Người Việt có hung hãn không?

Trong giọt máu đã có “vitamin hung hăng”

Chủ Nhật, 06/03/2016, 18:57
...cái “vitamin hung hăng” kia chẳng chừa ai và cái sự ăn học cũng không làm giảm chất hung hăng đi được.

“Phản đối mạnh mẽ ý kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu. Giáo sư toán thì hãy làm toán và đừng đá lung tung sang các sân khác nhau”. Đó là một dòng trạng thái trên facebook của một người có ăn học, sinh ra vào thế hệ 7X, khi người ấy chia sẻ một bài viết của Giáo sư Ngô Bảo Châu liên quan đến các đề xuất của giáo sư về cải cách nghiên cứu khoa học cũng như chế độ sử dụng nhân sự nhằm đẩy mạnh lợi ích thu được từ giới trí thức.

Dưới dòng trạng thái ấy của chủ nhân nó, có một bình luận của một nhà khoa học khác, một PGS.TS Toán, Vật lý và Công nghệ thông tin, dưới dạng một câu hỏi rằng: “Khoan đã, vậy thì bạn làm nghề gì mà có quyền đá vào sân tuyển nhân sự đại học? Thế nào là đại học ứng dụng? Có ví dụ cụ thể ở nước nào? Hoặc ít nhất tài liệu nào nói?”. 

Những chia sẻ và bình luận đó tưởng như sẽ chỉ là những đối thoại thông thường giữa các quan điểm khác nhau trong thời đại mạng xã hội này. Vậy mà câu trả lời mà vị PGS.TS lớn tuổi kia (đáng tuổi phụ huynh của người đưa ra vấn đề) nhận được lại là “google rồi hẵng mở miệng nha bạn. Còn bạn thiểu năng và kém trí thông minh tới mức không google được thì mở to mắt mà đọc cái này nha. Còn nếu ngu ngoại ngữ thì tôi sẽ dịch cho mà đọc hiểu để thông não”.

Tưởng chừng câu chuyện dừng ở đó nhưng khi vị PGS.TS kia cảnh cáo rằng khi chưa biết người khác là ai thì nên ăn nói có văn hóa thì ông nhận được những lời lăng mạ nặng nề.

Minh họa: Hữu Khoa.

Đọc đoạn đối thoại đó, tôi bỗng hình dung ra một viễn cảnh. Nếu như đó là tranh luận công khai mặt đối mặt, chắc cậu “có ăn học” kia sẽ không chỉ dừng lại ở chỗ mắng người lớn hơn mình mà có khi còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ngay khi nhận được câu “mất dạy” từ người đáng tuổi cha, chú mình.

Câu chuyện đó, chắc chúng ta cũng gặp rất nhiều trong đời, ở mỗi ngày, ở nhiều định dạng, nhiều trường hợp. Có người sẽ cho rằng đối đầu với nhau bằng lời, thông qua mạng xã hội thì mới dữ dằn thế, chứ gặp nhau ngoài đời, chắc lại nhũn như con chi chi. Đúng là có những trường hợp như vậy thật nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, người Việt bây giờ hình như mang đầy “vitamin hung hăng” trong từng giọt máu, thứ hung hăng có thể kích thích người ta sẵn sàng nói chuyện bằng nắm đấm và lao vào bạo lực với nhau dù chỉ là một mâu thuẫn nhỏ nhất.

5.121 ca nhập viện vì đánh nhau do mâu thuẫn dịp Tết là con số chắc nhiều người sẽ thấy choáng vì nó nhưng thực tế, nó là chuyện quá bình thường rồi. Cách đây một năm, cũng sau Tết, số ca nhập viện vì đánh nhau trong dịp nghỉ ngơi ấy thậm chí còn lên tới 6.000. Đừng đổ lỗi tại Tết, ăn nhậu nhiều thì con người ta dễ “mưu sự tại nhân, hành sự tại men” một cách dễ dãi. 

