Đèn đom đóm, Chí Phèo và trí của người xưa

Thứ Bảy, 26/09/2015, 14:04
Người trí không lấy mục đích để bao biện cho hành động, người trí biết cách vượt qua khó khăn trước mắt bằng trí lực của bản thân. Tự người trí đã có thể họa đường để đi. Trí ấy, mới thật là trí vậy.

Trí của người xưa!

Xưa nay tôi vẫn thường nghe: “Mục đích không thể nào biện hộ cho phương tiện”.

1. Nhiều người vẫn gọi tôi là loại nệ cổ, hủ lậu. Nhưng biết làm sao được, khi mà tôi có những điều luật cho riêng mình, tôi có thể thỏa hiệp với nhiều chuyện khác nhau tuy nhiên không thể thỏa hiệp với nguyên tắc của bản thân được. Rất ấu trĩ, tôi gọi đó là sự tự tu dưỡng.

Vừa rồi, người ta ầm ĩ vì hai cậu thanh niên có thể gọi là trí thức trưng biển ngoài phố, một người xin việc làm, một người xin giúp đỡ để có thể vào đại học.

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi cá nhân nghiễm nhiên thực hiện các hành vi không có trong luật định. Tuy nhiên, ngoài các điều luật được Quốc hội thông qua thì còn đó hàng loạt những thứ luật vô hình khác, đất có lề quê có thói, chính là vì vậy.

Hai cậu thanh niên trưng biển xin giúp đỡ không có gì đáng phê phán hay lên án. Mấy trăm năm nay, người ta nhất nhất vẫn ca ngợi Hàn Tín, Câu Tiễn hay Tôn Tẫn đấy thôi.

Đám đông luôn thích lấy mục đích để luận anh hùng, bất chấp sự chính danh là điều cũng quan trọng không kém thành quả đạt được. Tôi cực kỳ không thích những thông tin kiểu, đi cướp để mua sữa cho con, ăn trộm để mua thuốc cho mẹ. Bởi cá nhân không thể lấy hoàn cảnh của mình để gây khó khăn cho người không liên can. Dẫu rằng, tận trong tâm tưởng vẫn nảy sinh những cảm xúc xót xa.

Một trong những sai lầm đáng tiếc nhất của người Việt để kéo theo những hệ lụy là thói ủy mị, thích cầu xin sự cưu mang, giúp đỡ chính là thói quen đổ thừa.

Mấy thập niên rồi, người ta vẫn thường dạy: “Xã hội đã tha hóa Chí Phèo”. Họ quên mất, chỉ có chính Chí Phèo mới tự tha hóa Chí Phèo được. Bởi trong thời đại nhập nhèm tận khổ đấy, sao hàng triệu người khác không biến thành những Chí Phèo A, Chí Phèo B, Chí Phèo C… Chí Phèo, nhất thiết phải được xem là biểu trưng của thói quen thích đổ thừa cho hoàn cảnh của người Việt.

Minh họa: Hữu Khoa.

Nếu Mai An Tiêm cầu xin lòng thương xót, thì làm sao có câu chuyện “tự lực cánh sinh”. Nếu Chử Đồng Tử cũng chỉ ăn vạ cuộc đời vì khốn khó thì làm sao trọn vẹn Tứ bất tử. Thế nên, mãi mãi chỉ có nước mắt của chàng Trương Chi, “người thì thậm xấu/ hát thì thậm hay” là buồn bã đến ngấy lòng… Thế mới biết, không phải ngẫu nhiên công cuộc phục quốc của Hoàng đế Gia Long mãi cho đến lúc này vẫn không được coi trọng chỉ vì hành vi mượn ngoại bang mưu cơ đồ.

2. Trở lại câu chuyện của hai cá nhân có thể gọi là trí thức với hành động trưng biển, xin nhắc lại chuyện của Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, có thuyết cho rằng mẹ ông bị khỉ xâm hại nên khi sinh ra Mạc Đĩnh Chi cực xấu, người thấp bé, diện mạo đen đúa. Nhà nghèo, Mạc Đĩnh Chi chăn trâu thuê, kiếm củi bán phụ mẹ. Mỗi lần ngang nhà thầy đồ, đều nghếch cổ học lỏm. Thầy đồ để ý, kiểm tra kiến văn. Thấy Mạc Đĩnh Chi thông tuệ, bèn hết sức bồi đắp. Mạc Đĩnh Chi để lại tích đèn đom đóm chỉ sự hiếu học cực kỳ cảm động.

