Thời của "đơn đặt hàng" văn nghệ

Thứ Bảy, 17/01/2009, 09:30
Trong công nghệ giải trí chuyên nghiệp, việc sáng tác theo đơn đặt hàng gần như là việc đương nhiên. Chỉ khi nào anh đặt bút ký vào hợp đồng và trả trước tiền nhuận bút theo số phần trăm thoả thuận, tôi mới bắt đầu đưa đề cương bản thảo cho anh.

Thế nhưng, ở Việt Nam, trong môi trường tranh tối tranh sáng về bản quyền và sự làm việc tuỳ hứng của không ít văn nghệ sỹ, đã khiến những đơn đặt hàng trở thành cái cùm khoá lại những sáng tạo, bằng sự tắc trách trong công việc và những cãi vã triền miên...

Nếu làm việc trong một công ty truyền thông, bạn sẽ hiểu, việc viết bài (để đăng báo), kịch bản (để dựng chương trình truyền hình, chương trình event (sự kiện) cho doanh nghiệp) theo đơn đặt hàng của khách hàng là điều tất nhiên. Những đơn đặt hàng có sẵn, với đầy đủ những thông tin chi tiết được xào nấu thành một loạt bài, kịch bản. Sau đó, khách hàng sẽ là người quyết định duyệt cái nào, bỏ cái nào; cái nào phải sửa chữa, cái nào phải bổ sung thông tin. Đôi khi chỉ vì không thích văn phong tác giả sử dụng, khách hàng cũng yêu cầu viết lại. Hầu hết các công ty lớn sẽ thuê những người trong giới viết thực hiện công việc nhọc nhằn này. Các nhà báo, đặc biệt là các phóng viên mới, được mời gọi nhiều nhất. Bởi đây là lực lượng chăm chỉ và mức chi phí thấp.

Nếu nhìn từ góc độ của báo chí truyền thống, có thể gọi những người viết theo đơn đặt hàng dạng này là "gia công". Nhưng ở thời điểm hiện tại, cách nhìn cũng cởi mở hơn rất nhiều. Người ta đã quen với nó, giống như một công việc làm thêm kiếm tiền. Hoàn toàn không có chuyện mua bán. Chỉ đơn thuần là nhà báo được thuê gia công một công đoạn trong quy trình khép kín của một chiến dịch PR (quan hệ công chúng).

Nói về đơn đặt hàng, lĩnh vực lễ hội được coi là khu vực có mật độ đơn đặt hàng cao nhất. Ở Việt Nam, từ mùa xuân cho đến mùa đông, lúc nào cũng có lễ hội, lớn nhỏ tùy... nhà tài trợ. Các lễ hội do các công ty tổ chức (thực chất là một sự kiện nhằm đánh bóng tên tuổi một thương hiệu nào đó) thường do một nhóm tác giả thực hiện, và độ ly kỳ hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng, độ tốn kém cũng phụ thuộc vào túi tiền của khách hàng theo diện "thích thì chiều". Còn các lễ hội của ngành, địa phương thì thường được giao cho các đạo diễn, thường là các đạo diễn có tên tuổi. Và đạo diễn tên tuổi đó sẽ có ê kíp của mình. Họ sẽ đặt hàng một nhà văn, nhà thơ nào đó, cũng có tên tuổi, viết một kịch bản có truyền thống xây dựng, phát triển và trưởng thành, có truyền thống văn hóa, có ca sỹ hát, có đoàn nghệ sỹ trống đồng chim lạc vừa gõ trống hội vừa múa chào mừng.

Những bộ trang phục mang từ lễ hội này qua lễ hội khác. Những đoạn nhạc được cắt ghép, ráp nối vội vàng. Và những lời bình đầy khí phách được thay đổi địa danh cho phù hợp. Kịch bản lễ hội là thứ dễ làm nhất và lại kiếm được nhiều tiền nhất. Bởi sự lạm phát các lễ hội đã dẫn đến tình trạng dàn dựng chạy show và kịch bản được xào nấu lại thành những bản sao. Không khó hiểu chút nào khi hầu hết các khung chương trình lễ hội đều giống nhau đến mức đáng giật mình. Và những người như nhà văn P., nữ nhà thơ T... luôn là những người sống phong lưu hơn các bạn văn nhờ lễ hội.