Thực tế, Tết nhất con người ta còn hiền lành đi nhiều so với ngày thường vốn dĩ căng thẳng thường trực, áp lực hàng giờ. Nếu Bộ Y Tế công bố thống kê hàng tuần, hàng tháng, chắc lúc ấy chúng ta mới choáng hơn, choáng thực sự. Nhìn nhau ngứa mắt: đánh. Đi xe đụng nhau: đánh. Xếp hàng chen lấn: đánh. 

Xã hội Việt đã được hình thành bằng những thái độ hung hăng như thế, hung hăng bất chấp người đối diện mình là phụ nữ, trẻ em hay người già. Tôi đã từng ứa nước mắt khi nhìn bức ảnh ông cụ 70 tuổi đi xe đạp bị tay thanh niên ngoài hai mươi đánh đổ máu mồm ở Hà Nội hồi năm ngoái. Tôi nghĩ đến cha mình, cũng 70 tuổi. Xã hội thích bạo hành nhau thế này, ông bước ra đường liệu có an toàn hay không?

Hôm trước, chúng tôi ngồi xem lại cái video người ta xẻ thịt con trâu thắng trận trong lễ hội chọi trâu mà thấy ghê rợn. Người ta coi đó là thịt may mắn, là máu phúc lộc. Người ta bỏ tiền gấp năm gấp mười để mua được cân thịt, lít tiết trâu may mắn kia. Và có người còn uống tiết ấy sống, một cách hân hoan nhưng đầy dã man như thể cái mọi rợ của ngàn năm trước không thể nào tẩy sạch. 

Rồi khi tiếng hô hào động viên từng nhát chém xả thịt trâu của cả một cộng đồng háo hức chầu chực vang lên, tôi thấy khiếp hãi đến tột cùng. Và còn khiếp hãi hơn, nhiều người trong số họ mặc veston, nhìn rõ ràng là ở tầng lớp xã hội có ăn, có học đàng hoàng.

Thì ra, cái “vitamin hung hăng” kia chẳng chừa ai và cái sự ăn học cũng không làm giảm chất hung hăng đi được. Từ trong học đường, cậu học sinh nam cầm cả cái ghế phang vào đầu cô bạn học yếu ớt hơn mình nhiều lần trong tiếng reo hò động viên hả hê man dại của lũ bạn thì chúng ta đủ hiểu rồi. Đi học còn máu me đánh nhau đến thế, bảo sao ra đời, lớn lên không coi bạo lực là cái thú, là thuộc tính của mỗi con người.

Cách đây chưa lâu, một cuốn sách kể về một thế hệ thanh niên một thời chọn bạo lực làm cách giải quyết các mâu thuẫn xã hội đã được tung hô như hiện tượng xuất bản. Thế hệ thanh niên ấy thậm chí còn thành thần tượng, với cái mác trượng nghĩa, hào hiệp, dũng cảm, bao dung, anh hùng mã thượng… Thế mới biết, khi đã say mê bạo lực, người ta cũng dễ thần tượng bạo lực lắm. Một khi sự thần tượng bạo lực ấy bỗng dưng ăn vào tiềm thức, hành xử bạo lực sẽ như một phản xạ tự nhiên như những phản xạ đời thường.

Ngẫm lại, tôi cũng biết chính mình chẳng tránh khỏi những giọt máu nhiễm thứ “vitamin hung hăng” kia. Biết là như vậy, để mình kiềm chính mình lại, đừng để thứ “vitamin” ấy nó phát tiết ra ngoài. Các cụ vẫn dạy rồi, chưa đánh người thì mặt đỏ như vang, đánh xong rồi mặt vàng như nghệ. Mà thực ra, chắc gì mình đã đánh được người ta. Mặt đỏ hay mặt vàng, suy cho cùng, cũng chỉ là khuôn mặt méo mó đã bị nhào nặn từ trong một xã hội mà nhiều người coi bạo lực chỉ là thứ rất bình thường.

Hà Quang Minh
.
.