Vẫn níu vào sự sống

Thứ Ba, 21/04/2009, 15:10
Gần hai mươi năm nay, nhà thơ Tế Hanh sống một đời sống thật đau khổ, thiệt thòi. Đầu tiên là đôi mắt bị mù lòa, tiếp tới là những lần tai biến mạch máu não. Lần tai biến nặng nhất cách đây hơn chục năm, từ đó, ông nằm liệt người trên giường bệnh, phải mở khí quản để thở và để duy trì sự sống.

Nhà thơ Tế Hanh: Kể cũng thật lạ lùng, cứ sau mỗi một năm trong gần 3 năm lại đây, thi thoảng có việc, tôi lại ghé qua nhà ông bà để ngó xem, dạo này ông bà sống thế nào. Tôi không thể tưởng tượng nổi, không hình dung được, nhà thơ Tế Hanh vẫn có thể sống sót trong cơn bạo bệnh chừng ấy năm. Ông nằm trên giường, ngọ nguậy như một đứa trẻ trong thân xác của một ông già cao lớn vạm vỡ khi xưa.

Không nói được, không thể hiện được, không tự làm được dù chỉ là một cử chỉ nhỏ để biểu lộ ông vẫn nhận biết xung quanh và hiểu được mọi người bên cạnh, thế nhưng thể lực và sức khỏe của nhà thơ Tế Hanh rõ ràng là còn tốt. Da dẻ ông hồng hào, ông nằm liệt giường hai mươi năm trời nhưng cơ thể không bị trầy da, hay bị loét. Ông vẫn hấp thụ thức ăn tốt, và vẫn biết há miệng khi đói, mím môi lại khi đã no hay chán ăn và vẫn có những biểu hiện tức giận khi không bằng lòng cái gì đó.

Bà Trần Thị Lâm Yến, vợ nhà thơ Tế Hanh, là y tá mẫn cán và giỏi giang bên cạnh chồng. Dù đã ngoài 70, đi lại phải có một chiếc gậy để chống đỡ, di chuyển đã nặng nề hơn nhưng cả đời bà, có phút giây nào bà rời xa ông.

Mỗi ngày, khi bóng tối đã trùm lên tất cả, khi mọi công việc chăm sóc cho ông, bà đã cất đặt xong, bà vẫn ngồi rủ rỉ bên ông trò chuyện. Bà trò chuyện với ông như khi ông còn mạnh khỏe, như khi ông và bà nói đủ thứ chuyện về con cái, cháu chắt.

Mỗi lần có tờ báo hay cuốn tạp chí nào đó nói về ông, về cuộc sống hiện tại của ông bà, bà vẫn đọc cho ông nghe. Rồi trong những đêm dài, có khi bà mang thơ của ông ra đọc cho ông nhớ. Bà nói, làm vậy, sẽ giúp ông níu lại sự sống, sẽ giúp ông mạnh khỏe hơn, tỉnh táo hơn.

Nhà văn Học Phi: Di chuyển gần như trên chiếc ghế xoay để đi lại từ giường đến bàn làm việc, từ phòng riêng của phòng khách, nhà văn Học Phi tỏ ra rất tự tin với chiếc ghế di động của mình.

Sống xấp xỉ một thế kỷ, nhà văn Học Phi ở tuổi tiên lão rồi vẫn rất minh mẫn và hăng say làm việc. Ngoài giờ ăn, giờ ngủ, giờ luyện tập sức khỏe, nhà văn Học Phi cặm cụi ngồi vào bàn làm việc. Ông vẫn viết mỗi ngày, trong cả một mùa thu dài của tuổi già, trừ những lúc đau yếu ra, không khi nào nhà văn Học Phi không viết mà buông bút.

- Tôi chỉ nghỉ viết khi nào mệt quá thôi.

- Ông đang viết gì thế?

- Thì truyện ngắn ấy mà.

- Truyện tình yêu hả ông?

- Thời trẻ viết tình yêu, còn bây giờ già rồi, thích viết thế sự.

- Ngày trẻ ông yêu nhiều lắm.

