Tìm người tài, gài người nhà

Trăm vạn kiểu gài

Thứ Bảy, 08/10/2016, 09:17
Dạo này, người ta bắt đầu nói nhiều đến chuyện "bổ nhiệm người tài hay gài người nhà", câu chuyện được khởi đi từ một tuyên ngôn chắc nịch của Thủ tướng Chính phủ như một tuyên chiến của Chính phủ và Đảng về chuyện bổ nhiệm tràn lan một cách đáng ngờ mà vẫn khoác cái áo "quy trình".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không ngừng biểu thị quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính và kiến tạo. Đặc biệt là trong công tác quy hoạch, xây dựng cán bộ với phát ngôn đầy tính kiên định đại ý: "Tìm người tài, không gài người nhà". Tuy nhiên, vẫn có quá nhiều nỗi khó trong quyết tâm này của Chính phủ bởi lá bùa "đúng quy trình" vẫn được xem như là thần dược cứu nhân vật cho những trường hợp "gài người nhà".


Và bàn về cái chuyện gài người nhà ấy, chẳng có gì thú vị bằng việc kể ra chính chuyện mình trải qua, ở cái thời mới tốt nghiệp đại học, nhằn nhọc đi xin việc làm.

Tốt nghiệp xong, tôi đâm đơn đi khắp các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, cái cách nộp đơn đúng kiểu ngựa non háu đá, háo thắng, cứ nghĩ rằng mình có tài, tức là chỉ nộp đơn cho vị trí quản lý. Tất nhiên, ai mà nhận thằng cử nhân chân ướt chân ráo, kinh nghiệm không có, chém gió thì hay vào những vị trí quản lý, dù cấp thấp, của những doanh nghiệp mà lợi nhuận chính là xương máu.

Rồi bố mẹ sốt ruột, bố mẹ bảo rằng "kiếm việc cơ quan nhà nước cũng được". Thế là nhân đợt Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) tuyển công chức, tôi nộp đơn. Nộp vào Bộ Thương mại cũng vì hai lẽ. 

Thứ nhất, ông nội tôi ngày xưa là thứ trưởng, về hưu năm 1977, gia đình cũng có bà cô ruột đang làm phó tổng giám đốc một công ty của Bộ, chắc đường đi nước bước cũng rành. Thứ nhì, trong đám thí sinh năm ấy, mình tự lượng sức mình không thua ai.

Thế rồi, nhận kết quả: Trượt thẳng cẳng. Tôi trượt mà ức vì không biết tại sao tôi trượt. Bài mình làm rất tốt, làm xong còn đem bản nháp về cho bà cô nhờ người quen trong bộ xem thử thế nào, người ấy cũng bảo "thằng bé khá quá". Ấy thế mà trượt thật. Trượt trong khi cái thằng tên cũng giống mình, ngồi bên cạnh, cắn bút không ra nửa chữ trong bài thi tiếng Anh, lúc báo điểm thì điểm tiếng Anh của nó cao ngất ngưởng, gần như tuyệt đối.

Minh họa: Hữu Khoa.

Sau này, bố tôi cứ trách bà em ruột của ông là: "Cô ở trong bộ, chẳng quan tâm đến cháu" để rồi bà cô nói thẳng một câu: "Anh ơi, một suất bây giờ mấy chục triệu anh ạ". Bố tôi chép miệng: "Mấy chục thì tao mua cái xe máy cho nó đi giao hàng còn hơn". Thuở ấy, gia đình tôi vất vả, cái xe máy vẫn là ước mơ cháy bỏng của tôi cho tới tận những năm 2000.

Sau buổi thi nhớ đời đó vài tháng, gặp lại thằng bạn, nó học cùng tôi cả phổ thông lẫn đại học, học hành láng cháng hơn tôi nhiều lần, bằng đại học chưa nhận vì còn nợ môn. Nó bảo: "Em về Bộ Thương mại rồi bác, Vụ Chính sách miền núi (tôi nhớ mài mại)". Tôi bảo: "Ôi! Bác thi hôm nào. Tiếng Anh thi khó không?". Nó cười: "Bác biết thừa, tiếng Anh nó có quen em đâu. Nhưng mà em làm cái vụ thuộc vùng sâu vùng xa ấy, nói tiếng Anh với ma à? Em chả phải thi thố gì".

Nó nói vậy, tôi không ngạc nhiên. Bố nó lúc ấy là lái xe của một quan chức cấp cao trong bộ, gửi nó vào cái vụ ấy chắc không phải chuyện khó.

Rồi tôi lặn lội đi làm tư nhân, cũng vất, được hơn năm, mẹ xót quá nhờ bạn thân xin cho vào một công ty nhà nước. Ngày sang nộp hồ sơ cũng là ngày đầu đi làm luôn, vì có cái thư tay của phu quân bạn mẹ gửi sang. Vị ấy hồi đó đang tổng giám đốc một tổng công ty lớn mà cái công ty tôi vào làm việc đang nhờ cậy rất nhiều để xin hợp đồng làm ăn. Ngày đầu vào cơ quan mới, cả cơ quan kháo nhau "thằng ấy là cháu gọi ông đó bằng cậu ruột". 