Khoa Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội Nguyên, tiếp đến đỗ Trạng Nguyên. Bấy giờ là thời trị vì của vua Trần Anh Tông.

Trần Anh Tông là vị vua được đánh giá anh minh không kém Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông là mấy.

Anh Tông tài hoa, lại mải chơi. Thuở còn làm thái tử tự trốn ra khỏi cung tìm giai nhân, bị bọn côn quang xâm phạm. Thái thượng hoàng hồi kinh, Trần Anh Tông say rượu không biết tin, may mà vớ được Đoàn Nhữ Hài biên thư tạ lỗi. Xét tiểu tiết, chỉ riêng chuyện Trần Anh Tông từ chối xăm hình rồng vào bắp chân để khẳng định dòng dõi quý phái vì thấy không cần thiết đã là đáng bậc tinh thông rồi.

Thế cho nên, khi nhìn thấy dung mạo Mạc Đĩnh Chi, Trần Anh Tông rất khó chịu. Thời đấy lại có thể, vua phải xét dung mạo rồi mới quyết có cho đỗ Trạng Nguyên hay không.

Trộm nhìn thấy Trần Anh Tông cau mày, Mạc Đĩnh Chi đã hiểu sự bất lợi của ông. Bèn nhân đấy làm bài phú  Ngọc Tỉnh Liên (Hoa sen trong giếng ngọc) trình vua.

Bài phú khá dài, xin tạm trích đoạn mở đầu theo Điển Hay Tích Lạ đã diễn Nôm: “Đương khi lửa hạ, khách cao trai thư thả, lời dòng nước biếc, vịnh khúc phù dung; đến bến ao trong, ngâm câu nhạc phủ. Bỗng bóng ai, áo trắng mũ vàng, phất phơ điệu cốt xương tiên, hớn hở tinh thần khác tục. Khách hỏi: Từ đâu mà lại? Thưa rằng: Từ núi Hoa san. Khách kéo ghế mời ngồi vồn vã, này dưa ngon quả quý bày ra. Chuyện gần thôi lại chuyện xa, nói cười lơi lả, tiệc hoa tơi bời.

Chuyện xong, mới hỏi khách rằng: Khách đây quân tử ái liên chăng là? Tiện đây sẵn có giống nhà, vẫn từng gìn giữ nâng niu hoa vàng. Nọ đào lý bỉ thô còn kém, kể trúc mai đơn lạnh còn xa; nào phải giống tăng phòng câu kỷ, nào phải phường lạc thổ mẫu đơn, cũng chẳng phải đông ly đào cúc, mà cũng không cửu uyển linh lan; chính là một giống sen thần, đầu non núi Họa giếng vàng sinh ra. Khách nghe nói: Khen thay quý lạ! Phải chăng giống hoa cao mười trượng, ngó cong như thuyền, lạnh giá như băng, ngọt ngon tựa mật, xưa từng nghe tiếng, nay được thực trông. Nghe qua đạo sĩ vui lòng, hoa trong tay áo giữ liền tặng đưa. Khách trông thấy trong lòng hồi hộp, bút ngũ lăng tay thảo nên ca”.

Trần Anh Tông đọc xong bài phú, hiểu Mạc Đĩnh Chi đúng là người quân tử có khí chất muôn phần toàn vẹn của sen. Bèn thuận cho Mạc Đĩnh Chi làm Trạng nguyên.

Những điển tích về sau khi Mạc Đĩnh Chi tiếp sứ phương Bắc, đi sứ Phương Bắc đã cho thấy sự tài hoa lẫn tài năng của Mạc Đĩnh Chi. Thậm chí, văn chương của Trung Hoa còn trích dẫn thi phú của Mạc Đĩnh Chi.

3. Kể lại chuyện Mạc Đĩnh Chi, để thấy được cái trí của người xưa. Đấy mới thật là trí.

Người trí không lấy mục đích để bao biện cho hành động, người trí biết cách vượt qua khó khăn trước mắt bằng trí lực của bản thân.

Tự người trí đã có thể họa đường để đi.

Trí ấy, mới thật là trí vậy.

Tất nhiên, tôi hoàn toàn không có ý định kêu gọi đám đông hãy cứ để cá nhân tự thân vượt qua khốn khó. Hãy cứ chìa bàn tay cho những người khốn, hãy cứ mở lòng với những người khó. Tôi chỉ đang nói về tâm thế cần thiết của những người có thể gọi là trí thức trước ngã rẽ của cuộc đời mà tôi. Vì, tâm thế quyết định hành động.

