Muôn mặt facebook - cả khóc lẫn cười

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Thứ Tư, 02/12/2015, 12:15
Năm 2015, Từ điển Oxford đã bình chọn biểu tượng “cười chảy cả nước mắt” (khi gõ bàn phím nó có dạng như thế này :)) ) là “từ của năm”. Bởi lẽ, trong năm qua, đây là biểu tượng được nhân loại sử dụng phổ biến hơn cả.


Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ - một biểu tượng (icon), được xem là một từ khoá thông dụng nhất thế giới, trong khi người ta không thể phát âm nó, hay thậm chí viết nó mà chính xác nghĩa (vì chỉ khi gõ ký hiệu :)) trên bàn phím thì một số phần mềm mới biến nó thành biểu tượng “cười chảy cả nước mắt” được). Theo một thống kê khác từ nguồn Internet, thì nơi sử dụng nhiều biểu tượng (icon) nhất hiện nay, chính là mạng xã hội facebook - với nút like huyền thoại được gửi đi tới hơn 4 triệu lượt mỗi phút.

Cười chảy cả nước mắt, điều đó chỉ xảy ra khi bạn là một người vô cùng hài hước, và điều bạn nói được tán thưởng bằng xúc cảm không kìm nén nổi của người đối diện. Nhưng thực tế, biểu tượng cười chảy nước mắt được người ta dành cho nhau khá dễ dàng trên facebook. Bạn nói một câu nhạt nhẽo, bạn đăng một bức ảnh vô hồn, nhưng vẫn có nhiều bạn bè nhảy vào ô comment và gửi lên một nụ cười “chảy cả nước mắt”. Điều đó đơn giản, bởi vì suy cho cùng nó chỉ là một tổ hợp phím gồm 3 lần bấm. Và có mất gì đâu, nếu nó mang lại sự hưng phấn cho cả người nhận lẫn người gửi, dù là hơi cường điệu thậm chí là giả dối.

Quen với sự cường điệu và giả dối, đó là một điều bắt buộc với những người tham gia facebook, thường gọi là các facebooker. Nếu trong Tâm thần học, có hẳn một thuật ngữ gọi là “bệnh tưởng” (hypochrondia), thì môi trường facebook chính là nơi để căn bệnh ấy hoành hành vô phương cứu chữa.

Minh họa: Hữu Khoa.

Cơ chế mà facebook tạo ra cho người dùng, cơ bản khá thông minh và hướng đến việc trao đổi thông tin thuận lợi nhất. Nhưng với rất nhiều người, “cuộc đời facebook” chỉ gồm có 2 nút: like và comment. Nó nghĩa là, tôi chỉ quan tâm tới 2 điều mà thôi: đó là được yêu thích ngưỡng mộ, và được đồng tình. Điều thú vị là, cộng đồng facebook chấp nhận quan điểm này như một điều tất yếu. Và khi đó là một nhu cầu, thì tất yếu nó sẽ có dịch vụ.

Hộp tin nhắn (inbox) tài khoản facebook của tôi ngập tràn những tin quảng cáo, phần lớn trong số đó là mời chào “tăng like, tăng follow”. Nghĩa là chỉ cần tôi bỏ tiền, sẽ có người dùng những phần mềm, những thủ thuật để đẩy tài khoản facebook của tôi lên hàng nghìn, hàng vạn, hàng vô số vạn người yêu thích và theo dõi. 

Chẳng kém gì những ngôi sao điện ảnh ca nhạc hàng đầu. Dĩ nhiên, cách ấy (thường gọi là hack), chỉ khiến cho tài khoản của tôi đẹp đẽ và “có vẻ khủng”, chứ chẳng khiến nó nổi tiếng thực sự nếu không có nội dung gì chú ý. Vậy là, điều tiếp theo sau khi đã sử dụng công cụ hack để tạo ra tài khoản đẹp, đó là tạo sự chú ý để mình thực sự trở nên nổi tiếng.

Hồi tháng trước, tại TP. Hồ Chí Minh, có 2 hot-girl hẹn hò đánh nhau trên facebook, địa điểm là phố đi bộ ngay trung tâm. Trước đó, cả 2 cô đã có hàng tháng trời nhiệt tình cãi cọ qua lại trên facebook, thu hút sự chú ý của rất nhiều “fan hâm mộ”. 

Vậy nên, khi giờ hẹn tới, hàng nghìn fan của 2 hot-girl kéo tới phố đi bộ, để ủng hộ thần tượng thì ít, mà để thoả chí tò mò, chụp ảnh đưa lên facebook thì nhiều. Kết quả, 2 hot-girl còn chưa kịp giáp mặt để đụng đến cọng tóc của nhau, đã bị lực lượng công an và dân phòng mời lên đồn ngồi, vì gây mất trật tự. 2 hot-girl cúi đầu ân hận, xin lỗi, ôm hôn nhau, nộp tiền phạt cho nhau, rồi... lại về tường thuật lên facebook để kiếm like. Thật là hết biết.