Gần như cả cơ quan đều "nể" tôi, kể cả cấp trưởng, phó phòng. Nhớ nhất là ngay ngày đầu đi làm ấy, cơ quan liên hoan thịt chó. Tôi được ưu đãi ngồi mâm với ban giám đốc. Sếp lớn hỏi: "Mày biết đánh chắn không?". "Dạ có, món đấy em mê". "Ừ được, biết chữ Nho chứng tỏ thằng này có học đại học", sếp nói xong, cả mâm cười khà khà. Sau này, việc của tôi là cắp tráp cho sếp đi đánh chắn, tiền sếp thưởng mỗi khi ù to còn hơn tiền lương.

Chán, tôi bỏ hết, vào TP HCM, một mình bươn chải, làm lại từ đầu. Vào được một hai năm, được tin sếp lớn lên tổng công ty, rồi sau đó về phó chủ tịch một tỉnh lớn phía Nam. Còn sếp nhỏ, hẩm hiu hơn, bị truy tố trong một vụ án kinh tế, đi tù.

Nhiều người vẫn nói với tôi: "Ông nội chú mà thứ trưởng thời này, nhà chú oách lắm". Tôi cười, như cách ba tôi và các chú bác trong nhà vẫn nói: "Cụ vẫn sẽ nộp đơn xin hưu sớm như năm 1977 thôi. Cụ không chịu nổi cái cách vận hành kiểu hôm nay đâu". 

Ngày xưa, ba tôi học muộn, không được thi vào lớp 10 vì quá tuổi, về hỏi ông nội hướng giải quyết. Ông bảo: "Không học được nữa thì đi làm, đi khai hoang". Ba ức, tự học, tự mày mò thêm bổ túc văn hóa, rồi đỗ Bách khoa, ra trường đi làm. Tổ chức phân công về Bộ Nội thương của ông nhưng tuyệt nhiên ông mặc kệ. Lãnh đạo của ba ngày đó mon men đến gặp ông, ông đuổi thẳng cổ, không tiếp ở nhà riêng. Ba cũng không thăng tiến được bởi ông thanh liêm quá. 

Ông tôi mà làm thứ trưởng thời nay, chắc ông cũng không nâng đỡ người nhà như thế. Tính ông liêm chính mà. Nhưng nếu ở thời nay, chắc ông cũng không lên nổi thứ trưởng. Tiền không, quan hệ không, lên bằng cái gì?

Đừng nói chuyện mua quan bán chức chỉ là chuyện của thời phong kiến. Nó chính là hiện trạng của thời nay. Nghe đồn, có nhiều người chỉ lắm tiền nhưng may mắn quen ông anh này, bà chị kia làm to một bộ, thế là nghiễm nhiên đang kinh doanh nhà hàng, kinh doanh tiệm vàng, phắt cái được "mời" vào làm vụ trưởng, vụ phó. Thế nên, xã hội đâm ra mới lắm vụ rất khó hiểu xảy ra, toàn những vụ kinh thiên động địa mà nghe như đùa.

Chuyện ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang kể đã dẫn vợ đến gặp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang để "xin" không nhận nhiệm vụ, thế rồi cuối cùng dưới sở người ta vẫn cứ đề đạt lên là câu chuyện chỉ ra một mặt khác nữa của cái gọi là "gài người". 

Tức là không chỉ người ta nhận tiền để gài người mà người ta còn gài người để nhận những thứ khác, ấy là một dạng ân sủng mơ hồ nào đó từ cấp trên. Nó chẳng khác gì bây giờ có một cán bộ được cử về làm lãnh đạo địa phương nào đó, thế là nhiều cơ quan công quyền địa phương nháo nhào tìm xem có ai thân thuộc với lãnh đạo không, đang làm việc trong đơn vị mình để đề bạt. Chỉ cần hành động ấy thôi, đủ để mong "ơn trên mưa móc". Gài hàng như thế khác gì hối lộ, hối lộ bằng vị trí, hối lộ bằng cái gọi là "đúng quy trình".

Không phủ nhận, người làm lãnh đạo, làm quan thì con cái họ cũng có cơ hội được đầu tư tốt hơn, để có tri thức tốt hơn. Đó là còn chưa kể làm quan còn có gene, có dòng. Có những dòng họ anh chị em hiển đạt cả, là do cái dòng nhà ấy có truyền thống, có căn cốt. Mà bộ máy thì lúc nào cũng cần người tài, cho nên đưa người tài vào vị trí quản lý là hợp lý. 

Song, đưa vào thời này nó khác với thời phong kiến ở chỗ phải công khai, minh bạch. Có công khai, có minh bạch thì không có thắc mắc, ngờ vực, những ngờ vực có khả năng khiến niềm tin vào chế độ lung lay một cách đáng sợ.

Suy cho cùng, cái cách "một người làm quan cả họ được nhờ" vẫn còn dấu vết của đời sống giang hồ theo kiểu "anh là đại ca, anh có lộc các chú cùng hưởng". "Đại ca" thăng tiến, đám đệ tử thân cũng tịnh tiến mà lên, vì đại ca làm sao tin ai bằng đám đệ tử đã gắn với mình từ lúc hàn vi. Rồi người ruột thịt nữa, đó là những người ít khả năng phản mình nhất. 

Thế nên, gài hàng cũng chính là cài cắm để đổ bê tông cốt thép cho cái ghế của mình, theo đúng cái kiểu bây giờ đám trẻ vẫn nói vui "500 anh em đâu rồi nhỉ? Lên hết cả đây".

Hà Quang Minh
.
.