Vu Lan ở Biện Thượng

Thứ Bảy, 15/09/2007, 08:33
Biện Thượng, tên một làng cổ có từ thời Lê nay thuộc xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo... Câu ấy có trong vở chèo Quan Âm Thị Kính. Bồng Báo là tên nôm của Biện Thượng chỉ dấu một vùng đất có truyền thống khéo rèn dạy người.

Biện Thượng, nơi phát tích và sau này cũng là nơi thờ cúng Chúa tiên khởi Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm cùng 11 vị chúa từ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng cho đến Yến Đô Vương Trịnh Bồng từng giúp rập nhà Lê suốt 249 năm đã tạo nên những trang độc đáo nhất trong lịch sử Việt. Mùa Vu Lan năm Hợi này, tại làng Biện Thượng đã diễn ra một Đại Lễ Cầu siêu cầu an cho Đại tộc Trịnh Việt Nam tại Đền thờ Phủ Trịnh...

Thường là cảm giác bâng khuâng mỗi khi lật giở chính sử. Nội cuốn Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) thôi mà đã chép lắm dòng về cái làng Biện Thượng này. Về những đận hàn vi lẫn gian nan cha con Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng giúp vua Lê dẹp yên nội loạn nhà Mạc.

Nhìn từ cửa sổ nhà ông ngoại của nhà văn Thanh Châu (nhà văn Thanh Châu từng ở đây suốt thời thơ ấu cho đến hồi thanh niên) ra khúc sông Mã chảy ngang làng Biện Thượng thấy rân rân trong mình câu thơ Đằng giang tự cổ... thành Mã giang tự cổ huyết do hồng của sứ thần Giang Văn Minh!

Ấy là chợt hiện những trận huyết chiến ác liệt liên miên hằng năm ròng Lê Mạc chép chi tiết trong Toàn thư.

Rồi hành cung của các Chúa đóng ở Biện Thượng đây (cái nền bây giờ là Phủ Trịnh) để điều hành công việc nhà Lê mãi ngoài Thăng Long. Cái hành cung những là tòa ngang dãy dọc ấy sừng sững cùng tuế nguyệt hơn hai trăm năm, không biết thời nào giai đoạn nào đã trở thành bình địa?

Ai phá, thời nào phá? Khó nói lẫn khó minh định thay vào những năm tao loạn gần tao loạn xa ấy! Ví như không có cơn hứng lẫn cơn điên của Lê Chiêu Thống thì hàng trăm biệt thự của Vương phủ Trịnh ở Thăng Long, như những dòng chép của một thương nhân kiêm sử gia người Hòa Lan là âm ỉ cháy rồi thành bằng địa suốt một tháng ròng!

Nỗi tiếc xót ấy đeo bám lấy GS Trần Quốc Vượng cho mãi lúc gần nhắm mắt cứ than thở rằng giá như chỉ sót lại một vài gian hay một biệt thự trong hàng trăm gian của Vương phủ Trịnh thì đận kỷ niệm chẵn ngàn năm Thăng Long sắp tới phải là xôm tụ và ý nghĩa lắm lắm!

Nhưng chính thể mới với phương châm công bằng lịch sử, hơn mươi năm nay đã tự tin lẫn sòng phẳng mà minh định khi ra liền ba sắc phong Di tích Lịch sử Quốc gia cho làng Biện Thượng: Phủ Trịnh. Nghè Vẹt (nơi thờ quan Trịnh Ra người làng Biện Thượng mà từ thời đô hộ sứ đời Đường cử trị nhậm vùng này. Rồi sau này, Hồ Quý Ly lẫn Lê Thánh Tông khi trẩy quân hành phương Nam bình Chiêm lẫn Lê Lợi kéo quân ra Đông Quan đã ghé qua đây làm lễ tế cầu mong quân khỏe đánh thắng).