Giới văn nghệ TP Hồ Chí Minh vẫn truyền nhau một câu chuyện, nhà thơ V vốn được rất nhiều công ty đặt hàng viết kịch bản phim. Thời buổi nhà nhà chen chân làm phim truyền hình, đổi sóng lấy quảng cáo, thì nhu cầu kịch bản rất lớn. Cứ nhìn những bộ phim lên sóng và những đoàn phim tấp nập trên trường quay, có cảm giác như giới nghệ sỹ phim ảnh tại thành phố này không ai phải rơi vào cảnh thất nghiệp.

Hối hả và vội vã, những kịch bản được ra lò như gà công nghiệp. Nên cái tên của nhà thơ V cũng là một bảo chứng, dễ tạo được hiệu ứng với báo giới trong việc làm truyền thông. Nhưng ít ai biết, nhà thơ V có một "chiêu độc". Anh viết đề cương và lãnh 50% tiền nhuận bút. Và đến khi anh viết xong kịch bản, đưa cho công ty là lãnh nốt số tiền còn lại. Nhưng mục tiêu của anh là viết kịch bản sao đó để khi đọc, sẽ thấy rất hay, nhưng các nhà sản xuất không thể... đưa vào làm phim ngay được. Những kịch bản đó sẽ phải chỉnh sửa tan nát bởi bàn tay các đạo diễn. Đến lúc đó, anh sẽ rút tên ra, với lý do, đứa con đó đã không còn nguyên vẹn của mình! Và khi phim chiếu, thì kịch bản là của một XYZ nào đó, báo chí có chửi váng đầu thì tiền cũng đã vào túi nhà thơ V...

Lĩnh vực kịch bản phim truyền hình đang là những "đơn đặt hàng" truyền kỳ của giới nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Chỉ cần được biết tiếng trên báo chí, là ngay lập tức được chào mời. Và với những nhà văn trẻ chưa tìm được một công việc ổn định, thì những "đơn đặt hàng" này được coi là một cái cần câu cơm hữu hiệu. Chỉ cần một năm viết kịch bản 30 tập phim, thu nhập đã lên tới trên dưới 200 triệu, tùy mức độ nổi tiếng của mỗi người. Tất nhiên, quá trình từ ý tưởng, tới đề cương và cuối cùng là hoàn thành kịch bản, tác giả sẽ phải chịu nhiều lần uốn bút theo yêu cầu của phía đặt hàng. Và cũng không ít cuộc nảy ra xung đột, cãi vã tưng bừng. Cũng không ít người bỏ ngang vì tức giận. Nhưng, nếu so với thu nhập từ văn chương, thơ phú, thì kịch bản phim truyền hình vẫn có thể đứng trên ngạo nghễ ngó mắt nhìn xuống. Chính vì thế, những "đơn đặt hàng" dạng này được hào hứng đón nhận hơn rất nhiều những lời đề nghị viết tiểu thuyết hay làm sách...

Nhà văn Chu Lai.

Cách đây chưa lâu, trên báo chí hay có những diễn đàn về việc sáng tác ca khúc theo đơn đặt hàng, nên hay không? Có những nhạc sỹ quyết liệt ly khai cách làm việc công nghiệp ấy. Nhưng hầu hết các nhạc sỹ trẻ tại TP. Hồ Chí Minh lại coi đó là việc đương nhiên. Bởi các đơn đặt hàng là thu nhập chính của họ. Một ca khúc viết riêng cho ca sỹ là trên dưới 10 triệu, tùy mức độ thân quen. Thậm chí, có những bài hát được mua với giá vài chục triệu, nếu ca sỹ chơi ngông và nhạc sỹ biết cách "cao tay ấn". Còn những nhạc sỹ sung sức nhất của thành phố ở thời điểm hiện tại như Quốc Bảo, Tuấn Khanh, Võ Thiện Thanh, Đức Trí... đều là những "đại gia viết theo đơn đặt hàng". Bởi họ được đặt hàng làm album cho ca sỹ, mà hầu hết là những ca sỹ ngôi sao.