Tôi rất thích đoạn này trong bài viết của tác giả Đặng Hoàng Giang, có tựa đề Vẻ đẹp của người đứng một mình: “…Đứng một mình không dễ.  Không những nó có thể làm ta không được ưa thích, khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé. Cần lòng dũng cảm để không lẩn tránh chúng. Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám víu vào sự tung hô của người khác. Một mình nhưng không cô đơn. Triết gia thế kỷ 19 Henry David Thoreau viết: “Tôi không cô đơn hơn một cây mao nhị hay bồ công anh trên một đồng cỏ, hay một lá đậu, hay một cây chua me đất, hay một con mòng, hay một con ong nghệ. Tôi không cô đơn hơn ngôi sao Bắc Đẩu, hay một ngọn gió nam, hay một cơn mưa tháng tư, hay băng tan tháng giêng”.

Hãy cứ đứng một mình, nếu chúng ta nhất thiết có thể làm được điều đó, mặc cho xuất môn là đã kiến sơn, ra ngõ đã gặp núi.

Không phải ngay cả việc lấp biển, con dã tràng nhỏ bé vẫn tận lực phụng hiến hay sao mà không cần ầm ào gào thét sự giúp đỡ, hay sao?!

Hãy cứ sẵn trên tay mình, một chiếc đèn đom đóm để biết rằng không có gì là tận sinh hay tận diệt, đều tự ta mà thành.

Sự thúc đẩy xã hội thuộc vế trí thức

Con người khoa học vĩ đại Enstain từng nói: “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả. Trong đó, hơn tất thảy, trí thức phải là những người lãnh nhiệm vụ thúc đẩy xã hội bằng hiểu biết của mình”.

Minh họa: Hữu Khoa.

Câu chuyện về một cử nhân cầm bảng xin việc, một thí sinh cầm bảng xin cứu giúp vì có_thể_trượt_đại_học vừa ồn ã trên mạng. Lại nhớ câu chuyện Nhan Súc nói chuyện với Tề Vương. Câu chuyện về người quân tử, đấng trượng phu (khi chưa có từ “trí thức”) được chép trong Cổ học tinh hoa. Chuyện rằng, đến chơi nhà Nhan Súc, vua Tuyên Vương nước Tề bảo: “Súc lại đây”. Nhan Súc cũng bảo: Vua lại đây”. Các quan thấy vậy, nói: “Vua là bậc chí tôn, Súc là kẻ hạ thần sao có chuyện thế được”. Nhan Súc nói: “Vua gọi Súc mà Súc lại, thì Súc là người hâm mộ thần thế. Súc gọi vua mà vua lại, thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng hâm mộ quyền thế, thì sao bằng để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài”. Vua nghe nói giận lắm, gắt lên rằng: “Vua quý hay kẻ sĩ quý?”. Nhan Súc đáp: “Sĩ quý, vua không quý”. Vua hỏi: “Có sách nào nói thế không?”. Nhan Súc thưa: “Có, ngày trước, nước Tần sang đánh nước Tề. Có hạ lệnh: “Ai dám đến gần mộ ông Liễu Hạ Quí mà kiếm củi, thì phải xử tử”. Lại có lệnh: “Ai lấy được đầu vua Tề thì được phong hầu và thưởng nghìn lạng vàng”. Xem thế đủ biết cái đầu ông vua sống thực không bằng cái mả kẻ sĩ chết”. Vua Tuyên Vương nói: “Than ôi! Người quân tử ai mà dám khinh! Quả nhân cam chịu lỗi!”.

Lại nghe: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Tạm dịch: Giàu sang không khiến sa đoạ, nghèo hèn không làm đổi thay, uy vũ không hề khuất phục). Ấy là phẩm cách của người trí thức vậy. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”, Thân Nhân Trung (1419-1499) tiến sĩ triều Lê khẳng định. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...

Ở thì hiện tại, một thống kê cho thấy, trong nước và trên thế giới có tới hơn 60 định nghĩa, quan niệm khác nhau về trí thức. Nhưng có thể thấy, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Nói cách khác, trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.