Di tích lịch sử thứ ba ở Biện Thượng là đền thờ Tể tướng Hoàng Đình Ái, vị Tổng tư lệnh của Trịnh Tùng hàng chục năm trời tả phù hữu bật đánh Đông dẹp Bắc giúp nhà Lê Trịnh. Như vậy chỉ trong phạm vi loanh quanh mấy chục bước chân mà Biện Thượng có đến ba di tích lịch sử!

Chưa hết. Vào cái đêm rét đầu những năm tám mươi, một bọn bất lương đã nạy tung cả quan lẫn quách ngôi mộ của Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng ở thôn Sóc Sơn đầu làng Biện Thượng.

Trong ánh đèn pin le lói, chúng đối diện với vị chúa suốt hơn 400 năm (Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng: 1570-1623) an nghỉ trong lòng đất quê hương Sóc Sơn mà lạ thay vóc dáng lẫn thần thái vẫn toát lên vẻ uy nghi lẫm liệt của thuở sinh thời bèn thất kinh bỏ chạy!

Chẳng hay chúng có kịp khua khoắng đi thứ tùy táng nào không nhưng sau đó dân làng, được sự giúp sức của các cơ quan có trách nhiệm, đã kỹ lưỡng lẫn chu đáo tu tém an táng lại phần mộ của ngài.

Một cuộc hội thảo mới đây của nhiều cơ quan lẫn Ban liên lạc họ Trịnh bàn việc xây Lăng Trịnh Tùng bằng kinh phí của dòng họ lẫn sự trợ cấp của Nhà nước đã được bàn soạn chi tiết.

Và như thế, quần thể kiến trúc (phần thiết kế do hai anh em họ Trịnh vốn là hậu duệ của ngài, anh nguyên là kiến trúc sư trưởng thành ở Hà Nội, em là Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc) mai kia sẽ hiện diện ở làng Sóc Sơn bên dòng sông Mã.

Quần thể ấy cùng với ba di tích đã được Nhà nước xếp hạng ở Biện Thượng sẽ nối liền với một cụm di tích lịch sử có thể nói là dày đặc những là thành Nhà Hồ, động Hồ Công, Đại Lại nơi chôn rau cắt rốn của Hồ Quý Ly, Đàn tế Nam Giao núi Đún (Đốn Sơn), núi Hùng Lĩnh, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa của Tống Duy Tân v.v... trong phạm vi 10km cả thảy, chắc chắn sẽ mang lại những nét son chấm phá cho mặt bằng du lịch lẫn đời sống tâm linh của vùng đất cổ Biện Thượng nói riêng và chung cho đất Vĩnh Lộc xứ Thanh.--PageBreak--

...Chưa đến cữ mưa sầm sùi sụt của tiết xử thử vào mùa Vu Lan mà thi hào Nguyễn Du tế mười loại chúng sinh. Vậy nên mồng mười tháng bảy ta, trời cứ ngằn ngặt xanh úp chụp xuống vạn vật cái oi nồng khó chịu, những dòng người từ tinh mơ đã nườm nượp đổ về Phủ Trịnh.

Từ hành cung biến thành bằng địa, Nhà nước đã trợ giúp cùng sức dân đóng góp dựng nên một phủ miếu dẫu còn khiêm nhường nhưng cũng đủ tùng tiệm làm nơi thờ cúng vị chúa tiên khởi Trịnh Kiểm cùng 11 vị chúa khác cùng sân hành lễ cho hàng trăm người.

Dân làng Biện Thượng tấp nập đi coi lễ cầu siêu và kháo nhau rằng dịp giỗ ngài hằng năm (18 tháng Hai âm lịch) chưa bao giờ trọng thể chu tất nhường này?

Sân phủ chật người của các chi họ Trịnh từ Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Phòng, Nam Hà, Nam Định, Nghệ An, nhiều nhất vẫn là Hà Nội cùng khách du lịch. Những chi họ Trịnh đông đúc bao đời nay định cư ở khu vực châu thổ sông Hồng và quanh đô Thăng Long.