Dưa Leo - một nhân vật chuyên thực hiện các video clip hài hước trên facebook, từng hài hước thực hiện một bức ảnh. Nội dung của nó, là anh ta vừa khóc lóc thương cảm, vừa đưa ra một biểu tượng “like” để... bố thí cho một người đang ngả nón như dân “cái bang” chính hiệu. Đó là một hình ảnh hài hước nhưng đầy tính ẩn dụ sâu cay, khi mà bệnh háo danh ảo tưởng đã lậm đến mức người ta sẵn sàng vứt bỏ cả tư cách của mình. “Sống ảo” - đó là một thuật ngữ mới, để chỉ những người tạo ra một vỏ bọc giả dối, cho mục đích trở nên nổi tiếng. Hàng loạt câu chuyện sống ảo đúng là “cười chảy cả nước mắt”. 

Một cô gái nhan sắc bình bình, thường xuyên chia sẻ hình ảnh tình tứ với bạn trai đẹp như diễn viên Hàn Quốc. Khi thì đi ăn uống, lúc thì đi xem phim, nữa lại có cả cảnh anh người yêu cúi xuống buộc dây giày cho cô gái. Khỏi phải nói các bạn gái đồng trang lứa vừa hâm mộ vừa ghen tị đến thế nào. Nhưng rồi cộng đồng facebooker phát hiện ra rằng, hoá ra anh chàng người yêu đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc ấy, thực sự chính là một... diễn viên Hàn Quốc. 

Cô gái đã dùng phần mềm ghép ảnh gương mặt của một diễn viên đẹp trai nhưng chưa mấy nổi tiếng của Hàn Quốc vào mặt của chính... người yêu mình. Sự thật đau xót, cậu người yêu thật dĩ nhiên là chia tay vì bị xúc phạm. Còn cô gái, sau khi bị phát giác, cũng đóng luôn tài khoản facebook. 

Nhưng như thế vẫn còn là ra tấm ra món, lại có cả những người chia sẻ một tấm ảnh rất vô thưởng vô phạt như là mâm thịt chó đầy đặn ngon lành, kèm dòng cảm xúc: “Mời cả nhà ăn thịt chó với mình trời mưa đỡ buồn nha”. Rồi chỉ vài phút sau, có tới mấy chục người bê nguyên cái mâm thịt chó... ảo ấy, đưa lên facebook của mình, và cũng mời mọi người. Vậy là lại quay sang cãi nhau, ai mới là chủ nhân thực sự của mâm thịt chó?

Ảo đến thế đã tận cùng chưa?

Chưa đâu. Người ta sẽ còn dùng mọi thủ đoạn, cởi cái nọ, hạ cái kia, khoe hết mọi chỗ trên cơ thể miễn facebook còn cho phép, để giành lấy những danh hiệu như “nữ hoàng ngực bự”, “hoàng tử vòng ba”, “công chúa mắt to”, “bà hoàng đồ hiệu”... Căn bệnh ấy lây cả sang những người của công chúng thực sự, khi mà một người mẫu nổi tiếng hôm trước vừa đăng status chê bai một người mẫu khác dùng túi “hàng fake” (hàng nhái), thì ngay hôm sau lại bị phát hiện bản thân cũng toàn dùng váy “nước hai” (hàng nhái phẩm chất thấp).

Chẳng thế mà ở Mỹ, một chàng trai đã mang một loạt các biểu tượng bằng xốp, cơ bản có “like”, “cười”, “mếu”... ra đường. Sau đó, thay vì dùng ngôn từ để giao tiếp, anh đưa vào mặt người ta những biểu tượng ấy. Mặc dù rất dễ hiểu, nhưng không một ai tỏ ra thích thú khi được cảm ơn với một nút like bằng xốp, hay một nụ cười theo kiểu icon. Trở lại với đời thật, những cảm xúc ảo của facebook khá là vô giá trị.

Trở lại với câu chuyện về “từ của năm”, đây không phải lần đầu Từ điển Oxford phải thừa nhận ảnh hưởng to lớn của phương thức giao tiếp qua facebook. Năm 2009, từ của năm mà Oxford bình chọn, là “unfriend” (chỉ hành động gỡ bỏ quan hệ bạn bè đã kết nối trên mạng facebook). Khi ai đó “unfriend” một ai đó trên facebook, tác động tâm lý khủng khiếp đến mức, quan hệ ấy ngoài xã hội thường cũng chấm dứt luôn. Và “unfriend”, “cười chảy nước mắt” hay “follow” đều là những quyền lực mà chỉ cần tắt máy tính, thì nó cũng chấm dứt.

Không mấy ai tuyên bố, những gì mình thể hiện trên facebook chính là con người mình. “Viết vậy thôi, mạng ảo mà” - người ta thường nói vậy. Thế nhưng, con người ảo ấy, nhiều khi lại nuốt mất tất cả những gì giá trị nhất của con người thật. Không chỉ là thời gian, tâm trí, mà cả nhân cách và những cơ hội tốt đẹp để tận hưởng cuộc sống của một con người.

Tri nhân, tri diện, bất tri tâm - biết người, biết mặt, nhưng không biết thực tâm họ thế nào - cổ ngữ này hoàn toàn chính xác với facebook. Tiếc nỗi, ngày xưa khi cổ nhân dạy điều ấy, thì Internet và facebook còn chưa ra đời...

Phạm Gia Hiền
.
.