Cùng bàn về vấn đề này, Edward Said, một nhà trí thức nổi tiếng người Palestine, từng là giáo sư đại học ở Anh và Colombia cho rằng, có những người có học lại không phải là trí thức. Nếu những người “có học” này thụ động tinh thần, chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy, không chịu nỗ lực suy nghĩ chín chắn về những vấn đề xã hội, không có khả năng hình thành ý kiến độc lập với những gì được nhiều người công nhận. Như vậy, ngoài việc tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị thì trí thức cần phải là những nhà phản biện xã hội thay vì nương theo dòng chảy của xã hội một cách vô tính.

Ý kiến này tương đồng với ý kiến của Ralph Waldo Emerson trong tiểu luận nổi tiếng American Scholar của ông phát hành vào năm 1837: Trí thức không bị ràng buộc bởi những kiến thức trong quá khứ. Và làm gì thì làm, trí thức không thể chối bỏ trách nhiệm xã hội của mình. Đó cũng là cách hiểu của các trí thức hay các nhà nho Việt Nam thời xưa: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.

Trở lại câu nói của Einstein: “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”. Một người bình thường không làm gì cả đã không thể chấp nhận, càng không thể chấp nhận một trí thức “án binh bất động” trước những vấn đề của xã hội. Có thể thấy, vai trò của những trí thức - người có hiểu biết là: Dùng sự hiểu biết (và cả uy tín) của mình để góp phần giúp cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng sai, hay dở, tốt xấu… trong những những vấn đề chung mà xã hội; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần xác lập những chuẩn mực chung trong xã hội, góp phần định hướng, định hình xã hội…

Còn nhà nghiên cứu Alan Lightman thì chia trí thức thành 3 cấp độ: Cấp độ 1: Phát biểu, hướng dẫn công chúng những vấn đề thuộc về chuyên môn hẹp của mình. Cấp độ 2: Phát biểu và truyền thụ những kiến thức chuyên môn cũng như giới thiệu với công chúng sự liên quan giữa những kiến thức này với các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị chung. Cấp độ 3: Các trí thức đã trở thành biểu tượng xã hội vượt ra ngoài khuôn khổ của kiến thức chuyên môn thuần túy.

Như vậy, có thể thấy, trí thức từ Đông sang Tây, từ kim đến cổ luôn thể hiện trách nhiệm xã hội bằng chất xám của mình chứ không phải chực chờ sự gia ân của xã hội chỉ vì mình là trí thức (có chữ). Trí thức không ra trận, không làm đồng. Trí thức tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội đồng thời với việc định hướng xã hội đến với những chuẩn mực, những giá trị bền vững.

Chí Phèo trong tưởng tượng của tôi

Đôi khi tôi nhắm mắt và tưởng tượng ra cái anh Chí Phèo nếu sống ở thời đại này thì hành vi anh ta sẽ như thế nào? À rất có thể sáng hôm nào bỗng có nắng, Chí hốc vội vài cuốc rượu lỏng chỏng còn lại trong nhà, hắn lững thững say rảo bộ ra phố. Bỗng bụng hắn sôi lên vì đói, ừ thì sà bừa vào một quán vỉa hè, hắn no kễnh ra phủi quần khệnh khạng đứng dậy bước đi thẳng. Hiển nhiên nếu có ai mở miệng đòi tiền hắn sẽ chửi.

Minh họa: Hữu Khoa.

Văng cho xấp ngửa, một tay hắn chỉ mặt người đời lam lũ, một tay hắn cầm chiếc điện thoại có chức năng quay clip chĩa vào người ta và bắt đầu lu loa: “Ôi dồi ôi quân lấn chiếm vỉa hè nó chửi tôi, tôi ăn hàng nó mà nó còn đòi giết tôi, a mày dám đánh tao đấy à, tao sẽ cho mày lên Youtube, ôi cộng đồng mạng ơi quân bất lương nó đánh người lương thiện…”.

Ngay trong chiều hôm ấy, đoạn clip đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. “Báo chí” vào cuộc, nhan nhản với tít bài: “Lấn chiếm vỉa hè, hành hung khách bộ hành”, “Bát phở chan máu người lương thiện”, “Con đường Vũ Đại đẹp nhất thành phố vẫn tồn tại những hành vi vô văn hóa”…

Tất nhiên “sự kiện” của Chí chỉ âm ấm dư luận được vài hôm, người ta quên béng ngay mất hắn ta có thật là bị chảy máu hay không nữa, vì hôm nay lại có chuyện lạ khác ngay đầu đường. Chỗ ấy có anh cử nhân mạnh khỏe đứng hiên ngang chốn tấp nập người qua lại với tấm biển lớn viết nắn nót: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi”.

