Tranh cử Tổng thống Mỹ: Lời nói gió bay

Thứ Sáu, 11/07/2008, 17:00
Quá trình vận động tranh cử Tổng thống Mỹ đang bước vào mùa nóng bỏng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cả hai ứng cử viên chủ đạo John McCain (đảng Cộng hòa) và Barack Obama (đảng Dân chủ) đều đang rất tích cực lôi kéo thêm lượng cử tri ủng hộ mình bằng cả việc làm lẫn những lời nói nồng nhiệt và đầy viễn cảnh.

Ông McCain gọi lòng tin của cử tri là yếu tố quyết định nhất trong cuộc vận động tranh cử vào Nhà Trắng hiện nay. Ông cho rằng, ai dành lại được niềm tin đã không chỉ một lần bị lừa dối của các cử tri Mỹ, thì người ấy sẽ trở thành vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Tuy nhiên, ở một quốc gia đã phải thấy quá nhiều sự nhỡn tiền khác biệt giữa lời nói và việc làm của các ứng cử viên Tổng thống trước và sau khi đắc cử, lòng tin của cử tri là thành trì không dễ thâm nhập.

Sự thực là người dân Mỹ đã quá nhiều lần phải thất vọng vì những vị Tổng thống đã gieo cho họ những hạt giống trông chờ lớn nhất. Tổng thống thứ 42 Bill Clinton đã tung ra khẩu hiệu: "Không thuế má mới!". Thế nhưng, trong giai đoạn cầm quyền của ông Clinton, gánh nặng thuế đã thêm trĩu nặng trên vai tầng lớp trung lưu ở Mỹ.

Không rõ có phải vì bị "dớp" của đức lang quân hay không mà bà Hillary Clinton khi còn tiến hành vận động cử tri với mơ ước (không được trở thành sự thật) làm cử tri của đảng Dân chủ cũng thường xuyên có chỉ số tin tưởng ở mức thấp nhất so với các đối thủ. Bà đã không chỉ một lần bị "bắt vở" vì đã thổi phồng quá đáng các thành tựu của cá nhân mình cũng như bi thảm hóa một số tình huống đời tư của bà.

Theo một số nhà phân tích, chính bị người dân Mỹ không tin tưởng nên cựu đệ nhất phu nhân Mỹ mới buộc phải rời khỏi cuộc chơi mặc dù đã có lúc có cảm giác như bà đã ở rất gần mục tiêu trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.

Hiện nay, theo đánh giá cả các phương tiện thông tin đại chúng, xác suất của cả ông Obama lẫn ông McCain trong việc đánh mất lòng tin của các cử tri đều ngang nhau: Ở cả hai ông lời nói thường xuyên không đi đôi với việc làm. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi hai ứng cử viên này lại kêu gọi cử tri đừng tin vào đối thủ của mình.

Ông McCain trước các cử tri hay tuyên bố rằng, không thể tin ông Obama được vì "hàng loạt những nguyên do". Nói thế nhưng của đáng tội, ông McCain rốt cuộc cũng chỉ nêu ra rành rẽ được một lý do để không tin ông Obama: ông nhắc lại chuyện ông Obama đã bảo vệ nhiệt thành thế nào việc giữ lại cơ chế tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử bằng tiền ngân sách. Thế nhưng, sau đó ứng cử viên da đen của đảng Cộng hòa lại từ chối nhận tiền ngân sách để tập trung vào việc quyên góp tiền ủng hộ từ các cá nhân…

Tuy nhiên, không chỉ có một mình ứng cử viên của đảng Cộng hòa McCain mới cho rằng, không nên tin ông Obama. Một ứng cử viên khác, không ở nhóm chủ đạo là luật sư Ralf Nader, không thuộc đảng phái nào, cũng cho rằng hình ảnh mà ông Obama xây dựng nên trong quá trình vận động tranh cử là "không thật".

Luật sư Nader buộc tội ông Obama "nói như người da trắng" và cho rằng, lẽ ra ông Obama nên chú ý hơn tới những vấn đề của các cư dân ở những khu ổ chuột, những người thường xuyên phải nằm sát ranh giới đói nghèo, những nạn nhân của tệ nạn phân biệt chủng tộc mà Nader trên quan điểm bảo vệ nhân quyền nhất quán cho rằng, vẫn đang tồn tại ở Mỹ.

Thượng nghị sĩ Obama lại tuyên bố rằng ông là ứng cử viên của nhân dân. Ông Obama cũng tiến hành chiến dịch vận động tranh cử với khẩu hiệu: "Change You Can Believe In" (Những thay đổi có thể tin được), nhưng theo luật sư Nader, chính trị gia mang trong mình cả dòng máu châu Phi của người cha lại rất xa lạ với đời sống thường dân và không hề có ý định tạo nên những thay đổi vào hệ thống chính quyền hiện nay ở Mỹ. Ông Nader cũng buộc ông Obama bằng cách đó muốn cầu cạnh các doanh gia cỡ bự, lúc nào cũng muốn tiếp tục duy trì các lợi quyền vốn có của mình.

