Thạc sĩ Huỳnh Văn Sinh (Giảng viên bộ môn TPHCM học, Trường cán bộ TP HCM):

Thành phố của những "dân lậu sổ"

Thứ Sáu, 11/07/2008, 14:30
Huỳnh Văn Sinh là một trong số không nhiều những người đi "giải mã" vùng đất năng động Sài Gòn. Những thói quen, những ràng buộc, tình yêu và cả những niềm tin anh có được thuộc về mảnh đất này. Nhưng trong tâm trí anh, Sài Gòn mang nhiều nuối tiếc và cả sự hoài niệm.

Có nhiều điều của văn hóa Sài Gòn bản địa đã mất đi và người Sài Gòn hôm nay đang đối mặt với nhiều nguy cơ mới. Câu chuyện của Huỳnh Văn Sinh về Sài Gòn là câu chuyện dài, như thể không nói được hết 300 năm của miền đất này trong một ngày…

Sài Gòn xưa…

Những lưu dân đầu tiên đến Sài Gòn - Gia Định là những người nông dân nghèo ít chữ. Khi xuôi về phương Nam, họ là những người mạo hiểm, họ đi lênh đênh trên những chiếc thuyền qua đường biển.

Họ không đi theo dòng tộc, làng xóm và họ không phải những người con trưởng, họ là những người nghèo khổ nhất, đi mà không biết có trở về hay không. Họ men theo miền duyên hải, tiếp thu một tầng văn hóa mới của những người bản địa như Khmer, Mạ, Mnông… và sống trên những giồng, gò theo cách của người Khmer sinh sống.

Thuở xưa, Sài Gòn - Gia định có hệ thống kênh rạch chằng chịt với hơn 700km (giờ chỉ còn hơn 200km). Người Việt sống riêng rẽ trên diện rộng, và mỗi nơi đều có một người "đầu lĩnh" đứng ra gánh vác, lo toan và về sau thì cát cứ một vùng. Có thể coi đó chính là tiền đề của cái "giang hồ hảo hớn, đại ca Nam Bộ" sau này.

Như bộ phim "Dưới cờ đại nghĩa" mới phát sóng, đó chính là thời kỳ đầu của Sài Gòn được phục dựng lại. Người ta đã tìm đến mảnh đất này với mong muốn thay đổi cuộc sống, cho dù thay đổi theo hướng nào.

Và rồi, người Việt đã theo phương pháp "vết dầu loang", thấy nơi nào tiện cho sinh sống đi lại là tới đó. Gò Công (Tiền Giang) được coi là một trong những nơi lưu dân người Việt sinh sống nhiều nhất. Vào năm 1623, chúa Nguyễn cho lập đồn dinh Tân Mỹ (nay là ngã 6 Cống Quỳnh) nhằm bảo vệ người Việt đi làm ăn khẩn hoang.

Chúa Nguyễn, với chế độ thế khóa thông thoáng, tầm quản lý hành chính lỏng lẻo đã vận động được không ít những người có tài lực, vật lực đi khai khẩn miền đất này. Và đây được coi là cột mốc quan trọng trong hành trình của người Việt trên đất mới.

Người Hoa Sài Gòn - một nét riêng

Không thể phủ nhận được vai trò của người Hoa trong lịch sử kiến tạo văn hóa Sài Gòn. Năm 1679, người Hoa tới Cù Lao Phố. Trong cuốn "Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh", giáo sư Trần Văn Giàu có viết, năm 1778, vì giận Lý Tài, một phó tướng người Hoa giết con rể của mình, Nguyễn Nhạc đã đốt phá Cù Lao Phố, nên người Hoa tại đây đã tìm đường di cư về Sài Gòn…

Còn tại Mỹ Tho đại phố, sau sự biến xảy ra, chúa Nguyễn đưa quân vào dẹp loạn năm 1685, người Hoa cũng dạt về các triền sông. Người Hoa đi tới đâu là có thương mại và dịch vụ tại đó, với phong cách "gom thật lớn, chia thật nhuyễn".

Có thể gặp họ với những đại lý lớn trên các triền sông Bến Nghé, sông chợ đệm với việc kinh doanh buôn bán sầm uất. Và "văn minh miệt vườn" của những miệt cây trái phì nhiêu miền Tây xuất hiện được, cũng nhờ vào nội thương của người Việt và người Hoa.

