Thương hiệu: không vô giá

Thứ Sáu, 09/05/2008, 10:00
Nghệ sỹ kinh doanh không phải chuyện đơn giản. Nhưng nghệ sỹ có thể giúp cho người khác kinh doanh bằng thương hiệu của mình. Tất nhiên, nhìn mặt sáng, sẽ thấy đó là mối quan hệ có lợi cho cả hai bên. Nhưng kinh doanh không chỉ là nghệ thuật mà phía sau nó là cả một mớ rối rắm, thậm chí cả những thủ đoạn để mưu cầu lợi nhuận. Và rất có thể thương hiệu nghệ sỹ sẽ từ mất giá đến... mất trắng từ những phi vụ này.

 Sẽ có người không đồng tình với cách suy nghĩ rằng, khi các nghệ sỹ quay qua kinh doanh nghĩa là họ đang sử dụng sở đoản của mình để chinh phục khách hàng. Bởi không ít nghệ sỹ kinh doanh rất thành công. Và họ đều là những nghệ sỹ rất nổi tiếng.

Nhưng người viết bài này nhìn vấn đề trên bình diện thực sự công bằng rằng, là nghệ sỹ thì phải làm nghệ thuật. Còn khi nghệ sỹ bước qua kinh doanh, thì không nên gọi họ là nghệ sỹ nữa. Lúc ấy, họ là doanh nhân, hoặc điều gì đó tương tự thế...

Còn nếu nghệ sỹ cho mượn tên mình nhằm giúp ai đó kinh doanh, có lẽ họ là những người đang định giá thương hiệu của mình. Không tính chuyện đắt rẻ, nhưng thương hiệu của nghệ sỹ không phải là vô giá.

Có một giai thoại trong làng văn, nhà văn Lê Văn Trương, người được biết đến với gần 100 cuốn tiểu thuyết, được coi là nhà văn viết khoẻ nhất Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng, truyện của ông về sau này khá giống nhau về motif.

Nhiều người cho rằng, khi đã tạo dựng được tên tuổi trên văn đàn với chủ trương độc lập, không lập nhóm như những văn sĩ đầu thế kỷ, Lê Văn Trương liền tập hợp một số nhà văn trẻ vô danh lại. Họ mới chính là những người chấp bút, viết nên những trang văn về sau. Và Lê Văn Trương sẽ biên tập rồi đứng tên, in sách bán. Bởi một nhà văn rất khó viết được 100 tiểu thuyết trong một thời gian không dài như vậy.

Tất nhiên, đó là một giai thoại, hư thực thêu dệt quá nhiều, và đến nay chưa ai khẳng định đó là sự thật. Nhưng, đặt ra một giả thuyết, nếu đó là sự thật thì suy ra cái tên Lê Văn Trương là một thương hiệu "bán được" trong lòng độc giả. Nên dù viết không xuất sắc, motif giống nhau, nhưng công chúng vẫn yêu mến và sách vẫn bán chạy. Tất nhiên, nếu đó là sự thật, thì cái danh mà nhà văn này phải dày công gây dựng bỗng chốc bị "mất thiêng".

Nhân nói về sự "mất thiêng", nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sau khi khẳng định viết "tiểu thuyết ba xu" để kiếm tiền đã phải thừa nhận sự thất bại của mình với tiểu thuyết. Có thể nói, đến thời điểm này, mỗi cuốn sách của Nguyễn Huy Thiệp ra đời vẫn còn đó chút ít xôn xao. Nhưng những cuốn tiểu thuyết rất mỏng được vẽ bìa khá... câu khách đã không còn đứng chung với thương hiệu Nguyễn Huy Thiệp của một thời tạo nên dấu ấn mạnh mẽ với truyện ngắn.

Nhiều bạn đọc thông thái đã tách Nguyễn Huy Thiệp làm hai thế giới. Một thế giới của những điều sâu sắc, thâm thúy, của những điều đáng đọc và suy ngẫm; một của những điều đơn giản, thậm chí hơi quá thường và không đáng đọc. Hai thế giới ấy ít nhiều làm cho hình ảnh Nguyễn Huy Thiệp mất thiêng, nhưng biết làm sao được khi nhà văn (như ông từng nói) cũng cần phải có tiền tiêu như bất cứ ai.

Nguyễn Huy Thiệp đã từng là nhà văn kinh doanh quán ăn khá sớm tại Hà Nội. Nhà hàng "Hoa Ban" của ông ngay bên kia cầu Chương Dương một thời đã là địa chỉ của văn nhân tài tử. Nhưng rồi khách cứ thưa dần. Không biết vì thực đơn ở đây giá quá cao hay vì nhà văn đã được trời cho cái tài chữ nghĩa nên giảm cái duyên buôn bán mà giờ đây ít người nhắc đến "Hoa Ban" khi tụ hội. Cơm áo không đùa với khách thơ. Kinh doanh cũng không phải là bài toán nhanh có đáp án với những người quen thể hiện cuộc đời trên trang giấy.

Một trong những "thương hiệu có giá" của giới nghệ sỹ Hà Nội là nhạc sỹ Phú Quang. Anh là người kinh doanh phòng trà khá sớm. Nhưng rồi anh rút vào việc sáng tác. Hai năm trở lại đây, thi thoảng các nhà báo thân quen lại được Phú Quang mời đến khai trương phòng trà mới. Và năm nào anh cũng tổ chức đêm nhạc riêng, giá vé bạc triệu, hầu hết do các doanh nghiệp bao thầu.

