Chuyện đời éo le của bà nội

Chủ Nhật, 02/11/2014, 17:07

Kính thưa quý Toà soạn Báo An ninh thế giới Cuối tháng!

Câu chuyện mà tôi đang kể ra đây xảy ra đã lâu lắm rồi. Tất cả những người trong cuộc đều đã trở thành thiên cổ. Họ ra đi và nằm xuống ba tấc đất lạnh lẽo. Vùi sâu nỗi ngùi ngẫm thân phận và cả cái đời sống bi kịch bẽ bàng mà họ đã trải qua.

Đó là câu chuyện của ông bà nội tôi và em của ông nội, tức là người mà bà nội tôi gọi là chú em chồng. Mẹ tôi kể rằng, gia đình bố tôi ở tận một xóm nghèo miền núi xa lắc của tỉnh Thanh Hoá. Chúng tôi, các con của bố chưa một lần được trở về quê nội dù đầu đã hai thứ tóc. Khi chúng tôi lớn lên, trưởng thành, lập gia đình, có con cái, đem thắc mắc này định hỏi bố thì mẹ xua tay ra hiệu là chúng tôi không được hỏi bố hay nhắc đến chuyện quê quán với ông. Thế là gia đình tôi không có khái niệm ông bà nội bởi bố tôi từ khi ông còn trẻ cho đến lúc đã già không bao giờ ông nhắc các con về dòng họ tổ tiên. Ông không bao giờ kể về những bậc sinh thành, hay đưa các con là chúng tôi trở về quê hương bản quán lấy một lần. Bố tôi bỏ quê, bỏ làng, bỏ xứ tha hương vào tận Đắc Lắc sinh sống lập nghiệp.

Vào Đắc Lắc, bố mới gặp mẹ, người con gái cùng làng cũng theo gia đình di cư vào tận trong này sinh sống. Họ hàng bên ngoại của mẹ tôi thì hầu hết đã di cư vào đây. Còn bên nội, chỉ duy nhất có bố tôi là rẽ lối độc thân một mình vào tận đây lập nghiệp. Mẹ nói, bố tôi buộc phải lựa chọn một cuộc sống đơn độc nơi đất khách là bởi bố tôi vì một chuyện bẽ bàng trong gia đình mà khi lớn lên bố bỏ quê bỏ quán, bỏ anh bỏ em, bỏ họ hàng làng mạc mà đi biệt xứ. Cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay, ông cũng không có ý định tìm về với cội nguồn. Ông nằm lại trên mảnh đất đỏ của núi đồi Tây Nguyên với một nỗi im lặng mà theo mẹ tôi thì đó là một nỗi im lặng sắt đá nhưng chứa đựng nhiều nỗi buồn phiền tủi hận. Và cũng chỉ đến khi bố nằm xuống, mất đi, mẹ mới dám hé miệng kể cho các con của bà nghe câu chuyện đau lòng của dòng tộc bên nội tôi, cụ thể là ông bà nội và ông chú nội bên chồng của mẹ tôi để giải toả những băn khoăn, thắc mắc lâu nay của các con bà.

Mẹ tôi kể câu chuyện này cũng đã lâu, giờ đây nấm mồ của bà cỏ thanh minh cũng đã xanh rì trên mộ. Tôi không thể kể lại cho các con tôi. Tôi cũng như bà, ngậm ngùi một nỗi im lặng. Nhưng có lẽ tôi may mắn hơn bà, bớt tổn thương đau khổ hơn bà vì câu chuyện xảy ra đã quá lâu, những người trong cuộc đã trở thành thiên cổ. Còn hậu thế chúng tôi, lũ cháu, chắt, chút, chít sau này, chúng nó có thể không cần phải biết quá khứ tủi buồn của cụ kỵ chúng. Vả lại, trong cái đời sống hiện đại mà mọi thứ lướt nhanh như  mạng internet thế này, các quan hệ trở nên cá nhân hơn, vị kỷ hơn thì chuyện đời xửa đời xưa của các cụ, có lẽ chúng nó chẳng quan tâm làm gì. Mà có biết thì cũng coi như chuyện không ảnh hưởng đến mình. Tôi phát hiện ra bọn trẻ bây giờ chúng nó sống vị kỷ, không quan tâm đến người khác và gần như vô cảm với thế giới xung quanh trước những gì không thuộc về cá nhân chúng. Thế nên tôi đã chọn cách viết lại câu chuyện này như việc trút bớt một nỗi buồn âm u trĩu nặng mà mẹ tôi đã sẻ chia với tôi, để giờ đây tôi gánh nó một mình với thẳm sâu nỗi muộn phiền day dứt. 

