đó vợ tôi khóc mất mấy ngày liền, vợ chồng giận nhau không nói với nhau một câu nào có đến mấy tháng. Tôi đã định làm lành với vợ, giải tỏa nỗi ẩn ức trong lòng với vợ nhưng không hiểu sao có gì đó cứ chặn họng tôi lại. Vợ tôi thì ngày càng ít nói, càng ít chia sẻ và cứ lặng lẽ như một cái bóng. Thế rồi vợ của T. mất. Vợ chồng tôi có đến thăm và đưa tang. Vợ tôi trong hội phụ nữ xã nên đứng ra cùng với các ban ngành của xã để lo cho tang gia cho gia đình T.

Vợ mất. T. cũng xin về hưu sớm hơn vài năm để về quê lo gia đình, lo cho hai đứa con đang độ tuổi đi học. T. về quê năm trước, năm sau được xã bầu vào chức Hội trưởng Cựu chiến binh, rồi Bí thư đảng ủy xã. Số phận và cuộc đời xô đẩy, cuối cùng vợ tôi và T. lại cùng làm việc với nhau ở trên xã. Lúc này, tình cảm của vợ chồng tôi lại càng tệ hại, sứt mẻ chủ yếu là do tôi ghen tuông, giận dữ. Tôi cấm đoán vợ tôi không tham gia công tác đoàn thể nữa mà về ở nhà phụ giúp chồng bốc thuốc. Vợ tôi dứt khoát không chịu. Giữa hai vợ chồng tôi thường cãi nhau liên miên, thành ra sống ly thân trong một ngôi nhà lúc nào không hay.

Do tính tự ái cố hữu của một người đàn ông nông dân gia trưởng nên đã bao nhiêu lần tôi định xuống nước để chủ động làm lành xóa tan băng giá giữa hai vợ chồng nhưng cứ có một điều gì đó chặn tôi lại, ngăn cản tôi.

Cuộc sống của hai vợ chồng tôi rạn nứt quá sâu, không làm sao có thể lấp đầy được. Tôi buồn nhiều đâm ra hay uống rượu. Hai đứa con tôi đều đã lớn, đã vào các trường cao đẳng, chúng đều có cuộc sống riêng.

Ở vào thời điểm tuổi tác cũng đã lớn, tôi cần có một gia đình bình yên sum vầy nhất thì lại xảy ra như vậy. Vợ chồng tôi không ly hôn hẳn nhưng vợ tôi thường ăn ngủ ở dưới nhà mẹ đẻ. Từ ngày vợ chồng lạnh nhạt với nhau, vợ tôi theo lên chùa và gia nhập đạo tràng đi tụng kinh gõ mõ làm từ thiện ở các gia đình có đám hiếu. Có thời gian vợ tôi đi lễ đi chùa cùng hội đạo tràng hàng chục ngày mới về nhà.

Tôi mong muốn trở về với một cuộc sống như xưa nhưng hình như vợ tôi không còn có nhu cầu đó. Vợ tôi dành hết thời gian cho công việc xã hội mà không còn quan tâm đến chồng mình, không thực hiện nghĩa vụ và bổn phận của một người vợ. Khi đã quá chán nản và mệt mỏi, tôi đã nói chuyện với vợ tôi, xin lỗi về tất cả và bày tỏ nguyện vọng hai vợ chồng nên có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với nhau để nối lại quan hệ tình cảm, trở về với cuộc sống sum vầy hạnh phúc như xưa thì vợ tôi đã lạnh lùng chối từ.

Vợ tôi nói: “Quá muộn để hàn gắn những gì đã vỡ nát giữa chúng ta. Giờ đây tôi đã quy y cửa Phật. Anh hãy để cho tôi được thanh thản tu tâm để tìm sự tĩnh lặng. Tôi và anh trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng nhưng việc tôi tôi làm, việc anh anh làm, coi như không liên quan đến nhau. Giữa anh và tôi còn có hai đứa con chung nên việc ly hôn là không thể. Chúng ta phải tôn trọng công việc và cuộc sống của nhau”.

