Thượng đỉnh ít kỳ vọng

Thứ Hai, 14/06/2021, 08:21
Trước cuộc gặp, hai bên đều chung một giọng khẳng định chớ có kỳ vọng quá nhiều vào hội nghị thượng đỉnh lần này. Đúng thế. Sự cách biệt trong lập trường của hai bên là quá lớn để có thể hy vọng đạt được một sự cải thiện thực chất trên những vấn đề nhạy cảm mang tính sống còn. Bởi vậy, đây sẽ là một thượng đỉnh ít kỳ vọng... 


Người quen cũ

Thời gian đã có (nếu không có sự bất ngờ lớn nào xảy ra): ngày 16-6-2021.

Địa điểm: Geneva (Thụy Sĩ).

Những người tham gia: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đấy chính là cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ sau những chặng marathon kiện cáo và rắc rối bằng đủ mọi cách từ cánh ông Trump nhằm ngăn cản ông vào Nhà Trắng. Ơn giời là cuối cùng ông Biden vẫn nhậm chức Tổng thống một cách suôn sẻ và ngay lập tức phải đối mặt với cả loạt hồ sơ ngoại giao - chính trị hóc búa, mà đau đầu hơn cả chính là quan hệ Mỹ - Nga.

Thành phố Geneva của Thụy Sĩ từng là nơi diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Xô - Mỹ năm 1985 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thống Liên Xô khi ấy Mikhail Gorbachev. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng chính cuộc gặp thượng đỉnh năm 1985 ấy đã thúc đẩy hàng loạt thay đổi đầy kịch tính trong chính sách ngoại giao của Liên Xô, dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng mà phải nhiều năm sau đó người ta mới đánh giá hết được tầm mức ảnh hưởng của chúng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: L.G.

Một quốc gia-liên bang đột ngột biến mất, để lại một nước Nga kế thừa vị thế chính trị, tiềm lực quân sự và một nhà lãnh đạo cứng rắn đã lèo lái quốc gia này trong suốt 21 năm qua, Tổng thống Vladimir Putin. Còn nước Mỹ thì sau 36 năm cũng đang vật lộn với đủ mọi thách thức để nhọc nhằn tìm lại vị thế siêu cường số 1 thế giới của mình với người lãnh đạo mới là ông Joe Biden, người lên nắm quyền lực tối cao sau một cuộc bầu cử dằng dai chia rẽ nước Mỹ một cách sâu sắc.

Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ kể từ tháng 7-2018, thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump ở Helsinki (Phần Lan), một hội nghị thượng đỉnh bị phủ bóng bởi những cáo buộc của phía Mỹ về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống Mỹ.

Sau thất bại trong cuộc bầu cử cuối năm 2020, ông Trump đã trở thành một “thường dân nhiều tuổi” ở Florida, hiếm khi xuất hiện trên mặt báo. Còn ông Biden, người năm 2009 đang làm Phó Tổng thống Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố “cài đặt” lại quan hệ với Nga, giờ đây lại phải đối mặt với một trọng trách nặng nề chẳng kém: sửa chữa những hỏng hóc nghiêm trọng trong quan hệ với Moscow!

Đối tác của ông Biden ở thượng đỉnh lần này vẫn là một người cũ: Tổng thống Nga Putin.

Những sự chuẩn bị

Cả hai bên đều chuẩn bị rất kỹ cho cuộc gặp thượng đỉnh lần này, từ thời gian cho tới địa điểm diễn ra cuộc gặp. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan là những người lên kế hoạch về ngày giờ, địa điểm và chương trình nghị sự của cuộc gặp. Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt ở Reykjavik (Iceland) để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh.

Thời điểm diễn ra cuộc gặp hầu như chắc chắn phải diễn ra trong khung thời gian chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống. Theo đó, từ ngày 11 đến 13-6, ông Biden tới Cornwall, Vương quốc Anh, tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7); ngày 14-6, ông Biden tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ.

Phía Mỹ đề xuất cuộc gặp diễn ra trong hai ngày 15 và 16-6; thoạt đầu, Nga từ chối bởi không muốn cuộc gặp diễn ra quá sát với thời điểm các hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO bởi dễ gây cảm giác phương Tây đoàn kết xung quanh Mỹ để đưa yêu sách với Tổng thống Putin.

Tuy vậy, xét đến một thực tế là nếu như cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ không diễn ra trong dịp này thì cũng phải rất lâu nữa ông Biden mới quay lại châu Âu nên cuối cùng hai bên đã chốt lại thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ diễn ra ngày 16-6.

Trong số các địa điểm được đề xuất làm nơi diễn ra thượng đỉnh Nga-Mỹ, thủ đô Vienna của Áo dường như là nơi thích hợp hơn cả và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng đã thảo luận trực tiếp vấn đề này với ông Putin; mặc dù vậy, quyết định lựa chọn không được đưa ra.

Thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, nơi Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev từng gặp nhau để ký Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (START mới) cũng là một lựa chọn nhưng xét đến tình trạng căng thẳng giữa Nga và Séc sau vụ việc gần đây hai bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, địa điểm này rõ ràng không còn thích hợp.

Hàng loạt địa điểm khác như Geneva (Thụy Sĩ), Stockholm (Thụy Điển), Helsinki (Phần Lan), Ljubljana (Slovenia) là những thành phố mà Tổng thống Nga Putin từng gặp gỡ các Tổng thống Mỹ khác cũng được đề xuất.

Cuối cùng thì Geneva được chọn.

