Trào lưu tâm thư hay chuyện đời phù phiếm

Từ tâm mà chẳng từ tâm

Thứ Năm, 08/10/2015, 02:49
“Tâm thư”, từ ngữ nghe quen và ai cũng hiểu theo một nghĩa rất chung (bởi do cách dùng tùy tiện của những kẻ viết ra chúng suốt thời gian qua), thực ra là một từ gốc Hán. Trong Hán ngữ, có những 27 chữ “thư” khác nhau và chữ “thư” trong “tâm thư” mang nghĩa thư tín hoặc sách. Còn chữ “tâm”, trong Hán ngữ cũng có vài chữ nhưng có một chữ mang nghĩa là tấm lòng, tim. Như vậy, nôm na có thể hiểu “tâm thư” là lá thư tâm huyết, lá thư gửi gắm những lời từ đáy lòng, từ con tim mình.Từ tâm mà chẳng từ tâm

Sách viết ra thì có thể người viết có ý đồ hướng đến một cộng đồng người đọc cụ thể nào đó, song không nhất thiết phải chi tiết hoá rằng “sách này chỉ để cho những người ABC nào đó đọc” (trừ loại sách quy định luôn là trên 18 tuổi mới được xem) và càng không nhất thiết chỉ có những người trong cộng đồng được hướng tới ấy mới có quyền đọc. Nhưng thư viết ra thì phải có người nhận, hoặc cụ thể hoá cộng đồng người nhận ấy là ai. Xưa, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn viết ra Hịch tướng sỹ, thực chất chính là bức tâm thư, cụ thể hóa đối tượng nhận là “tướng, sỹ” nước Nam. Đó là bức tâm thư chọn thể văn là hịch, với mục đích phơi gan ruột kêu gọi tướng sỹ ba quân một lòng chống giặc.

Trải dài theo lịch sử, cũng có nhiều bức tâm thư như thế mà điển hình là Chiếu Cần Vương của Đức Hàm Nghi. Và trước những bức tâm thư đó, chúng ta phải nghiêng mình kính trọng người đã viết ra chúng. Đơn giản, đó là tiếng lòng thật sự của những tác giả, là tâm huyết thật sự của tiền nhân. Hơn nữa, những tâm thư đó đã được ra mắt vào đúng thời điểm chủ nhân của chúng muốn được giãi bày nhất, muốn được trải lòng nhất.

Đấy là chuyện cũ, thời xưa, thời mà con người ta còn biết ý nhị thì phải, thời mà con người ta có văn hoá, có học thì phải? Ở thời ấy, tấm lòng không phải là thứ lúc nào cũng có thể mang ra phơi cho thiên hạ thưởng lãm. Bởi lòng mà, có lúc thì đau đáu, có lúc lại hơi… có mùi…

Còn thời bây giờ, người ta dễ dàng phơi lòng, phơi gan, phơi ruột ra quá. Cứ động chút là tâm thư như thể lúc nào con người cũng mang một bầu tâm sự vĩ đại. Những người viết tâm thư thời nay có biết đâu rằng, cứ mỗi lần họ phơi ruột, phơi gan mình ra là y như rằng có lắm thứ mùi bốc ra kinh khủng. Mà một trong những cái mùi điển hình nhất là mùi dối trá, mùi cơ hội, mùi tư lợi và thậm chí là có cả những mùi vô luân.

Hãy thử lên google và đánh hai từ khoá “tâm thư”, chúng ta sẽ nhận được khoảng một triệu rưỡi kết quả liên quan đến từ khoá ấy. Và nực cười thay, đa phần tâm thư lại không có người nhận cụ thể, hoặc có một vài người nhận cụ thể đáng được để dưới dạng riêng tư thì tâm thư cứ phơi hết cho bàn dân thiên hạ như thể người viết thư muốn chứng minh rằng “tôi có tâm và tôi biết viết thư”.

Vâng, có tâm thư rất dễ thương của bố gửi con trai nhưng cả nước đều có thể đọc được. À, hoá ra người viết thư muốn khoe cho khắp bàn dân thiên hạ là mình có con trai hay lại muốn ám chỉ tất cả đều là con trai của mình? Rồi lại có cả tâm thư thể hiện lòng yêu chó đến tột bậc và hứa hẹn sẽ không ăn thịt chó. Vậy thì chó có biết đọc không? Hay người viết coi người nhận đều dễ thương như cún? Tất nhiên, có những tâm thư từ đáy lòng thật sự, gửi một ai đó cụ thể thật sự và vì người viết sợ rằng nếu chuyện đó chỉ riêng tư giữa người gửi với người nhận, bức tâm thư khó có thể mang lại tác động gì. Thế nên, người viết mới nhờ đến sự phổ cập nhanh chóng của cộng đồng như thể mỗi cá nhân trong cộng đồng là một bưu cục, để từ đó tạo sức ép lên người nhận theo đúng kiểu “thư đã gửi rồi, cấm từ chối nhé”.

Nhưng ít ra, những kiểu tâm thư kể trên còn chấp nhận được, bởi dù sao nó cũng bắt nguồn từ cái tâm hiền lành, nhiệt huyết của người viết. Còn vô khối những tâm thư dạng khác, những tâm thư theo kiểu mới dính scandal giật chồng là thảo cái tâm thư để thanh minh thanh nga; mới bị phát hiện là đạo ý tưởng là tung ngay ra tâm thư trần tình nhằm mua về lòng thương hại… Đó là những tâm thư của những người viết mà không có cái tâm sạch thực sự, tức là chẳng phải từ đáy lòng hay từ trái tim, mà chỉ từ tà tâm với những mưu cầu vụ lợi cá nhân. À, thì ra là vậy, tâm thì ai mà chẳng có, chẳng qua chữ tâm trong tâm thư ấy không phải là “từ tâm” thôi. Còn bởi nó vẫn dính đến chữ tâm nên bất chấp là dã tâm hay tà tâm đi nữa thì bức thư đính kèm vẫn có quyền nghiễm nhiên là một tâm thư, mặc thiên hạ luận thế nào cũng kệ.

Trong hai mươi bảy chữ “thư” trong Hán ngữ, có một chữ thư mang nghĩa là bừa bãi, làm liều, làm bậy, tuỳ tiện, làm càn. Thế thì phải chăng, giữa thời hổ lốn những tâm thư của đủ các thể loại người gửi, từ vô danh đến lừng danh; từ nghệ sỹ đến trí thức; từ người hâm mộ đến quan chức, đang tồn tại những tâm thư hoàn toàn không có tâm, tức là mượn cái cớ “từ tâm” để làm những điều chẳng “từ tâm”, chúng ta nên bắt đầu hiểu rằng “tâm thư” nghĩa là những trái tim, tấm lòng xảo trá, tùy tiện, bừa bãi chứ không phải là những lá thư trải lòng, phơi gan, phơi ruột để thể hiện những nỗi niềm, ước vọng người ta ấp ủ bấy lâu?

Hà Quang Minh
.
.