Từ hiện tượng U.19 Việt Nam: Chuyên gia nghĩ và quan chức nghĩ

Thứ Hai, 20/10/2014, 16:30
U.19 Việt Nam chơi hay, chơi đẹp tới đâu và đã khiến hàng triệu khán giả cả nước đắm say ngây ngất tới đấy là điều không cần nói thêm, dù chỉ là một chữ. Điều đáng nói là vẫn với hiện tượng U.19 ấy, các chuyên gia bóng đá nhìn nhận một cách còn các quan chức bóng đá lại nhìn nhận theo cách khác. Cái khác mà nói như lão làng Nguyễn Văn Vinh - người gắn bó với lứa U.19 của học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG từ thuở đầu tiên thì: “Đối tượng thứ nhất muốn các cháu phát triển đơn thuần về chuyên môn còn đối tượng thứ hai có thể lại muốn “dùng” các cháu để giúp một cá nhân, một bộ máy được phát triển nhiều cái khác về hình ảnh” (!?).

Ngay sau khi ĐT U.19 Việt Nam đá xong giải U.19 Đông Nam Á tại Hà Nội thì quan chức bóng đá giàu quyền lực nhất của làng bóng Việt hiện nay - Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã lập tức cho biết sẽ để ĐT U.19 tham dự SEA Games 25 tại Singapore vào năm sau, và thậm chí tham dự luôn vòng loại World Cup 2018 với cái lý là: “Phải để các em thi đấu, va chạm nhiều mới có thể lớn lên”. Phải nhấn mạnh ngay rằng đấy mới chỉ là ý kiến cá nhân của chủ tịch VFF, chứ chưa phải là ý kiến của tập thể thường trực VFF, càng chưa phải là ý kiến đã được cấp trên của VFF là Tổng cục TDTT phê duyệt, nhưng rất nhiều người thắc mắc là tại sao người đứng đầu VFF lại có một ý kiến cá nhân như thế?

Tại vì trong quan điểm của ông, quả đúng là phải để U.19 đá từ SEA Games đến vòng loại World Cup thì mới có thể giúp các em phát triển hay còn vì những lý do A, B, C, D, E nào khác? Dĩ nhiên ngoài chủ thể phát ngôn, không ai biết được lý do chính thức, nhưng thời gian qua, cứ nghe cái cách người đứng đầu VFF nói về U.19 dễ có cảm giác là tổ chức này đang “ôm trọn” U.19 và đang muốn đẩy U.19 lên cao, mà tạm thời xem nhẹ vai trò của nhiều lứa U khác, trong đó có cả lứa U.23 đang là nòng cốt của ĐT Olympic Việt Nam tại sân chơi Asiad.

Nên nhớ là HLV trưởng ĐT Olympic Việt Nam Toshya Miura đã nhiều lần tuyên bố sân chơi Asiad chính là một cuộc tập dượt quan trọng cho các cầu thủ U.23 tham dự SEA Games 25 vào năm sau. Vì xem đấy là cuộc tập dượt nên khi chúng ta rơi vào một bảng đấu chỉ có 3 đội, thay vì 4 đội, đồng nghĩa với việc chỉ được đá 2 trận vòng bảng, thay vì 3 trận như các bảng có 4 đội thì HLV Miura đã tỏ ra tiếc nuối. Cũng vì xem đấy là một cuộc tập dượt nên sau ngày đầu ra quân thắng lớn Olympic Iran 4-1, nhà cầm quân người Nhật Bản một mặt khen ngợi các học trò nhưng mặt khác vẫn không quên nhắc nhở các học trò phải hiểu nhiệm vụ chính và sân chơi chính của mình ở đâu.

Một khi chính thầy trò ĐT Olympic Việt Nam tham dự Asiad với cái tâm lý “cọ xát, chuẩn bị cho SEA Games” mà người đứng đầu VFF lại bảo: “Sẽ đưa ĐT U.19 dự SEA Games” thì không hiểu là các cầu thủ Olympic sẽ nghĩ và rồi sẽ cống hiến cho nền bóng đá này ra sao?

Ngay sau khi nghe được cái ý tưởng: “U.19 dự SEA Games”, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh đã thốt lên với người viết: “Không ổn tí nào”, bởi theo ông Vinh một mặt U.19 chưa đủ sự dày dặn cả về chuyên môn lẫn bản lĩnh để tham dự một giải đấu có độ khốc liệt cao, một mặt bóng đá Việt Nam vẫn đang có những cầu thủ thuộc lứa U.23 cần phải được tin tưởng, giao trọng trách.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (phải) muốn đưa ĐT U.19 dự SEA Games 25.

