Người tình trăm năm:

Tình yêu có thực

Thứ Năm, 12/02/2009, 16:10
Không dễ dàng để làm một người tình trăm năm trong đời. Bởi khái niệm người tình trăm năm chỉ là khái niệm ước lệ, và hình ảnh người tình trăm năm có lẽ chỉ tồn tại trong mộng tưởng, là thứ mà con người luôn mơ ước tới.

Nhưng dù chỉ trong mộng tưởng, trong khát vọng vươn tới của con người thì khái niệm "người tình trăm năm" luôn tồn tại quanh ta, bước vào cuộc sống của mỗi người một cách rõ rệt nhất. Hôn nhân là một cách để giữ người tình của mình suốt cả một cuộc đời.

Là sự ràng buộc ngọt ngào nhất và cũng nhiều nỗi cay đắng nhất để tôn vinh tình yêu để biến cái thoáng chốc, cái ngắn ngủi thành cái hữu hạn, cái trăm năm. Nhưng để làm được một người tình trăm năm đâu có dễ dàng, nếu không phải trả giá bởi bao nhiêu xót xa.

Có những cuộc tình đi qua nhưng hình bóng người tình để lại đâu dễ phai nhòa. Đó cũng là người tình trăm năm. Cái sự trăm năm ở đây không phải là giới hạn trong một số đo cụ thể về thời gian. Khái niệm trăm năm ở đây đã biến thành biểu tượng. Là khát vọng ngàn đời không thỏa của tình yêu.

Nhưng trong cuộc đời, có biết bao nhiêu những cặp vợ chồng mà mỗi một nửa trong số họ là người tình trăm năm của người kia. Ví dụ như vợ chồng Huy Cận, bà Lệ Thu chính là người tình trăm năm của nhà thơ Huy Cận. Bà yêu từng hơi thở của chồng, từng mẩu vụn trên bàn viết của chồng và giữ gìn cả những trang bản thảo nhà thơ Huy Cận đã vò và ném đi.

Bà yêu ông bằng một tình yêu của một người tôn thờ và thần tượng chồng mình hết mực. Khi nhà thơ Huy Cận rời bỏ dương gian, bà Lệ Thu gần như đánh vật với tất cả những gì mà chồng bà - nhà thơ Huy Cận để lại.

Từ một cuốn sách, đến chồng bản thảo ngồn ngộn trên bàn, cả những cái tách trà quen thuộc mà Huy Cận hay dùng, hay chiếc gối ông hay tựa lưng mỗi khi đọc sách. Tôi đã từng gặp người đàn bà gầy gò và bé nhỏ kia giữa một đống hỗn độn những đồ vật và di cảo của nhà thơ Huy Cận để lại.

Trong căn phòng bừa bộn ở 20 Điện Biên Phủ, người đàn bà đi lại nói năng khẽ khàng đến độ luôn sợ sự hiện diện của mình làm ảnh hưởng tới người khác. Bà đeo cặp kính dày và vùi đầu trên bàn giấy. Bà nói, bà dành toàn bộ thời gian để sống và làm việc trong căn phòng này để làm lại di cảo cho chồng.

Bà sẽ rời khỏi căn phòng này khi nào mọi công việc cho nhà thơ Huy Cận đã xong. Mặc ngoài kia cuộc sống đang náo nhiệt đến chừng nào, bà Lệ Thu giam mình lặng lẽ với những kỷ niệm và di vật chồng mình để lại. Đó chẳng phải là một cuộc tình trăm năm sao.

Hay như bà Bùi Thị Thạch, vợ của nhà thơ Tây tiến Quang Dũng. Ở tuổi gần 90, trí nhớ đã hoàn toàn rời bỏ bà mà đi thì trong những năm tháng cuối đời này, khi bà đã đặt một chân vào thế giới vô vi rồi thì vật bất ly thân mà bà luôn mang theo mình đấy là tập thơ Tây Tiến trong đó có bức ảnh của chồng mình là nhà thơ Quang Dũng.