Không chỉ riêng nhà hoạt động dân quyền Nader mà còn nhiều nhà hoạt động xã hội khác ở Mỹ cũng ngỏ ý hoài nghi tinh thần ái quốc của Thượng nghị sĩ Obama và phu nhân của ông, bà Michelle. Lý do khá đơn giản: sau một trong những chiến thắng của chồng ở vòng bầu cử sơ bộ ngày 5/2, ứng cử viên đệ nhất phu nhân Mỹ quốc đã lỡ lời nói trước công chúng rằng, chỉ bây giờ bà mới lần đầu tiên cảm thấy tự hào về Tổ quốc mình và gương mặt đạo đức của các "trưởng lão tinh thần" của nước Mỹ. --PageBreak--

Như đổ thêm dầu vào lửa, không ít kẻ thù của ông  Obama đã lên vô số các diễn đàn khẳng định rằng, thượng nghị sĩ da đen này giả dối và sẽ giả dối tới hết đời. Để đưa ra chứng cớ củng cố lập luận mang tính buộc tội võ đoán này, họ dẫn một đoạn hồi ức của ông Obama, kể về ngày còn nhỏ, cậu bé Barack đã có lần ba hoa với đám bạn đồng niên rằng, cha cậu gần như là quốc vương ở một nước châu Phi tí hon, rồi sau đó cậu đã lo lắng khi cha cậu tới trường mà không mang theo cân đai áo mão choáng lộn… Thực ra, ba hoa là tật của không ít trẻ con, nhiều khi chỉ là do trí tưởng tượng quá phong phú chứ chưa hẳn đã là một tính xấu.

Dùng những đoạn hồi ức như thế để bôi đen ông Obama thực ra chỉ là một thủ pháp không hay ho trong các chiến dịch vận động tranh cử ở Mỹ. "Ghét nhau ghét cả đường đi lối về", ngay cả sự hoạt bát trong ăn nói và tính chân thành bẩm sinh khi tiếp xúc với công chúng của ông Obama cũng hay bị các đối thủ chính trị coi như là thật đến mức không thể nào không cho là giả dối!

Không chỉ riêng ông Obama bị bôi bác mà ngay cả Thượng nghị sĩ cao niên McCain cũng phải đối mặt với những lời buộc tội không nhẹ nhàng chút nào về tính trung thực. Các đối thủ chính trị của thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa này bị coi là quá thâm hiểm và kín đáo.

Ai đó không thích việc phu nhân của ông kiên quyết không chịu công bố bản kê khai thuế của bà - bà vốn là người thừa kế  một hãng bia khổng lồ, có sản phẩm bán ra khắp nước Mỹ. Theo bà, do ông McCain và bà có những thu nhập riêng rẽ nên thu chi của bà không liên quan gì tới công việc của ông và vì thế, bà không cần phải công khai bản kê khai thuế của cá nhân bà… Cũng có người "bới lông tìm vết" đã đặt ra câu hỏi, nếu ông McCain không nói dối khi khẳng định rằng sức khỏe ông rất tốt thì tại sao một cựu chiến binh như ông lại nhận tiền trợ cấp thương tật của Chính phủ?

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến không ít cử tri Mỹ hoài nghi ứng cử viên cao niên của đảng Cộng hòa là lai lịch các khoản tiền ủng hộ cho chiến dịch vận động tranh cử của ông. Đã xuất hiện quá nhiều câu chuyện về mối quan hệ giữa ông McCain với giới lobbi, đến mức Ủy ban vận động tranh cử của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa không đủ thời gian và sức lực để có những phản ứng thích hợp với tất cả các bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 6 đã xuất hiện câu chuyện về mối liên hệ giữa ông McCain với các cựu thành viên của phong trào Swift Boat Veterans for Truth. Hóa ra là, những thành viên cũ của phong trào này cũng như các thành viên gia đình họ vừa đưa tổng cộng 70 nghìn USD cho chiến dịch vận động tranh cử của ông McCain.  Cứ ngỡ như mọi sự rất thông thường nhưng bốn năm trước, chính ông McCain đã đánh giá các hoạt động của phong trào Swift Boat Veterans for Truth là tiêu cực.

Ông McCain cũng đánh giá tiêu cực như thế đối với các phong trào, mà theo ông, xúc phạm tới danh dự của không chỉ ứng cử viên Tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry mà còn tất cả các cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khi các nhà báo tới gặp Ủy ban vận động bầu cử của Thượng nghị sĩ McCain để hỏi về thái độ bất nhất của ông thì nhận được câu trả lời là: Bất cứ ai tán thành các quan điểm và chương trình vận động tranh cử của ứng cử viên McCain thì đều được quyền ủng hộ tiền cho ông (tiền không có mùi chăng?!).

Một điều lạ là trước khi sự kiện này xảy ra, trong cả 14 năm trước đó thì những con người ấy đã không ủng hộ cho các chiến dịch vận động tranh cử thượng nghị sĩ của ông McCain một phần mười số tiền mà họ đã ủng hộ cho chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông. Vì sao gió lại đổi chiều?

Thưọng nghị sĩ McCain đang phê phán ông Obama về thái độ sẵn sàng tiến hành thương lượng với phong trào Hamas của người Palestine, thì  năm 2006 đã có lần nói trong một bài trả lời phỏng vấn rằng, những cuộc thương lượng như thế là không thể tránh khỏi. Hóa ra là thượng nghị sĩ cao niên của đảng Cộng hòa rất "sớm nắng, chiều mưa" ngay cả trong các quan điểm chính trị và thường tự mâu thuẫn với chính bản thân mình.

Theo kết luận của các chuyên gia, trong bối cảnh vận động tranh cử Tổng thống như hiện nay ở Mỹ, không nên tin vào lời nói của các ứng cử viên. Tuy nhiên, dù tin hay không thì vẫn phải lựa chọn một trong số các ứng cử viên đó làm Tổng thống. Lời nói gió bay…

Hoàng Phong
.
.