Hậu duệ chúa Trịnh Tùng ở Định Công, Thịnh Liệt; ở quận Hai Bà Trưng. Chúa Trịnh Căn có hậu duệ sum suê ở Mỹ Văn, Hưng Yên; ở Hoài Đức, Hà Tây. Chúa Trịnh Cương hậu duệ đông đúc ở Chương Mỹ, ở Thanh Oai. Chúa Trịnh Bồng con cháu nhiều nhánh ở Bắc Ninh, Bắc Giang nay cũng kéo về đây khá đông v.v...

Khéo khen thay cho Ban liên lạc nhiều năm nay đã nối mạng, đã xâu chuỗi được ngót một ngàn chi họ Trịnh khắp cả nước, cả ở Mỹ, Canada... Việc tổ chức lễ này đã được thông báo từ nhiều ngày trước đó, con cháu các chi họ Trịnh khắp nơi cùng khách du lịch biết được nên mới có sự xôm tụ như thế này!

Chiêm ngắm việc trần thiết đàn lễ, thấy toát lên công sức lẫn tinh khéo của những người tổ chức (mà sau tôi biết được sự gắng gỏi của Ban liên lạc lẫn chính quyền địa phương cùng những người hằng tâm hằng sản...).

Mà hình như vẻ trọng thể lẫn tinh khéo ấy na ná như đàn lễ của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh trần thiết ở Sóc Sơn mới đây?

Hoà thượng Thích Quảng Hà đang thuyết pháp.

Kia rồi, thấp thoáng trong sắc áo nâu, vàng của hàng chục nhà sư tham gia hành lễ, tôi nhận ra nhà tu hành Thích Quảng Hà. Pháp danh của ngài là như vậy và ngoài chức Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó ban Thường trực kiêm Chánh thư ký Hội Phật giáo Nam Định (vùng Nam Định có đến 712 vị tăng ni và 818 ngôi chùa với 1,6 triệu phật tử) ngài có chân gì thêm trong hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam cùng với những ân, uy gì nhưng gần đây ngài khá nổi trội trong mặt bằng hành lễ xứ Bắc?

Dịp khánh thành tượng 14 vị vua Trần, dịp hô thần nhập tượng bức tượng đồng Trần Hưng Đạo lớn nhất Thành Nam, dịp khánh thành tượng cụ Tổng Bí thư Trường Chinh, ngài cũng đóng vai chủ lễ. Rồi dịp Thiền sư Thích Nhất Hạnh làm đàn giải oan ở Sóc Sơn, nhà sư Thích Quảng Hà cũng được chọn vai tiếp lễ?

Có lẽ một dịp nào đấy thích hợp, bạn đọc sẽ làm quen với nhà tu hành tuổi đời mới tứ tuần này, xuất gia từ năm lên chín nhưng đã khá thông Phật pháp...--PageBreak--

Chuyện nhà sư Thích Quảng Hà trong các buổi thuyết pháp rất bắt mắt bén tai người nghe và bất ngờ, ngoài việc xướng kinh bằng chất giọng khá nuột, còn thể hiện ca khúc con sông quê đang thịnh hành nghe khá mùi mẫn!

Hình như cuộc sống đổi mới, tôn giáo cũng phải đổi mới? Bằng cớ là hiện nay, các nhà chăn chiên, bên Phật cũng như Kitô có nhiều vị trong Phật sự cũng như mục vụ khá uyển chuyển và sáng tạo? Đạo lẫn đời ở họ khá chi là hòa quyện?

Thay vì các bài thuyết pháp lê thê khô cứng, những ý tưởng nhân văn nhân bản trong triết lý tôn giáo được minh chứng sinh động qua những câu chuyện, những ví dụ cụ thể ngoài cuộc sống vất vả mà các chúng sinh đang phải đối mặt lẫn bươn chải.