Sài Gòn - thành phố "dân lậu sổ"

Những người "dân lậu sổ" chính là những người ngụ cư. Có thể từ xa xưa cho đến bây giờ, hình thức sẽ khác đi, cách sống có thể biến đổi, nhưng về bản chất họ không khác nhau. Vẫn là những người bản lĩnh, có năng lực, có tiền.

Chính họ là những người luôn bổ sung chất mới cho Sài Gòn. Chính vì thế, văn hóa Sài Gòn, cách sống của người Sài Gòn ngày càng được nâng cao. Năng động và sáng tạo, đó là hằng số của người Sài Gòn, không năng động không thể tồn tại.

Sài Gòn nay… và sự "cưỡng đoạt" văn hóa

Người Sài Gòn có một tính cách hay, đó là sự thực tế, tính trước, làm ngay. Nhưng hiện nay, trong một bộ phận không nhỏ, nó đã bị biến tướng thành thực dụng. Tính "trọng nghĩa khinh tài" của người Sài Gòn cũng nhạt phai đi.

Chỉ cần so sánh giữa những người dân nội thành với một số điểm ở ngoại thành như Hóc Môn, Bà Điểm, sẽ thấy được sự khác biệt. Quá trình đô thị hóa quá nhanh đã "cưỡng đoạt" đi nhiều những giá trị văn hóa và cốt cách của người Sài Gòn. Một cột mốc quan trọng trong văn hóa Sài Gòn là 18 thôn vườn trầu tại Bà Điểm - Hóc Môn đến nay đã chính thức bị xóa sổ.

Và mới đây, người ta còn có ý tưởng đập chợ Bến Thành để xây mới. Những người muốn đập chợ có lẽ không hề biết, chợ là nơi bảo tồn nếp sống, văn hóa của nền kinh tế hàng hóa, nó chứng tỏ Sài Gòn đã có nền kinh tế mở từ rất sớm. Và có lẽ họ cũng không hề biết, từ năm 1914, chợ được gọi là chợ Bến Thành vì nó nằm trên cửa sông Bến Nghé thành Sài Gòn…

Tăng dân số cơ học đang là gánh nặng của xã hội Sài Gòn, lỗi này là do quy hoạch thành phố. Lẽ ra phải đưa văn hóa đô thị phủ trước cho người dân trước khi quy hoạch vùng đất của họ thành vùng đô thị hóa.

Nhưng chúng ta đang làm ngược lại. Chính vì thế, văn hóa lề đường quá nhiều, sự phân tầng giàu nghèo đang diễn ra sâu sắc trong thành phố. Vào một ngày đầu tháng 6, tôi đã làm một quan sát nhỏ, với đoạn đường trên 10km từ ngã bảy Sài Gòn tới gần vòng xoay ngã tư Hàng Xanh, có tới 243 xe bán hàng rong của người dân ngụ cư, dân ngoại thành đổ về. Họ mưu sinh.

Vì đất của họ đã bị quy hoạch hết. Có thể trở thành sân golt, thành khu chế xuất hoặc thành một tụ điểm giải trí nào đó. Đây là một nguy cơ. Một điều nữa có trong văn hóa Sài Gòn nhưng nó đang bị lạm dụng quá nhiều, đó chính là "Sài Gòn nhậu".

Thống kê của một tờ báo cho thấy, hiện Sài Gòn có 10.000 quán nhậu có giấy phép trong lúc chỉ có chưa đầy 900 trường học, 34 nhà hoặc trung tâm văn hóa. Mỗi ngày, các quán nhậu này thu về 30 tỷ đồng tiền lợi nhuận, bằng một tỉnh nghèo "cày" trong 3 tháng.

Một phần tác động không nhỏ đến lối sống lãng phí, thiếu tiết kiệm trong tính cách người Việt Nam Bộ trước xu thế xã hội không còn là đất sống cho bản chất cố hữu thuộc về tự nhiên (hữu hạn) luôn ban tặng cho vùng này trong quá khứ

D.B.Nguyên (ghi)
.
.