Kỳ lạ, bà có thể không nhớ tới con gái đến thăm nuôi mình, có thể không nhớ tới các con bà rứt ruột đẻ ra đang gọi điện hỏi thăm bà, nhưng chồng bà, nhà thơ Quang Dũng thì bà không lúc nào là không nhớ. Càng lẫn, càng đi lạc vào cõi mơ, bà càng nhớ mồn một về cuộc tình năm xưa của ông và bà. --PageBreak--

Một cuộc tình mà gặp nhau chỉ một lần, nhìn thấy nhau qua song cửa, rồi nhớ thương nhau, rồi thư đi thư lại hẹn thề nhau. Tình yêu là thứ duyên phận mong manh nhất nhưng cũng lại bền chắc nhất.

Bà Thạch đợi ông Dũng đi Trung Quốc về. Thời gian dài 4-5 năm trời khi tuổi xuân xanh đã sắp tàn, thế nhưng kiên quyết không lấy ai, bà đợi người tình trong mộng. Người đàn bà xinh đẹp, cao ráo, nước da trắng bóc ấy khi về làm vợ nhà thơ Quang Dũng đã lặng lẽ giấu mình đi phía sau chồng.

Lặng lẽ đến nỗi, không mấy người bạn của Quang Dũng biết bà, hay thấy bóng dáng của bà trong cuộc đời của ông. Yêu ông, và giấu mình lặng lẽ, trong câu chuyện kể về tình yêu của người luôn trong tình trạng mê sảng nói về câu chuyện tỉnh táo nhất, tôi nhận thấy giữa họ mối tình vợ chồng trăm năm đúng là dễ có ai bằng.

Hay mối tình chồng vợ của nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng vậy. Bà Hoàng Thị Hoa, vợ nhà thơ Hoàng Trung Thông, cũng suốt một đời tần tảo chăm chồng nuôi con với một tình yêu chồng sâu nặng như núi cao biển cả. Hoàng Trung Thông có tật hay uống rượu và nói một mình trong bóng đêm.

Về già, ông uống rượu say đến nỗi bà phải trữ bao nhiêu thứ đồ giã rượu cho chồng. Bà đi tìm ông ở các quán rượu và khẽ khàng nhắc đủ để mình ông nghe kẻo sợ người khác nghe thấy: "Ông Thông ơi, đi về đi". Rồi bà dìu ông đi liêu xiêu trên phố.

Cái dáng người gầy guộc mảnh dẻ của bà trở thành điểm tựa cho Hoàng Trung Thông trong những cơn say mềm môi. Họ đã đi bên nhau, lo lắng và chở che nhau trong suốt cả cuộc đời.

Giờ đây, ông bỏ bà đi xa đã mấy mươi năm, bà vẫn thế một mình trong căn hộ ở phố Ngô Quyền giữ gìn hình bóng và những kỷ niệm của chồng mình. Bà giữ từng bài báo, từng mẩu vụn nhỏ của ông viết, từng cuốn sách của ông. Bà cất kỹ càng trong những gói báo ni lông nhiều lớp.

Mỗi lần giở lại, tôi thấy tay bà run run, mắt bà ướt rượt trong nỗi sầu nhớ cố nhân. Hay như vợ chồng nhà thơ Tế Hanh, suốt bao nhiêu năm làm chồng, vài chục năm nay nhà thơ Tế Hanh lại làm đứa trẻ để cho vợ chăm sóc. Tình yêu cũng là mối duyên phận mà ông trời đã ràng buộc.

Ngày mỗi ngày, thế giới của người vợ ấy chính là chồng mình nằm kia, chồng mình có còn thở nữa không và có còn cảm nhận được bàn tay của bà mỗi khi bón cơm bón cháo. Cuộc sống của họ, thế giới của họ chỉ còn là những ngày tháng sống cho nhau và vì nhau tới khi rời bỏ dương gian.

Người tình trăm năm là vậy, không phải chỉ có trong khái niệm, trong mơ ước, trong khát vọng không thoả của tình yêu. Người tình trăm năm cũng chính là những cặp vợ chồng bên nhau và yêu thương nhau bằng một tình yêu biết ơn và chia sẻ. Họ tồn tại xung quanh cuộc sống của chúng ta, có thực và đáng trân trọng biết bao

Sông Ngàn
.
.