- Tại sự đưa đẩy của số phận thôi. Ngày đó tôi hoạt động cách mạng, số phận run rủi cũng để lại trong tôi nhiều nỗi ám ảnh. Mỗi một chuyện ám ảnh thì tôi lại đưa nó vào văn chương, tiểu thuyết. Ví như vở kịch "Cô hàng rau" là một chuyện tình cảm sâu lắng trong đời hoạt động cách mạng của tôi.

- Ông kể đi.

- Chuyện rất ly kỳ, nhiều chuyện lắm.

- Ông kể lần lượt nhé!

Không ngờ, tôi đã được nhà văn lão làng Học Phi kể cho nghe những chuyện tình trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Mặc dù đã ở tuổi này, đi lại không còn vững nữa, nhưng dường như mọi chi tiết éo le trong những câu chuyện tình thời trước Cách mạng của ông, những chuyện mà đã qua đi quá lâu trong cuộc đời của nhà văn Học Phi nhưng ông vẫn nhớ mồn một để chia sẻ.

Nhà văn Học Phi dí dỏm cười: "Không nhớ, không sống bằng ký ức, thì làm sao vui sống được đến hôm nay. Và giờ đây, bên chiếc bàn làm việc kê đầy sách và thuốc tây, nhà văn Học phi vẫn cặm cụi viết.

Hôm Tết Kỷ Sửu, ông gọi cho tôi để hỏi tôi nên gửi cái truyện ngắn ông vừa viết xong cho Báo tôi như thế nào. Giọng ông vẫn sang sảng, xem ra đầu óc vẫn rất minh mẫn. Ông cẩn thận bắt tôi đọc đi đọc lại địa chỉ của tờ Văn nghệ Công An, ông sợ tác phẩm của mình sẽ thất lạc nếu ghi không đúng địa chỉ. Ông nói với tôi, hôm nào ghé qua, ông sẽ cho tôi xem tác phẩm ông vừa viết. Tôi hứa sẽ tới, nhưng cuộc sống cứ cuốn tôi đi như một cơn lốc, tôi đành lỡ hẹn với ông.

Nhà văn Tô Hoài: Lúc nào cũng một nụ cười mỉm ý nhị, ánh mắt sắc lẻm nhìn người đối diện như không nhìn nhưng gần như chỉ một cái lia mắt thôi, nhà văn Tô Hoài đã bắt được người đối diện đang cần gì, đang muốn gì ở ông. Tôi vô tình đến nhà ông vào những mùa đông giá.

Trong cái rét căm căm của thời tiết, tôi nhìn thấy một Tô Hoài ung dung tự tại với chiếc mũ nồi độc chiêu kiểu dân tộc của ông. Mỗi lần tôi đưa máy ảnh lên chụp hình ông, thể nào ông cũng bắt tôi dừng lại để ông đi tìm cái mũ chụp lên cái đầu đã bóng hói có mái tóc bạc trắng như cước. Tô Hoài ít nói, ít bộc bạch, giấu mình rất kỹ lưỡng sau tuổi tác, sau nụ cười tủm tỉm và sau ánh mắt lúc nào cũng như nhìn thấu người khác.

Lần nào đến nhà tìm ông, tôi cũng thấy ông ngồi im lìm sau bàn làm việc. Bản thảo mở trên bàn, bút đặt trên giấy. Tôi hỏi ông đang viết gì, Tô Hoài cười chỉ vào đống sách đang lật tung.

- Người ta đặt tôi làm một tuyển tập những truyện tôi viết về Hà Nội.

- Những truyện cũ hả ông?

- Ừ, thì tập hợp lại mà. Tập sách viết về Hà Nội là để phục vụ cho Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tới.

- Ông vẫn làm việc khỏe thật đấy.

- Ôi, tôi già lắm rồi, có viết được mấy đâu. Thật đấy, viết được ít lắm.

- Tết vừa rồi ông có nhiều “hàng tết” trên các báo không?

- Ít đi nhiều lắm, chứ không như ngày xưa, Tết này, viết được có 3 bài là ít.

- Thôi, tôi đi dạo bộ đây, chiều nào cũng phải nhúc nhắc chân tay một tí.

Nhà văn Tô Hoài đi dạo lững thững trên hè phố. Thiên hạ mấy ai biết một bậc trưởng lão nhà văn đang dành dụm và giữ gìn sự sống trong quỹ thời gian không còn nhiều của mình để tiếp tục làm việc và sáng tạo không ngừng

.
.