Thi thoảng vẫn thường hoang mang

Thứ Sáu, 09/10/2015, 10:54
Không rõ tự bao giờ, xã hội chúng ta nhan nhản xuất hiện một dạng văn bản được công bố đại chúng mà đáng lẽ bản chất của nó phải hết sức kín đáo bay thẳng tới tay người nhận. Người ta thường hay gọi là tâm thư.

Và cũng thật đáng kinh ngạc bởi những bức tâm thư được cho là cay đắng biên vội bởi một sinh viên Nhật Bản nặc danh, một ông Tây nặc danh, một chị gái lấy chồng Tây xa xứ lâu năm cũng nặc danh nốt…

Ví dụ một trích đoạn bức tâm thư được lan truyền rộng rãi được cho là của một anh trai Nhật Bản nào đó có đoạn: “… Thật xấu hổ nếu 4.000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Nhưng, thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày. Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; Người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy bird đã không phải chết yểu đau đớn; Người Việt chửi còn hay hơn hát, cứ xách balô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; Người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng. Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà một số bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?

Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?

Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt - Khó lắm! Thật vậy sao?”.

Minh họa: Hữu Khoa.

Ái chà, không phải tâm thư nào dù được viết bằng ngôn ngữ đầy tâm huyết, bao bọc bằng “đường mật” cũng giấu được sự hằn học. Chê bai là thứ dễ viết nhất trên cuộc đời này.

Ngoài việc những bức tâm thư được “cộng đồng mạng” chia sẻ mạnh mẽ thì nói chung nội dung trong các “huyết thư” đó đầy ắp lời răn dạy, những ví dụ, những câu chuyện tình người cảm động của nước ngoài để so sánh với những việc chưa đẹp trong nước. Một số bạn đọc cả tin xem đi xem lại nhiều lần, chẹp miệng lắc đầu ngao ngán cũng không hiểu tại sao. Thế mới tài.

Ở một góc nhỏ khác tư duy theo thuyết âm mưu thì người ta tin rằng những bức tâm thư đó là sản phẩm của một vài người Việt chính hiệu tâm thế tiểu nhược luôn dằn vặt đạo đức, tinh thần dân tộc mà viết nên. Chả phải của ông Tây, anh sinh viên Nhật Bản nào cả. Nói vậy thôi, để chứng minh được nguồn gốc của chúng tính ra cũng là việc thiên nan vạn nan, một số cư dân mạng khác không chịu nổi dèm pha bất tín của tâm thư trên mạng cũng bèn dằn phím viết lại tâm thư khác đưa lên mạng để phản bác.

Nhưng cá nhân tôi thì luôn tin rằng tác giả những bức tâm thư đình đám đó ắt phải là những người nước ngoài rất yêu sự trong sáng của tiếng Việt, chỉ có vậy họ mới có thể nắn nót viết từng câu từng chữ.

Viết tâm thư giờ như là mốt bởi hiệu ứng đám đông đón nhận nó không cần biết bản chất vấn đề. Thi cử không đạt, viết tâm thư năn nỉ bộ trưởng giáo dục. Chuyển đổi bảo hiểm y tế không được, viết tâm thư gửi bộ trưởng y tế… Ơ, lạ một điều nhiều khi họ lại thành công mới tài. Phải chăng các vị bộ trưởng quá bận rộn để phải chịu những sự o ép dư luận xã hội mà gật đầu dễ dãi đến thế?

Đôi khi, trong sâu thẳm nội tâm mỏng manh, tôi cũng muốn dằn tâm sự vào bàn phím gõ tâm thư.

Ví dụ sau hôm kết thúc cuộc thi hoa hậu 2014, tôi thấy thiên hạ bu vào chê tân hoa hậu xấu quá, khổ thân, tôi bèn viết như thế này: “Chị hoa hậu yêu quý, chưa có lúc nào em lại xót xa chị đến vậy. Trong tâm thế cạn đến đáy lòng vì cũng là một người phụ nữ Việt Nam. Em 28 tuổi, tương lai bên bàn phím và đống quần áo bẩn chuẩn bị phải giặt của chồng. Chị 18 tuổi, tương lai của chị không ở phía trước mà nó ở trên cái vương miện. Nhưng em hoang hoải vô cớ lo lắng cho chị. Sợ rằng chị nhỡ không may cũng như vô số thế hệ đăng quang trước đây, đã và đang loay hoay với khấp khểnh toan tính lận đận tình trường.

Còn nếu bàn về nhan sắc, có 3 thứ không bao giờ nên tranh luận, đó là Thẩm mỹ, Tình yêu và Tôn giáo, sẽ không bao giờ có người đúng. Ngoài những lời bình luận thực sự sâu sắc như ban giám khảo sau khi chị đọc thuộc lòng bài thi ứng xử thì đâu đó vẫn còn nhan nhản những lời the thé ngô nghê của cộng đồng mạng.

Một cuốn tiểu thuyết hay thì nó sẽ luôn hay dù được dịch ra bằng mọi thứ ngôn ngữ. Nhưng một cô hoa hậu thì không có nghĩa là phải đẹp ở mọi “góc nhìn””.

Viết đến đấy tôi tịt ngóm, như người ta nói là tôi không có căn có số để viết được tâm thư nên được dăm dòng là chết cứng, đành dằn lòng để dành tâm ý sau này viết cho cô hoa hậu lứa sau.

Tôi xem lại bức tâm thư của mình, đây có lẽ là một bức thư ương dở nhạt nhẽo nhất trên đời, được biên vội ở một góc nhà. Do một cựu du học sinh Ái Nhĩ Lan đạt điểm tuyệt đối dành trọn vẹn học bổng toàn phần của mẹ viết trong tâm trạng hơi vui và ban đầu định có tiêu đề là: “Tâm thư gửi hoa hậu”.

Thi thoảng, tôi vẫn thường thảng thốt hoang mang khi nghĩ về điều đó.

Hoàng Minh Trí
.
.