Muôn mặt facebook – cả khóc lẫn cười

Thái độ facebook

Thứ Bảy, 05/12/2015, 09:17
Thêm lần nữa, chúng tôi lạm bàn xung quanh chuyên đề này. Bởi những gì đang diễn ra trên trang mạng xã hội facebook ở thời điểm hiện tại đã thay đổi quá nhiều thứ ở đời sống thực.


Chỉ tiếc, vô tình hay hữu ý mà nhiều cá nhân vẫn tin rằng, mạng là chuyện ảo chỉ có đời mới là chuyện thực.

1. Tôi có vài người bạn thân đều là các hot facebooker, ngay cả nhà báo Phạm Gia Hiền và nhà báo Hoàng Minh Trí, hai nhà báo cùng luận bàn về vấn đề này đều là những cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội facebook. Họ là hot facebooker.

Những điều hot facebooker chia sẻ, đa phần nhận được sự đồng tình của đám đông. Nếu không muốn nói, tính định hướng của các facebooker là điều không thể chối cãi. Đáng tiếc, không phải hot facebooker nào cũng sử dụng facebook của mình theo hướng đó. Nhưng thôi, đây là chuyện thuộc về quan điểm cá nhân.

Chỉ là trên facebook, năng lượng tích cực - nói như nhà báo Phạm Gia Hiền đang ngày càng ít dần đi.

Điển hình nhất là câu chuyện tranh luận liên quan đến việc facebook chuyển chế độ phủ cờ Pháp lên avatar (hình đại diện) như là cách sẻ chia với nỗi mất mát của Paris, của nước Pháp sau vụ tấn công khủng bố kép.

Minh họa: Hữu Khoa.

Một bài viết ngắn của tôi: “Black Friday - tháng 11 - 2015, thế giới bàng hoàng chìm sâu vào những  ngày đen tối. Máu của hàng trăm thường dân vô tội đã đổ ngay giữa Paris hoa lệ, nơi chỉ có ánh sáng của nghệ thuật và nụ hôn của những người yêu nhau. Người Pháp không khóc, người Pháp mạnh mẽ nắm tay nhau vượt qua khó khăn. Người từ các quốc gia khác tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ.

Facebook tràn ngập những avatar phủ cờ Pháp như một cách sẻ chia, cảm thông và động viên. Một cảm xúc thân ái ngập tràn. Vậy nhưng vẫn nảy sinh tranh cãi.

Chuyện này không có gì là quá ngạc nhiên, bởi bất cứ sự kiện nào xảy ra đều có những quan điểm trái ngược. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng cảm xúc là tình cảm chân thật, bột phát rất đáng trân quý. Cảm xúc không nhân danh sự kiện hoặc so đo vụ việc, bởi đó là tình cảm bản năng nhất mà con người may mắn còn sót lại. Tôi nhớ có lần một nhà ngoại cảm đã lý giải cho tôi cụm từ, “Bắn đi một mũi tên yêu thương”. 

Sau khi nghe sự lý giải ấy, tôi cảm thấy mình như vừa được khai nhãn. Đơn giản, đời sống xung quanh luôn có nhiều bất trắc, và nếu chúng ta cứ giữ khư khư mũi tên yêu thương kiên quyết không bắn đi vì sợ điều này hay vì ngại điều kia thì cuộc sống làm sao mà tốt đẹp được. Quan trọng hơn,  tận thẳm sâu trong tư duy của mình tôi vẫn tin rằng bất cứ ai sinh ra trên đời này đều tiềm tàng những thiện tính. Phải có thiện tính thì người với người mới sống để yêu nhau, sống để thương nhau, sống để xa xót và để thông cảm cho nhau được”.

2. Trên facebook, cá nhân có quyền thể hiện những buồn vui, bức xúc, cáu gắt trong cuộc sống. Đại khái, facebook như một kênh thông tin riêng cho từng cá nhân với sự liên kết rất mạnh.

Nhiều cá nhân hân hoan mê mải trong tính năng này của facebook ngày càng trượt dài hơn trong mớ hỗn độn thông tin trên facebook. Từ đây, những bước đi của họ ngày càng chệch choạc.

Họ vui buồn bằng nỗi vui buồn của người khác, khóc cười bằng kỹ thuật cắt ghép của người khác.

Vô hình trung, họ không còn là chính họ nữa. Đây là điều hết sức đáng tiếc.

Tôi không có ý khuyên nhủ ai, bởi nếu bạn đọc tôi nhiều bạn sẽ biết tôi là người đánh giá rất cao sự tu dưỡng và cực kỳ không thích tranh luận.

Có điều tôi nghĩ rằng, sống trên đời phải chọn cho mình một thái độ đúng đắn và chơi facebook cũng vậy.

Cá nhân thế nào - facebook thế ấy.

3. Người ta đang bỉ bai công văn của lãnh đạo một phòng giáo dục về cách hướng dẫn các giáo viên chơi facebook, trong đó có đoạn: “Khi tham gia mạng xã hội nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác”.

Thú thật, tôi không biết người ta bỉ bai cái gì công văn này, ngoại trừ bắt bẻ chữ nghĩa thì hai từ “nghiêm cấm” khiến vấn đề trở nên trầm trọng.

Mỗi cá nhân lựa chọn cho mình một công việc ở những tổ chức, đoàn thể thích hợp thì phải chơi facebook theo đúng tiêu chí mà tổ chức đoàn thể ấy đưa ra. Đây là điều hết sức sòng phẳng và minh bạch.

Tôi trích dẫn vài câu chuyện quốc tế làm cái kết cho bài viết này.

Một phụ nữ người Anh làm việc trong bồi thẩm đoàn của tòa án đã đăng tải lên facebook chi tiết vụ án mình đang theo. Cô viết: “Tôi không biết phải xử lý theo cách nào cả. Vì vậy tôi viết lên đây để tham khảo ý kiến mọi người”. Hành động này ngay lập tức khiến cô bị sa thải.

13 nhân viên hàng không của hãng Virgin Airlines đã bị sa thải sau khi công khai bàn luận về công việc của mình trên facebook. Họ chia sẻ về số lần động cơ máy bay được thay thế, những cabin đầy gián, và thậm chí đưa ra những bình luận xúc phạm tới hành khách.

Tania Dickinson, làm việc tại Bộ Phát triển xã hội New Zealand, đã mô tả bản thân trong hồ sơ facebook rằng, mình là “một cái chặn giấy đắt tiền”. Cô khoe rằng mình có năng khiếu lãng phí thời gian, đổ lỗi và trộm cắp văn phòng phẩm. Và “cái chặn giấy đắt tiền” này đã bị sa thải.

Và còn rất nhiều trường hợp khác.

Đừng nhầm lẫn giữa tự do và vô kỷ luật và tất nhiên, nhận định hay đánh giá khác với phỉ báng hay vu khống, tôi nghĩ vậy.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.