Áo rách, mình thương:

Xấu mình, hổ ai

Thứ Năm, 09/01/2014, 16:46

Chồng em, áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người (ca dao). Tất nhiên, đó là một cách ví von, lời người xưa bao giờ cũng đầy ví von cả. Chồng em, hay vợ em gì thì áo rách cũng đều thương, có xấu có hèn, có nghèo có khó cũng không suy suyển tình cảm. Mọi chuyện trên trời dưới đất, cõi thực hay tâm linh cũng không thể nằm ngoài một chữ “Thương”. Mấy ai nên duyên vợ chồng vì áo lành, rồi cạn nghĩa tao khang chỉ vì áo rách đâu.

Vợ chồng tưởng viên mãn, ai không muốn đi cùng nhau đến cuối con đường. Tiếc rằng, vạn sự đều gói trong duyên, hết duyên thì đành chịu.

Hết duyên, chỉ là cách nói để an ủi lòng nhau. Mà thôi, chuyện vợ chuyện chồng chuyện ai nấy biết.

Chỉ tiếc đến vô cùng, những lời như dao cứa lòng nhau sau một cuộc hôn nhân.

1. Chị, là nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Chị sang Mỹ, lập gia đình rồi định cư. Gia đình tan vỡ, chị đi bước nữa. Cái duyên tổ đãi cho phép chị sống được với nghề ở quê nhà, cả ở xứ người.

Chị gặp anh, luyến thương mà thành chồng vợ. Anh theo nghiệp diễn hoài mà tên tuổi vẫn cứ vẹn nguyên như lúc bắt đầu. Lấy nhau xong, anh diễn với chị. Cái tên chị lây sang cả danh vọng của anh. Người ta bắt đầu biết đến anh nhiều hơn.

Lâu lắc trước, chị về Việt Nam. Hỏi chuyện gia đình, chị cười buồn: “Thôi, nói làm chi”. Biết là đã có chuyện không vui.

Chị ở lại Việt Nam lâu hơn, lịch diễn cũng dày đặc hơn. Cuối năm, mùa bận rộn của nghệ sĩ, anh từ Mỹ về nơi này.

Anh ngồi với vài nhà báo, anh bắt đầu tố cáo chị. Anh nói, chị gài anh chứ anh có muốn cưới chị chút nào đâu. Chị ép anh phải này kia để có con với anh. Có con, anh buộc phải cưới chị.

Chị đi diễn với anh, có bao nhiêu tiền là chị lấy hết. Ban đầu, chị còn cho anh tiền đổ xăng. Về sau, tiền đổ xăng chị cũng không đưa, anh lâm vào cảnh túng thiếu.

Rồi chị theo tình mới, chị bỏ anh. Ờ, thì bỏ cũng được đi. Đằng này, tiền bạc chị lấy sạch. Anh còn nói nhiều thứ lắm, anh nói rất nhiều.

Anh nói đến mức anh quên rằng, nếu không có chị thì chẳng ai biết anh là ai. Mà xét tổng thể, thì quá khó để nói rằng chị gài anh. Về nhan sắc, anh không điển trai. Về danh vọng, anh không nổi tiếng. Về tài chính, giá cát-sê của chị cao hơn anh gấp nhiều lần.

Nhưng thôi, khi đã cạn tình, nói sao cũng được. Chỉ là, chuyện miệng gần tai.

Nhắn cho chị một cái tin, chị trả lời rất dài, buồn hiu. Đại ý, xoay quanh chuyện “Xấu chàng thì hổ ai?”.

Vợ chồng mà, người này bị bêu riếu thì người kia cũng không thể tốt đẹp được. Tiền nhân dạy: “Thương nhau lắm, cắn nhau đau”. Tuy nhiên, nhiều khi cắn nhau rất đau không phải vì thương mà chỉ là nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của cá nhân.

Giờ, thì anh đã thỏa mãn rồi. Anh cũng chẳng còn gì để nói về chị. Giờ, thì nỗi buồn cũng đã quá đủ đầy với chị rồi, chị không muốn giãi bày.

2. Thật ra thì, không làm vợ chồng nữa, khó có thể làm bạn. Chuyện hết yêu thành bạn bè, không phải là không có nhưng hiếm lắm.

Với lại, xưa giờ chỉ thấy mấy chị nhấm nhẳng chồng cũ. Ít nghe, chồng cũ nhấm nhẳng vợ xưa. Mà giả có, thì cũng chỉ một vài người quen hiểu chuyện, như một nhu cầu chia sẻ.

Lâu lắm rồi, có chị nhao nhao ném bùn vào mặt chồng cũ. Hồi đó, truyền thông rộn ràng lắm. Lại nghĩ, phụ nữ vốn yếu đuối, mất một người chồng thì cũng hay cau có này kia, đá thúng đụng nia, là chuyện thông cảm cho nhau được.

Còn đằng này, đàn ông đàn ang mà ném đá người vốn dĩ đã quen hơi, cho dù vì bất cứ lý do gì thì thấy cũng không đặng.

Không thành chồng thành vợ nữa, dẫu sao thì đã đi cùng nhau một chặng đường. Chặng đường ngắn hoặc dài thì có xá gì đâu, quan trọng đã cùng chung đôi. Thế nên, không nói được điều tốt đẹp về nhau, không khoan dung như tri âm tri kỷ, thì cứ lặng im như người chưa quen. Bêu riếu nhau mà làm gì.

Bởi:

Xấu chàng thì hổ thiếp, còn xấu thiếp thì hổ ai. Nhất là lúc, những đứa trẻ còn phải lớn lên.

Tiền, đâu mua được nghĩa tình. Người lớn thì đòi tiền, bọn trẻ thì đòi quà, chẳng đâu ra đâu.

Người dưng còn thương, huống hồ là đã cho nhau một đoạn duyên phận

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.