Rõ ràng, trong kinh doanh, Phú Quang là một người khôn ngoan và đi trước người khác. Nhưng hỏi kỹ mới biết, Phú Quang không phải là ông chủ phòng trà. Anh chỉ lo phần âm nhạc cho phòng trà nào đó mà thôi. Nghĩa là anh chịu trách nhiệm phần âm nhạc cho phòng trà (quán bar) ấy. Cái tên của anh là một thứ thương hiệu nghiêm túc đối với công chúng. --PageBreak--

Anh được mời để đứng tên, làm thương hiệu, tạo nên phong cách cho phòng trà, mời ca sỹ hát... Và những phòng trà đó sẽ được nhắc đến như những phòng trà do anh quản lý. Khi khán giả trả tiền đến phòng trà nghe hát, nghĩa là họ đã trả tiền để mua giá trị thương hiệu của Phú Quang. Đó cũng là một trong những cách mà nhiều nhà hàng, quán bar thực hiện. Và tất nhiên, đó không phải là cách quảng bá thương hiệu tồi.

Nếu vào Sài Gòn, có lẽ ai cũng sẽ được giới thiệu đến những quán ăn đặc sản của các nhà văn nổi tiếng. Như quán Đo Đo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hay quán Ruốc của nhà văn Mường Mán. Quán Ruốc của Mường Mán là nơi thường lui tới của nhà văn Đoàn Thạch Biền vào buổi chiều. Và rất đông thực khách tìm đến, dù quán ở trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận.

Ở đây có hầu hết các món đặc sản của Huế, từ các loại mắm, các loại ruốc, bánh cho đến các loại rau quả. Nhà văn Mường Mán không phải người coi sóc quán ăn này mà vợ con ông mở ra kinh doanh. Mỗi buổi chiều, khi xong công việc tại công ty văn hóa Phương Nam, ông trở về cái quán nhỏ, có sân vườn, có cây trái và những bộ bàn ghế chạm khảm theo lối cũ, ngồi đó để gặp bạn sẽ tiếp bạn, nói dăm ba câu chuyện, uống với nhau một chung rượu. Và, đó cũng là cái cách để người ta nhận ra, đây là quán của nhà văn Mường Mán.

Ông nói giọng Huế nhẹ nhàng. Và văn ông vẫn hóm hỉnh, đáng nhớ. Nó như cái duyên người ta nhớ Huế, như nhớ món ăn xứ Quảng của quán Đo Đo mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đứng tên, kinh doanh thành công sau nhiều năm. Sẽ là nặng nề nếu cho rằng các nhà văn này đang "bán" thương hiệu của mình trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Nhưng có một điều không thể phủ nhận được, những quán hàng này dễ nhớ và được tìm đến nhờ một phần không nhỏ bởi danh tiếng của chủ nhân.

Đó là các nhà văn, nhạc sỹ, những người làm công việc sáng tác và thường khá tĩnh lặng trong đời sống. Còn giới nghệ sỹ biểu diễn, đã có ngàn lẻ một quán cà phê nghệ sỹ mở rồi lại đóng cửa. Nghệ sỹ kinh doanh một cách thực sự. Nhưng không phải ai cũng thành công.

Cái giá đắt nhất cho sự ngây thơ của nghệ sỹ có lẽ thuộc về diễn viên Mỹ Uyên và nhà thiết kế Công Trí. Hai nghệ sỹ trẻ nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh dự tính cùng mở quán cà phê. Họ đã thuê mặt bằng, thiết kế decor mới, từng tấm rèm cửa cũng được Công Trí may đi may lại nhiều lần, thuận mắt mới thôi. Bàn ghế, những phụ kiện nội thất, dàn âm thanh ánh sáng được set up đạt tiêu chuẩn của quán cà phê sang trọng nhất Sài Gòn.

Nhưng rồi, vì họ là những người nghệ sỹ, không rành đường đi nước bước trong kinh doanh, quán mở ra được chừng hơn một tháng buộc phải đóng cửa vì những lý do... rất khách quan. Đến giờ ngồi kể lại, Mỹ Uyên vẫn bần thần vì tiếc những món đồ đẹp lộng lẫy đó. Hơn một tỷ đồng đầu tư cho quán cà phê, cuối cùng cả hai đều phải "cày cuốc" bằng nghề tay phải để trả nợ cho món đam mê tay trái!

Tất nhiên, Mỹ Uyên và Công Trí là những "người thật việc thật và... mất tiền thật" nên thiên hạ có thể dễ dàng nhìn thấy. Còn có rất nhiều người trong giới biểu diễn tuyên bố lập công ty, nhưng thực chất là họ đang được nhờ đứng tên để người khác tiện bề kinh doanh.

Hay cùng lắm, họ cũng chỉ có thể lập công ty để phục vụ cho việc ca hát, biểu diễn của họ, quản lý và kinh doanh danh tiếng của họ trong nghệ thuật mà thôi. Phần lớn các công ty của ca sỹ đều do người khác điều hành phía sau và các doanh nhân - ca sỹ trở thành một thứ thương hiệu.

Nghệ sỹ kinh doanh không phải chuyện đơn giản. Nhưng nghệ sỹ có thể giúp cho người khác kinh doanh bằng thương hiệu của  mình. Tất nhiên, nhìn mặt sáng, sẽ thấy đó là mối quan hệ có lợi cho cả hai bên. Nhưng kinh doanh không chỉ là nghệ thuật mà phía sau nó là cả một mớ rối rắm, thậm chí cả những thủ đoạn để mưu cầu lợi nhuận. Và rất có thể thương hiệu nghệ sỹ sẽ từ mất giá đến... mất trắng từ những phi vụ này. Nghệ sỹ, nếu được, hãy lao động nghệ thuật hết mình. Bởi đã có hẳn một bầu trời cho họ sinh ra để toả sáng...

Thạch Lựu
.
.