Ai cũng biết ông Vinh là một trong những người tuyển chọn, và theo dõi từng bước thăng trầm của lứa U.19 Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG suốt 7 năm qua. Nhưng không phải ai cũng biết và cũng tận mắt thấy là ông Vinh đã hạnh phúc như thế nào với từng bước phát triển, từng cơ hội phát triển của những “mầm non” mà ông coi như con cháu. Một ngày mùa đông năm 2013, khi không khí Tết đã tràn ngập và người người đều tất tưởi lo đón tết cùng gia đình thì ông già này đã lặn lội về từng nhà của từng cầu thủ U.19 ở phía Bắc để thông báo, bàn bạc với bố mẹ các em về kế hoạch đưa các em vào đại học. Gặp chúng tôi tại Hà Nội, giọng ông lạc đi vì hạnh phúc: “Sắp tới đây tụi nó sẽ được vào đại học, và sẽ trở thành một thế hệ cầu thủ đầu tiên có bằng cấp - điều mà tôi từng ấp ủ, mơ ước suốt bao năm”. Một nhà chuyên môn lão luyện, một người tâm huyết với lứa U.19 đến mức ấy còn thẳng thắn khẳng định: “U.19 chưa đủ trình độ đá SEA Games” thì đấy rõ ràng là lời khẳng định rất đáng nghe.

Mà cũng không riêng gì ông Vinh, ngay cả người thầy, người cha của ĐT U.19 hiện nay, HLV trưởng Guilaume Graechen khi đứng trước câu hỏi của chúng tôi: “Năm năm nữa, lứa cầu thủ này rồi sẽ đi tới đâu?”, ông cũng đã trả lời rất thật: “5 năm nữa vẫn là quá sớm để nói về những thành công của họ. Anh thử nghĩ xem, bây giờ thì họ mới chỉ 17, 18 tuổi, 5 năm nữa  cũng chỉ 22, 23 tuổi - một lứa tuổi vẫn chưa thực sự “chín” trong nghề cầu thủ. Nhưng 6, 7 năm nữa, khi họ 24, 25 tuổi thì khác. Khi ấy thì tôi hy vọng là họ sẽ đủ sức lực để chinh chiến ở vòng loại World Cup”.

Ông Graechen nói với chúng tôi rằng thời gian 2, 3 năm tới là khoảng thời gian các cầu thủ cần tiếp cận, làm quen với nhiều trường phái thi đấu bóng đá khác rồi mới có thể thống nhất một cách chắc chắn xem, trường phái nào là phù hợp với mình. Và ông bảo: “Chỉ khi nào họ đủ dày dặn, để tuyên bố rằng: “Chúng tôi muốn chơi thứ bóng đá của chúng tôi” thì khi ấy họ mới thực sự trưởng thành”.

Rõ ràng là trong cách nghĩ của những nhà chuyên môn và những người gần gũi, tâm huyết nhất với lứa U.19 hiện nay như ông Graechen hay ông Nguyễn Văn Vinh thì các cầu thủ dù đã rất tiến bộ nhưng vẫn cần có thêm nhiều thời gian để nâng cấp, hoàn thiện mình. Ông Vinh ví von: “Trong mắt tôi, các cháu vẫn giống như một mẻ thép đang được tôi luyện. Đúng là chúng có những đặc tính của “thép” nhưng vẫn còn sóng sánh, chông chênh lắm. Nếu vẫn chưa tôi luyện xong mà đã vội vàng đưa một mẻ thép ra khỏi lò thì nguy lớn”.

Nhưng khác và rất khác với quan điểm của những nhà chuyên môn, những quan chức bóng đá ở VFF có vẻ như lại đang nhìn U.19 theo cách khác. Họ muốn tô đậm vào sức sống U.19, và dường như muốn lấy U.19 để nhân rộng cái gọi là “giá trị cộng thêm” cho mình(?).

Khi được đề nghị bình luận về điều này, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nói thẳng: “Nếu ai đó muốn tận dụng các em để đánh bóng một điều gì đó thì tội nghiệp cho các em và tội nghiệp cho chính cái “giấc mơ con” của người tận dụng”.

“Vẫn chỉ là  những trang sử trống không...!”

Ngồi nói chuyện với người viết ở quầy nước của khách sạn Thắng Lợi - Hà Nội trong những ngày cùng ĐT U.19 Việt Nam dự giải U.19 Đông Nam Á,  cứ thi thoảng HLV Guilaume Graechen lại liếc mắt nhìn sang những bàn xung quanh, nơi các cầu thủ cũng đang tiếp xúc với người nhà hoặc người hâm mộ đã quây quanh mình xin chữ kí. Ông thầy người Pháp đã nhiều lần gọi cầu thủ này cầu thủ kia sang bàn mình để nhắc nhở: “Tiếp xúc với bên ngoài ít thôi. Giờ là lúc cần tập trung toàn bộ vào thi đấu”.

Sau đó thì ông giải thích với người viết: “Ở lứa tuổi của họ, nếu cứ tiếp xúc với bên ngoài và cứ được tung hô quá sớm thì không loại trừ khả năng công việc chính sẽ bị xao nhãng. Tôi luôn nhắc nhở họ phải biết giữ sự điềm đạm, khiêm nhường, và phải hiểu rằng: Trong tay mình xét cho cùng vẫn là những trang lịch sử trống không, chưa có bất cứ một chữ, một dòng  nào cả”.

Phan Đăng
.
.