Bữa nay hòa thượng Thích Quảng Hà phong thái khá thoải mái tự nhiên trong bài thuyết pháp trước ngàn ngạt người nghe. Ngài đang nói đến đoạn mỗi cá nhân mỗi nhà (gia đình) mỗi dòng họ và quốc gia đều có việc có phận sự của mình.

Mỗi dòng họ góp nên sự vững bền cho dân tộc cho đất nước. Họ mạnh, nước mới mạnh. Ví như dân giàu nước mới mạnh. Khác với sự giàu xổi của hàng chục hàng ngàn đại gia mà dân đa phần còn cơ cực thì không thể gọi là nước mạnh? Hàng trăm dòng họ cấu thành nên dân tộc nên Tổ quốc này.

Mỗi một dòng họ như buổi hôm nay, hằng hà bao người, nóng bức chật chội chen nhau như thế mà không một lời cáu giận phiền trách hay gây gổ, dòng họ nào cũng giữ được hòa khí, một điều nhịn chín điều lành bảo ban nhau mà làm ăn dưới sự điều hành của Ban liên lạc của các tộc trưởng trong họ thì có phải phúc lớn cho quốc gia này không?

Bàn nhau để xóa đói giảm nghèo để làm giàu, bàn nhau để sống đẹp nhân ái chứ không phải khích bác phân bì so đo giữa các dòng họ giữa các chi tộc là công việc tối thượng hằng ngày của các vị trong Ban liên lạc các dòng họ!

Họ Trịnh có thế mạnh về lịch sử về văn hóa của họ Trịnh. Nhưng mỗi một dòng họ khác trên đất nước Việt ta, dòng họ nào cũng có cái thế mạnh ấy.

Tôi hy vọng, với đời sống vật chất ngày một dễ chịu dư dả, mỗi dịp Vu Lan như thế này, dòng họ nào có điều kiện thì nên làm cái lễ. Lễ ấy là dịp để họp mặt, để nhân lên sức mạnh đoàn kết, để cởi mở, để bày tỏ kể cả những oan khuất lỗi lầm.

Phàm con người ta, trong sự mưu sinh trong công việc ai cũng có oan trái. Oan trái như là thứ khuyết điểm. Ngày nào cũng năng rửa, năng giải thì sạch. Oan trái dẫu nặng mà có sự bíu xúm nhân ái của cả dòng họ, sự cảm thông vô lượng của Đức Phật thì sẽ nhẹ đi nhiều lắm! Cầu an cầu phúc cho hết thảy mọi người thì điều lành mới về với mình được v.v...

Có một lúc ra ngoài, có việc khi quay vào, tôi thoáng thấy trong cử tọa dự lễ, nhất là cánh thanh niên đang vỗ tay cười thích thú. Thì ra ngài đang giải mã những ca từ của Trịnh Công Sơn. Theo ngài, những ca từ của nhạc sĩ họ Trịnh này thấm đẫm chất Thiền. Mà Thiền là một biến tướng, một cứu cánh lẫn phương tiện để tìm đến Phật.

Khi dẫn dụ, ngài không đọc mà hát bằng chất giọng khá nhuyễn. Mà cánh thanh niên, có lẽ ai cũng biết một ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh có thể là qua karaoke?

Có việc phải sớm rời Biện Thượng, tôi thấy tiêng tiếc vì phải bỏ dở cuộc đàm đạo giữa GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học và cụ Trịnh Ngọc Bích, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về vai trò của chúa Trịnh trong lịch sử. Tiếc nữa là đêm nay, hòa thượng Thích Quảng Hà sẽ chủ trì lễ cầu an cầu phúc cho con cháu họ Trịnh báo hiếu tổ tiên ông bà cha mẹ và khuya là lễ cầu siêu cho các liệt sĩ họ Trịnh đã bỏ mình vì nước!

Mùa Vu Lan năm Hợi

.
.