Kính thưa các anh các chị!

Thật chua xót khi trên đầu đã hai thứ tóc, đã già, đã mệt mỏi, cần dừng chân để nghỉ ngơi trong chính tổ ấm của mình thì tôi lại trở nên bơ vơ lạc lõng trong ngôi nhà của tôi. Vợ giờ bỏ đi chùa liên miên, các con đi học xa, gia đình trống lạnh. Ngoài công việc ra, tối đến, tôi thường xuyên chìm trong những cơn say.

Vẫn biết như thế là hại sức khỏe nhưng tôi không làm sao thoát ra nỗi buồn sự bất lực cay đắng này. Tôi bốc thuốc chữa bệnh cho bao nhiêu người nhưng lại không bốc nổi thuốc chữa bệnh cho cuộc hôn nhân của chúng tôi. Phải chăng đó là cái giá mà tôi phải trả cho một tình yêu toan tính ngay từ đầu. Phải chăng đến tận cuối đời tôi mới vỡ lẽ ra rằng tôi chỉ chiếm được thân xác của vợ tôi chứ chưa bao giờ tôi chiếm trọn được tình cảm của cô ấy cho nên sự đổ vỡ mới diễn ra dễ dàng như vậy, khó tin như vậy?

Kính thư: Trần Quân (Quảng Trị)

Lời người biên tập

Bác Trần Quân kính mến! Đúng là trên đời này có những chuyện lạ lùng khó tin nhưng vẫn xảy ra ngay trong đời sống chúng ta đấy thôi. Bác nói đúng, trong câu chuyện của bác thì sự đổ vỡ trong tình cảm giữa bác và vợ quá dễ dàng, không thể tin được. Có gì đâu để đến mức phải đổ vỡ. Mâu thuẫn không phải là cái gì đó quá lớn, quá kinh khủng. Vợ chồng bác cũng không thuộc dạng sống với nhau không hạnh phúc, đánh chửi nhau như cơm bữa để mà nói là hôn nhân luôn đứng bên bờ vực thẳm của sự ly tán.

Thế mà cuối cùng, cuộc hôn nhân khá bằng phẳng êm ái của bác lại là cuộc hôn nhân mong manh và dễ tan nhất. Ngoài đời, chúng tôi cũng đã từng chứng kiến những cuộc ly hôn, những cuộc chia tay lãng nhách, không thể tin nổi là vợ chồng họ sẽ chia tay vì những lý do vớ vẩn, thế mà chia tay vẫn xảy ra, để cho những người trong cuộc buồn đau, suy sụp tinh thần như một cuộc đùa dai của tạo hóa, của số phận trút lên đầu họ.

Chúng tôi chỉ khuyên bác một ý thế này. Ở tuổi này rồi, bác hãy dẹp qua tính tự ái, tính gia trưởng nông dân của mình. Bác vẫn còn yêu vợ bác nhiều và cần một gia đình ấm áp cho các con cháu sau này.

Bác hãy mở lòng chân thành thêm một lần nữa với vợ bác để hiểu cho sâu, cho cặn kẽ vì sao vợ bác lại quyết định như vậy. Bác hãy làm tất cả để cứu vãn cuộc hôn nhân không đáng tan vỡ của mình. Còn chuyện cũ, những gì xảy ra thì đã xảy ra, bác hãy quên những giày vò, day dứt đi vì dù gì thì bác cũng đã hết lòng yêu thương vợ bác và xây dựng một cuộc sống tốt. Giữa bác và vợ bác cũng đã có hai đứa con trưởng thành, sắp sửa lại có cháu nội cháu ngoại vì thế không dễ gì để phá bỏ.

Chúng tôi cũng tin rằng T. người bạn của bác hẳn đã tha thứ cho bác từ lâu rồi vì trong tình yêu mọi lỗi lầm đều dễ để được tha thứ hơn bác ạ. Cố gắng lên bác nhé. Mọi thứ chưa phải là đã hết hy vọng. Chúc bác thành công.

.
.