Mẹ tôi đã gọi tôi, đứa con gái cả của bà về nhà bà một ngày trời trở gió. Một ngày mây đen âm u vần vũ, những cây khộp già trước ngõ vặn mình buồn bã. Mẹ ngồi trên phản gỗ, tựa lưng vào vách gỗ, nước mắt bà chảy tự lúc nào trên đôi má sọm đen vì tuổi tác, chảy theo câu chuyện bà kể cho tôi nghe. Bà nói, sở dĩ bố tôi lấy vợ muộn và lấy mẹ tôi, một người phụ nữ nhỏ bé, xấu xí cũng gần như quá lứa lỡ thì là bởi bố có những mặc cảm không ngẩng mặt lên được. Bố sống chìm lỉm trong những rẫy cà phê, bốn mùa gằm mặt xuống đất. Khi gặp mẹ cũng là người cùng quê, cùng làm rẫy cà phê như bố, mặt mũi mẹ kém sắc, cũng lủi thủi cô đơn với tuổi xuân vắng vẻ của mình, bố như thấy tự tin hơn. Mặc dù lúc thanh niên, bố đẹp trai, mạnh khoẻ, là người đàn ông lực điền mà nhiều người con gái lao động như mẹ phải mơ ước lấy được làm chồng. Thế mà bố đã chọn mẹ, trao gửi cuộc đời với người con gái thua kém ông nhiều lần. 

Mẹ thành vợ của bố, đẻ sòn sòn cho bố 5 mặt con đủ cả trai lẫn gái. Các con đã lớn khôn, bố mẹ cũng đã có vài cái rẫy cà phê rộng chục héc ta, cuộc sống đã đủ ăn đủ mặc rồi thì bố mới chịu hé lời chia sẻ với mẹ vì sao từ ngày lấy nhau, đám cưới của bố mẹ cũng chỉ có một mình bố là bên nội. Và vì sao bố không bao giờ đưa mẹ và các con về quê thắp hương lên bàn thờ gia tiên, vái lạy nhà thờ tổ lấy một lần. Tất cả chỉ vì mẹ của bố, tức là mẹ chồng của mẹ tôi, bà nội của tôi là người phụ nữ cùng lúc làm vợ của hai anh em ruột, cùng sinh con cho họ. Số phận của bà nội tôi thật éo le đến khó tin.

Bà nội tôi kết hôn với ông nội tôi từ những năm kháng chiến chống Pháp. Ông bà ở với nhau được 3 năm, đẻ sòn sòn 2 mặt con rồi thì ông nội tôi theo lệnh tổng động viên đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Bắc Bộ.  Bà nội tôi có nghề nuôi tằm dệt vải. Bà không phải làm ruộng chân lấm tay bùn mà bà dệt vải rồi hằng tuần đi chợ huyện bán những tấm vải bà dệt để mua lấy thóc gạo nuôi con. Khi ông nội đi kháng chiến, bà mới 18 tuổi. Ngày xưa 15 tuổi đi lấy chồng là chuyện bình thường. Nạn tảo hôn thời trước là phổ biến. Ông nội đi kháng chiến được 3 năm thì gia đình nhận được giấy báo tử ông đã hy sinh. Hai mươi mốt tuổi bà nội tôi góa chồng, một nách hai đứa con thơ dại.

Bà nội tôi đẹp lắm. Nhan sắc của bà nức tiếng cả vùng. Gái hai con, goá chồng trên đầu mái tóc xanh là vành khăn trắng. Biết bao nhiêu kẻ rập rình chòng ghẹo đưa đón. Người muốn lấy bà về làm lẽ cũng nhiều. Người thấy bà xinh đẹp goá bụa nên chọc quấy trêu đùa buông lời tán tỉnh ong bướm cũng lắm. Đàn ông làng trên xóm dưới khu vực kẻ chợ cũng tìm đến nhà bà nội tôi ở để cầu hôn. Bà nội tôi vì đẹp mà tự biết mình không thể thủ tiết thờ chồng được. Bà chủ động xin phép bố mẹ chồng cho ra ở riêng. Bà là người phụ nữ mạnh mẽ, rõ ràng, thế nên bà có thưa chuyện với bố mẹ chồng mình xin phép bố mẹ chồng cho riêng ra để tiện cuộc sống của mấy mẹ con sau này. Có ngờ đâu, bố mẹ chồng đồng ý cho con dâu ra ở riêng thì em trai của chồng lại nằng nặc xin bố mẹ đừng để chị dâu và các cháu ra ngoài. Ông xin chị dâu cho mình được thay anh trai đã hy sinh chăm sóc chị dâu và hai cháu.