Rất nhiều album của ca sỹ được các nhạc sỹ làm từ A tới Z, nghĩa là viết nhạc, biên tập, làm hòa âm... khép kín một chu trình sản xuất như các album của Quốc Bảo thực hiện với Từ Hiền Trang, Thủy Tiên, Mai Khôi; album "Cà phê sáng" nhạc sỹ Võ Thiện Thanh viết riêng cho Hà Anh Tuấn... Không chỉ có vậy, các nhạc sỹ kể trên cũng là những người được các công ty quảng cáo đặt hàng nhiều nhất. Một bài nhạc quảng cáo của họ có giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD. Những đơn đặt hàng nghiêm túc như vậy sẽ rất khó có ai từ chối. Thế nhưng, giới thạo tin trong làng nhạc chia sẻ, nếu nói bậc thầy trong việc viết nhạc theo đơn đặt hàng thì phải kể đến nhạc sỹ Trần Tiến.

Nhạc sĩ Trần Tiến.
Không biết độ chính xác tới cỡ nào, nhưng ông được coi là người viết "tỉnh ca", "ngành ca" hay nhất Việt Nam, bài nào hát lên cũng rưng rưng. Và bài nào cũng có giá tính bằng nghìn đô la. Với Trần Tiến, không có bài hát dở, chỉ có bài hát hay và rất hay mà thôi. Còn nhạc sỹ Nguyễn Cường có một hợp đồng với một doanh nghiệp sản xuất cà phê, nghe nói là "đơn đặt hàng đắt giá nhất Việt Nam", với một ca khúc trị giá vài chục ngàn đô la. Nếu đây là sự thật thì quả là gừng càng già càng cay, Nguyễn Cường đã trở thành nhạc sỹ... đắt giá nhất!

Nhà văn Chu Lai, cách đây chưa lâu trả lời phỏng vấn một tờ báo mạng, nói rằng có những cuốn sách viết theo đơn đặt hàng và tới giờ ông không còn muốn nhớ. Có lẽ Chu Lai đã nói hơi quá lời, còn trong thời điểm hiện tại, viết theo đơn đặt hàng không phải là một cái tội, ít nhất đó cũng là một công việc giúp nhà văn trang trải cho cuộc sống những khi nhuận bút tiểu thuyết chưa kịp về... Quanh đi quẩn lại, năm nào cũng đến báo Tết. Và nhìn những tờ báo Tết như những mâm cơm thịnh soạn, biết rằng gia chủ phải mất nhiều công chế biến xào nấu. Nhưng nếu nhìn kỹ, sẽ thấy có những cái tên chỉ xuất hiện trên báo Tết và xuất hiện rất nhiều.

Đó có thể là các nhà nghiên cứu, các nhà văn, những người làm công tác chuyên ngành... Họ đã có cả một năm để chuẩn bị những đơn đặt hàng theo "thực đơn" của gia chủ. Có những tòa soạn đặt trước nửa năm. Và những bài viết theo đơn đặt hàng ấy được trả nhuận bút đặc biệt. Có không ít nhà văn, giữa mùa hè đổ mỡ mà bật máy lạnh để tìm không khí Tết viết tản văn hoa đào rừng rực trước gió xuân. Và thu nhập một mùa báo Tết cũng đủ giúp nhà văn có được những tháng ngày dư dả.

Những cái đơn đặt hàng không phải lúc nào cũng là sự "ép duyên" tồi tệ. Với những người viết chuyên nghiệp, nó lại là động lực để cho hoa trái đơm bông...

Diên Vỹ
.
.