Ái chà, “cộng đồng mạng” lại sôi sục lên hỏi nhau chả biết anh ấy học nghề ngỗng gì mà tội nghiệp đến vậy? Tất nhiên có người thương cảm lẫn tò mò mạnh dạn ghé cạnh hỏi han, cậu bảo chả biết sao tốt nghiệp đại học xong đi đâu xin việc người ta cũng chỉ lắc đầu nên đành dùng cách chả giống ai này mong sớm kiếm được việc làm.

Anh hàng phở “nạn nhân” nổi tiếng bất đắc dĩ của anh Chí nghe lỏm được thì lấy làm bực lắm thét lên: “Này, nhìn đây này, già bằng này tuổi còn sớm hôm chặt gà lọc thịt nấu nước quạt than. Nhịn cuộc đời như cơm sống mà vẫn làm đấy. Tôi xin hỏi lý do gì mà đứng đấy như van xin  cả xã hội, ơ kìa cái kiểu thanh niên sức dài vai rộng mà bạc nhược…”.

Có chị khách hóng hớt được chuyện bèn càm ràm “uyên bác” đầy hiểu biết, chỉ trong mấy tháng đầu năm mà con số lao động toàn trình độ đại học thất nghiệp nghe đâu cũng gần hơn 170 nghìn người. Ơ kỳ lạ thế họ đi đâu hết mà thấy nhõn một anh đứng đường xin việc nhỉ? À rồi thì người ta bắt đầu đổ tội, đổ cho cơ chế, đổ cho giáo dục đào tạo chả phù hợp với yêu cầu xã hội, với thời cuộc. Cái thời buổi gì ai cũng nhăm nhăm đổ lỗi cho người khác, không tìm được ai y rằng phải nghĩ xem phải có ai đó phải chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình chứ nhỉ?

Còn bao cơ hội để lao động chân chính hay vì việc làm không tương xứng với bằng cấp  mà nhắm mắt để cơ hội trôi qua? Ây da, có khi người ta cứ thích bày cái tấm bằng đại học lên cao và khóc, tôi giỏi thế kia cơ mà, phải trả lương tôi thế này cơ. Đôi khi kẻ lười nhác còn quên béng mất mình có khả năng làm gì mà quên mất rằng chí ít thì cũng phải no cái bụng mà tồn tại đã trước khi đòi hỏi “xôi gấc”. Nếu cái sự ăn vạ được đón nhận thì nên gọi nó là bố thí hay thương hại nhỉ?

Đặc thù của ăn vạ rất cần khán giả, ở cái thời đại mạng xã hội lan tỏa tin nhanh và rộng rãi này dường như thói này lại càng có đất diễn. Họ lợi dụng Facebook như một cái sân khấu để diễn trục lợi những mục đích phía sau. Yêu nhau không thành, tự rạch tay rạch chân, lột quần lột áo chụp ảnh đưa lên mạng, thi trượt cầm bảng đưa lên mạng, vi phạm luật giao thông bị giữ xe cũng vội lăn ra đường quay clip tung lên mạng…

“Cư dân mạng” ngây ngô cảm tính nhanh chóng đưa ra “phán xét” nhanh gọn, đa chiều và phần lớn là chửi nhau qua lại.

Không biết tự bao giờ, trong một phần văn hóa giáo dục trẻ nhỏ. Chúng hậu đậu ngờ nghệch nghịch ngợm ngã hay lăng quăng va vào cái bàn cái ghế xưng u đầu. Y rằng, không bà thì có mẹ sẽ bế thốc đứa trẻ đang nhệch mồm khóc: “À mẹ thương mẹ thương, mẹ chừa cái bàn, bà đánh cái ghế nhé”.

Phải chăng kết quả của những lần ăn vạ và có người cưng nựng hướng dẫn đổ lỗi định hình nên những nhân cách “tiểu” anh Chí, chị Chí cho tương lai?

“Cào mặt” với xã hội có lẽ thời nào cũng là việc không nên và trên đường thành công hẳn nhiên không bao giờ tồn tại vết chân của kẻ làm biếng.

Ngô Nguyệt Lãng - Anh Tú - Hoàng Minh Trí
.
.