Trò đời thật éo le… Lúc đầu thì ông bà phản đối kịch liệt vì không thể chấp nhận cho em chồng lấy chị dâu cho dù anh chồng đã hy sinh. Bản thân bà nội tôi cũng khước từ thứ tình cảm rồ dại của em chồng. Bà kiên quyết bước ra khỏi nhà chồng làm hai gian nhà tranh ở cuối thôn và đưa các con về ở. Oái oăm thay, cùng với những gã đàn ông khác ngày đêm rình rập và tán tỉnh chị dâu để rước chị dâu về làm vợ lẽ, vợ kế thì em trai của chồng đã thi gan với họ để quyết tâm chinh phục bằng được trái tim chị dâu. Quyết tâm  canh chừng chị dâu không để lọt vào tay người đàn ông nào khác.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bùng cháy. Bà vẫn còn quá trẻ, lại xinh đẹp, thiếu vắng hơi ấm của người đàn ông quá lâu trong khi tuổi xuân còn rừng rực cháy. Bà đã không cưỡng nổi con tim mình trước người con trai là em ruột chồng mình, trẻ hơn bà 2 tuổi. Người con trai đó mang dáng dấp của chồng bà, là hình ảnh của người chồng đã tay ấp gối kề mặn nồng với bà trong 3 năm chồng vợ. Chính vì thế con tim bà không thể thờ ơ mãi. Trong khi đó, tình cảm của người em chồng bà là thứ tình cảm xuất phát từ đáy lòng, từ con tim, từ sự rung động tự nhiên, từ nỗi thương cảm chia sẻ với chị dâu mình chứ không phải từ những ham muốn ích kỷ và tầm thường khác. Lâu ngày, mối tình cảm ấy lớn dần, lớn dần thành tình yêu. Từ ngày anh trai hy sinh nơi chiến trường, người em trai đã gần gũi chăm sóc hai cháu thay anh. Chị đi chợ bán vải xa, ở nhà một tay lo cho các cháu, giúp chị nuôi tằm se tơ, dệt vải. Dựng ngôi nhà tranh hai gian cũng một tay em chồng lo giúp. Mọi công việc sức vóc của người đàn ông trong nhà, em trai đều ghé lưng đảm trách.

Bố mẹ chồng lúc đầu ngăn cản quyết liệt, nhưng lâu dần thấy chị em thương nhau thật sự, thấy hai đứa cháu nội của mình được chú yêu thương chăm lo nuôi nấng nên đã đồng ý cho phép em trai thay anh trai yêu thương và chăm sóc chị dâu, coi như việc anh vắn số hy sinh, giờ có em trai thay anh làm cha các cháu. Chuyện tình cảm này rồi cũng được họ hàng làng xóm chấp nhận. Mẹ chồng bà nội tôi có bữa cơm nhỏ xin phép gia tiên thưa chuyện với họ hàng cho con dâu lần nữa lại về làm dâu, lấy con trai thứ của mình.

(Còn nữa)
Nguyễn Thị Mý (Đắc Lắc)

Lời BBT

Bạn đọc thân quý! Câu chuyện của bà Mý kể về hai cuộc hôn nhân éo le của bà nội chồng mình với hai anh em ruột. Thật ra, chuyện em chồng yêu thương chị dâu không phải là chuyện hiếm.  Chưa nói đến việc em chồng chị dâu nảy sinh tình cảm ngoài luồng, ngoại tình với nhau rồi đến với nhau bất chấp luân thường đạo lý vẫn xảy ra ở bên ngoài xã hội. Ở đời này, chuyện tình cảm không có gì là không thể. Bà nội của chị Mý đã yêu hai người đàn ông là ruột thịt máu mủ của nhau, đã chấp nhận làm vợ của cả hai anh em hoàn toàn do hoàn cảnh khách quan với lý do bà nhận được giấy báo tử cho biết chồng mình đã hy sinh ở chiến trường. Nhưng cuộc đời không đơn giản. Nếu goá chồng, đi bước nữa dù người chồng sau có là ai đi chăng nữa thì danh chính ngôn thuận việc tái hôn  đều đúng pháp luật, hợp với lẽ đời, với nhu cầu của con người. Cuộc đời và số phận của bà nội, ông nội, chú nội của bà Mý còn khốc liệt hơn nhiều bởi những tình huống bất ngờ trớ trêu theo suốt cuộc đời họ làm cho cả ba có một cuộc hôn nhân kỳ lạ, một đời sống kỳ lạ đến không thể tưởng tượng nổi mà quý độc giả sẽ theo dõi ở phần tiếp theo của câu chuyện. Kính mời quý độc giả đón đọc ở số báo tới.

.
.