Nhưng, sự chuẩn bị về dư luận cũng như những nội dung sẽ được thảo luận ở thượng đỉnh Geneva mới là điều quan trọng. Moscow đã tạm dừng trả đũa các lệnh trừng phạt mới của Mỹ như là một cách tỏ bày thiện chí, đồng thời tạo sức ép với Nhà Trắng để thúc đẩy chương trình nghị sự của Nga tại cuộc gặp thượng đỉnh.

Sự cách biệt trong lập trường của hai bên là quá lớn để có thể hy vọng đạt được một sự cải thiện thực chất trên những vấn đề nhạy cảm mang tính sống còn. Ảnh: L.G.

Bất đồng sâu sắc

Điều người ta quan tâm nhất là hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ bàn thảo những vấn đề gì ở Thượng đỉnh Geneva?

Dĩ nhiên đó phải là những vấn đề mà hai bên bất đồng sâu sắc. Kể từ khi vào Nhà Trắng, ông Biden đã nhiều lần chứng tỏ lập trường với Nga cứng rắn hơn người tiền nhiệm. Tháng 3-2021, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ, ông Biden đồng ý với cách gọi của phóng viên rằng ông Putin là “kẻ sát nhân” và điều này thổi bùng ngọn lửa giận dữ ở Moscow, khiến cho viễn cảnh về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo trở nên xa vời.

Tuy vậy, chỉ một tháng sau, khi Nga ồ ạt đưa quân đến tập trận ở sát biên giới với Ukraine, ông Biden đã gọi điện trực tiếp, mời ông Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu và một cuộc gặp cá nhân ở châu Âu. Ông Putin nhận lời; từ đó mới có cuộc gặp thượng đỉnh Geneva, có thể xem như một thành công về chính sách đối ngoại của Moscow trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh của Mỹ liên tục tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Như phía Mỹ đã tuyên bố, Tổng thống Mỹ tham dự cuộc gặp thượng đỉnh là nhằm mong muốn “đưa quan hệ Nga-Mỹ trở nên ổn định và có thể dự đoán được”, một mục tiêu rõ ràng là khá xa vời.

Để đạt mục tiêu này, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ sẽ đề nghị với người đồng cấp của mình giảm căng thẳng bằng cách ngăn chặn những hành động “ác ý”: tấn công mạng, can thiệp bầu cử Mỹ, giảm mật độ quân số dọc biên giới với Ukraine (hiện có khoảng 80.000 binh sĩ Nga có vũ trang)...

Cuối tháng 4-2021, Bộ Ngoại giao Nga cho biết an toàn thông tin quốc tế là một vấn đề quan trọng đối với cả Nga và Mỹ nên chủ đề này (liên quan đến tấn công mạng lẫn nhau giữa Nga và Mỹ) chắc chắn sẽ được vào chương trình nghị sự ở thượng đỉnh Geneva.

Một nội dung mà ông Biden nhiều khả năng đề cập đến ở Geneva là lập trường của Nga đối với vụ máy bay hãng hàng không Ryanair của Ireland bay qua không phận Belarus bị điều hướng buộc phải hạ cánh xuống Minsk và nhà chức trách đã bắt giữ một nhân vật đối lập. Những biện pháp trừng phạt nhanh chóng sau đó của châu Âu (và cả Mỹ) nhằm vào Belarus dẫn tới một hệ quả là có khả năng đẩy Minsk về phía Moscow, tạo ra một liên minh chặt chẽ, điều mà Mỹ cũng như phương Tây không hề muốn. Sau khi vụ việc xảy ra, Nga đã công khai bênh vực Belarus, cho rằng Minsk hành động đúng trước cảnh báo an ninh, đồng thời cũng cấm cửa một số hãng hàng không châu Âu để phản ứng lại các hành động trừng phạt Belarrus.

Và điều quan trọng nhất là ở Geneva, Mỹ sẽ phải tìm cách thách thức mối quan hệ Nga-Trung, hiện đang ở mức chặt chẽ nhất trong lịch sử, bất chấp (hoặc nhờ) các biện pháp trừng phạt của phương Tây và Mỹ nhằm vào cả hai nước. Viễn cảnh về việc hình thành một trục siêu cường mới Moscow-Bắc Kinh đặc biệt khiến Mỹ lo ngại bởi Washington đã xác định Trung Quốc là đối thủ chính trong cuộc đối đầu chiến lược những năm tới.

Chắc chắn Mỹ khó có thể lôi kéo được Moscow đứng cùng chiến tuyến trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh nhưng ít nhất, ông Biden cũng có thể thăm dò khả năng Nga liệu có “kiềm chế” không gây khó dễ cho chương trình nghị sự chính trị của Mỹ hay không và cái giá cho sự “kiềm chế” đó là gì?

Các vấn đề khác như tình hình Ukraine, số phận nhà chính trị đối lập Alexei Navalny ở Nga... rất có thể cũng sẽ được đặt lên bàn thượng đỉnh ở Geneva.

Trước cuộc gặp, hai bên đều chung một giọng khẳng định chớ có kỳ vọng quá nhiều vào hội nghị thượng đỉnh lần này. Đúng thế. Sự cách biệt trong lập trường của hai bên là quá lớn để có thể hy vọng đạt được một sự cải thiện thực chất trên những vấn đề nhạy cảm mang tính sống còn. Bởi vậy, đây sẽ là một thượng đỉnh ít kỳ vọng. Nhưng, chỉ riêng việc hai nhà lãnh đạo hai nước ngồi với nhau ở Geneva thì đó cũng đã là một tín hiệu khả quan rồi.
Yên Ba
.
.